QuanTa…aol.com
Thưa ông Vũ Thư Hiên, tác giả “Miền thơ ấu” mặc dù tôi được biết truyện “Miền thơ ấu” ông viết về tuổi thơ của mình. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông rằng: sự thật trong văn chương và sự thật trong đời thường có phải là một?
VŨ THƯ HIÊN trả lời:
Sự thật khi đi qua cái nhìn của người viết, bất kể với tác giả nào, giống ánh sáng đi qua lăng kính, nó lập tức biến dạng. Cùng một sự việc, nhưng hai nhà văn sẽ nhìn nó, thấy nó theo hai cách khác nhau, và miêu tả nó cũng theo hai cách khác nhau. Khi đọc một tác phẩm, độc giả thường chấp nhận cái sự thật được tác giả cho biết, sự thật mang màu sắc của tác giả, hoàn toàn không phải sự thật khách quan. Sự phản bác không vì thế mà bị loại trừ.
Nhung…hotmail.com
Tôi có một câu hỏi cho nhà văn Vũ Thư Hiên, nếu câu hỏi của tôi có bị trùng hợp với ai khác thì tôi cũng vẫn mong được gửi tới cho người tôi muốn hỏi. Thắc mắc của tôi là:
-Giữa kỹ thuật, hiểu theo nghĩa hình thức và nội dung của một tác phẩm, thì ông sẽ dành ưu tiên cho phần nào?
Lý do tôi có câu hỏi này vì theo có theo dõi những biến chuyển văn chương của thế giới. Từ nhiều chục năm qua, tôi thấy có nhiều phong trào, nhiều khuynh hướng văn chương chú trọng tới hình thức, cách viết mà lãng quên hay đặt nhẹ phần nội dung.
VŨ THƯ HIÊN trả lời:
Có không ít tác giả ưa dùng những hình thức mới chưa ai có, chưa ai biết dùng, hoặc dám dùng, với ý muốn tốt đẹp là tạo ra một cái gì đó rất riêng, giống như một phát minh. Sự tìm tòi những hình thức mới bao giờ cũng đáng được hoan nghênh, nhưng hình thức mới rõ ràng không có khả năng làm ra tác phẩm mới (trong nghĩa cũ/mới). Mỗi nội dung sẽ chọn lấy cho nó hình thức thích hợp với nó, trong sự hài hoà với nó. Hiện tượng những nhân vật nổi loạn được Flaubert, Tolstoy nói tới cũng nằm trong trường hợp này. Nhà văn nghĩ rằng nhân vật của anh ta sẽ hành xử theo cách anh ta muốn, nhưng nó đã hành xử khác hẳn, bắt nhà văn phải tuân theo (tức là hình thức được đặt sẵn cho nó hoá ra không phải là cái mà nó chịu nghe). Phát minh thì tốt, nhưng phát minh chỉ để phát minh thường thất bại. Người ta có thể phát minh ra cái xe đạp trong thế kỷ 21.