1.
Và bây giờ, lại một đêm nữa, nàng lê chân đến bên giường, nằm xuống mà khóc dưới bóng chiếc đèn ngủ trên bàn đêm có hình đàn cá vàng bơi lượn quanh ánh sáng xanh dịu huyền ảo.
Và bây giờ, lại một đêm nữa, nàng thờ thẩn nhìn bóng mình trên vách; cái bóng cô đơn đến hai lần, lần đầu chồng mất và lần sau con mất.
Nếu ta mất nốt, thì cái bóng khốn khổ này có còn không? Nếu cái bóng không còn thì làm gì còn cái gọi là đau khổ hay cô đơn.
Hoặc
là, nếu ta không mất, mà cái bóng lại mất trước thì
sao? Và lúc ấy, thật sự chỉ còn lại một mình ta. Một
mình, một mình…
Thì
cái đau vẫn còn lại y nguyên chứ gì?
Như cái bóng xanh toả sáng bên trong chao đèn kia. Nếu đàn cá vàng xinh đẹp và cái đại dương bé tí bọc quanh chao đèn bỗng dưng biến mất thì nó vẫn còn đó, sáng ánh một nỗi đau bất tận mà nó chẳng biết làm sao thoát khỏi.
Nàng nhìn bóng mình. Ngày trước, nó từng lẫn lộn với bóng người chồng. Khi hai người ân ái thì khỏi nói, không còn phân biệt bóng nào là bóng nào.
Người chồng chết đi, để lại một đứa con trong bụng nàng. Bảy tháng sau, đứa bé ra đời. Nàng khóc. Còn cái bóng của chồng, nó không để lại gì cho cái bóng của nàng sao?
Thì đấy, cái bóng của đứa bé; nó thay thế cái bóng của chồng nàng.
Nàng chỉ cho đứa bé thấy hai cái bóng trên vách mà hỏi, bóng nào là mẹ, bóng nào là con.
Đứa bé tập nói thích chí đưa ngón trỏ bé xíu chỉ vào từng cái bóng mà bập bẹ, Mẹ kìa! Con kìa!
Khi đã nói năng khá rành rẽ, một hôm nó bất thần hỏi, Cha đâu? Lúc ấy, nó cũng đang nhìn từng cái bóng trên vách.
Cha con đâu, giá như mà mẹ biết!
Nàng không muốn nói dối như vợ chàng Trương xưa, cho dù nói dối chỉ để làm vui con trẻ. Không được nói dối với con, dù với mục đích gì, nàng thường tự nhủ.
Nàng có cách khác để trò chuyện vui thú với con.
Hay là mẹ con ta hỏi đàn cá vàng ngoài biển trên cái chao đèn nhé? Cá vàng ơi!
Thế cha của bé Như đâu? Con hỏi đi, hỏi cá vàng đi!
Nhưng cá có biết nói đâu mẹ!
Tại cá ngoài đời và cá trên chao đèn đều không biết nói. Nhưng con có biết con người đặt ra tiếng nói để làm gì không? Không chỉ để con người nói với nhau, mà còn để chúng ta nói thay cho cá, cho chim, cho chiếc đèn, cho hoa cúc, cho búp bê…
À, con hiểu rồi! Trong phim Nàng tiên cá, mọi thứ dưới biển đều biết nói, thích ghê!
Đúng rồi, đó là vì ta nói thay cho chúng. Khi ta nói thay cho cái gì, dù cái đó là vật chết cũng sẽ trở thành vật sống thôi. Đó là sức mạnh của tiếng nói.
À, con hiểu rồi! Con đang nói thì cái bóng trên vách cũng đang nói đó mà.
Thế đấy, con nói thay cho cái bóng, vậy là cái bóng trở nên sống động. Mà con biết không, con đang nói thay cả cho cha đấy! Vậy thì, cha có mặt ở đây, chứ có mất đi đâu nào?
Cha không mất mà sao mẹ khóc?
À không, thế Như không biết Như là ai à? Như thật ra là…
Và bây giờ, lại một đêm nữa, ngay cả cái bóng nhỏ nhoi bi bô của đứa bé cũng không còn. Như đâu rồi?
Vì nàng hãy còn trẻ đẹp, có biết bao nhiêu người đàn ông tìm cách chinh phục nàng. Ai cũng muốn nàng đi bước nữa.
Chỉ có bé Như là luôn luôn tỏ vẻ bất bình, giận hờn, bực tức mỗi khi có bất kỳ người đàn ông nào bước đến gần nàng, dẫu là chỉ tình cờ gặp mẹ con nàng trên phố.
Nàng thường trêu Như, Ông ta dễ thương đấy chứ?
Thế thì mẹ lấy đi. Như sẽ bỏ đi cho mà xem!
Như đi đâu, nói cho mẹ biết với!
Đi ra biển, sống với đàn cá vàng, với nàng tiên cá.
Và nàng không hề lấy thế làm phiền, mà còn mỉm cười hạnh phúc.
Có một nhà ngoại cảm, thường được gọi ông Linh, đã cho nàng biết, dẫu là khá mơ hồ, về tiền kiếp của bé Như…
2.
Và bây giờ! Bỗng dưng nàng sửng người, nhìn đăm đăm lên vách. Từ trong chiếc bóng của nàng, như từ dưới bóng cây râm mát, một đứa bé hớn hở bước ra, hay đúng ra là một đứa bé bóng.
Như! Nàng thảng thốt kêu lên.
Cái bóng yên lặng chỉ đưa bàn tay vẫy chào nàng như mỗi lần nàng đến trường mẫu giáo đón con, Như đều vẫy tay mừng rỡ.
Rồi cái bóng nhỏ ấy ra hiệu rằng nó khát. Quá quen thuộc với mọi loại ngôn ngữ của con, nàng lấy cốc nước lạnh trên chiếc bàn đêm đưa về phía bóng. Chiếc cốc trong tay nàng nhẹ dần, có thể cảm thấy được, và một thoáng sau, không còn chút nước nào, như có một người thật đã uống cạn nó rồi.
Quá sung sướng, nàng không kịp ngạc nhiên gì hết, chỉ say đắm ngắm nhìn đứa bé bóng trên vách.
Nó đang diễn lại những trò chơi ở trường mẫu giáo: nhún người trên bập bênh, nhảy nhót giữa cái hồ của hàng trăm quả bóng đủ màu, đi cầu trượt, ngồi xích đu, phi ngựa gỗ… Nó chơi các trò chơi ấy một cách tài tình bởi vì làm gì trên vách có bập bênh, có hồ bóng, cầu trượt… đâu! Nó chơi chỉ để chơi, không tại sao gì cả. Nó là một nghệ sĩ bẩm sinh.
Ngồi hẳn dậy, dựa vào thành giường, nàng nhìn ngắm đứa bé bóng, lòng tràn ngập yêu thương.
Bé Như tài thật! Giỏi quá! Nàng vỗ tay thành tiếng tán thưởng.
Nàng cố tìm cách trò chuyện với con. Như thể là Như còn đang sống trên đời này. Nhưng đứa bé bóng thì hoàn toàn im lặng.
Bỗng nàng nhớ lại lời nàng thường dạy con: Mọi sự vật đều có ngôn ngữ nếu ta biết nói thay chúng, nghĩa là biết nhập vào thế giới của chúng, đồng cảm với chúng. Thế là cuộc chuyện trò vui thú của nàng với đứa bé bóng bắt đầu diễn ra.
Con có vui khi gặp mẹ không?
Vui lắm chứ, nhưng mẹ đừng khóc đấy!
Nhất định là không khóc rồi. Con đừng đi nữa nhé!
Con chỉ về với mẹ ban đêm, khi nào mẹ còn nhớ đến con, khi nào mẹ chưa đi theo một người đàn ông khác!
Lại thế nữa rồi! Mẹ có người đàn ông nào khác ngoài Như đâu.
Con muốn như thế đấy!
Con có gặp cha không?
Không! Bởi vì… Bí mật! Như không nói đâu.
Nàng biết điều bí mật đó mà. Chính là ông Linh, nhà ngoại cảm kỳ lạ đã tiết lộ một cách tinh tế chuyện ấy. Nàng nhớ, ông còn nói gì đấy về một đồng nữ trong ngôi nhà chiêm bao. Hình như là ông nhắc đến một tích nào đó trong một cuốn kinh Phật nào đó. Chịu! Không thể nhớ nổi. Mà ông Linh đã đi đâu rồi, biết hỏi ai bây giờ?
3.
Thôi được, tôi là người kể chuyện, đành chép vào đây câu chuyện về người đồng nữ trong nhà chiêm bao mà có lần nàng nghe nhắc tới. Rồi nàng sẽ có cơ duyên đọc kinh thôi, hay ít nhất là đọc được truyện này như các bạn vậy!
NHÀ CHIÊM BAO
Ông Trưởng giả kia có một đồng nữ mới mười lăm tuổi, dung nhan đoan chính, xinh đẹp lạ lùng.
Một hôm, nàng được lên chơi lầu ba với cha mẹ, được ngủ chung giường với mẹ.
Đồng nữ chiêm bao thấy cha mẹ cho về nhà chồng. Vợ chồng lấy nhau qua nhiều năm, sinh được một người con diễm lệ đoan trang, lại có tướng anh hoa tài trí.
Hàng ngày nhờ ơn mưa móc, người con ấy đã biết đi đứng một mình. Nhưng một hôm, trên lầu cao, không may nó trượt chân ngã rơi. Đứa bé chưa rơi tới mặt đất thì đã có một con hổ đói chực sẵn, vồ lấy mà ăn thịt.
Đồng nữ kịp nhìn thấy cảnh tượng đó, kinh sợ quá gào khóc, và rồi liền tỉnh mộng.
Nhân thế thì ở trong nhà chiêm bao; sinh lão bệnh tử nơi ba cõi, có khác nào đồng nữ kia đi vào mộng tưởng! Quỷ sứ nơi Diễm Ma bỗng dưng đến như hổ đói ở trong hư không hứng lấy đứa trẻ mà ăn. Chúng sinh vô thường khổ là vậy.
Mới hay mộng tưởng vốn không thực
Ám chướng vô minh tựa bóng tà
Sinh tử thế gian thì cũng ảo
Hư vọng nhìn xem cũng thế mà…
Chim ngủ, sớm mai bay mất hết
Mệnh dứt thì thôi cũng biệt xa…
Tội thay, sinh tử phàm phu khổ
Luân chuyển ba đường lăn lóc qua.
Kinh Tâm Địa Quán
4.
Sau khi chồng chết, nàng luôn luôn dày vò một câu hỏi: Anh đi về cõi nào, luân hồi chuyển thế ra sao?
Nếu như mình có thể gặp lại anh trong hình hài kiếp sau của anh thì hay biết mấy!
Nàng được bạn thân giới thiệu đến một nhà ngoại cảm. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, có đôi mắt nhung long lanh kỳ bí, dường như có khả năng thôi miên bất kỳ người nào đối diện. Tuy thế, nghe nói ông chưa từng thôi miên ai. Tên ông là Linh.
Sau vài lần tiếp xúc, ông bảo nàng, Ta gần như biết rồi, chỉ cần một chút thử nghiệm nữa thôi. Dù vậy, ta nghĩ ra tốt hơn chị đừng nên biết!
Nàng cho rằng, có lẽ ông Linh cũng không biết gì về chuyển thế luân hồi, và đang tìm cách an ủi nàng. Nàng không cần một sự dịu ngọt như thế. Điều nàng khao khát luôn luôn là, chồng nàng ở đâu trong thế giới bao la này? Anh đã chuyển thế thành ai hay thành gì?
Nàng rùng mình. Biết đâu anh thành một loài nào đó không phải người. Một con cá? Một cánh chim? Một cái cây? Hay là một chú đom đóm?...
Chuyển thế thành gì cũng được! Tình yêu nàng cũng sẽ nguyên vẹn, nàng tưởng tượng như vậy. Nàng sẽ tìm đủ cách để tiếp xúc với hình hài khác của chồng trong kiếp sống mới.
Nhưng nhà ngoại cảm không muốn nói ra bí mật biết đâu vì một lẽ khác. Đôi mắt đẹp mê hồn của ông, không thôi miên ai bao giờ, dường như đang cố thôi miên nàng.
Là một cô gái đẹp hơn người, nàng đã hơn một lần nhìn thấy ánh lửa run rẩy trong đôi mắt đàn ông nhìn nàng, một ánh lửa mê say khốn khổ điên dại.
Tôi muốn biết bằng mọi giá, thưa ông Linh, anh ấy đang ở đâu trong thế giới này? Xin ông đừng giấu tôi mà!
Nhà ngoại cảm mỉm cười. Có chút gì đó mỉa mai, chút gì đó chán nản thấp thoáng nơi khoé môi dưới hàng ria dày đen nhánh.
Bằng mọi giá, vậy sao? Nếu như tôi muốn… nếu như có thể được sống một đêm với chị!
Giọng người đàn ông bất ngờ buông xuống, ấm áp và rành mạch.
Nàng có lưỡng lự không?
Ta muốn biết cái tin tức quý báu kia bằng mọi giá kia mà! Sá gì phải cam chịu qua đêm với con người ngoại cảm huyền bí này! Hơn nữa, ông ta đâu phải tầm thường!
Nàng hẹn sẽ trả lời sau. Và ngay đêm đó, nàng điện thoại đáp vâng.
Ông Linh đến ngay nhà nàng. Nàng tiếp ông trong một căn phòng đẹp, nhưng không phải là phòng ngủ của vợ chồng nàng.
Sau khi nằm lên giường và khoả thân theo lệnh nhà ngoại cảm, nàng nhìn chằm chằm vào ông. Đó là để tránh cảm giác khó chịu rằng mình chỉ là một vật thể bị ngó nhìn. Cái nhìn phải được phóng chiếu tương giao, bình đẳng, không có nam nữ, trên dưới, lạ quen, lớn nhỏ…
Người đàn ông ngồi yên trong chiếc ghế bành gần giường. Chỉ có đôi mắt nhung đẹp mê hồn của ông là ve vuốt, mơn trớn tấm thân mịn như cánh sen của nàng, làm nàng đỏ bừng mặt.
Điều đó kéo dài độ chừng mươi phút. Khi nàng cơ hồ hết chịu nổi thì ông Linh mới lên tiếng.
Cái này tôi gọi là qua đêm. Tôi đang ngắm nhìn thân thể chị, và cũng đang nhìn xuyên qua đó để thấy cái bí ẩn bên trong.
Bí ẩn nào? Nàng bồn chồn hỏi, Bí ẩn nào chứ?
Chị hãy sửa soạn nghe tôi báo tin, cái tin tức mà tuỳ theo cách nhìn, có thể được xem là bất thường nhất, hoặc là bình thường nhất.
Giọng nhà ngoại cảm trầm trầm, dường như là vô cảm.
Bất thường và bình thường mà lại là một ư?
Thì cũng như sống và chết, khóc và cười, có gì đâu lạ!
Ông nói đi, tôi sẵn sàng nghe, sẵn sàng chịu đựng, xin đừng lo ngại gì cả.
Chị chẳng phải chịu đựng gì hết. Hãy nhìn sự vật như nó là, có thế thôi.
Chồng tôi ở đâu?
5.
Người đàn ông ngoại cảm chậm rãi đứng lên, từ từ tiến đến sát gần nàng.
Nàng bất động, không một chút sợ hãi hay tránh né.
Bàn tay thanh mảnh của ông đặt ngay trên rốn nàng, nằm yên ở đó, nằm yên ở đó, ấm áp và dường như nó đang lắng nghe một điều gì đó từ bên dưới. Cái rốn nhỏ nhắn khá sâu và mềm mại mà chồng nàng khen là tuyệt đẹp bỗng dưng run rẩy, không biết là do hơi ấm kỳ lạ của người đàn ông ngoại cảm hay vì cớ gì?
Ở đây, anh ta đã đi vào đây chứ dứt khoát không chịu đi vào đâu khác. Cô nghe đầy đủ rồi chứ? Cô hiểu mà, phải không? Nhưng này, cô có biết gì về nàng đồng nữ trong ngôi nhà chiêm bao của Kinh Tâm Địa Quán không? Hứa với tôi là cô sẽ đọc chứ?
Nàng nhắm nghiền mắt khi ông Linh nói. Chưa kịp thảng thốt, vừa mở mắt ra thì đã có cảm giác như đang ở giữa hư không. Người đàn ông ngoại cảm đã biến mất. Như thể ông ta đã nhẹ nhàng bay qua cửa sổ hơn là bước từng bước xuống thang lầu.
Nàng không kịp hỏi lại. Ông Linh muốn nói gì chứ? Rằng chồng nàng đã đầu thai thành đứa bé trong bụng nàng ư? Rồi nàng sẽ sinh ra nó như sinh ra người chồng hay sao?
Sau đó, nàng không có cách nào liên lạc được với ông Linh như trước. Người ta nói ông đã đi đâu rất xa, dường như đang du lịch thế giới, và không để lại tin nhắn cho bất kỳ ai.
Lời con người kỳ lạ ấy vẫn còn ám ảnh nàng. Nhưng có điều, khi ông nhắc đến quyển kinh nào đó thì nàng không còn nhớ. Nàng đến khổ vì cái quên bất thần ấy. Có lẽ là do nàng quá chú tâm về tin tức chuyển thế của chồng mà lơ là mọi thứ khác.
Là người kể chuyện, có lẽ tôi hiểu nàng. Nhưng giá như nàng nhớ lời khuyên của ông Linh.
Biết đâu nàng sẽ nhìn thế giới một cách khác.
6.
Và khi đứa bé ra đời, nàng đặt tên con là Như. Bởi khao khát này: Nhìn sự vật NHƯ nó là. Bởi dường như đứa bé này chính là điều mà nàng mong đợi nhất, quyến luyến nhất trên cõi đời dâu biển. Và bởi nó như là cha nó, như là một với nàng.
Nàng yêu con bằng tình yêu cuồng say, tưởng như không còn cách nào yêu hơn được. Nó là tâm điểm của đời nàng. Một vì sao lớn có thể quay quanh một vì sao nhỏ hơn không? Vậy mà nàng có thể. Nàng có thể vĩnh cửu quay quanh đứa bé của mình như thể nàng là một vệ tinh sống.
Đứa bé giống chồng nàng một cách kỳ lạ, kể cả cái bớt hồng gần rốn, lớn bằng nửa ngón tay cái mà nàng rất thích, thường hôn vào nó, trước là cái bớt của chồng và sau là cái bớt của con.
Và bây giờ, cái bóng của Như trên vách đang vẫy tay chào nàng như muốn nói, Mẹ ngủ đi, con phải đi đây.
Con đừng đi! Nàng năn nỉ. Và thác lời con, nàng tiếp tục cuộc trò chuyện.
Mai con lại đến mà.
Nhưng dù sao con chỉ là cái bóng. Con ơi, có cách nào con trở lại cuộc đời này lần nữa không? Kiếp mới của con là gì?
Con không biết. Làm sao con biết được khi chưa tới ngày đầu thai!
Khi nào ông Linh từ xa trở về, mẹ sẽ hỏi xem con đi về đâu. Ông Linh có khả năng quán chiếu phi thường chắc không nỡ giấu mẹ điều này. Nếu biết con đang ở đâu và đang là ai thì lập tức…
Mẹ ơi, đừng như thế nữa!
Bỗng dưng có một giọng thì thầm nổi lên mơ hồ, dường như đến từ sau cái bóng, Em có nghe con nói không?
Rồi căn phòng và cả thế giới dường như chìm trong sương mù.
Đứa trẻ bóng trên vách biến mất từ bao giờ.
Khi nàng chìm sâu vào giấc ngủ, đôi hàng mi dài thanh tú vẫn còn ngấn nước mắt long lanh trong ánh đèn trên chiếc bàn đêm, nơi đàn cá vàng duyên dáng vẫn thanh thản bơi lội trong cái biển hư ảo xanh biếc dịu dàng.
Trăm năm trong cõi…
bụi hồng… chiêm bao!
Nguyễn Du
Nàng đã ngủ.
Nhưng nàng có còn chiêm bao không làm sao tôi biết được?
Tôi là bóng ma là chồng nàng là con nàng. Hay nàng đã chiêm bao ra chúng tôi?
Bóng ma lên tiếng và bạn đọc đã nghe rồi đó. Tôi không biết nói gì với bóng ma tự xưng là chồng nàng là con nàng.
Tôi chỉ là người kể chuyện, bạn biết rồi đó, những câu chuyện về bụi hồng chiêm bao trong cõi trăm năm.