“Trong như tiếng hạc bay qua”
(Kiều – Nguyễn Du)
“Hoàng
hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch
vân thiên tải không du du”
(Thôi Hiệu)
Bài nầy viết năm 2000 với tựa đề “HÀ THANH, Chim Hoàng Oanh Đất Thần Kinh” cho tờ Thế Giới Nghệ Thuật (Lâm Tường Dũ, chủ bút & tôi, tổng thư ký). Nay viết lại khi nhận được tin buồn ca sĩ Hà Thanh về miền miên viễn. Bài viết nầy trích thêm các bài viết của vài tác giả như lời chia buồn với người quá cố.
VTrD
*
Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hòa nhập trong âm điệu du dương như hoàng oanh, cao vút như sơn ca, trầm bổng như họa mi. Mang âm hưởng đó, có tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thùy dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với giai điệu trầm bỗng, thướt tha: Hà Thanh.
Sinh trưởng ở Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, lớn lên bên dòng Bến Ngự, đường Huyền Trân Công Chúa, Trần Thị Lục Hà sinh ra trong gia đình gia giáo có mười anh chị em (Lục Hà là người con thứ tư), theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh. Là một Phật Tử thuần thành, thuở nhỏ đã được quy y với Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.
Lục Hà thích hát từ thuở mới cắp sách đến trường, dần dà năng khiếu về ca hát được thể hiện qua chương trình “Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học - Đồng Khánh” trên đài phát thanh Huế.
Theo bài viết của Trần Kim Đoàn vào năm 2007: “Làng Liễu Hạ và họ Trần nhà tôi… dòng họ Trần Kiêm chúng tôi có bác Trần Kiêm Phổ làm trưởng tộc thì lại càng quan tâm nhiều hơn. Bác "Trợ Phổ", thân phụ của chị Hà Thanh, với dung mạo uy nghi, thường cầm cân nẩy mực cho cả dòng họ, nay lại cho phép chị Hà đi hát công khai trên đài phát thanh, thì quả là một cuộc "đại cách mạng" trong quan niệm truyền thống còn mang nhiều định kiến của đất lề quê thói rất Huế đương thời.
Ngày đó, khu nhà vườn cổ kính ở mé này nhánh sông Hương nối liền với sông An Cựu nắng đục mưa trong; ngó qua mé bên tê sông là trường Pellerin vẫn thường được giới nam nhi Huế ròng và Huế "bậu" - bắt chước Lan Đình gọi là "Vườn Thúy Hạnh" - vì một nhà mà có nhiều hơn cả "ngũ long công chúa", đều mang tên chữ có bộ thảo và rất chi là... tường Đông ong bướm đi về mặc ai: Tố Cần, Hà Thanh, Phương Thảo, Liên Như, Thúy Vy, Bạch Lan, Hoàng Mai”.
Bước Đường Nghệ Thuật
Năm 1955, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Huế tổ chức, cô nữ sinh Lục Hà của Trường Đồng Khánh vào tuổi trăng tròn, tham dự với danh xưng Hà Thanh. Qua 6 nhạc phẩm rất khó hát được Hà Thanh trình diễn như Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Bleu) của J.Strauss, lời Việt của Phạm Duy, Nhạc Buồn (Tristesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc, Đêm Tàn Bến Ngự & Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Được Mùa của Phạm Đình Chương, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn - Từø Linh. Hà Thanh được Ban Giám Khảo chấm giải nhất với số điểm 19/20.
Tên tuổi Hà Thanh đã được giới yêu thích âm nhạc ái mộ với làn hơi trong sáng, êm ái, ngọt ngào, cao sang, mượt mà, bóng bẩy, tình tự quê hương, có nét độc đáo trong âm điệu đất thần kinh. Tuy yêu nghề nhưng chưa dấn thân vào nghiệp, Hà Thanh vẫn tiếp tục con đường học vấn, chỉ hát ở Huế nhưng những ca khúc được trình bày đã vang xa khắp bốn phương trời qua làn sóng phát thanh của đài phát thanh Huế, đánh dấu sự chờ đợi, hẹn hò của các trung tâm phát hành đĩa nhạc ở thủ đô Sài Gòn.
Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn, Hà Thanh đã được các trung tâm đĩa nhạc Continental, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam mời thu thanh nhiều nhạc phẩm chọn lọc.
Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập trong môi sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Từ đó, góp mặt với những tiếng hát hàng đầu như Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước, Mai Hương, Lệ Thu, Minh Hiếu, Thanh Thúy, Quỳnh Giao, Hoàng Oanh... Vào giữa thập niên 60, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại Nhạc Hội... Thời gian kế tiếp, xuất hiện trên đài truyền hình, một giọng ca mượt mà rất Huế, một hình ảnh rất thân quen đã tạo dựng cho tên tuổi Hà Thanh với sắc thái đặc biệt gắn liền với nhiều bản tình ca in sâu vào tâm tư tình cảm tha nhân.
Vào cuối thập niên 50, Nguyễn Văn Đông cho ra mắt vài nhạc phẩm đầu tay như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ... Quái kiệt Trần Văn Trạch đã đưa ca khúc Chiều Mưa Biên Giới lên đỉnh trăng sao trong khung trời ca nhạc. Thập niên 1960, Nguyễn Văn Đông làm Giám Đốc nghệ thuật trung tâm đĩa nhạc Continental, ca khúc Chiều Mưa Biên Giới qua tiếng hát Hà Thanh đã đưa người nghe lâng lâng tâm hồn, bay bỗng “Theo áng mây trôi chiều hoang, bầu trời xanh xanh, vầng trăng, cờ về chiều tung bay phất phới...”. Và, hình ảnh biên giới với “Người đi khu chiến thương người hậu phương. Thương màu áo gởi ra sa trường” được khơi dậy trong lòng mọi người tình người giữa bối cảnh chiến tranh.
Từ đó, nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Đông được Hà Thanh trình bày, qua các thập niên, vẫn là tiếng hoàng oanh ngân vang đầu núi. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân... của Nguyễn Văn Đông, qua tiếng hát, vô hình chung trở nên “bản quyền” của Hà Thanh. Ở đó, có khi như định mệnh, thời gian ở hải ngoại, Hà Thanh gắn liền với Hải Ngoại Thương Ca.
Với những ca khúc trữ tình như Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, với Tà Áo Tím, Thuở Ấy Yêu Em, Anh Đi Về Đâu, Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên, với Chùa Hương của Hoàng Quý, Dứt Đường Tơ của Văn Thủy và Dzoãn Mẫn với Hoa Xuân, Mối Tình Trương Chi của Phạm Duy, Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục, Nha Trang của Minh Kỳ, Bến Giang Đầu của Lê Trọng Nguyễn, với Thiên Thai của Văn Cao, Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, Nỗi Niềm của Tuấn Khanh, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng... được Hà Thanh trình bày, qua bao thập niên, vẫn là giọt sương long lanh, tiếng hót của loài chim quý trên đỉnh núi, lời tình tự ngát hương.
Nổi Trôi Theo Dòng Đời
Trong văn giới, Mai Thảo đã một thời mê bóng dáng Hà Thanh. Vào thập niên 60, Mai Thảo trông coi tạp chí Kịch Ảnh nên có sự giao tiếp rộng rãi trong giới ca nhạc. Lê Hà Nam trong bài viết về Mai Thảo đã đề cập:... “Vào cuối thập niên 50, đã từ Sài Gòn, một mình bay ra cố đô Huế; lừng lững tới tận nhà người ca sĩ (sau nầy trở thành danh ca dưới tên H.T). Đó là Mai Thảo, ông hoàng của Đêm sài Gòn. Không chỉ đa số các khán giả không biết mà, ngay cả song thân của người ca sĩ tên Lục Hà cũng kinh ngạc, ngỡ ngàng khi nghe Mai Thảo nói:
Tôi là Mai Thảo, từ Sài Gòn ra, chúng tôi thật sự muốn lấy L.H làm vợ...
Và, cũng ngay sau đó, song thân của người con gái họ Lục tự thấy rằng sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, mếu có một chàng rể như... Mai Thảo”.
Nhà thơ Diên Nghị, cựu học sinh Quốc Học Huế, khi làm Quản Đốc đài phát thanh Huế, ái mộ Hà Thanh nhưng biến cố năm 1963, có sự đụng chạm đến vần đề tôn giáo nên có bất đồng. Và, đó phải chăng là lý do Hà Thanh bỏ đất thần hinh để vào Sài Gòn?
Hình như ca sĩ thường lập gia đình rất sớm, nhưng Hà Thanh lập gia đình vào tuổi “tam thập nhi lập”. Năm 1970 kết duyên với người hùng trong binh chủng Thiết Giáp, Trung tá Bùi Thế Dung, Thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 11. Năm 1972, Kim Huyên ra đời. Hiện nay, nha sĩ Bùi Trần Kim Huyên nối nghiệp cầm ca theo thân mẫu.
GS Bùi Tường Huân, bà con họ hàng với anh Bùi Thế Dung. GS Bùi Tường Huân, cựu Khoa Trưởng đại học Luật Khoa Huế, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, lập gia đình với cô Phương Thảo (chị ruột Hà Thanh). Vì vậy vào thời điểm cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Khi nội các Vũ Văn Mẫu thành lập, GS Bùi Tường Huân làm Bộ trưởng Quốc Phòng và anh Bùi Thế Dung làm Thứ trưởng QP.
Mũ đen Bùi Thế Dung cũng thích thơ phú. Có hai câu thơ ghi ở trường Thiết Giáp:
“Vó
câu ngàn dặm không sờn chí
Xích sắt
ngàn mile chẳng sợ mòn”.
Hà Thanh cùng chồng sống bên nhau được bốn năm, biến cố tang thương xảy ra. Năm 1975, phu quân Hà Thanh vào chốn lao tù và trải qua 13 năm. “Hà Thanh sang Mỹ năm 1984. Có những cây cầu đã gãy trong chiến tranh và những mối tình gãy đổ sau cuộc chiến. Trong cảnh "trải qua một cuộc bể dâu", Hà Thanh tìm về với thiền học, thiền định và thiền ca” (Trần Kim Đoàn)
Năm 1984 Hà Thanh và đứa con gái duy nhất được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Tháng ngày xa vắng ở hải Ngoại, Hà Thanh, ăn chay và cầu nguyện cho phu quân được bình an và mong ngày sum họp. Năm 1990, vợ chồng được đoàn tụ với nhau. Thế nhưng, theo dòng thời gian với bao nỗi trớ trêu của hệ lụy, bóng tối cuộc tình đổ xuống trong tuổi bóng xế của cuộc đời sau 2 năm gần gũi bên nhau!. Định mệnh thật trớ trêu!
Tuy là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hoàn cảnh đời sống hải ngoại đưa đẫy công việc không liên quan đến nghề nghiệp trong sinh hoạt văn nghệ. Nói như thi hào Nguyễn Du “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, làm sao rời bỏ tiếng ca, giọng hát khi lòng còn tha thiết, vẫn còn trong sáng, ngọt ngào, nét độc đáo trong tiếng hát. Trong suốt thời gian vợ chồng xa cách, Hà Thanh rất ít xuất hiện trên sân khấu, con chim hoàng oanh, sơn ca… ngậm ngùi im tiếng. Đã một thời nơi đất thần kinh, Hà Thanh được mệnh danh con chim họa mi trong vòm trời ca nhạc.
Năm 1985 trung tâm Giáng Ngọc thực hiện CD Hải Ngoại Thương Ca, gồm những ca khúc Hà Thanh đã trình bày trước năm 1975 ở Sài Gòn.
Bước vào thập niên 90, thỉnh thoảng về thăm Little Saigon cho vơi đi nỗi buồn, Hà Thanh xuất hiện, trình làng tiếng hát trong vài cuốn CD. Ngoài những ca khúc được hát chung với vài ca sĩ thành danh, tiếng hát Hà Thanh với CD kế tiếp Chiều Mưa Biên Giới, gồm hai mươi ca khúc quen thuộc, vang danh. Những ca khúc nầy đã một thời tạo dựng tên tuổi Hà Thanh nổi tiếng trong kiếp cầm ca. Và, ngược lại, đôi khi còn là của riêng bởi giọng ca đặc biệt ngọt ngào, thướt tha, mềm mại như lụa đào, như dáng liễu nhẹ nhàng tung bay trong làn gió nhẹ.
1995: Chiều Mưa Biên Giới
1995: Sầu Mộng
1999: Ngát Hương Đàm - Phật Ca
2000: Chinh Phụ Ca
2003: Nhành Dương Cứu Khổ - Phật Ca
CD Sầu Mộng gồm mười nhạc phẩm được chọn lọc của Phạm Vũ như Hương Bay, Sầu Mộng, Mây Mùa Thu... tuy không được ái mộ nhiều nhưng cũng là món quà đóng góp trong vườn hoa nghệ thuật hải ngoại.
CD Ngát Hương Đàm gồm 12 ca khúc mang mầu sắc Phật Giáo, ngợi ca đức tin, lòng yêu thương, huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Là Phật Tử, Hà Thanh thường đi trình diễn trong dịp lễ của Phật Giáo như công quả thệ nguyện. CD Nhành Dương Cưu Khổ được tiếp nối sau CD về đạo ca mà Hà Thanh ôm ấp trong tâm tưởng. CD Nhành Dương Cứu Khổ do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng hòa âm, đúng như ý nguyện của tâm hồn mộ đạo với Tam Bảo.
Bất hạnh xảy đến với Hà Thanh khi thu ca khúc Hoa Xuân cho trung tâm Thúy Nga, ca khúc Nha Trang cho trung tâm Asia… Hà Thanh khám phá vướng vào căn bịnh hiểm nghèo ung thư máu. Từ đó, tránh né và gần như cắt đứt mọi liên lạc với những tình thân.
Những Dòng Chia Sẻ
Nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ trình bày để tạo ca khúc trở thành “tác phẩm nghệ thuật” được gắn bó với nhau khi đề cập đến ca khúc có sự liên tưởng.
Trong bài phỏng vấn giữa Hoàng Chi Lan và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vào năm 2007, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chia sẻ:
“Lần đầu tiên, tôi được gập cô Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát Thanh Sàigòn ở số 3 đường Phan Đình Phùng ngày xưa, bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu. Khi ấy, tôi là Trưởng Ban Tiếng Thời Gian của đài phát thanh Sài Gòn với các ca sĩ như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc v.v. Ngày đó cô Hà Thanh từ Huế vào Sài Gòn thăm người chị gái lập gia đình với một vị Đại tá đang làm việc ỡ Sài Gòn.
Chính nhạc sĩ Mạnh Phát cho tôi biết về cô Hà Thanh nên tôi nhờ Mạnh Phát liên lạc mời cô Hà Thanh đến hát với Ban Tiếng Thời Gian. Đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của tôi, không nghe qua làn sóng phát thanh hay qua băng đĩa nhạc.
Điều này giúp cho tôi có cơ sở nhận định chính xác về giọng hát Hà Thanh. Tôi hiểu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn hơi diễm cảm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ỡ đỉnh cao nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội phát tiết hết hào quang cũa mình. Ngay sau đó, tôi có mời Hà Thanh thâu thanh cho hãng đĩa Continental. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản nhạc đầu tiên tôi trao cho Hà Thanh là bài Về Mái Nhà Xưa do tôi sáng tác. Lần đó, cô Hà Thanh hát thật tốt, toàn ban nhạc và Ban Giám Đốc hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau ngày đó, cô Hà Thanh từ giã trỡ về lại Huế, trở về lại với cố đô trầm mặc, tĩnh lặng, không sôi nổi như thủ đô Sài Gòn, là cái nôi của âm nhạc thời bấy giờ.
Sau khi Hà Thanh trở về Huế, tôi có nhiều suy tư về giọng hát đặc biệt này. Tôi ví von, cho đây là vì sao còn bị che khuất, chưa toả hết ánh hào quang, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để đăng quang, nếu phó mặc cho thời gian, cho định mệnh, có thể một ngày kia sẽ hối tiếc. Vì vậy tôi đem việc này ra bàn với Ban Giám Đốc hãng đĩa Continental để mời cô Hà Thanh vào Sài Gòn cộng tác.
Chính tôi viết thư mời cô Hà Thanh vào Sài Gòn với những lý lẽ rất thuyết phục, rất văn nghệ, rất chân tình. Và cô Hà Thanh đã vào Sài Gòn sau khi đã tranh đấu gay go với gia đình bố mẹ, vốn giữ nề nếp cổ xưa của con người xứ Huế. Ngày đó Hà Thanh vào Sài Gòn, hoà nhập vào đời sống người Sài Gòn, vào nhịp đập âm nhạc Sài Gòn, vốn đứng đầu văn nghệ cả nước. Hà Thanh đi thâu thanh cho đài phát thanh Sài Gòn, đài phant1 thanh Quân Đội và nhận được lời mời tới tấp của các hãng đĩa băng nhạc như Sóng nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải và hầu hết các trung tâm ở thủ đô Sài Gòn , chứ không phải chỉ riêng cho Hãng dĩa Continental và Sơn Ca của tôi.
… Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát cũa tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật.
Tôi cho rằng Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó. Tôi cám ơn tiếng hát của Hà Thanh đã mang lại cho các bài hát cũa tôi thêm màu sắc, thêm thi vị, bay bổng…
… Tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật. Sau biến cố 1975, tôi không còn dịp hợp tác với cô Hà Thanh như trước đây. Nhưng thỉnh thoảng tôi được nghe cô hát một sáng tác mới của tôi ở hải ngoại, tôi vẫn cảm thấy tiếng cũa cô vẫn đậm đà phong cách ngày xưa, vẫn một Hà Thanh diễn cảm, sang trọng, sáng tạo trong khi hát, mặc dù thời gian chia cách đã 40 năm qua”.
Nhà thơ Nhất Tuấn, tác giả Chuyện Chúng Mình vang tiếng một thời, nói về Hà Thanh như sau:
"Tôi có dịp gặp Hà Thanh khi làm quản đốc đài phát thanh Quân Đội (1968) tại Sài Gòn. Hà Thanh lúc đó hát rất hay và xuất hiện thường xuyên trên các đài VOF, Mẹ Việt Nam, đài Sài Gòn, đài Quân Đội. Hà Thanh càng ngày càng nổi tiếng. So với những ngày còn ở Huế, sự giao thiệp của Hà Thanh có phần bạo dạn hơn đôi chút, nhưng vẫn còn dè dặt và giới hạn lắm. Thời này Hà Thanh hát nhiều bài của Nhất Tuấn do Phạm Duy, Đan Thọ, Hoàng Lan phổ nhạc. Đặc biệt là Hà Thanh hát rất nổi tiếng những nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông và nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Bài nào Hà Thanh hát lên cũng làm người nghe rung động vì khi hát nàng để hết tâm hồn vào lời thơ, ý nhạc của tác giả muốn gởi gắm trong bài. Hà Thanh như "nhập" vào bài hát để diễn tả, để làm toát lên giọng Huế rất dễ thương"
… Dáng người thanh tú, cao cao, nụ cười vui tươi luôn nở trên môi với nét mặt rạng rỡ. Tính nết Hà Thanh nhu mì, hiền dịu, khác biệt trong giới nghệ sĩ".
Và với Hoàng Lan Chi: “Khi tôi bước vào ngưỡng cửa trung học, một loạt các ca sĩ có chữ “Thanh” phủ đầy làn sóng thu thanh, phương tiện duy nhất thời đó. Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh, Thanh Thúy…Với tôi, Hà Thanh có một vị trí đặc biệt và cũng với tôi, tiếng hát ấy là ‘tiếng hát hoa đàò’”...
Ca sĩ Quỳnh Giao, với nhiều bài viết về giới ca nhạc, năm 2012 viết như sau: “Hà Thanh có được Huế cưng quý như vậy trước hết là nhờ giọng ca thiên phú, trong trẻo cao vút. Đây là một trong vài giọng soprano hiếm có của Việt Nam. Hà Thanh hát dễ dàng như hơi thở. Khi lên cao, giọng lồng lộng, thoải mái cho chúng ta cảm tưởng chiếc diều phơi phới trên nền trời xanh ngắt.”
Trong bài viết trước đây với nhạc sĩ Hoàng Nguyên, khi anh và tôi ở chung căn phòng hơn 3 tháng trong thời gian về học Khóa 3 trung cấp CTCT vào Hè năm 1971 tại trường đại học CTCT Đà Lạt. Anh cho biết ngoài ca khúc Ai Lên Xứ Hoa Đào, nhạc phẩm Tà Aùo Tím được Hà Thanh trình bày lột tả được cái hồn trữ tình trong ca khúc. Giọng Huế rất ngọt, tiếng hát Hà Thanh càng ngọt ngào hơn. Ngày xưa Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu thấy bài thơ của Thôi Hiệu, Lý Bạch định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:
“Nhãn
tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi
Hiệu đề thi tại thượng đầu...”.
Những ca khúc bất hủ viết về nơi chốn thần kinh như Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Ai Về Sông Tương (Thông Đạt), Từ Đàm Quê Hương Tôi (Văn Giảng), Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Đình Quân), Tà Aùo Tím (Hoàng Nguyên), Cô Nữ Sinh Đồng Khánh (Thu Hồ)… qua tiếng hát Hà Thanh; ca sĩ cũng như thi nhân ngày xưa, cảm nhận và ca ngợi: tuyệt!
Hà Thanh được hầu hết mọi người ái mộ từ nhân cách của người ca sĩ đến giọng ca được trải dài trong hơn nửa thế kỷ. Bước sang tuổi thất thập, Hà Thanh còn giữ được giọng ca truyền cảm, điêu luyện để đóng góp vào dòng sinh hoạt ca nhạc hải ngoại. Hà Thanh thực hiện tiếng ca thiên phú, trong như tiếng hạc, nhẹ tựa mây trôi… để được lưu truyền, nếu không, phôi phai theo thời gian, mỗi chuổi giây đưa ta về miền cát bụi... rồi một ngày nào đó, không còn tác phẩm cho đời, ngậm ngùi tiếc nuối.
Hà Thanh, một giọng ca bay bỗng, lẫy lừng, tiếng hát đã chinh phục hàng triệu trái tim trên làn sóng điện, lưu lại trên hệ thống internet hiện nay. Và, một cuộc sống trầm lặng. mộ đạo, hiếu thảo. Tiếng hát Hà Thanh cao vút, luyến láy rất nhuần nhuyễn khơi dậy nhựng mạch nguồn của nhớ nhung, của một thời yêu thương với khung trời vấn vương bao kỷ niệm êm đềm, của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước... tất cả mang theo hình ảnh thân thương của bóng dáng quê hương. Tiếng hát Hà Thanh như cuốn hút người nghe thả hồn về quá khứ, thả mình trong tĩnh lặng, trong nỗi xa xăm bị đánh mất, mịt mù thức mây... được vỗ về, bầy tỏ, an ủi cho nhau bởi âm điệu ngọt ngào du dương.
*
Về tuổi tác, có sự khác nhau khi loan tin ca sĩ Hà Thanh qua đời lúc 7 giờ 27 tối Thứ Tư, ngày 1 tháng 1, 2014 tại Boston. Thọ 78 tuổi. Trên giấy tờ, Trần Thị Lục Hà, Pháp Danh Tâm Từ, sanh Ngày 25 tháng 7 năm 1937. Nhương tuổi thật sinh năm 1939. Theo bài viết của Trần Kiêm Đoàn thì đúng: “Đời nghệ sĩ của Hà Thanh bắt đầu từ năm 1953, lần đầu đài Phát Thanh Huế mở một cuộc tuyển lựa ca sĩ với quy mô lớn. Anh Trần Kiêm Tịnh biết cô em gái mình có giọng hát hay quá nên đã dắt em đi thi. Điều kiện ghi danh dự thi là phải từ 15 tuổi trở lên. Ngày đó, Lục Hà, cô nữ sinh áo trắng nón bài thơ Huế mới 14 tuổi, nên phải "kiếm thêm một tuổi trời cho" nữa mới đủ tuổi dự thi và kết quả đứng đầu cuộc thi. Tuy ông cụ thân sinh chị Hà Thanh là người theo Tây học với tinh thần cởi mở phương Tây, nhưng "phương Tây Huế" thuở đó cũng vẫn còn trong mẫu mực nho phong. Nhạc sĩ Ngô Ganh là giám đốc đài phát thanh Huế đương thời, phải dùng uy tín của mình đến nhà năn nỉ, rằng: "Học hành thì đứa nào học chẳng được, nhưng còn cái tài của cháu Hà Thanh là một tài năng độc đáo, có giá trị trong cả nước Việt Nam. Nếu không cho đi hát thì tài năng sẽ bị mai một đi, uổng lắm." Ông cụ nghe lời minh giải hợp lý nên cho đi hát ở đài phát thanh mà thôi, không hát ở phòng trà hay sân khấu. Từ đó, tiếng hát Hà Thanh đã vọng ra xa hơn bên ngoài rào dậu Vườn Thúy Hạnh”.
Vĩnh Biệt ca sĩ Hà Thanh!
Thân xác đã trở về cát bụi nhưng tiếng hát của Hà Thanh mãi mãi vang vọng. Âm vọng của loài chim hoàng oanh, họa mi, sơn ca trong Vườn Thúy Hạnh còn gởi lại cho đời, cho tha nhân trên YouTube và các trang web trên thế gian. Tiếng hát Hà Thanh “Trong như tiếng hạc bay qua” (Kiều – Nguyễn Du) cất cánh từ sông Hương đến mọi miền đất nước.
Little Saigon Jan 03, 2014
Vương Trùng Dương