Râu tóc bạc trắng như một ông già, nhưng ánh mắt lại trẻ trung. Nói chuyện về mình thì tếu táo vui như tết, nhưng bàn đến văn chương lại hết sức nghiêm túc...
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Tôi "đầu bạc" là do di truyền
- Trong giới văn chương, người ta gọi anh là Nguyên đầu bạc. Đấy là tóc anh tự bạc hay có sự kiện gì khiến tóc bạc trắng như vậy?
Tóc tôi bắt đầu bạc từ cách đây 20 năm rồi. Có lẽ là do di truyền vì ông cụ nhà tôi cũng bạc tóc rất sớm. Hơn nữa tôi hay làm việc khuya mà không dùng cà phê, trà hay thuốc lá để tỉnh ngủ. Thấy bạn bè gọi "Nguyên đầu bạc" cũng hay hay.
- Phải chăng đó là một cách anh tạo thương hiệu cho mình?
Nếu để tạo thương hiệu về ngoại hình thì không. Trong văn chương phần nổi là dân sáng tác chứ không phải giới phê bình bọn tôi.
- Thế sao anh lại chọn cái nghề vừa khổ vừa khó này?
Chọn nghề này có lẽ là do thiên hướng. Hồi nhỏ, tôi học chuyên toán, nhưng lại thích văn và "nổi tiếng" giỏi văn. Ông giáo dạy văn cấp 1, giờ vẫn giữ bài văn của tôi hồi lớp 4. Khi thi đại học, lúc đầu tôi đăng ký thi khối A, rồi 1 tháng trước khi thi mới đổi sang khối C. Nhưng tại sao bạn lại nghĩ nghề của tôi khổ?
- Tại vì cứ nghe đến phê bình là đã thấy bị ghét rồi?
(Cười) Làm phê bình có cái thú là được đọc nhiều. Nhưng khi phê bình, tôi chỉ tiếp xúc với văn bản và lấy văn bản làm trung tâm. Không phải vì tôi chơi với bạn mà tôi khen sách bạn hay hoặc tôi ghét người này người kia mà tôi chê văn người ta được. Nói như Hoài Thanh: "Khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ".
Nhưng đúng là phê bình rất khó. Nó khó vì nó vẫn đang diễn tiến và cần có sự thẩm định ngay. Tại sao Hoài Thanh lại được khen? Vì ông đã có những nhận xét mà sau 30, 50, 70 năm vẫn đúng. Bây giờ ai cũng dễ dàng khen thơ Vi Thùy Linh, nhưng khi nó mới xuất hiện thì rất cần tiếng nói của nhà phê bình. Cái khó của nhà phê bình là nhìn thấy nội lực của cây bút này có đi xa được không.
Thơ sex vô tội
- Đã bao giờ anh ân hận vì khen thơ, văn người ta không?
Ân hận thì không vì mình không sai về đường hướng. Nhưng thất vọng thì có. Thất vọng vì từ những tác phẩm đầu tiên mình dự đoán người ta còn tiến xa nữa, nhưng rồi lại không được như thế. Tôi không tiếc là đã ủng hộ thơ Linh, nhất là thơ viết về sex. Thơ sex vô tội và thơ là thơ nên tôi ủng hộ những câu thơ đó.
- Tôi thấy gần đây nhiều tác giả trẻ viết về sex được giới phê bình đánh giá cao nhưng nhiều người đọc lại không thấy hay. Anh nghĩ gì về điều này?
Đó là sự xung đột, va chạm của các thị hiếu. Nhiều người bảo thơ thế này mà hay à, như thế mà gọi là nghệ thuật à... Khi ta nói không hay tức là vô thức ta đã đặt nó với cái khác được gọi là hay để so sánh. Mà khi đưa cái này ra để so sánh với cái kia là vênh rồi. Mới đây có cuốn sách dịch "Thế mà là nghệ thuật à?" rất hay, mọi người nên đọc sẽ sáng ra về chuyện này.
- Dường như anh là một trong những nhà phê bình ủng hộ các tác giả trẻ viết về sex?
Sex là một nhu cầu thiết yếu của con người, sao lại lẩn tránh nó được. Viết về sex hiện nay không phải đơn lẻ, mà gần như là trào lưu. Trước đây, vì nhiều lý do chúng ta coi đó là điều cấm kỵ nên tránh không đụng đến. Nhưng khi đời sống trở lại bình thường, thì người ta đề cập nhiều đến nó cũng là tất nhiên thôi. Cũng giống như nhịn ăn đã lâu nên bây giờ ăn trả bữa... và khi mới bắt đầu thì chệch choạc. Khi lâu không viết về sex nên lúc mới viết sẽ thô. Cứ làm, dần dần nó sẽ lọc lại được. Giới trẻ cần sự ủng hộ.
Có người bảo chắc gì nó phát triển được. Nhưng tôi nghĩ, đơn giản là cần thêm một tiếng nói để họ bước đi cái đã.
- Nhiều người cho rằng văn chương hiện nay không thể hay bằng giai đoạn trước. Cũng không có nhà văn nào sánh được với Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan... Anh thấy thế nào?
Đo văn chương đã định hình với cái đang phát triển bao giờ cũng có độ vênh nhất định. Hơn nữa, văn chương thế hệ nào có độc giả thế hệ đó. Thời đại nào có nhà văn của thời đại đó. Ngoài ra cũng phải nói tới sự thay đổi của hệ thẩm mỹ. Ví như ngày nay tuồng, chèo, cải lương... thu hẹp không gian là tất nhiên, phải tìm cách duy trì nó chứ không thể so sánh với pop, rock.
- Vậy có thể nói văn học Việt Nam đang đi xuống?
Chưa thể nói đi xuống được. Chính xác là nó đang dậm chân tại chỗ, đang loay hoay. Không thể gọi đi xuống vì những đỉnh núi không che lấp mà tồn tại cạnh nhau. Mỗi cái có cái hay của nó. Thực ra là nó đang không chuyển đổi kịp so với thời đại. Các nhà văn hiện nay có nhiều điều kiện hơn, tiếp cận rộng hơn, tự do sáng tạo hơn... nhưng không có tác phẩm nào gây chú ý. Tài năng ít, lại bị quá nhiều ràng buộc ngoài văn học thành ra khó "bung ra" được.
Năm 1987 tôi viết bài: "Cái hèn của người cầm bút" đăng trên Tạp chí Sông Hương. Lúc đó mọi người đều cho rằng tôi đi ngược lại với anh em. Nhưng đó là sự thực. Tôi cho rằng tự chúng ta hèn. Cái này là do cơ địa văn hóa. Bằng chứng là khi đổi mới chúng ta không hề có "bản thảo ngăn kéo". Còn ở Nga, khi cải tổ là họ tung ra nhiều tác phẩm. Dù trước đó không in được, nhưng họ vẫn viết do những thôi thúc nội tâm. Không in được nhưng các ông cứ viết đi, viết rồi bỏ ngăn kéo. Còn ở ta, ông nào viết cũng nhăm nhăm để in. Thế là ăn xổi.
Tôi không có khả năng… phân thân
- Một số nhà phê bình có sáng tác, anh thì sao?
Tôi thì không. Có người rất sành ăn nhưng không biết nấu ăn. Tôi không có khả năng phân thân. Do vậy, khi tôi viết mọi nhân vật sẽ có giọng điệu của tôi. Mỗi người có sở trường ở một mảng nào đấy thôi.
- Đấy là anh tự biết mình hay chỉ là khiêm tốn thế?
Trong nghệ thuật, cái tôi rất quan trọng. Nhà văn không nên khiêm tốn, trong sáng tác đó là đức tính thừa. Cái này không phải tôi nói đâu nhé. Ông Marques của Columbia, Nobel Văn học 1982 nói đấy. Nhưng tôi rất tâm đắc điều đó. Ví dụ, nếu khi làm thơ mà bạn nghĩ cố gắng cho bằng Nguyễn Du, còn viết văn thì bằng Lev Tolstoy... thế là không được. Mà phải nghĩ ta vượt lên tất cả. Ta là một, là riêng, là thứ nhất... Phải tự tin thế mới đi đến cùng được. Đại văn hào Nga Đôtxtôiepxki đã nói: "Tôi thành công là vì tôi dám đẩy mọi cái đến tận cùng".
- Ở Viện Văn học, người ta nói anh rất hay đi chơi?
(Cười lớn) Tôi giống câu thơ Tản Đà: "Trời sinh ra lão Nguyên ta. Quê hương thời có cửa nhà thời không. Suốt đời nam bắc tây đông. Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly. Túi thơ đeo khắp ba kỳ. Lạ gì sông biển thiếu gì gió trăng".
- Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn mạnh khoẻ, có nhiều bài phê bình ấn tượng.
Nhật Minh - Tuyết Vân (thực hiện)