*Câu hỏi của John Huỳnh:
Là một người viết thuộc thế hệ trẻ, xin ông cho biết nhận xét tổng quát của ông về những người cầm bút cùng lứa tuổi của ông và sau ông ở VN hiện nay?
*Câu trả lời của Hà Quang Minh:
Xin chào anh John Huỳnh.
Phải thừa nhận là câu hỏi của anh vô cùng khó bởi là một người trẻ, thực sự tôi cũng chưa dám mạo muội nhận xét gì nhiều về những người cùng trang lứa với mình, hoặc trẻ hơn mình. Rất dễ hiểu, khi tôi chưa đọc hết của họ một cách có hệ thống, tôi khó có thể nhận xét về năng lực, năng lượng cũng như những tác phẩm đã thành hình của các đồng nghiệp.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tổng quan, không bắt nguồn từ bất kỳ một điển hình ví dụ của cá nhân nào, tôi cũng có thể nhìn thấy mấy nét như sau ở lực lượng những tay bút trẻ.
Thứ nhất, do sự đa dạng hơn của thị trường giải trí trong khoảng vài thập niên trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2000 tới nay, văn học không còn giữ được nhiều 'đất' trong lòng độc giả, khán giả. Chính vì thế, có nhiều người có khả năng lớn, có đam mê nhưng họ đều ái ngại chôn sâu và không tham gia vào làng văn chương. Theo tôi, đây mới là tài nguyên dồi dào thực sự của văn học Việt Nam hiện đại, một vùng tài nguyên chưa được khai phá đúng mức.
Thứ nhì, những người còn tiếp tục dấn thân lại có khát vọng muốn khẳng định mình rất lớn nên thường họ chọn những đường lối được tạm gọi là cách tân theo những trường phái, thủ pháp nào đó mà vô tình bỏ quên đi phần cốt lõi, tức là phần hồn của văn chương. Chính vì thế, lực lượng viết trẻ nói chung có giọng điệu, thủ pháp, bút pháp rất hiện đại, thậm chí có những người còn thể hiện được cả tính avant-garde của mình nhưng suy cho cùng, vẫn chưa để lại được dấu ấn lớn như thế hệ đi trước. Đây có thể gọi là sự ám ảnh về hình thức dẫn đến việc quên mất giá trị nội dung. Chính vì vậy, một số tác giả không quá quan tâm đến hình thức, vẫn giữ được quan niệm văn chương như hơi thở khi hành văn, đã đạt được thành công nhất định vì họ chú trọng đến nội dung, ý niệm nhiều hơn mà điển hình là Nguyễn Ngọc Tư, người viết văn rất hồn hậu, dễ đọc, đễ thấm, dễ hiểu nhưng sẽ bắt người đọc phải ưu tư nhiều.
Thứ ba, có một lực lượng khá lớn cho rằng nghiệp viết là dễ dãi và họ không quá quan tâm đến kiến thức chung ngoài văn chương. Đây là căn bệnh của thế hệ trẻ Việt Nam hiện thời và nó không chỉ thể hiện ở văn học mà còn ở một số lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa. Những người trẻ ấy có thể có bút pháp rất cừ khôi, mới lạ nhưng họ vẫn chỉ dừng lại ở những tác phẩm hời hợt bởi bản thân họ đã có một cuộc sống hời hợt rồi. Tôi từng chia sẻ với một số người đồng nghiệp (ở cả lĩnh vực âm nhạc) rằng lý do cơ bản mà tác phẩm của họ không có sức nặng như của lớp người đi trước dù họ có những công nghệ hỗ trợ để tác phẩm của mình có vẻ gần với thế giới hơn là bởi họ quá thiếu triết tính, thiếu ưu tư, trăn trở thực sự với đời sống và thiếu cái nhìn chủ quan có phân tích sâu sắc đối với các hiện tượng, sự kiện, khái niệm đời thường. Điểm này xuất hiện đặc biệt nhiều ở thế hệ sinh vào nửa sau thập niên (19)80s, vì lý do họ ỷ lại quá nhiều vào internet, cho rằng đó là nguồn tài nguyên rất lớn để tra cứu bất kỳ lúc nào nên dẫn đến việc họ rất ít đọc và tự học hỏi thêm.
Cảm ơn anh rất nhiều vì câu hỏi 'hóc búa' nhưng đầy lý thú này.