
Múa rối cạn, một môn nghệ thuật cổ truyền của thế giới đã xuất hiện từ Việt Nam trước thời kỳ Đại Việt.
Một lớp học múa rối được hội VAALA tổ chức, với sự bảo trợ của Kenneth Picerne Foundation, sẽ khai giảng vào Thứ Sáu, ngày 11 tháng 2, 2011 do nghệ sĩ Trần Tường Nguyên hướng dẫn, hoàn toàn miễn phí. Lớp mở mỗi tối Thứ Sáu, từ 6:00 pm-9:00 pm và chiều Chủ Nhật, từ 3:00 pm- 6:00 pm tại VAALA Studio, số 14772 Moran Street (trong khu nhật báo Người Việt, cạnh Saigon TV), Westminster, CA 92683.Học viên có thể ghi danh ngay từ bây giờ bằng cách gọi cho VAALA, điện thoại (714) 893-6145. Thời khóa biểu học cũng có thể thay đổi tùy theo học viên.Chỉ cách đây một năm thôi, ai trong chúng ta có thể hình dung được là người Mỹ gốc Việt sinh sống tại khu Little Saigon, thuộc thành phố Westminster, lại có thể ghi danh học một môn nghệ thuật, đã xuất hiện rất lâu đời ở Việt Nam, có thể từ trước thời kỳ Đại Việt.Nhưng những yếu nhân của hội VAALA, (tên tắt của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ) một tổ chức văn hóa bất vụ lợi, không những chỉ hình dung ra việc mở lớp dạy múa rối, mà còn chuẩn bị tổ chức một buổi trình diễn múa rối đầu tiên, sáu tháng sau ngày lớp học khai giảng.Dĩ nhiên, buổi trình diễn sẽ do các học viên của lớp học sắp khai giảng đảm nhận.Tiếp xúc với phóng viên Người Việt qua điện thoại, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên, người phụ trách giảng dạy, cho biết mục đích của lớp học là để “đào tạo một lớp nghệ sĩ am tường và say mê với môn nghệ thuật đòi hỏi sự tinh vi và sáng tạo cao này tại hải ngoại.”Khóa học dự trù kéo dài một năm và học viên sẽ học các kỹ thuật căn bản của bộ môn múa rối, cách làm con rối, phục trang, luyện giọng, viết kịch bản, cách làm nhạc cho vở múa rối, với mục tiêu là dựng được những vở múa rối ngắn.Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên nhận định rằng, múa rối là một môn nghệ thuật phổ biến với toàn nhân loại, nhưng rất “bao la, đa dạng,” và qua từng loại hình hay trang phục cụ thể mà người xem có thể nhận diện được môn múa rối đang được trình diễn là của dân tộc nào, hay khu vực nào trên thế giới.Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt là tại sao múa rối lại được xem là một môn nghệ thuật bao la, nghệ sĩ Trần Tường Nguyên phát biểu: “Vì múa rối có rất nhiều dạng như rối que, rối tay, rối dây, rối mặt nạ, rối dẹt, rối lùn và rối bóng, và cuối cùng là môn rối nước, một môn rối mang tính chất dân gian rất ấn tượng và độc đáo của dân tộc Việt Nam.”

Múa rối nước, một môn nghệ thuật cổ truyền thân quen của người Việt Nam, thường được dùng để kể lại những sinh hoạt dân gian tại một nước nông nghiệp. (Hình trích từ website www.thanglongwaterpuppet.org)
Rồi ông giải thích thêm: “Trong môn rối tay thì các diễn viên điều khiển khuất ở phía dưới mà đưa rối hiện hình bên trái, còn với môn rối dây thì diễn viên từ trên nhìn xuống mà dùng dây để điều khiển cho rối được di chuyển sao cho thật sống động và uyển chuyển theo câu chuyện.”Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên còn cho biết khó khăn nhất, và cũng quan trọng nhất trong nghệ thuật múa rối là việc làm ra con rối. ” Vì lý do này, trong lịch trình đào tạo, lớp học sẽ hướng dẫn học sinh cách chế ra con rối cho mình sao cho thích hợp với vai trò của nhân vật và câu chuyện mình đang kể.”Điều gì khiến hội VAALA, cũng như những người như nghệ sĩ Trần Tường Nguyên, bỏ thì giờ và công sức ra để đào tạo nghệ sĩ cho môn múa rối?“Tất cả bắt nguồn từ hoài bão muốn phát triển nghệ thuật cổ truyền của dân tộc mình, cô à.” Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên tâm sự.“Hy vọng là qua khóa học múa rối, các học viên có thể kể những câu chuyện của mình một cách sinh động và lôi cuốn. Nghệ thuật múa rối có thể giúp chúng ta khám phá những bí ẩn của cuộc sống và của chính mình,” người nghệ sĩ trẻ này nói.Rồi anh chia sẻ thêm là qua quá trình tổ chức lớp học, nhóm chủ trương đã phải làm một “proposal” để xin tài trợ.Theo nghệ sĩ Trần Tường Nguyên thì “mọi việc khởi đầu đều khó khăn,” nhưng anh hy vọng là cũng như lớp học dạy Hát Bội, sau một năm được hội VAALA và Kenneth Picerne Foundation bảo trợ, giờ đã có khả năng sinh hoạt hoàn toàn tự lập.“Ao ước duy nhất của chúng tôi hiện giờ chỉ là lớp học được đồng hương tham dự đông đảo.” Nghệ sĩ Trần Tường Nguyên kết luận.Sự có mặt của những lớp học về các môn nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam như lớp hát bội, và lớp múa rối không chỉ đóng góp cho vẻ muôn mầu đa sắc tộc của Hoa Kỳ, mà còn đánh dấu sự trưởng thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại quốc gia này.“Những di sản tinh thần muôn mầu mà người di dân của mọi sắc tộc mang đến theo bước chân của họ, đã khiến cho văn hóa của Hoa Kỳ ngày càng thêm phong phú.” Câu nói này nếu áp dụng vào sự đóng góp hình thức nghệ thuật múa rối đặc thù của người Việt quả cũng không ngoa.
Theo Người- Việt
Gửi ý kiến của bạn