WESTMINSTER, California (NV) - Trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ của đêm Thứ Bảy, 20 Tháng Chín, Câu Lạc Bộ Sân Khấu Nhỏ đã đưa khán thính giả ngồi kín phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt đi trọn vẹn về một thời kỷ niệm qua chương trình ca nhạc đặc sắc, được tổ chức chu đáo, và trọn vẹn, “Bóng cũ trường xưa.”
Theo thông báo, chương trình sẽ bắt đầu vào 7 giờ 30 tối. Nhưng chỉ mới hơn 6 giờ thì phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt gần như kín chỗ. Trang phục lịch lãm, không ồn ào, chứng tỏ những vị khách với mái đầu đã điểm sương rất trân trọng đêm nhạc đang chuẩn bị diễn ra.
Hợp ca Thế Hệ Tiếp Nối mở đầu đêm nhạc. (Hình: Kalynh/Người Việt)
Một trong những người khán giả đến sớm là cô Ngọc Lan. Cô Lan đi cùng với hai người bạn, cho nhật báo Người Việt biết đây là lần thứ ba cô xem chương trình của Câu Lạc Bộ Sân Khấu Nhỏ, và cũng tại nơi đây. Cô nói lý do cô đến với đêm nhạc này là vì “tôi yêu thích nền nhạc xưa. Chương trình này có rất nhiều bài hát cũ. Nó làm cho tôi nhớ lại cả một thời đi học.”
“Tôi là nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng ngày xưa,” cô nói thêm với vẻ tự hào.
Một người nữ khán giả khác, cô Lê, đi cùng với phu quân của mình, lần đầu tiên biết đến đêm nhạc Sân Khấu Nhỏ. Và lần này, cũng chính do tên gọi “Bóng cũ trường xưa” mà “tôi và ông xã của tôi rất muốn đi xem.”
Đúng 7 giờ 30, cũng là lúc phòng sinh hoạt không còn một chỗ trống. Có những người đến trễ vẫn chấp nhận đứng phía cuối phòng để theo dõi.
Người điều hợp chương trình, ông Nguyễn Bá Thành và bà Lyly Trần, bắt đầu dẫn dắt mọi người quay về những kỷ niệm của tuổi học trò với lời tự sự: “ Trong chúng ta ai cũng có một thời để yêu và để nhớ. Mỗi một hoàn cảnh đất nước,xã hội, sẽ có những kỷ niệm và quá khứ mang giai điệu riêng của nó.”
Hoặc theo lời MC Lyly Trần thì “với một đất nước mà xã hội có quá khứ chiến tranh khắc nghiệt thì những kỷ niệm ở nơi ấy càng dạt dào.”
Thêm nữa, bà tiếp lời bằng cách nhấn mạnh: “Đêm nhạc này sẽ đưa mọi người về kỷ niệm của những ngày thơ ấu trước 1975 với tiếng hát của cả hai thế hệ.”
Hoàn toàn đúng như chủ đề của đêm nhạc và những lời tự sự của ban tổ chức, trong hơn 3 tiếng của chương trình, khán thính giả, và có lẽ cả những người đứng trên sân khấu, đã bị trôi hẳn về một miền quá khứ. Bất kỳ tên bài hát nào khi được MC giới thiệu, là cả hội trường râm ran tiếng vỗ tay, như một phản ứng “ồ, tôi biết bài hát ấy.”
Không những thế, rất nhiều người đã “phụ hoạ,” khẽ hát theo những bài hát đó.
Từ bài hát tính đến nay đã gần ba thế hệ, nhưng “Trả lại em yêu” của cố nhạc sĩ Phạm Duy vẫn làm cho những mái đầu điểm bạc bên dưới hội trường hát theo không sai một lời. Và đâu đó bên dưới có ai đã thầm thì: “Duy Tân hồi đó có những hàng me đẹp lắm. Là đường Phạm Ngọc Thạch bây giờ phải không?”
Rồi khán thính giả tiếp tục được quay về “Phố cũ” của Trần Kim Bằng, rưng rưng với “Ngày xưa Hoàng Thị” của Phạm Duy, hồi tưởng lại kỳ thi tú tài với “Thà như giọt mưa” do Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên,...
Nam Trân, cô ca sĩ với chiếc áo dài tím, làm mọi người lắng đọng với bài
Kỷ Niệm.(Hình: Kalynh/Người Việt)
Một điều đặc biệt đó là những bài hát vượt qua năm tháng đó được thể hiện lại bằng tiếng hát của các ca sĩ trẻ, như Nam Trân, Huy Tâm, Nguyễn Trung. Họ không phải là thế hệ cùng thời với Phạm Duy, Thái Thanh, Duy Quang...nhưng họ thật sự đưa tất cả người nghe trong phòng sinh hoạt trở về một trời kỷ niệm.
Cô ca sĩ trẻ Nam Trân, lần đầu tiên
đến với Sân Khấu Nhỏ, đã làm cho cả phòng sinh hoạt ngưng đọng, miên man
về những ngày xưa cũ với hình ảnh “mẹ tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu.” (Kỷ
niệm – Phạm Duy).
Một vị khán thính giả lớn tuổi thốt lên sau khi cô ca sĩ trong tà áo dài tím
kết thúc bài hát: “Trẻ mà hát nhạc này hay quá.”
Những mái đầu bạc khẽ hát theo những mái đầu xanh. Sau mỗi bài hát, là những tràng vỗ tay kéo dài.
Đúng như lời tự sự của ban tổ chức, Câu Lạc Bộ Sân Khấu Nhỏ là “một sân chơi của nhiều thế hệ.” Đêm nhạc “Bóng cũ trường xưa” đã kết hợp với nhiều thế hệ trẻ tiếp nối để cùng đưa khán thính giả về những tháng ngày kỷ niệm.
Bên cạnh sự lắng đọng từ những bài hát một thuở, còn là những cảm động khi nghe các em thanh thiếu niên, nhỏ nhất 11 tuổi, sinh trưởng ở Mỹ, nói tiếng Việt không tròn âm, nhưng hát say sưa “Trưng Vương khung cửa mùa thu,” “Cô bé dỗi hờn,” “Người Thầy,”...
Chủ đề chính của đêm nhạc là “Bóng cũ trường xưa,” là kỷ niệm của những ngày tháng học trò. Cho nên, hình ảnh trường lớp, bạn bè, bảng đen phấn trắng được thể hiện qua hầu hết những bài hát.
Cô bé Thảo Vy chiếm trọn cảm tình khán giả với bài "Bụi phấn."
(Hình: Kalynh/Người Việt)
Cô bé Thảo Vy 11 tuổi lấy trọn cảm tình của khán thính giả với hình ảnh vô tư trong áo dài trắng và tiếng hát trong veo qua bài “Bụi phấn.”
“Đây là tiết mục hay nhất,” một khán giả ngồi gần sân khấu nói khi cô bé vừa hát xong.
Khi được hỏi về ý nghĩa của bài hát mình trình bày, rất lễ phép, Thảo Vy nói: “Dạ con biết. Đây là bài hát nói về người học trò khi lớn lên nhớ về thầy của mình lúc giảng bài, có hạt phấn rơi rơi.”
Trả lời rất tự tin, nhưng cũng rất ngây thơ khi cho biết “con chưa nhìn thấy cái bảng đen đó. Con cũng không biết hạt phấn.”
Không phải chỉ riêng Thảo Vy, cậu bé David Phan, với gương mặt không có nét nào của người Châu Á, nói tiếng Việt “lơ lớ” nhưng làm cả hội trường cười vui với vở kịch ngắn ‘Tiếng Việt còn.”
David Phan, cậu bé mang hai dòng máu Việt-Mỹ, khoanh tay nói: “Dạ con 13 tuổi. con học tiếng Việt được vài năm.”
Có nhìn thấy David ôm cổ mẹ, sau chương trình và nói “I love you Mom” mới hiểu được cậu bé này tự hào như thế nào về việc mình được tham gia vào một đêm nhạc với tiếng mẹ đẻ.
Đêm nhạc "Bóng cũ trường xưa" còn mang lại cho khán thính giả phút thư giãn với những lời tâm sự của hai diễn giả Bùi Bảo Trúc và Đoàn Thanh Khiết.
Rất tự nhiên và dí dỏm, diễn giả Bùi Bảo Trúc hỏi ngay: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Sân Khấu Nhỏ, vậy tôi có phải là thế hệ sau không?”
Ông là một nhà nhà giáo, một phóng
viên. Bằng lối dẫn chuyện chân thành, mộc mạc, ông kể về thời đi học mà theo
ông là “không ai dốt hơn ông được.” Ông nhắc về một kỷ niệm với một người bạn
cũ cùng thời bằng chất giọng trầm và đẹp. Ông gọi bạn mình là “chàng.”
“Chàng là Nguyễn Xuân Hoàng. Ngày mai là ngày đưa chàng về.”
Một người xin gọi ông Bùi Bảo Trúc là “trưởng thượng,” cũng kể về thời học sinh dưới mái trường Lasan Taberd, đó là diễn giả Đoàn Thanh Khiết.
Ông tự nhận “tôi không thể xuất khẩu thành thơ” nên ông gửi gắm đến thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại bằng những lời khuyên chân tình và mang đậm truyền thống Việt Nam. Ông nhắc nhở các em rằng: “Hãy kính mến thầy cô và yêu thương giúp đỡ bạn bè. Hãy nhớ câu ‘gần mực thì đen gần đèn thì sáng.’” Ông nhắn nhủ học trò mình “muốn thành công thì phải đặt hết thời gian, trí khôn và sức lực vào công việc đó.”
Hơn nữa, ông kêu gọi các em hãy học hỏi và thấu hiểu lịch sử Việt Nam. Hãy nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình bằng cách học và giúp đỡ lại cho cộng đồng của mình.
Những lời nói của hai diễn giả Bùi Bảo Trúc và Đoàn Thanh Khiết làm cho đêm nhạc “Bóng cũ trường xưa” thêm thấm đẫm tình thầy trò, trường lớp, một bản chất đặc thù của người Việt Nam.
Phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt không còn chỗ trống từ đầu đến cuối
chương trình. (Hình: Kalynh/Người Việt)
Hội trường vẫn chật kín người trong suốt hai mươi hai tiết mục của chương trình. Máy lạnh càng về khuya càng được mở hết công suất. Nhưng, có vẻ như vẫn không đủ mát trước sức nóng của toàn thể mọi người có mặt nơi đó. Người trên sân khấu, kẻ dưới khán phòng, đồng loạt đứng lên cùng nhau đồng ca bài "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang.
---
"Bóng cũ trường xưa" khép lại lúc 11 giờ đêm. Có người vẫn chưa rời ghế ngồi khi đèn bật sáng. Họ nhìn lên sân khấu, có vẻ như vẫn nuối tiếc một kỷ niệm nào đó vừa chợt trở về. Họ hẹn gặp lại nhau vào đêm "Khúc tự tình quê hương" vào Tháng Giêng năm sau.
(Nguồn Kalynh Ngô/Người Việt)