(Tiếp theo và hết).
Nếu ở thể truyện ngắn, nhà văn Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn, cho thấy chủ tâm mô tả cảnh vật hay, tâm lý nhân vật chiếm khoảng 3 phần 10 tổng số chữ, thì ở thể truyện dài, họ Tô cho thấy phương diện này, chỉ chiếm khoảng 2 phần 10 tổng số trang mà thôi. Phần còn lại, ông dành cho đối thoại.
Tuy nhiên, với tài năng đặc biệt của mình, những mô tả trong truyện dài - - Điển hình như tiểu thuyết “Đò Dọc”, từng được trao giải nhất, bộ môn văn, giải Văn Chương Toàn Quốc 1960 (đồng hạng với tập truyện “Thần Tháp Rùa” của nhà văn Vũ Khắc Khoan) - - Thì những mô tả đó vẫn là những mô tả mang tính so sánh hay liên tưởng kiệm lời, nhưng đầy hình tượng, nhiều chất Bình Nguyên Lộc nhất. Thí dụ khi ông mô tả quang cảnh nơi ở mới của gia đình ông Nam Thanh (nhân vật chính), chạy loạn từ Saigon về miền đông Nam bộ, có những đoạn như:
“…Cây cối còn lùn bân mặc sức cho nắng đổ xuống vườn, cái thứ nắng hè buồn một nỗi buồn tẻ và chết như nỗi buồn nơi sa mạc.
“Cho đến cả xe cộ ngoài đường cũng a tùng để tăng thêm cái buồn trưa nắng. Bao nhiêu xe nhà, xe du lịch rộn rịp trên đường Thiên Lý khi sáng bây giờ đã rút lui đi đâu mất hết. Chỉ còn những chiếc cam-nhông tiền sử hổn hển kéo những rờ-mọt gỗ, khúc gỗ nào cũng như một thây người vừa bị lột da và những bành cao su sống phết vôi trắng chói lòa lên dưới nắng hè.”
Và:
“Con đường nhựa không đen nữa mà tím sẫm xuống như một băng lụa vắt ngang vòng hoa tang bằng cườm trong các đám phúng điếu.”
Hoặc:
“…Đèn pha xe hơi như những sợi dây đõi to, cột dính chiếc xe trước với một dọc xe sau rồi cả đoàn như được độc một chiếc đầu kéo đi…” (Trích “Đò dọc”, chương 3)
Hoặc nữa:
“…Chú rể Long rước cô dâu Hồng đi xong, chiều lại ông bà Nam Thành ngồi nhơi cái hiu quạnh của mình…” (Trích “Đò dọc”, chương 18).
Tôi nghĩ, khó có nhà văn Nam bộ nào có thể dùng động tự “nhơi” đi trước tính từ “hiu quạnh” đúng chỗ và, hay hơn họ Tô, ở những dòng cuối cùng, trước khi “Đò dọc” chấm đứt).
(Tưởng cũng nên nhấn mạnh, đấy là lần thứ hai ông dùng động tự “nhơi” trong tiểu thuyết “Đò dọc” của mình.
Cũng động tự “nhơi” kia, nơi chương 3, ông đã viết:
“... Không ai buồn lên gác cả. Gia đình tụ họp nơi buồng tiếp khách, ngồi lặng thinh nhìn cam-nhông mui lá dài ngoằng, uể oải bò như con trâu già mệt nhọc kéo xe rơm khô, tuy chở nhẹ vẫn không muốn bước.
“- Rồi phải bày ra công việc gì để làm vào giờ trưa mới được, ông Nam Thành nói: ngồi không như vầy mà nhơi những nỗi buồn xa ở đâu đâu ấy, hại lắm…”
Với tôi, ngôn ngữ Nam bộ được họ Tô cùng, không chỉ hồn nhiên như bản chất người Nam bộ mà, nó còn mang cả hồn tính của tổ tiên chúng ta thời mở cõi nữa.
Ngoài đặc tính chơn chất, bình dị, với những từ ngữ “Nam bộ” rặc, tựa đó thẻ nhận dạng văn chương của họ Tô, tác giả “Dò Dọc” cũng làm sống lại những bài vè miền Nam, thuộc dòng văn học dân gian - - Như đoạn cô con gái lớn của ông Nam Thành tên Hương, trong giây phút hồi tưởng quá khứ chưa xa, đã hát:
“Con chim manh manh
Nó đậu cành
chanh
Tôi vác miểng
sành
Tôi chọi chết
giãy
Tôi làm bảy mâm
Tôi dưng ông ăn
Ông hỏi chim gì
Tôi nói manh manh
Nó đậu cành
chanh
Tôi vác…”
Rồi cô đố các em tìm được một bài hát có “…câu chót nối trở lại câu đầu, liên hồi bất tận hát được hoài không bao giờ dứt cả.” Thì cô Quá, tức cô em út hát ngay:
“Bậu lỡ thời
như ớt chín cây
Ớt chín cây người
ta còn hái
Bậu lỡ thời như
nhái lột da
Nhái lột da người
ta còn bắt
Bậu lỡ thời như
giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người
ta còn đánh
Bậu lỡ thời như
bánh trôi sông
Bánh trôi sông người
ta còn vớt
Bậu lỡ thời như
ớt chín cây
Ớt chín cây nguời
ta còn hái
Bậu lỡ thời như…”
(Trích “Đò dọc”, chương 3)
(Khi chọn bài vè này, cô Út Quá, còn ngụ ý trêu chọc chị Hai của mình, lớn tuổi rồi mà vẫn chưa có chồng).
Cũng trong chủ tâm lưu truyền cho đời sau, những nét sinh hoạt đặc thù của người dân quê miền Nam thời khai hoang, nhà văn Bình Nguyên Lộc còn tìm cách đem vào tiểu thuyết của ông bài vè “chửi mất gà”, do một bà hàng xóm của gia đình ông Nam Thành “hát” lớn cho cả xóm “thưởng thức”:
“… Chiều hôm ấy, thím lo lắng mà thấy con gà trống tơ màu bắp chuối không về. Thím bền chí đứng đợi một hồi rất lâu, đến chạng vạng mới chịu đóng cửa sau lại.
“Thím tư uống nước xong, ra sân tằng hắng vài tiếng rồi người ta nghe như là ai mở rađiô, thao thao bất tuyệt:
“ ‘Xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài, xóm trong mở lỗ tai mà nghe đây nè: gà của tao còn ràng ràng hồi trưa mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi…
“ ‘…Mẹ! giường thờ chiếu trải tiên nhơn cha bây, bây có thèm thịt thèm cá thì nuôi lấy mà ăn chứ làm chi như vầy, ông bà ông vải bây ngồi trên giường thờ sao cho yên nè!
“ ‘…Mẹ! Cao tằng cố tổ tiên nhơn cha bây, cả kiếng họ mẹ bây, rán mà ngoáy lỗ tai để nghe tao chửi…
“ ‘…Quân tham lam bây ăn thịt gà mắc xương nghẹt họng bây, bây ăn rồi bây ngã ra giãy tê tê rồi chết toi, chết dịch…’
“Vân…vân… và…vân…vân…
“Mấy chị em ngạc nhiên hết sức mà nhận ra tự vựng chửi rủa của ta rất giàu và âm nhạc chửi rất phong phú nhịp điệu.
“Quả thế, thím tư chửi bằng giọng khi bổng khi trầm, khi bổng thì như diều lên, khi trầm thì như tiếng xe lửa Biên Hòa mà họ nghe xa xa về đêm. Thím chửi có nhịp có nhàng, có tiếng ngân dài, có tiếng dừng tức…” (Trích “Đò dọc”, chương 4).
Như đã nói, vai trò đối thoại trong truyện Bình Nguyên Lộc, không chỉ là những đối đáp, phản ứng của các nhân vật ở đời thường mà, theo tôi, chúng còn có dụng tâm cổ súy đạo đức, kích thích tình yêu gắn bó giữa đất và con người.
Đọc lại, 18 chương ngắn dài của “Đò dọc”, độc giả cũng sẽ dễ dàng nhận ra những phân tích tâm lý và, ngụ ý thâm sâu của tác giả, từ cách ông đặt tên cho các nhân vật, tới nơi chốn họ sinh sống nữa.
Tóm lại, dù ở thể loại nào, truyện ngắn hay truyện dài, nhà văn Bình Nguyên Lộc vẫn là nhà văn lớn, không chỉ tiêu biểu cho văn chương miền Nam (qua từ ngữ) mà, tác phẩm của ông còn làm giầu cho văn học Việt Nam trên căn bản con người gắn bó với đất nước, quê hương của mình - - Dù những con người ấy, có trải qua tình huống bi đát hay nghèo khó… Đáng kể hơn nữa, vẫn theo tôi, tài hoa Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn và, nhân cách vĩ đại của ông, vốn là một. Đó là hai phạm trù ít khi cùng nhau, đi chung một con đường!!!
Du Tử Lê,
(Garden Grove, Aug. 2014)