Những Gam Màu Hiện Thực Trong Thơ Nguyễn Quốc Thái

09 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 6504)
Những Gam Màu Hiện Thực Trong Thơ Nguyễn Quốc Thái


Nói tới sinh hoạt VHNT miền Nam, 20 năm, tôi cho là sẽ thiếu sót, nếu không nhấn mạnh tới tinh thần chống chiến tranh, kêu đòi hòa bình, dưới hình thức này hay, hình thức khác của một số tác giả. Lý giải cho sự kiện có phần thời thế và tế nhị này, theo tôi thì, trong chừng mực nào đó, chính quyền miền Nam đã để yên cho thành phần chống đối ấy. Cụ thể là sự nới lỏng những sợi thừng kiểm duyệt. Những người có trách nhiệm, cũng bỏ qua những tác phẩm không qua kiểm duyệt và, vẫn để số tác phẩm đó bày bán công khai ở các tiệm sách. (1)

Ở mặt đối nghịch, miền Nam cũng có những nhà văn, nhà thơ gọi chung là nhà văn Quân đội, quyết liệt theo đuổi lý tưởng tự do, chống cộng sản; và cũng không ít những cây bút tuy không nằm trong quân đội, nhưng cùng chung lập trường chống cộng sản. Đề cập tới khuynh hướng này, dư luận thường nhắc tới những tên tuổi điển hình như các nhà văn Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Chu Tử…

Ngoài ra, những nhà văn còn lại, ít hay nhiều cũng từng phản ảnh quan điểm chống chiến tranh của họ, qua tác phẩm. Thuật ngữ thời đó, gọi chung những sáng tác phẩm loại này là “văn chương phản chiến.”


nguyenquocthai_03-content
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (Hình: boxitvn.net)

Một trong những nhà thơ có nhiều sáng tác bị liệt kê vào loại “văn chương phản chiến” là nhà thơ Nguyễn Quốc Thái.

Tôi không biết họ Nguyễn chính thức tham dự vào sinh hoạt văn chương miền Nam từ thời gian nào. Chỉ biết, thơ của ông bắt đầu xuất hiện trên Hành Trình của Giáo sư Nguyễn Văn Trung, rồi tạp chí Quần Chúng của nhà văn Cao Thế Dung khoảng giữa thập niên 1960s. Nhất là từ khi ông được mời vào vai trò Thư ký tòa soạn tạp chí Trình Bày, một tạp chí được coi là “thiên tả”, đầu thập niên 1970s, do cố nhà văn Thế Nguyên chủ trương. (2)

Tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái tương đối xa lạ với quần chúng, thuở đó. Nhưng thơ của ông lại được một số văn nghệ sĩ trong văn giới chú ý. Đồng thời, ông cũng có ít nhất hai bài thơ được 2 tác giả ngoại quốc chọn dịch sang Anh và Pháp ngữ. Về tiếng Anh, thơ của ông cũng như của một số tác giả miền Nam khác đã được Giáo Sư Neil L. Jamieson chuyển dịch và phê bình trong cuốn “Understanding Vietnam”, do cơ sở University of California Press, liên hợp với các đại học Berkeley, Los Angeles and London, xuất bản lần thứ nhất năm 1993. Ông cũng là một trong hai nhà thơ miền Nam, có thơ được ký giả Jean-Claude Pomonti chọn dịch và phê bình trong cuốn “La Rage D’Être Vietnamien” do nhà Seuil de Paris, xuất bản năm 1974.

Trong “La Rage d’Être Vietnamien”, ký giả Jean-Claude Pomonti chọn bài thơ tựa đề “Dấu hỏi và quê hương” của họ Nguyễn.

Đó là một bài thơ Nguyễn Quốc Thái ghi lại những cảm nghiệm của ông về miền Nam trong chiến tranh, đăng tải trên tạp chí “Hành Trình” số 3 & 4, năm 1964.

Ngay từ khổ thơ đầu, những câu hỏi sinh/ tử (không cần câu trả lời vì đáp số đã tiềm ẩn, có sẵn ở những câu thơ kế tiếp và ở giữa hai hàng chữ) - - Được

Nguyễn Quốc Thái cất lên một cách dứt khoát:

Tôi thường buồn rồi thường tự hỏi
Đất nước này bây giờ của ai
Những ngày đạn rít quanh đô thị
Những máu thịt bám thâm tre gầy”

Sau khơi mạch, dòng chảy này miên man trôi tới những đau thương, đổ vỡ khác:

Hàng chục năm chiến tranh mọc lên
Những trẻ thơ quên mất môi cười
Tôi thường buồn rồi thường tự hỏi
Quê hương có được mấy mùa xuân…”

Và ông ra khỏi bài thơ (cũng với những câu hỏi vốn có sẵn câu trả lời (chí ít, cũng theo ông):

Mẹ Việt Nam! Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Con thường buồn rồi thường tự hỏi/
Mẹ đã mấy lần vui Độc lập?
Mẹ đã mấy lần reo Tự do?”

Cũng vậy, trong bài “Giữa sự sống và sự chết”, họ Nguyễn vẫn trực khởi bằng những câu hỏi (vốn sẵn câu trả lời):

Năm đã hết
Như chiếc bánh anh đã ăn
Như nước mắt đã chảy
Năm đã hết mà hết thật chưa(?)”

Để từ đó, dẫn người đọc đọc tới những ghi nhận đời thường, nhưng rất thiết thân, trưng ra cái mặt tối đen, bất trắc của đời sống người dân miền Nam. Với bài thơ này, bên cạnh danh sách những âu lo cơm, gạo của người dân miền Nam, cũng có một câu thơ họ Nguyễn cũng ghi lại hiện tượng những chuyến xe đò đi qua các khu rừng già, bị du kích quân CS chận xét, một cách bóng gió:

Hết đi xe đò run
Hết đêm mưa những thằng xét nhà hách dịch
(Hãy đốt cho chúng một ngọn nến)
Hết em quên anh
Hết mẹ bối rối chiều gạo lên giá
Hết bạn bè mặt xanh như tàu lá chiều thứ bẩy

(…)

Em có thấy mắt anh rực rỡ
Em có thấy tim anh run
Em có thấy cơm áo làm anh rướm máu
Anh vẫn có khu rừng xanh ngát đó
Em có thấy tay chân anh khẳng khiu bám trên cành hy vọng
Cành hy vọng trụi lá cũng khẳng khiu/ chim đã quên
Mỗi ngày giữa sự sống và sự chết
Giữa cuồng nộ của bồ câu và diều hâu
Giữa no đủ và đói khát
Giữa tỉnh thức và mỏi mệt
Anh thương em như lần đầu biết thương..”

(Trích Trình Bầy, xuân Nhâm Tý, tháng 2.1972).

Thơ họ Nguyễn chân thật, đơn giản như những lời nói. Nhưng đó là những lời nói của một trái tim mẫn cảm trước những vấn nạn to lớn của thân phận con người trong cuộc chiến.

Thơ họ Nguyễn cũng luôn cho thấy tác giả như một thứ con tin trong trùng vây bi kịch. Hay đó là những tiếng kêu thảng thốt của một con chim bị nạn. Với hiện tại thương đau và tương lai bế tắc!


Cũng vẫn là câu hỏi mở vào bài thơ, như tia chớp dự báo trận bão lớn, ở bài thơ “Ngày về mừng tuổi mẹ”, Nguyễn Quốc Thái ghi lại thảm kịch Tết Mậu Thân, tháng 2 năm 1968, khi quân đội CS miền Bắc đồng loạt mở cuộc tấn công vào một số đô thị lớn ở miền Nam. Một bài thơ hiếm hoi ra khỏi không gian phản chiến (một phía), vốn quen thuộc trong cõi giới thi ca của ông:

Nhà đây rồi mẹ trốn ở đâu?
Trưa vàng khô thõng tay buồn rầu
Mùa Xuân ngơ ngác trên rầm bếp
Người ngược xuôi xốc xếch thương yêu

Từ khổ thơ đầu này, ông đẩy mạch thơ tới các cận ảnh là những gì ông ghi nhận được ở Saigon, Tết Mậu Thân 1968, bằng rất nhiều câu thơ hiện thực tới sần sượng:

Thưa mẹ trên đường về nhà ta
Con thấy bao nhiêu người vội chết
Người chết như than , người chết co quắp
Người cụt tay và người bẹp đầu
(…)
Máu đầy xoong canh máu đầy nồi cơm
Đấy - anh em dùng cho no mộng ước

Mẹ ơi bây giờ mẹ trốn ở đâu?
Mẹ gặp gốc cây cửa sổ mái lầu
Mẹ gặp người đi kẻ lại
Tay khẳng khiu nhớ giơ khỏi đầu

Con len lỏi về đây mừng tuổi mẹ
Ánh sáng thiu đen trên những cột đèn
Mùa Xuân bứng mất từng chân trẻ em
Cây thơm lộc nao nao chùm thịt tím

Đạn nổ ngoài đường đạn nổ trong tim
Mẹ ơi bây giờ mẹ trốn ở đâu?

Tết Mậu Thân, tháng 2.1968
(Nguồn: Tạp chí Đất Nước số 4, năm 1968)

Hai chữ “len lỏi” họ Nguyễn dùng trong câu thơ “Con len lỏi về đây mừng tuổi mẹ…” không thể hiện thực hơn trong hoàn cảnh chiến tranh ngay trên đường phố hồi Tết Mậu Thân ở Saigon và, cũng thể hiện tấm lòng của đứa con về số phận bất trắc của người mẹ, trong bối cảnh nguy khốn, tàn khốc này.

Tuy nhiên, theo tôi, thơ Nguyễn Quốc Thái không chỉ có những hiện thực, chân thành, đơn giản. Đây đó, trên lộ trình thi ca họ Nguyễn, trong bối cảnh sinh hoạt chữ, nghĩa của miền Nam, hai mươi năm, ông cũng có nhiều câu thơ đẹp, dựng trên hai nền kỹ thuật căn bản của thi ca là liên tưởng và nhân cách hóa. Như:

“… Sớm nay tiếng chuông nhà thờ ướt sũng nép vào những đám mây xám ngần ngại
Mưa gọi ngoài kia mưa dáo dác trên hè đá xanh mướt.
Trong rét mướt của ước mơ anh chợt biết thân thể em như biển cả
Mỗi hừng đông trong tiếng nắng rạn ngoài cửa sổ
Anh trôi lênh đênh trong mùi da thịt buồn rầu
Anh chợt biết ngưỡng cửa, khoảng ghế cạnh bàn, chiếc gáo sơn màu rất nhẹ đã ấm tha thiết như em
Đã rơi sớm nay như tiếng lá rơi trong vườn hy vọng.
(…)
Những vết mưa như những sợi chỉ buộc cổ tay
Những vết mưa như tà áo em bay
Tà áo em nhũn gió ngoài kia trong trí nhớ
Ôi trí nhớ thảng thốt tiếng chim sẻ ướt những bông sứ nhỏ
Những bông sứ nở bồi hồi trên cánh cửa
Em biết không
Anh thất lạc Tự Do từ sáng sớm”.

(Trích “Bông sứ nhỏ gửi tự do xa xôi”).

Hoặc:

Em thức dậy trên giường
Sớm mai thức dậy trên chân em
Trên ngực em
Sớm mai thức dậy trên miệng em
Hờ hững
Mỉm cười
Sớm mai rùng mình…”

(Trích “Đà Lạt”).

Hoặc nữa:

“… Tiếc quá, nếu có em nơi đây em đã thấy trái tim anh
Đong đưa như bông hoa trên dòng đời,
Buổi sáng khua hàng điệp thức dậy
Với tiếng reo nhỏ mùa xuân cựa mình
Trên những phiến lá non
Và buồn phiền, lại nó, tên vệ sĩ to con ấy
Nó vẫn khiêu khích anh mỗi lần gặp em.
(…)
Lần nào chuyến xe lửa còm cõi đi qua cũng say khướt và khóc
Lần nào biển cũng đến và dĩ vãng thức dậy
Lần nào cũng vậy, lần nào em cũng như chiếc gai trên đường đời anh
Chiếc gai - hiện tượng vật lý kỳ lạ - đã cho anh cùng lúc hân hoan và đau đớn
Mơ mộng và chán nản.
(…)
Đã bao lần cánh tay anh kể lại
Những lần tóc em mưa gió
Những lần hơi thở em rơi những ngọn lửa
Ngọn lửa quằn quại, ấm áp
Ngọn lửa có tay có chân
Ngọn lửa như dây leo bám lấy đời anh kiêu hãnh
Những lần trái đất bỗng dưng chật hẹp
Và trái tim trở thành giông bão
Những lần nước mắt em – sinh vật láu lỉnh – trang điểm vuốt ve cùng gươm sắc
Với bao chuyện nữa, cánh tay nhẫn nại ghi chép
Cánh tay đã bao lần ngủ thiếp trên trán anh
Vầng trán khỏa thân mỗi lần kỷ niệm đến…”

(Trích “Khi yêu nhau chúng ta đã phụng sự nhân loại”).

Và:

mưa đã sôi trên những tấm tôn đau đớn”.
(…)
Mưa rách xơ xác suốt buổi chiều trên những mảnh chai tím
Tiếng mưa vỡ cồn cào như vó ngựa”.
(…)
Nhớ lại những miệng cười, ánh mắt, bàn tay
Êm như bước chân mèo trên rầm bếp…

(Trích “Mưa đã khóc trên những căn nhà dập nát đó”. Nguồn: Trình Bày số 5, ngày 1 tháng 10 – 1970).

*

Tôi không biết có phải vì thơ là tiếng nói trực khởi đi ra từ cảm nghiệm của trái tim thi sĩ (?)- - Nên các nhà nghiên cứu, phê bình từ Tây qua Đông, khi cần tìm hiểu một giai đoạn lịch sử, xã hội một đất nước, thường tìm đến thi ca. Như thể đó là địa-chỉ-trung-thực, đáng tin cậy nhất, về những góc khuất lấp của thời kỳ đó?

Nếu điều này có phần nào đúng vậy thì, Nguyễn Quốc Thái cũng đã đóng góp được phần của ông, cho bức tranh hiện thực nhiều gam mầu mâu thuẫn, rối rắm trong giai đoạn chiến tranh leo thang cực điểm ở miền Nam. Dù người đọc có đồng cảm hay không, với thơ ông!?!

Du Tử Lê,

(Jan. 2014)

______

Chú thích:

(1) Điển hình là tất cả những tập nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều được in lậu và, bày bán công khai ở các nhà sách.
(2) Theo nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, một bằng hữu thân thiết lâu đời của tác giả “Hồi chuông tắt lửa” thì, Thế Nguyễn / Trần Gia Thoại sinh năm 1941, mất năm 1989 tại Saigon.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 16817)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 18833)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 9027)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 8126)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 33348)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
27 Tháng Tư 20239:42 SA(Xem: 5308)
Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.
16 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9163)
Người đầu tiên hăm hở xắn tay áo, bước vào lãnh vực xuất bản, giai đoạn sơ khai, là ông Đỗ Ngọc Tùng, nhà Đại Nam
02 Tháng Ba 202312:00 SA(Xem: 9975)
Tôi không rõ thời gian ở VN trước tháng 4-1975, nhà báo Ngọc Hoài Phương có làm thơ nhiều không?
18 Tháng Hai 202312:00 SA(Xem: 19364)
Nếu không kể những nhà xuất bản chuyên nghiệp như nhà Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai, Nguyễn Đình Vượng, hay Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn, Trí Đăng…thì, những nhà xuất bản được điều hành bởi các nhà văn, nhà thơ cũng đã tạo được ít, nhiều tiếng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16817)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12052)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18833)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8126)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 453)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13901)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19088)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7781)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8697)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8394)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10940)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30590)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20745)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25369)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22814)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21616)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19674)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17966)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19150)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16826)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16016)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24372)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31810)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34843)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,