dutule.com (ngày 7 tháng 2-2014): Nữ nhạc sĩ Đào Nguyên, hiện cư ngụ tại thành phố San Jose, mới hoàn tất tác phẩm thứ ba của cô, CD nhan đề “Chung Tình”.
Vì thế, buổi sáng Thứ Tư, ngày 5 tháng 2 vừa qua, nhân dịp về nam Cali, phát hành đĩa nhạc mới của mình, qua trung gian Vincent Tuệ, một bạn học thời trung học Chu Văn An, Saigon, sau tháng 4-1975, người nữ nhạc sĩ trẻ tuổi tài hoa này, đã có một cuộc gặp gỡ một số văn nghệ sĩ ở quận hạt Orange County, như nhà báo Vương Trùng Dương; nhà báo và cũng là nhà thơ Ngọc Hoài Phương; nhà sản xuất băng nhạc, video Trần Thăng; chủ nhiệm Khánh Hòa, và chủ bút Vũ Đình Trọng của tuần báo Sống, xướng ngôn viên Michael Hoàng của Việt Face TV, v.v…
Trong buổi gặp gỡ thân mật này, nữ nhạc sĩ Đào Nguyên cho biết, cô đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho album nhạc mới nhất này. Hơn thế, sự sắp xếp thứ tự các ca khúc do cô sáng tác hay phổ từ thơ của một số nhà thơ ở hải ngoại, cũng đi theo tiến trình biến động tình cảm đời thường. Đó là điều mà tác giả “Chung Tình” không chú ý lắm ở 2 album đã phát hành trong quá khứ.
Khi được hỏi, xin cho biết một cách cụ thể, rõ ràng hơn về sự khác biệt của CD “Chung Tình” với 2 CD trước đây, tác giả ca khúc “Chung Tình” nói: Gần đây, do những biến động lớn trong đời thường, cô mới chợt nhận ra rằng, 2 album trước đây của cô có phần xa rời thực tế đời sống tình cảm của một con người nói chung, một phụ nữ nói riêng. Cô xác nhận, ở những CD trước, cô dành nhiều ưu ái cho những sáng tác trong sáng, thơ ngây, gần với trẻ thơ hơn người lớn. Trong khi thực tế, trẻ thơ không phải là đối tượng nghe, mua các các CD đó. Ngay cả phụ huynh của các em, nếu cần nhạc cho con em, họ cũng sẽ không chọn những CD vừa dành cho trẻ con vừa người lớn, như vậy…
Vì thế, “Chung Tình” của nữ nhạc sĩ Đào Nguyên, lần này, ra đời giống như một cuộc hóa thân. Một sự lột xác, phản ảnh đời thường của tác giả, cũng như phản ảnh mọi gập ghềnh của đời sống tinh thần người phụ nữ Việt ở xứ người.
Tôi muốn ví CD “Chung tình” của Đào Nguyên như một thứ chân dung thực. Một chân dung hắt lại từ tấm gương đời thường khi tác giả soi mình trong tấm gương đó.
Trong một điện thư gửi cho bạn, Đào Nguyên viết:
“ Với nhiều tâm sự gói ghém khởi đầu bằng một tình yêu lý tưởng “Chung Tình”, rồi ca tụng tình yêu và cuộc đời tươi đẹp, trầu cau gắn bó ”Bài Quan Họ cho một loài hoa” (phổ thơ Phạm Ngọc), rồi sau đó sẵn sàng hy sinh tất cả cho tình yêu nhiều khi gặp trắc trở “Cùng Người Đi Lễ” (chuyện kể bởi Đào Nguyên được Phạm Ngọc viết thành lời cho bài hát) , để rồi giận hờn trong “Âm Thầm” (Em bây giờ là của người ta…, phổ thơ Phạm Ngọc), để rồi đau khổ cùng cực với “Di Chúc của Một Chia Tan” (Hồn tan vỡ từng miểng chai phụ rẫy… ta bước xuống cuộc đời với tan nát từ đây: ngày…tháng …ấy, phổ thơ Du Tử Lê, nhạc viết tháng 11, 2012). Sau khi nước mắt đã cạn… bài viết cuối cùng cho CD này “Hoa Ngàn” (nhạc bắt đầu viết 2008, hòan thành tháng 7, 2013…Khát khao một thời đã cũ, khi mùa xuân không giữ nỗi cuộc tình, có giữ được không hồi ức muộn màng, phổ thơ Phạm Ngọc) trong trạng thái tĩnh lặng và nhạc không quá buồn…” (Sic).
*
Nếu có điều gì, cần phải nói thêm, tôi nghĩ, CD “Chung Tình” của nữ nhạc sĩ Đào Nguyên, rất xứng đáng cho mọi người tìm nghe. Bởi vì, ở mặt bên kia của giai điệu và ca từ, “Chung Tình” còn là một ghi nhận, một ngợi ca đức tính thủy chung, một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam, trải qua nhiều thế kỷ…
Cần liên lạc với Đào Nguyên, xin qua địa chỉ: daonguyenmusic@yahoo.com, hoặc mời vào Website: www.suoinhacdaonguyen.blogspot.com
Gửi ý kiến của bạn