Xin các quý vị đừng cho là tôi đùa, khi thấy tên của bài viết nho nhỏ này như vậy. Trưa nay: 13 tháng 4 năm 2014, tôi đã phải hỏa táng một bài thơ, theo đúng nghĩa đen của nó. Với tôi đó là một câu chuyện buồn. Tôi cũng không muốn giữ cho riêng mình làm gì. Tôi xin kể lại ngay sau đây, ngõ hầu được sự sẻ chia của các quý vị:
Dù mới đi công việc về chiều hôm qua, nhưng hơn bẩy giờ sáng nay tôi đã có mặt tại một nơi cách thành phố Huế khoảng gần chục km. Đêm qua (12/4/2014), Festival Huế đã khai mạc tại quảng trường Ngọ Môn, trước Đại Nội. Sáng nay, tất cả các điểm vệ tinh của Huế đồng loạt khai hội. Nơi tôi đến là khu vực cầu ngói Thanh Toàn, thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây có cây cầu cổ, bắc ngang một dòng kênh nhỏ, có mái ngói che suốt cả cây cầu. Nó là di tích cấp Quốc Gia, là niềm tự hào, là biểu tượng của quê hương Thủy Dương. Nếu bây giờ có mặt tại đây, các quý vị sẽ bắt gặp hồn cốt chợ quê của các làng xã Việt Nam, cách đây vài chục thập niên về trước. Chính vì vậy, lễ hội ở đây mới có tên: CHỢ QUÊ, NGÀY HỘI.
Cách đây hai năm, ngày 13 tháng 4 năm 2012, tôi cũng có mặt tại đây lúc hơn 7 giờ sáng. Đi lang thang một vòng, cuối cùng tôi dừng lại trước một quán bánh cuốn nóng, nhân thịt theo kiểu của miền Bắc. Cùng ngồi chờ với tôi, còn một ông già khoảng gần 80 tuổi, ăn mặc lịch lãm, gương mặt phong trần, từng trải.Chỉ có đôi mắt như buồn xa xăm, cùng những ánh nhìn ngơ ngác. Khi trao đổi với cô chủ quán, tôi thấy ông nói tiếng Sài Gòn, nên bắt chuyện:
- Chào bác, bác ở xa thế mà cũng ra dự Festival ạ?
- Dạ chào ông! Tôi người vùng này. Chỉ có điều tôi đã bỏ xứ mà đi gần sáu mươi năm, nên bây giờ quen giọng Nam thôi. Mà sao ông lại nói giọng Bắc vậy?
- Dạ, đó là một câu chuyện hơi dài ạ!
- Vâng, chuyện của tôi cũng dài lắm…Nhưng thôi, chúng ta ăn bánh cho nóng đã.
Ông lão và tôi coi như đã quen nhau. Ăn bánh cuốn xong, chúng tôi bước sang hàng rượu bên cạnh, im lặng uống suông một chai nửa lít Thủy Dương, rồi thong thả tản bộ lên cầu. Đến cái ghế đúng giữa cầu, ông mời tôi ngồi, rồi thong thả kể cho tôi nghe vắn tắt về câu chuyện “ Dài” của ông.
… Ngày xưa, nhà ông cách cầu ngói Thanh Toàn khoảng 5 km. Thưở mười chín, đôi mươi ông lên Huế để học. Không biết trời xui đất khiến thế nào, mà ông đã gặp và yêu một tiểu thư khuê các bên Thành Nội. Biết bao lần họ đã bí mật về chơi cầu ngói Thanh Toàn. Và lần nào cũng vậy, họ đều ngồi trên chiếc ghế nơi chúng tôi đang ngồi đây. Khi tình yêu của họ đang thắm nồng, thì bố của tiểu thư biết chuyện. Vô cùng tức giận vì cái sự không “Môn đăng, hộ đối” của chàng trai với con gái của mình, tiểu thư ngay lập tức bị ông bố gửi vào một trường nữ sinh nói tiếng Pháp tận Sài Gòn. Còn ông thì bỏ học , xung vào quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cùng một trái tim rớm máu, bởi mối tình đầu cay đắng của mình. Họ bặt tin nhau đã gần sáu chục năm.
Ông vừa từ Mỹ trở về, để sống nốt quãng đời còn lại của mình tại Việt Nam. Vợ ông đã về cõi vĩnh hằng hơn mười năm về trước. Hơn mười năm sau khi vợ ông đi xa, đêm nào trên đất Cali, ông cũng trở về cầu ngói Thanh Toàn, tìm về với quê hương, tìm lại những kỉ niệm của mối tình đầu sương khói.
- Đúng 8 giờ ngày 13 tháng 4 năm 2014, xin được gặp lại ông tại đây. Chỉ có cái chết mới có thể ngăn tôi tới thăm cây cầu này. Nhất định ông đến nhé!
Ông cười, bắt tay tôi thật chặt. Chúng tôi chia tay nhau. Tôi về Huế mang theo câu chuyện tình buồn của ông. Tôi viết lại chúng bằng một bài thơ nhỏ, rồi nhờ một người bạn họa sỹ trình bầy trang trọng trên một tờ giấy khổ A4, bằng kiểu viết thư pháp, trên nền mờ mờ cây cầu ngói Thanh Toàn phía sau. Đây là món quà tôi sẽ tặng cho ông trong lần hội ngộ lần này.
Đúng 8 giờ sáng, lễ khai mạc lễ hội CHỢ QUÊ, NGÀY HỘI tưng bừng trong âm nhạc, lời ca, tiếng hát. Tôi đi lên cầu, tới chiếc ghế chính giữa ngồi chờ ông. Hơn một tiếng đồng hồ đã trôi qua. Ông vẫn chưa xuất hiện.Tuy đói nhưng tôi vẫn không dám đi ăn sáng, vì sợ nhỡ đúng lúc tôi đi, ông lại tới thì biết làm thế nào? Tôi đợi ông đến tận 12 giờ trưa. Chợt nhớ lời tạm biệt của ông hai năm trước:
- Chỉ có cái chết, mới có thể ngăn cản tôi tới thăm cây cầu này…
Tôi rùng mình!!!
Tôi đi qua cầu. Phía bên ấy người ta có treo những bài thơ viết về cầu ngói Thanh Toàn. Tôi định treo bài thơ của tôi ở đấy. Nhưng cuối cùng tôi nghĩ: Có thể ông bạn già của tôi đã lên cõi Niết Bàn rồi. Nếu vậy, tôi phải “Hóa” bài thơ này đi, bởi nó chính là món quà, mà tôi đã cất công xuống tận nơi đây, để trao tận tay ông.
Tôi móc cái bật lửa ra, trang nghiêm hỏa táng bài thơ. Sau khi tờ giấy đã cháy hết, tôi thận trọng gom hết tàn tro vào lòng bàn tay. Tôi lên cầu, đến bên chiếc ghế mà đôi uyên ương thưở xưa vẫn ngồi, từ từ thả những tàn tro xuống nước. Tôi nguyện cầu bài thơ đến được với ông, để mãi mãi ngợi ca mối tình đầu nồng cháy, nhưng trái ngang đã thiêu đốt tâm can ông suốt cả cuộc đời…
Và các quý vị ơi! Bây giờ xin mời các quý vị đọc lại bài thơ đó. Nếu có điều gì chưa thực hài lòng , xin tha thứ cho tôi. Bởi vì tôi không là thi nhân, cũng không phải là văn sỹ. Tôi chỉ là người đã được nghe và mạo muội kể lại một câu chuyện tình rất đẹp nhưng rất buồn…mà thôi!
AI VỀ CẦU NGÓI THANH TOÀN
“…Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui…”
Tôi về cầu Ngói…Người ơi!
Nhanh chân tôi đợi kẻo trời sắp trưa.
Tôi xin Trời nhé…đừng mưa,
Kẻo phai đi hết hương xưa trong lòng.
Cả đời vẫn cứ chờ mong,
Lại về cầu Ngói một vòng cùng em.
Trăm vàn gương mặt lạ quen,
Tôi bơ vơ lạc…bóng em nơi nào?
Vẫn cầu, vẫn nước xôn xao,
Mà lòng trĩu nặng, tim nao nao buồn!
Trời không chớp bể mưa nguồn,
Mà lòng tôi bỗng mưa tuôn dâng đầy.
Muốn bay lên giữ đám mây,
Vắt tim gan viết câu này: Nhớ em!!!
Huế tháng 4/2012- tháng 4/2014
Hoàng Thảo Chi.