LTS - Nhân dịp tuần báo, nhà xuất bản “Sống” ấn hành tác phẩm “Tôi với người, chung một trái tim,” tổng kết toàn bộ sự nghiệp của nhà thơ Du Tử Lê (buổi ra mắt sách sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều 28 Tháng Chín tại nhật báo Người Việt, vào cửa tự do), nhạc sĩ Tuấn Khanh (Sài Gòn), hiện có mặt tại miền nam California, thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn, nhưng đề cập tới những khía cạnh ít được họ Lê nói tới. Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn này.
***
Tuấn
Khanh (TK):
Nếu được yêu cầu nói một cách ngắn gọn, để giới thiệu về tuyển tập thơ văn nhạc
họa ra mắt lần này với một người bạn chẳng hạn, ông sẽ nói gì, thưa ông?
Du Tử Lê (DTL): Tôi sẽ nói, xin bạn đón nhận cuốn sách “Tôi với người,
chung một trái tim” như thể đó là cuốn sách duy nhất tiêu biểu cho một đời cầm
bút của tôi. Vì tôi không nghĩ, tương lai, sẽ còn có một cuốn thứ hai, tương
tự.
TK: Với một tuyển tập lớn được tổ chức công phu sắp ra mắt có giá trị
như sự tổng kết lại văn nghiệp, cũng có ý kiến cho rằng dường như đây là dự báo
cho việc sẽ khó có thể mong đợi một tác phẩm nào mới của ông, trong một thời
gian sắp tới?
DTL: Tôi hy vọng là... không. Không, hiểu theo nghĩa, tôi vẫn muốn được
gửi tới bạn-đọc-thân-hữu của tôi, những sáng tác mới, như tùy bút, thi ca, và
luôn cả...tranh vẽ. Tôi cho đó là cách tôi bày tỏ lòng biết ơn bạn-đọc-thân-hữu
của tôi, một cách cụ thể nhất.
TK: Hãy tạm gọi tuyển tập đó là phần tổng kết của một người đi qua
hơn nửa thế kỷ văn chương và cõi người, ông có gì để tâm sự với những người yêu
mến ông, về cõi người lẫn văn chương của ông?
DTL: Điều tôi muốn nhấn mạnh với tới bạn-đọc-thân-hữu của tôi là:
Chúng ta có hai nhu cầu căn bản: Thực phẩm (vật chất) để duy trì sự sống và,
thực phẩm tinh thần, để nuôi dưỡng tâm hồn. Tôi hiểu VHNT không thể biến thành
cơm, áo, gạo tiền...Nhưng tôi cũng từng biết, trước nguy khốn hoặc, khi phải
đối đầu với hoàn cảnh thập tử nhất sinh, lúc đó, con người không hề nghĩ tới
thực phẩm vật chất mà, họ cầu nguyện, đọc kinh theo tôn giáo của mình...Cũng có
người như cố nhà văn Mai Thảo, trong hành trình vượt biển, khi con tầu gặp bão
lớn, mọi người đinh ninh cái chết cầm chắc trong tay, ông đã ngửa mặt, nhắm
mắt, đọc thơ.
Ông kể, ông đọc bất cứ câu thơ nào ông nhớ. Từ những câu thơ ông thuộc nằm lòng
từ thời thơ ấu, tới thơ của bằng hữu lúc đã trưởng thành... Như một cách trấn
áp hữu hiệu nhất trước nỗi sợ hãi cái chết. Cầu nguyện, đọc thơ, thậm chí hát
khan... thuộc phạm trù tinh thần, phải không anh?
TK: Thưa ông, rõ ràng biểu đồ chiêm nghiệm đời sống từ “Nếu tôi
chết hãy đem tôi ra biển” đến “Em hiểu vì đâu chim gọi nhau” và hôm nay là “Tôi
với người chung một trái tim,” nó giới thiệu một Du Tử Lê đã bước qua rất nhiều
chặng đường trong cuộc đời mình, điều mà ông có thể chia sẻ với mọi người là
gì, chặng nào mà ông cho rằng mình chưa có dịp để nói.
DTL: Điều tôi muốn chia sẻ, nói là thú nhận thì đúng hơn rằng:
Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, tôi đã mang được vào trong văn chương của tôi rất
nhiều lãnh vực khác nhau: Từ khổ đau hay hạnh phúc, sự sống hay lẽ chết, tình
yêu chung thủy hay phản bội, tới tình gia đình, bằng hữu, tôn giáo, triết lý...
Chỉ riêng cái mà tôi luôn quan tâm, luôn tự nhắc mình là làm sao ăn ở cho tử tế
với người, thì tôi vẫn chưa, hay không có khả năng đào sâu! Đó chính là một
trong những chặng đường mà tôi chưa đạt đến.
TK: Nhiều năm tỵ nạn, sống và làm thơ trên đất Mỹ, dường như ông
luôn nhận được thành công và sự đón chờ của độc giả. Thật sự ông là người may
mắn đến mức chưa có thất bại nào để chia sẻ với mọi người chung quanh?
DTL: Vâng. Tôi cũng tự thấy là tôi nhận được nhiều may mắn. Nhưng,
sự thực không hẳn như vậy đâu, thưa anh! Trong quá khứ, tôi từng nói và, từng
viết xuống rằng, bước khởi đầu hành trình thơ văn của tôi, có nhiều bầm giập,
bẽ bàng lắm!
Lý do, tôi bước chân vào văn nghệ khi còn rất trẻ, mà lại không có được một sự
nâng đỡ, quen biết nào hết. Những ai có đủ bộ tạp chí Văn (ở Sài Gòn), từ số
đầu tiên, tới số sau cùng, mở lại mục “Thư Tòa soạn,” sẽ thấy tên tôi thường
xuyên xuất hiện trong mục “Bài nhận được” và cuối cùng là lời “cám ơn” chung!
Thời của tôi (trái ngược hẳn bây giờ), nếu bạn muốn có bài đăng trong một tạp
chí văn chương hàng đầu, như tạp chí Văn thuở đó, phải nói là...“thiên nan vạn
nan!” Nếu bạn không quen biết, không có giao tình với những người “cầm cân nẩy
mực!”
Tôi nhớ, bài thơ đầu tiên của tôi, được Văn chọn đăng là Văn số 4. Và mãi tới
Văn số 18, họ mới đăng cho tôi, bài thứ hai!
Có dễ cũng nên nói thêm rằng, tôi không có thói quen viết thư cho tòa soạn, để
kể lể về mình, rồi thăm hỏi, quà cáp... Hoặc vì mặc cảm nên tôi cũng không hề
lân la đến tòa soạn, để làm quen, tạo tình thân với những người có thẩm quyền
chọn bài... như một số tác giả trẻ khác.
Phải rất lâu sau, tôi mới có bài đăng thường xuyên hơn, trước khi trở thành
cộng tác viên thường trực của Văn. Khi có tình thân đủ với nhà văn Trần Phong
Giao (thư ký tòa soạn Văn thuở đó), một lần tôi hỏi ông, tại sao cũng những bài
thơ của tôi, ngày xưa Văn vứt vào sọt rác, sau này không những được đăng mà,
còn trả tôi nhuận bút, có phần cao hơn nhiều người khác? Thì ông đã rất thẳng
thắn trả lời tôi rằng:
“Tại hồi đó, tao chưa quen mày!” (Sic)
Tôi biết có nhiều cây bút có khả năng, hơn tôi rất xa, nhưng vì họ không đủ
kiên nhẫn, hoặc thiếu tự tin nên tài năng của họ sớm bị thui chột! Tới hôm nay,
mỗi khi nhìn lại chặng đường đi qua của mình, tôi vẫn còn thấy ngậm ngùi, tiếc
cho những tài năng, nửa chừng thui chột kia! Trong số đó, còn có không ít người
chết rất trẻ vì chiến tranh!
Ngoài ra, tôi cũng có nhiều vấp ngã và thất bại khác nữa!
TK: Nghệ sĩ khó tách rời với cội nguồn. Rất nhiều người ở các lĩnh
vực như âm nhạc, văn chương, hội họa... vẫn tìm cách đặt chân lại quê nhà, làm
một cái gì đó trong nghiệp dĩ của mình với con người Việt Nam. Ông có giấc mơ
đó không?
DTL: Vâng, tôi vẫn có mơ ước ngày ngày nào, đất nước chúng ta có
những thay đổi lớn... Để tôi có được cơ hội đi từ Nam ra Bắc, nói chuyện về văn
chương với những người trẻ. Đọc thơ cho họ nghe. Tâm sự, trò chuyện với họ...
Mơ ước, hay khao khát này luôn trỗi dạy trong tôi, mỗi khi tôi có dịp nói
chuyện, tiếp xúc với sinh viên ở các đại học, hoặc những người trẻ ở đây. Sau
mỗi buổi nói chuyện, đọc thơ, trả lời những câu hỏi của họ, khi ra về, tôi luôn
tự hỏi, liệu trước khi chết, tôi có được cơ hội nói chuyện với những người trẻ
ở Việt Nam hay không?
TK: Trong một nghịch cảnh của đất nước như Việt Nam, nơi mà chỉ cần
một chút sơ suất, người ta có thể trở thành kẻ hèn hay người phản bội lại cộng
đồng, lại thế hệ mình... có quá khó không để có thể sống được với nghệ sĩ tính
thuần túy? Ông có nghĩ mình đã làm tốt được điều đó?
DTL: Cảm ơn anh về câu hỏi này! Lời đầu tiên tôi muốn nói ngay với
anh là sau gần 40 năm ở xứ người, tôi chưa hề một lần được sống thật với tư
cách nghệ sĩ thuần túy của tôi! Viết cái gì, dù thơ hay văn...tôi đều phải
“trông trước, ngó sau!” Dù cho ở đây chúng ta không hề có Bộ Thông Tin, Sở Kiểm
Duyệt! Vậy mà, không biết anh Tuấn Khanh có biết rằng, tôi đã nhiều lần bị chụp
cái mũ Cộng Sản lên đầu. Tôi cũng đã nhiều lần bị gắn nhãn “đâm sau lưng chiến sĩ!”
hay “phản bội cộng đồng!” v.v...
Nói thế, không phải tôi sợ cho cá nhân tôi. Tôi biết tôi làm gì? Tại sao? Nhưng
tôi nghĩ tới sự đau lòng của những thương mến tôi, khi thấy tôi bị những kẻ háo
danh, mặc cảm bất tài, hoặc do ganh tỵ, tư thù mang tôi ra chửi bới một cách vô
văn hóa...!
Nhiều người nhắc nhở tôi, đại ý: Đóng góp như vậy đủ rồi! Già rồi, đừng làm gì thêm
nữa... Chỉ khiến cho chúng chửi mà thôi!
Hơn một người bạn của tôi, từng chua chát bảo rằng, muốn “yên thân” thì chỉ có
một cách là không sáng tác, không hoạt động gì hết. Sống khép kín trong 4 bức
tường của mình. Bởi vì, anh làm gì, viết gì, sáng tác gì chăng nữa, nếu không
hợp “khẩu vị” của ai đó, không “vừa mắt” ai đó... thì lập tức, anh sẽ bị “lên
án,” bị “tố cáo,” bị “vạch mặt, chỉ tên” cứ y như bị đem ra “tòa án nhân dân”
xét xử (trên các trang mạng hay các Facebook vậy)! Sống ở xứ tự do này mà, tôi
thấy nó một trăm, một ngàn lần khó hơn thời gian tôi sống ở miền Nam, trước
đây, có chính phủ, có luật pháp...
Bây giờ, chúng ta có không ít những “yiêng hùng bàn phím” bịt mặt lên tiếng dạy
dỗ, “chỉ đạo” anh phải viết thế này! Anh không được viết thế kia v.v...
Tuy vậy, thưa anh Tuấn Khanh, anh có thể tin là không vì thế mà tôi sẽ buông
bút. Tôi mới hứa với một người bạn trẻ của tôi ở San Jose rằng, trường hợp nào
thì tôi cũng sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình. Vì, như đã nói với anh, tôi
biết, tôi làm gì? Cho ai?
(Tuấn Khanh ghi thuật).