Đi tiếp về những quãng đời thơ ấu của mình đôi lúc tôi nghĩ thật vui. Trong quãng đời của mình mình cứ tưởng là của riêng mình nhưng trên con đường mình gặp người tri kỷ và muốn rủ họ cùng đi trở lại con đường xưa với mình một đoạn nào đó mình thích. Và hôm nay, trong quảng đời còn lại tôi quay trở lại con đường tôi đã đi qua. Trên đường đi một người kể một lắng nghe đến lúc nào không biết và nhìn lui thấy đi lùi về quá khứ của mình khá xa. May mắn trí nhớ của tôi không tồi nên câu chuyện có vẻ trôi chảy. Và hình như người lắng nghe cũng chăm chú có phần thích thú nên người kể cũng có nhiều cảm hứng.
Gia đình người Việt mình ngày xưa rất đông con, có những khoảng đời đẻ năm một hay ba năm hai đứa. Vì vậy người mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ cùng một lúc cho những đứa con còn bú. Cho nên hồi xưa có chuyện nuôi vú. Thầy mẹ tôi nuôi một người vú cho tôi. Cậu bé lên năm có biết gì, đói thì có bầu sữa, đâu có biết hỏi tại sao. Tại sao có dì Mận cho mình bú sữa khi đói suốt trong một năm đầu đời. Tôi còn nhớ tên dì Mận. Dì rất thương tôi, săn sóc tôi như bà mẹ và hình như tôi quấn quít với Dì nhiều hơn mẹ. Chẳng hạn gia đình đi chơi đâu mà không có dì Mận đi là tôi không chịu rời. Sau khi hết thời gian làm vú nuôi dì Mận cũng còn được giữ lại trong nhà săn sóc tôi và anh em khác như ăn uống tắm rửa, dỗ ngủ, dắt đi chơi. Mẹ tôi kể chuyện dì Mận được bà nội chọn lựa từ quê nhà rất kỹ nhất là sức khoẻ và biết săn sóc trẻ con. Sau này khi lớn lên đi học tôi mới biết đặt câu hỏi và tự hỏi: tại sao dì Mận lại có sữa để nuôi mình? Chắc chắn dì Mận phải có một đứa con mới sinh ra. Tại sao dì Mận không cho con mình bú sữa của mẹ? Đứa con dì Mận ai nuôi và nuôi bằng cách nào? Càng đặt câu hỏi trong đầu tôi càng thắc mắc và có tâm tư suy nghĩ rất bức bách khó chịu. Tôi hỏi thẳng mẹ tôi. Mẹ giải thích dì Mận không đủ điều kiện nuôi gia đình nên phải đi làm vú nuôi. Bù lại mẹ tôi mua sữa bò để nuôi con dì Mận, trả tiền cho dì Mận nuôi cả gia đình.
Một hôm dì Mận ngồi trước thềm nhà chơi với tôi như hàng ngày. Trong nhà Thầy tôi nuôi rất nhiều dê. Một đàn dê thật đẹp. Có những con dê râu thật dài trông rất hùng tráng và những con dê con suốt ngày kêu be be thật vui. Có một con dê út nhỏ nhất, tôi rất thương, thường ngồi ẵm nó vào lòng. Hôm đó trời chuyển mưa, mây đen kéo lên và bắt đầu có những tiếng sấm xa xa. Tôi đang ôm con dê trong lòng, dì Mận ngồi bên cạnh, thình lình một tiếng sét thật to với tia chớp sáng loè. Con dê giật mình vùng ra khỏi tay tôi cái sừng mới nhú lên chút xíu nhưng cứng rắn húc vào đầu tôi làm chảy máu rất nhiều. Tôi ôm đầu khóc lên, dì Mận hoảng sợ cuống cuồng ôm lấy tôi, ôm lấy đầu tôi và đưa tôi vào nhà. Thầy tôi cho xe vào nhà thương. Suốt đêm đó dì Mận không rời tôi, không ngủ. Hình ảnh hoảng sợ lo lắng hiện trên nét mặt dì Mận đến bây giờ tôi còn nhớ.
Dì Mận dạy cho tôi nhiều câu hò, câu hát ru em, câu ca dao. Thời gian dì ru tôi ngủ tôi còn bé tý đâu có biết, nhưng khi tôi lên năm lên sáu dì Mận thỉnh thoảng ù ơ những câu ca dao trong lúc đang làm việc nhà. Lúc đó tôi chỉ có ý niệm những câu hát có âm điệu lạ lạ vui tai, ngoài ra không hiểu gì hết. Sau này lớn lên, rời Hà Tỉnh, gia đình về quê, những câu hát của dì được nghe nhiều hơn. Tôi bắt đầu có một vài ý niệm, hiểu câu ca dao theo sự khôn lớn của mình. Lạ lùng là có hai câu ru em dì Mận hay hò lên làm tôi nhớ dai hơn. Nhớ đến bây giờ.
Dí dầu cầu dán đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình (mà ) khó đi.
Lúc nào hát ru lên Dì cũng thêm chữ "mà" và kéo dài chữ đó ra.
Sau này khi học về dân ca miền Nam những câu ca dao như hai câu trên làm tôi thích thú vô chừng. Giọng miền Nam hát như vậy, thực cho dễ hiểu hơn mình phải viết ra là:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Chỉ hai câu thơ mộc mạc nhưng diễn tả hết được tâm tình, nỗi nhớ của hai người tình yêu nhau mà không dễ được gặp nhau. Chỉ còn biết mơ ước. Có thể người con trai muốn người mình yêu đến thăm mình ở một nơi hẹn hò nào đó. Nhưng vì hoàn cảnh nào đó, người con gái không dám trốn cha mẹ đến thăm người yêu, hoặc có thể người con gái tế nhị hơn muốn gặp người yêu nhưng người yêu phải đến với mình, chứ mình không đi vì lấy lý do cái cầu tre lắc lẽo quá em không dám qua sợ té.
Nếu hai câu đó mà viết thành văn xuôi thì sẽ là một lá thư tình hẹn hò rất dài, dài mấy cũng được, rất tình tứ lãng mạng và nói lên tính đoan trang của người con gái và tính chân thật đàng hoàng của chàng trai:
"Này anh ơi, biết anh muốn gặp em. Em cũng mong được gặp anh nhưng ngại chiếc cầu khỉ bằng tre lắc lẻo quá, ban đêm em sẽ té xuống ruộng ướt hết. Ước chi cái cầu này được thay bằng chiếc cầu gỗ có đóng đinh chắc chắn, không gập ghình...thì em sẽ thong dong qua đến anh, để cho hai đứa mình đỡ nhớ"
Nghệ thuật của ca dao Việt Nam mình hay đáo để, mộc mạc nhưng trong sáng, không văn chương nhưng tự tình biết là bao.
Dì Mận ơi, con không biết Dì Mận nếu còn sống năm nay bao nhiêu tuổi. Con đoán khi mẹ con sinh con ra và bà Nội con gởi Dì ra Hà Tịnh giúp Má con nuôi con, Dì chưa được hai mươi tuổi. Dì biết tại sao con đoán tuổi Dì chưa tới hai mươi không? Bởi vì Má con kể bà Nội con tìm vú nuôi rất kỷ lưỡng; bà chỉ tìm người mẹ con so, nghĩa là có đứa con đầu lòng. Mà người miền quê của mình con gái con trai lập gia đình sớm lắm. Nhà nông cần người lao động chân tay, con trai lấy vợ thì nhà chồng được thêm một người lao động: Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Hơn nữa đời sống sau luỹ tre xanh, tình cảm trai gái nẩy nở rất sớm. Trăng thanh gió mát, không khí trong lành, trai làng gái quê gần gũi nhau trong công việc đồng áng; trai cày bừa, vỡ đất, gái tát nước, gặt lúa. Dì cứ tưởng tượng một đêm trăng cô thôn nữ đang tát nước, chàng trai nhìn thấy bóng dáng mềm mại của nàng dưới bóng trăng tát từng gàu nước tưới ruộng mới cấy, chàng lên tiếng "Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi". Câu hò đẹp như ánh trăng, làm lòng cô thổn thức và tình yêu nẩy nở nhanh chóng.
Dì nghe con nói có lý không?
Khi con lên năm tâm thức con bắt đầu ghi nhận được bóng dáng của Dì. Con không có ý niệm Dì là vú nuôi của con, đứa bé hết bú sữa lúc một tuổi, ở tuổi đó con không biết gì cho đến sau này khi con lớn khôn mẹ con kể chuyện về Dì rất nhiều và mỗi lần nghe kể là con say sưa. Con nhớ hoài câu kể của Mẹ: "Mi hồi nhỏ bậm xị, mới tháng đầu đã sổ sữa. Sữa mụ Mận mát, dư thừa, bú không kịp, lâu lâu phải nhờ cô đỡ (bà mụ) hút vào chai để bú bữa khác". Dì ơi, con biết bầu sữa Dì căng đầy và tinh khiết và nhiều chất bổ nuôi con. Bây giờ nhìn thân thể con những tế bào đã được nuôi từ sữa của Dì ở những năm tháng đầu đời.
Trời cho con một trí nhớ còn tốt. Khi con lên năm những kỷ niệm đáng nhớ còn trong con. Con nhớ con có một người ngày ngày con đeo hoài. Người đó là Dì nhưng con không biết tên. Má con bảo anh chị em con gọi bằng dì. Dì dẫn con đi tham dự buổi phát quà Noel đầu tiên đời con. Khi con thấy bà đầm to lớn mặc áo thùng đỏ, mang râu trắng con sợ oà khóc Dì ôm con vào lòng. Một buổi chiều trời đổ giông con đang ngồi với Dì tay ôm con dê con sừng mới nhú, một tiếng sét thật to làm nó giật mình vùng ra khỏi tay con, sừng nó làm đầu con chảy máu. Dì sợ ôm con khóc rấm rức. Đó là lần con làm Dì khóc mình còn nhớ.
Năm nay con về thăm chị, mừng thượng thọ Chín Mươi, vui câu chuyện thời xưa chị kể nhiều chuyện, trong đó có Dì Mận. "Dì Mận chỉ nuôi một mình em thôi vì năm đó má mình không được khoẻ khi sinh em ra. Em lên năm đeo Dì không rời. Ở nhà em lầm lì chơi một mình khi vắng Dì, chỉ chờ Dì về là đeo. Em đã làm Dì khóc vì cứ hỏi Dì và bắt Dì phải trả lời cho được". Chị con chỉ kể chừng đó nhưng con như có cái gì bên trong tận sâu xa nổi lên bừng nhớ. Cho hay những hạt giống nằm ngủ quên bảy mươi năm qua nay trở về khi được đánh động. Một hôm Thầy con đưa cả nhà lên một chiếc xe lớn đi cắm trại ở lại đêm trên bờ sông có bãi cát trắng. Con sông đó tên là sông Lam. Dì và con đi lượm những vỏ sò sắp lại thành những vòng tròn. Nhìn ra sông con hỏi Dì "Nếu mình đi hết con sông này mình tới đâu?" Dì nói "Mình tới xóm dưới có mấy cái nhà kia kìa". Dì vừa nói vừa chỉ tay xuống đó. "Nếu mình đi hết xóm đó mình tới đâu?" "Mình tới biển". "Mình đi hết biển thì tới đâu?". Đến đây Dì không trả lời. Con thấy Dì khóc. Dì dắt con về lại lều mà mắt còn ướt chị con hỏi mới biết.
Bây giờ con đã lớn, đã học hành, đã biết trái đất tròn, nếu mình đi hết biển sẽ tới đâu. Con xin lỗi Dì vì đã làm Dì khóc. Cuộc đời sau luỹ tre làng, lớn lên Dì lập gia đình, hoàn cảnh Dì phải mang bầu sữa tinh khiết đi nuôi con người khác, con của Dì ai nuôi? Câu hỏi này lớn lên con mới đặt ra. Nếu lúc nhỏ con đặt thêm câu hỏi này có lẽ con đã làm Dì khóc lần thứ ba và lần này Dì khóc dữ lắm.
Con cứ tính tuổi con mà đoán nếu Dì còn sống Dì cũng đã trên chin mươi rồi. Từ ngày Dì rời con và suốt thời gian bảy mươi năm con không hề nghe nhắc đến Dì. Dì là con người bí mật nhất đời con; khắng khít với Dì khi còn tấm bé, khi con lớn khôn Dì ra đi không để lại dấu tích như cánh chim bạt ngàn. Nhưng Dì à, Dì đừng lo, trong con có Dì vì những tế bào trong cơ thể con vẫn còn sữa của Dì.
Con thương Dì lắm.
Chân Tính Hải
(trích Vòng Sân Cát)