HÀ QUANG MINH - Troubadour - Tháng Chạp - Không lời...

12 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 7369)
HÀ QUANG MINH - Troubadour - Tháng Chạp - Không lời...

 

“Sao cô chú không về chơi vào dịp Tết?”. Tôi nhớ, đã có lần, tôi dạm hỏi ông Du Tử Lê điều đó, trong một đêm đầu xuân, Sài gòn, bên vỉa hè con đường cũ. “Thật ra, về vào dịp Tết không vui bằng sau Tết. Bằng hữu, bạn bè, họ đều có gia đình của họ. Cuối cùng, cô chú lại lủi thủi một mình. Thế nên cô chú chọn ăn Tết ở bên kia, rồi sau Tết về thăm quê nhà là hợp nhất”, ông đã nhẹ nhàng trả lời tôi như thế. Để rồi cả hai cùng chìm vào trong một khoảng lặng. À, phải rồi, chẳng phải là ông đã từng viết ‘Đi và về, cũng một nghĩa như nhau’ đó sao? Nếu chọn dịp Tết, chuyến về của ông sẽ chỉ còn là một chuyến đi đơn thuần, một chuyến đi có quê hương nhưng cũng như không thấy quê hương…

suoihoa_02-content

Tranh Suối Hoa

Đêm ấy, tôi đã không buồn gạn một mỏng lá me chập chềnh trong ly rượu nhỏ của mình. Ngoài đường phố kia, sau một cơn gió từ ngoài sông Sài gòn kéo về, những vụn lá me li ti trôi trong không gian, loang loang. Có mỏng lá nào trong đáy ly; có mỏng lá nào nằm trên mặt đường; có mỏng lá nào trên những ghế, bàn không… Đó là những chuyến đi của lá hay là những chuyến về? Tôi không phải lá, làm sao tôi biết. Và tôi cũng không biết, mình đang ngồi đây, xưa đã ngồi đó, mai lại ngồi kia…, khi nào là tôi “Đi” và khi nào là tôi “Về”. Đời sống này, không thể chỉ mặc định những chiều dịch chuyển lý tính như những vector. Phía trước hay sau lưng, cũng chỉ là những chiều vô hồn mặc định sẵn. Và ta chọn một chiều đi-về nào, cũng chỉ là lựa chọn của tâm-thần ở thời điểm chọn lựa mà thôi.

Nhưng có lẽ, tháng Chạp là tháng mà chọn lựa bỗng nhiên trở nên chung nhất, thậm chí đôi khi đồng phục nhất. Mọi chiều về của con người đang hối hả ngoài đời sống kia, thốt nhiên, đều là chiều quay lại với gia đình, nơi bàn thờ tổ tiên đang ấm mùi hương trầm, nơi cha, mẹ mỏi mòn mong những đứa con lang bạt trở về vào một đêm nào đó, ào vào nhà cho lòng người thấy Tết. Tháng Chạp, như ông Phan Vũ đã viết rằng ‘Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ’, là tháng như đánh thức những hình người đang cúi mặt cày bừa trong đời sống kia phải ngẩng đầu lên, nhìn, vọng, ngóng, mong, thổn thức về một hướng: gia đình….

Đêm. Tiếng máy lạnh chạy rì rì khiến cho con hẻm nhỏ càng thêm yên tĩnh. Không tiếng rao nào, không tiếng bước chân nào, không âm thanh phố phường nào còn lọt vào căn nhà nhỏ nữa. Đột nhiên, đêm tĩnh lặng ấy được chuyển động trong tiếng con gái nhỏ cựa mình, khóc trong chiêm bao, phụng phịu. ‘À ơi, má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu’, tiếng ru sắt lòng lại dỗ con êm êm quay vào giấc ngủ say không mộng mị. Chút chuyển động của đêm đã không còn, như thể đêm cũng cựa mình như con gái tôi, một chút thôi, rồi khép mi mềm, thiếp vào cơn ngủ. ‘Em cứ hát tiếp câu ấy đi’, tôi thì thào vào tai người bạn đời. ‘Anh không ngủ được sao?’. ‘Không, đừng hỏi. Chỉ hát tiếp câu ấy đi, anh thích như thế’. ‘À ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh…’; ‘À ơi, à ơi, à ơi’…, những tiếng à ơi rặt Nam bộ kia cứ quấn lấy tôi, một-tôi-nằm-yên-bất-động giữa đêm khuya. Tại sao tôi cứ chùng lòng mình lại mỗi khi nghe lời ru ấy? Tại sao tôi cứ tưởng ra hình ảnh một thiếu phụ trẻ, một đêm tháng Chạp nào, tựa cửa nhà chồng, nhìn ra ngoài trời tối đen không trăng, không sao, khẽ ngâm nga cho riêng mình rằng ‘Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu’? Đường về của người con gái ngày xưa coi như không còn nữa kể từ khi khoác tấm áo sang nhà chồng. Lại một lần nữa, ‘đi và về, cũng một nghĩa như nhau’. Về nhà chồng cũng có nghĩa là đi, đi khỏi nhà ba, nhà má… Và giữa cái mênh mông sông nước ở xứ lạ xa ngái nào, nghe chim kêu, vượn hú, nước mắt nhớ má khôn chừng. Tháng Chạp ấy, quay đi quay lại, một đời người bao nhiêu năm, bấy nhiêu tháng Chạp tựa cửa hát buồn, khúc hát của người không thấy đường về khi đã bằng lòng chọn lấy một chuyến đi… ‘

nguyettan-content-content

Tết này các con đừng có bận tâm đến chuyện phải về Hà nội với ba mẹ. Con bé con còn nhỏ quá. Nó ăn tết ở đâu, các con cứ ăn Tết ở đó thôi’. Ba tôi đã nói với chúng tôi như thế từ vài tháng trước. Lúc ấy, tôi nghe chẳng nghĩ ngợi gì. Bây giờ, ngoài kia là đêm, tháng Chạp quá gần, hơi thở của nó đã bắt đầu len lén trên những khung cửa của những gia đình xóm đạo. Người ta trang trí đèn, hoa, cây thông Giáng sinh, hang đá và máng cỏ để chuẩn bị cho dịp lễ lớn mừng Thiên Chúa. Đó là lúc thời gian bắt đầu tăng tốc trong năm thì phải. Sau Giáng sinh rồi Tết Tây. Chẳng mấy Tết Ta cũng sầm sập tới, sầm sập như tháng Chạp, cái tháng chưa tới mà đã len lén hơi thở của mình qua những song cửa, ngõ hẻm, phố phường…‘Có lẽ Tết này mình sẽ không về nhà’. Tôi cứ nằm miên man mãi với suy nghĩ ấy. Nếu vậy, có lẽ đây là Tết duy nhất trong gần bốn mươi năm làm bạn với cuộc đời tôi không có mặt ở nhà, không được trải qua những ngày hối hả, những phút tĩnh lại của giao thừa bên cạnh ba mẹ mình. Tự nhiên, nghĩ đến điều đó, trên ngực tôi như có gì đang đè lên, trĩu. Nặng. Nơi đây, tôi có một ngôi nhà, một gia đình riêng nhưng tại sao tôi vẫn cảm thấy mình như kẻ đang lênh đênh không đầu không cuối, như một người Gypsy không quê hương, không có nổi khái niệm “Về” trong những chiều dịch chuyển của mình, người Gypsy với ngọn cờ hình chiếc bánh xe cứ lăn hoài, lăn hoài, lăn miệt mài cho tới tận khi nào đôi môi nở một nụ cười cuối cùng làm bảo chứng rằng tôi đã đến đời sống này, trọn vẹn với đời sống này, chứng kiến tất cả của đời sống này và tất nhiên, trải qua cảm giác không thể hiểu nổi thế nào là ‘Đi’ và ‘Về’ trong những đêm tháng Chạp dài như đêm nay…

Tự nhiên nằm nghĩ suy như thế, tôi lại nhớ đến mấy hôm rồi ở Huế. Bên lò sưởi căn nhà ngoại vi thành phố của Thanh-Hải, trong mùi khói còn nồng nồng của đám củi âm ẩm, trong tiếng nổ lép bép của than, ngoài kia là bóng tối phủ khắp khu vườn, phủ khắp những ngôi nhà của xóm ngoại ô nhỏ bé, tiếng nhạc của gã Gypsy có tên Estas Tonne cứ thế vang lên, cứa thẳng vào tim của tôi bằng chính cái long lanh của những dây guitar réo rắt.

Những nốt nhạc ấy như chính cuộc đời của gã trai ấy, chấp. chới. Và tôi hình dung ra gã ngồi đó, trước mắt tôi, khuôn mặt đẹp như Jesus Cristo, mái tóc dài với từng lọn quăn, bay tung lên trong gió đêm phấp phới, bay như thể một lần được bay duy nhất trước khi lọn tóc ấy hấp hối. Một gã trai sinh ra và lớn lên ở Liên Sô cho tới khi 15 tuổi thì ôm đàn ra đi, khi cái mà hắn gọi là ‘quê hương thần thoại Soviet’ đã không còn nữa. Gã Gypsy ấy rong ruổi khắp châu Âu, rong ruổi sang cả Bắc Mỹ để làm một cuốn phim, một cuốn phim mà chất liệu chính là chuyến đi của đời mình, chuyến đi không bao giờ có điểm trở về. Hành trang chỉ là cây đàn, chỉ là những nốt nhạc mà gã viết nên từ chính những gì được nghe thấy trên con đường rong ruổi của mình, con đường mà người ta gọi gã là ‘kẻ hát Troubadour không lời’. Ấy vậy mà gã Gypsy ấy vẫn có những lúc còn mơ thấy lối ‘về’, khi gã nói đến nước Nga. ‘Một ngày nào đó tôi sẽ quay lại, tôi phải quay lại, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi người ta gọi bây giờ là nước Nga, một đất nước mới, và tôi sẽ bắt đầu lại từ đó, là một tôi-mới’. Ừ nhỉ, những kẻ Gypsy ra đi tưởng như là cứ đi mãi, không quê hương, không lối về nhưng cuối cùng vẫn nghĩ về nơi đầu tiên mở mắt ra làm bạn với đời sống này. Và tôi cũng vậy thôi, kẻ-thèm-được-là-Gypsy, cũng phải mơ về nơi tôi bắt đầu, trong một tháng Chạp bất kỳ như tháng Chạp tôi chào đời, với khăn len áo lạnh, với đường phố không người bàng bạc gió, bàng bạc mưa, bàng bạc đèn khuya, bàng bạc khói mẹ hóa vàng tháng Chạp. Hà nội trong tôi vẫn là Hà nội như thế. Không quán nhậu khuya ồn ào như bây giờ, không rộn ràng người xe nườm nượp như bây giờ, không áo quần ấm đẹp như bây giờ, không đèn màu pháo hoa như bây giờ. Đó là một Hà nội tĩnh, một tháng Chạp cũ mà tất cả những gốc cây, cột đèn, ngã tư, vỉa hè đều cô đơn trong một đêm vắng lặng đến sững người. Tôi đã bước đi trong những đêm tháng Chạp như thế, trong những con phố hẹp và mưa bụi lớp lớp phủ lên tóc lạnh như thế, đi nghiêng ngả bóng, xiên xiên bóng, liêu xiêu bóng dưới đèn vàng mờ mờ như thể mỗi bước đi sẽ mỗi thấy căn nhà cũ hiện dần lên trong mắt mình, căn nhà nằm yên trong lòng phố nhỏ, căn nhà mà tôi đã tần ngần đứng tựa cửa sổ cũ trong một tấm hình đã ố mà mẹ mang theo những tháng ngày mẹ phải đi xa. Nhưng bây giờ, khu phố nhỏ đó không còn là chính nó nữa. Nó chỉ còn là một sải gánh đang oằn mình dưới những mưu sinh của con người hằng đêm và xoá sạch đi những gì với tôi đã trở thành kỷ niệm. Cả thành phố ấy bây giờ cũng đã khác, với những con người rất khác, để tôi ám ảnh mình mỗi tháng Chạp trở về bằng nỗi muộn phiền thấy mình xa lạ giữa chính quê hương, cô đơn giữa chính quê hương, lạc lõng giữa chính quê hương… mà may mắn cuối cùng là tôi còn mẹ cha để dựa vào đó, để nghĩ rằng chuyến đi tháng Chạp kia chính là một trở về…

ndt-15-content-content

Bây giờ tôi vẫn nằm đây, giữa đêm thật khuya này, tiếng ‘à ơi’ Nam Bộ xoáy sâu vào tim cũng đã không còn nữa. Chỉ còn hơi thở đều của giọng hát ấy song đôi với hơi thở đều của cô con gái nhỏ. Đêm lặng quá, lặng đến nỗi tôi cũng không muốn buông một tiếng thở dài. Đi hay về đây, khi tháng Chạp bỗng nhiên cho tôi cảm giác lẫn lộn giữa “Đi” và “Về”, khi không hẳn cũng một nghĩa như nhau. Chợt nhớ, thằng em đồng nghiệp hôm trước trả lời tôi ‘Mấy năm rồi em không có điều kiện về ăn Tết’. Nó ở Trung, nó cũng vất vả lăn lộn mưu sinh đất Sài gòn này cũng mấy năm rồi. Với nó, có lẽ “Về” là một cảm thức rõ lắm, rõ như tôi đã hình dung người thiếu phụ son trẻ nào ngồi tựa cửa nhà chồng đêm khuya mà luyến láy ‘biết nhà má đâu’. Cuộc sống này thật trớ trêu, với những người cảm thức “Về” rõ đến thế thì lối về lại quá khó, khiến quê nhà, gia đình bỗng nhiên lại quá xa. Còn với tôi, thằng ‘Gypsy nửa mùa’ này, khi một chuyến hành trình không phải là điều quá sức mình thì lại nằm băn khoăn ‘đi hay về’ trong một đêm nằm nghe tháng Chạp len lén thở sau lưng.

Tự nhiên, nghĩ đến đó, hai mắt thấy cay cay. Người Gypsy với khúc Troubadour không lời ngả nghiêng trên những đường phố nào ở New York, Paris, Tel Aviv, Madrid, Berlin, Venice. Dehli…, ngả nghiêng với mái tóc bay cuộn lên trong chớm gió, ngả nghiêng dưới bầu trời xanh thẳm phủ lên những mái nhà nho nhỏ, ngả nghiêng giữa những quảng trường rộng vắng người, ngả nghiêng bên những đài phun nước đẹp tuyệt vời, ngả nghiêng trong âm thanh mà gã đã nhặt nhạnh từ mọi nẻo đường đã trôi, ngả nghiêng trong những ngày rong ca dài bất tận của đời, ngả nghiêng cho đến tận cuối cùng mới bộc lộ ra rằng vẫn còn một nỗi hoài hương lớn và sâu trong trái tim tưởng như đã sạn chai theo vết bánh xe lăn. Tôi chợt muốn ngân nga lên riêng những khúc Troubadour của mình, những khúc Troubadour có mùi khói cay cay của những đêm mẹ hóa vàng, có mùi ẩm ẩm của những lá bàng phủ dưới gốc đêm mưa phùn, có màu rêu cũ bám trên những mảng tường phố nhỏ, có ánh đèn đường mờ mờ sắc vàng quạnh quẽ trên những cột đèn đứng im như chứng nhân cho những đêm thành phố không người, có tiếng tích tắc kim đồng hồ chạy đều đều khi ba đang thắp những nén nhang cuối ngày cho ấm bàn thờ ông bà mùa giáp Tết, có thấp thoáng bóng người con gái hàng xóm nào đang vội vã rửa nốt mớ lá dong bên bể nước tập thể, có tiếng chốt cửa nhè nhẹ của căn nhà nào đó vào lúc cuối ngày, có tờ lịch hồng báo lên những háo hức trẻ thơ những ngày mong Tết. Tất cả, dồn lại, vang lên trong tôi, theo một giai điệu không định trước, theo một thứ tự lộn xộn không sắp đặt được, theo một hình dung về những tháng Chạp ngày xưa, những tháng Chạp mà tôi không-bao-giờ-có-thể-trở-về-lại, những tháng Chạp đã chỉ còn mờ mờ nằm đó, phủ một lớp bụi mỏng mà đôi khi tôi không dám đặt tay lên, sợ dấu tay để lại sẽ làm đè thêm trên lồng ngực trái trĩu. nặng. Để rồi từ đó, khúc Troubadour không lời của riêng tôi, cũng bắt đầu, nghẹn, đứt…

Saigon, Tháng Chạp, 2013

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Ba 20233:29 CH(Xem: 24)
Lâu lắm rồi Ngần mới lại khóc, những giọt nước mắt buồn đến tê dại.
12 Tháng Ba 20231:11 CH(Xem: 97)
Khải nói qua điện thoại, từng chữ một nhả chậm.
23 Tháng Hai 202310:06 SA(Xem: 377)
Ừ! Nó phải trở lại thôi. Nợ trần chưa dứt. Cõi nhân gian đang đợi nó về...
07 Tháng Hai 20239:28 SA(Xem: 254)
Và cuối cùng sau một tuần dò la, săn đón, sáu Liên nhờ hai cô gái là Huế và Nhạn, đã dụ được Thơm để làm mồi tế thần cho ông Phiêu.
04 Tháng Hai 20231:37 CH(Xem: 424)
Cô ngước nhìn mảnh trăng trên đồi, nghe như trăng đang thầm thì kể chuyện
26 Tháng Giêng 202310:52 SA(Xem: 234)
Trên vách tường bóng cha cúi xuống, tiếng đàn bầu lại rung lên trong đêm, khắc khoải, đợi chờ...
23 Tháng Giêng 202310:45 SA(Xem: 199)
Hãy nhìn dương thế của chúng ta mà xem. Thật đáng tởm.
22 Tháng Giêng 202312:20 CH(Xem: 167)
Sau hơn sáu mươi năm, kể lại chuyện xưa, tôi chỉ còn biết mỉm cười!
11 Tháng Giêng 20239:04 SA(Xem: 309)
Tôi thầm gọi: Hoàng Sa ơi, hẹn ngày về lại Hoàng Sa!
22 Tháng Mười Hai 20224:19 CH(Xem: 278)
Đêm chùng như võng. Chị một mình trong căn buồng lạnh ngắt, chiếc áo anh treo trên móc chị cố tình không giặt, vậy mà đến nó cũng chẳng giữ được mùi anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 7637)
Người đầu tiên hăm hở xắn tay áo, bước vào lãnh vực xuất bản, giai đoạn sơ khai, là ông Đỗ Ngọc Tùng, nhà Đại Nam
(Xem: 8626)
Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?
(Xem: 18113)
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
(Xem: 5830)
Trong sinh hoạt âm nhạc tại miền nam VN, 20 năm (1954-1975) rất nhiều người biết tên tuổi nhạc sĩ Ngọc Chánh.
(Xem: 8398)
Họ Phạm còn được nhìn nhận là người khai sáng môn Thể dục Khí công Hoàng Hạc, ở miền nam California.
(Xem: 4559)
Ông chọn làm chiếc lá thu đầu tiên bay vào không gian mùa Thu tuyệt đẹp vừa chớm ở Cali.
(Xem: 201)
Thơ Du Tử Lê sang trọng, giàu hình tượng, điển tích cùng với mối liên tưởng phong phú đi sâu vào tầng lớp sinh viên, trí thức.
(Xem: 9926)
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
(Xem: 10080)
“Ngay sau khi gặp ông, tôi đã bước sang “chặng đường ngỡ ngàng.” Không ngỡ ngàng sao được khi mà đứng bên ông
(Xem: 4543)
Thi ca lan tỏa không chỉ trong từng ngóc ngách của căn nhà ông ở
(Xem: 15784)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 5607)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 5505)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 5913)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 6103)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 26418)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 18289)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 21614)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 19578)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 18044)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 15463)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 14574)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 14760)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 13784)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 13552)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 20665)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 27851)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 32107)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,