Kính thưa quý vị, và đặc biệt, kính thưa Nhà thơ Du Tử Lê,
Một điều rất lạ lùng và rất đặc biệt khi tôi nhận được tác phẩm thứ 60 với chữ ký của tác giả gởi tặng: Du Tử Lê, do nhà xuất bản Sống ấn hành, được đánh giá là một tác phẩm quan trọng nhất để người đọc có cái nhìn tổng quát về ông. Theo lời tựa của Nhà xuất bản: Đây là một tổng hợp khá bao quát về sự nghiệp của một nhân thể, cả đời xốc xởi chữ nghĩa để cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam thêm màu sắc phong phú.
Giáo sư Trần Thành, tức Nhà văn, Nhà thơ Trần Thu Miên lại yêu cầu tôi có đôi lời phát biểu trong buổi ra mắt tuyển tập quan trọng này: “Tôi với người, chung một trái tim” vào chiều hôm nay, Thứ Bảy, 08 tháng 11 năm 2014 tại Thành phố Boston này. Tôi với ông, Du Tử Lê, chưa một lần gặp gỡ, nhưng thơ của ông cũng như những vần thơ được phổ nhạc, đến với tôi và có lẽ với rất nhiều người trong chúng ta những lúc buồn vui trong cuộc sống. Và hơn thế nữa, ông đã thành danh khi tôi còn đang trong ghế nhà trường trung học hay lang thang trong các Giảng đường Đại học Sài Gòn. Hoặc sau đó, trong đời quân ngũ.
Cám ơn Nhà xuất bản Sống, cám ơn tác giả Du Tử Lê, và đặc biệt cám ơn Nhà thơ Trần Thu Miên, hình như, ngoài việc ông muốn tôi tìm hiểu sâu sa hơn về một tài năng nghệ thuật lớn của văn học miền Nam Việt Nam, mà còn nhắc nhở tôi, như một kỷ niệm về nền văn học, nghệ thuật cực thịnh, nhưng vô cùng đa dạng của Miền Nam Việt Nam những thập niên 60, 70 của Thế kỷ trước.
Tuyển tập Thơ-Văn-Nhạc-Họa Du Tử Lê: Tôi với người, chung một trái tim, được trình bày trang nhã, nghệ thuật như tất cả những tác phẩm của ông đã xuất bản trước đây, với tất cả tựa đề cho mỗi đầu sách đều rất Du Tử Lê. Chẳng hạn, tuyển tập mà chúng tôi có trên tay hôm nay, chẳng phải là một thắc mắc hay sao? Tôi với người, chung một trái tim, lạ nhỉ, nếu xét về khoa học, hay thuần lý, làm sao có thể, chắc nhiều người thắc mắc, tạm quên đi câu trả lời của Du Tử Lê với phóng viên đài SBTN trong buổi ra mắt sách tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn mấy tuần vừa qua. Hãy lần mở từng trang, từng trang của tuyển tập này, chúng ta sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Bài đầu tiên, dưới dạng tùy bút: “Từ những góc khuất: Việt Dzũng” chúng ta tìm gặp những người, cùng với Ông, chung một trái tim, chung một nhịp đập, chung một dòng máu chảy, luân lưu... như vậy đủ biết ông trân trọng biết chừng nào những kỷ niệm mà ông gọi là: “Ở từng vị trí quá khứ, mỗi người khua thức trong tôi, những cảnh đời mà, họ đã có chung với tôi và Dzũng. Chúng như những hòn than dĩ vãng, cháy bỏng, và, nỗi muộn phiền là mặt bên kia của một thời rực rỡ”(DTL). Còn biết bao tùy bút của Ông trong tuyển tập này, với tâm hồn đa cảm và một trái tim nồng cháy yêu thương, bằng bút pháp nhẹ nhàng, Ông viết tùy bút như làm thơ. Để có một ý niệm rõ nét hơn về một con người mà theo Mai Thảo: chúng ta đọc, yêu Du Tử Lê vì viết văn như làm thơ, đều rất mực thi sĩ.
Xin hãy đọc: “Hành trình tùy bút Du Tử Lê” của Lê Vương Ngọc, đăng từ trang 110 đến trang 115 tuyển tập này. Xuyên suốt những tùy bút của ông trong tuyển tập này là nhũng kỷ niệm, là những hoài niệm về quá khứ, là những trăn trở những ngày đầu tị nạn, là ước mơ phục hưng một Việt Nam khác, một Việt Nam Tự do, một Việt Nam hạnh phúc. Seattle là một trong những địa điểm dừng chân, nhưng như một định mệnh, như lời ông tâm sự “Thời điểm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, trước và sau cái chết của mẹ, đời sống tôi là một loạt đổ vỡ, đổ vỡ gia đình, đổ vỡ tình cảm, đổ vỡ niềm tin, đổ vỡ đời thường. Tôi nhận chịu mọi tai ương, không một lời giải thích, tôi nhận mọi kết án, nguyền rủa, không một lời đính chính, và để chống trả những bủa vây trùng điệp những bất hạnh này, tôi đã tìm vào hai nguồn an ủi chính: Tôn giáo và thi ca”. Có lẽ, chính vì thế với Du Tử Lê, khen hay chê đã vượt khỏi mức của một tài hoa phong phú trong một con người đa dạng, như nhận xét của Tạ Tỵ
Từ nhận xét của Nhà Xuất bản: “Văn chương của Ông không có lằn ranh của thể chế, không có giới hạn của thế hệ, không có hơi hướm của hận thù chiến tranh, chỉ có Tình Yêu”. Có lẽ chính vì vậy, chúng ta không thấy một dấu vết gì của một cuộc chiến tang thương trên quê hương, mà thế hệ chúng tôi và cá nhân ông gánh chịu. Chúng ta chỉ được biết ông cũng là một quân nhân gia nhập trường Bộ Binh Thủ Đức năm 1962 và phục vụ trong Cục Chính Huấn, rồi Phòng Thông tin báo chí thuộc khối kỹ thuật Cục Tâm Lý Chiến qua bài viết của Vương Hồng Anh đăng trên tuyển tập này từ trang 324 đến trang 332, cũng như đôi lời của Ông khi sáng tác bài thơ Khúc Thụy Du (Trang 244 đến trang 247), đó là nét lạ và cũng là một đặc biệt nơi Du Tử Lê.
Một nét lạ khác, nơi Du Tử Lê, qua mẫu đối thoại với Nhà văn Vũ Thư Hiên khi được hỏi: Khi viết, ông có nghĩ tới người sẽ đọc thơ ông không?
Trả lời: Hoàn toàn không.
Vậy ông nghĩ gì khi làm thơ?
Tôi chẳng nghĩ gì cả, một tứ thơ chợt đến và tôi cầm lấy bút.
Ông làm thơ, không quan tâm đến đối tượng sáng tạo, không cần biết họ có hiểu được hay không hiểu được, cảm được hay không cảm được! Vậy mà biết bao người đã cảm được thơ ông, yêu mến thơ ông, ngay cả đến những nhạc sĩ tài hoa, những tâm hồn dễ rung động nhất, lại là những người cảm thơ ông nhiều nhất, và như một biệt lệ, ông là một thi sĩ có đến 300 bài thơ được phổ nhạc.
Tạ Tỵ lại có một quan niệm khác, với ông, thơ là thơ, nhạc là nhạc, ông không chấp nhận những bài thơ phổ nhạc, dù rằng có nhiều bài phổ nhạc rất hay, ông cho rằng nếu như vậy thi sĩ chỉ là kẻ viết lời cho một bản nhạc! Nhưng với tôi, một bài thơ hay, không nhất thiết phải nguyên bài, từ câu đầu đến câu cuối, có khi chỉ một vài đoạn, một vài ý tưởng trong thơ làm cho ta rung động, làm cho ta ngâm nga khi đồng cảm, cũng là quá đủ rồi. Lấy ví dụ như bài Khúc Thụy Du do Anh Bằng phổ nhạc, người ta cho rằng, nhạc sĩ đã giản lược rất nhiều nguyên bản, nhưng có biết đâu, người nhạc sĩ tài hoa đã đọc được tâm sự, ấn dấu trong bài thơ ấy về mối tình mới khởi đầu của Thi sĩ với một nữ Sinh viên trường Dược, và biết đâu như một lời tiên tri: “Tôi là chim bói cá/ em là ánh trăng ngà/ chỉ cách một mặt hồ/ mà muôn trùng chia xa!”
Buổi gặp gỡ chân tình tại phở Hòa, Boston, trong dịp NXB Sống và nhà thơ Du Tử Lê ra mắt tuyển tập “Du Tử Lê - tôi với người, chung một trái tim”.
Thêm một bản nhạc tiêu biểu khác “Trên ngọn tình sầu” do Từ Công Phụng soạn thành ca khúc từ bài thơ “Khúc thêm cho Huyền Châu” theo Du Tử Lê, linh hồn của bài thơ là Lê Huyền Châu, là mối tình đầu nồng nàn và tha thiết nhất trong đời, vì lý do Nam-Bắc nên không thể tiến đến hôn nhân, là nỗi xúc động lớn lao của thi sĩ, nhất là biết rằng cho đến ngày từ trần, mồng một Tết Nguyên Đán 2011, Huyền Châu vẫn còn sống độc thân và vẫn cư ngụ tại căn nhà cũ ở bến Chương Dương. Bài thơ buồn, sâu lắng cùng những nốt nhạc thần kỳ của Từ Công Phụng, cộng với giọng ca Opera hiến quý của Lệ Dung vắn số, âm vực cao, xuống rất thấp, thực đã cực tả nỗi niềm của Thi sĩ!
Còn rất nhiều điều thú vị khi đọc: “Du Tử Lê, tôi với người chung một trái tim”. Tôi có một thói quen xấu, là hay gấp lại một góc nhỏ trang sách khi thấy có điều gì ưng ý, vậy mà với tuyển tập này hơn 400 trang, ngồi lần dở, có lẽ cũng trên một trăm nếp gấp.
Một trong những lý do để có được những bài thơ trác tuyệt, đó là cái số đào hoa, ông trải qua rất nhiều mối tình và rất thường hay sống cùng lúc với tình yêu đa phương, dĩ nhiên vì thế có quá nhiều hệ lụy ngang trái. Bài viết của Lê Vương Ngọc: “Đời tình Du Tử Lê” in trong tuyển tập này, hé mở cho ta về đời sống tình cảm quá nhiều phức tạp của ông.
Vậy mà, cuối cùng, tôi lại thích nhất bài viết của con gái ông, Orchid Lâm Quỳnh: “Bố tôi, Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!”. Bằng cách viết dí dỏm của cô, tôi đã biết được đôi phần Du Tử Lê đời thường. Trích một đoạn: “Bố tôi ở nhà và Ông Du Tử Lê ngoài đường là hai người khác hẳn nhau, khác đến nỗi, khó tin những bài thơ của ông là do Bố tôi...” làm sao chữ nghĩa hay ho, những câu thơ cao siêu và huyền bí đến thế, có thể đi ra từ một người ngây ngô, dại khờ và hồn nhiên đến như vậy? Và tâm sự vợ thi sĩ?
“Chồng tôi là một nhà thơ
Ra vào ngẩn ngẩn, ngơ ngơ thế
nào
Đến nay, tôi rất tự hào
Vì con tôi chẳng đứa nào làm
thơ”
Và rất nhiều điều thú vị về ông Lê Cự Phách, đời thường.
Lại còn về phương diện hội họa, ông cũng rất thành công. Nhưng có lẽ, thời gian dành cho phát biểu của một độc giả đã quá dài, chỉ xin ngắn gọn nhắc lại lời nhận định của Cố Nhà văn Mai Thảo: Du Tử Lê, cùng với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên là 7 vì sao Bắc đẩu của nửa thế kỷ thi ca Việt nam. Và đây là tuyển tập thứ 60 của ông, là tác phẩm quan trọng nhất để chúng ta có cái nhìn tổng thể về ông. Và mong rằng chúng ta tại Hội trường này khi ra về không thể thiếu “Du Tử Lê, tôi với người chung một trái tim” trên tay. Và có thể qua tuyển tập này chúng ta cùng với ông trên một phương diện nào đó chung một trái tim.
Trân trọng kính chào Nhà Thơ Du Tử Lê, cùng toàn thể quý vị.
Lại Tư Mỹ
(Boston, ngày 8 tháng 11-2014)