WESTMINSTER, California (NV) – Buổi lễ tưởng niệm nhà văn Bùi Ngọc Tấn và giới thiệu tác phẩm “Hậu Chuyện Kể Năm 2000” diễn ra lúc 1 giờ trưa Thứ Bảy, 7 Tháng Hai, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, trong bầu không khí vừa thân tình, vừa man mác tiếc thương của người tham dự.
Nhà văn Trần Phong Vũ (phải) tại lễ tưởng niệm nhà văn Bùi Ngọc Tấn và giới thiệu tác phẩm “Hậu Chuyện Kể Năm 2000.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Chúng ta hôm nay cùng hướng lòng tưởng niệm Bùi Ngọc Tấn, người mà cách đây bảy tháng còn ngồi ở đây, cùng các anh em trong nhật báo Người Việt, để bàn cách xuất bản cuốn 'Chuyện Kể Năm 2000,' ấn bản tiếng Anh,” nhà văn Trần Phong Vũ, đại diện nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, phát biểu, mở đầu buổi lễ.
“Bùi Ngọc Tấn ghi lại những câu chuyện trong tù, mang tính trung thực, không hận thù nhưng luôn đầy tình yêu thương, nhắc nhở chúng ta có trách nhiệm trong việc lưu giữ ký ức của dân tộc,” ông nói thêm.
Ông nhìn qua di ảnh của tác giả sách “Hậu Chuyện Kể Năm 2000,” và trích câu nói khiến ông nhớ mãi.
“Trọn đời, tôi chỉ có một tâm nguyện là bảo tồn ký ức của dân tộc.”
Đoạn ông mời mọi người cùng đứng lên, dành một phút để tưởng niệm nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Ông kể rằng “sáu tháng trước khi qua đời vào ngày 18 Tháng Mười Hai năm ngoái, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương nhận được bản thảo 'Hậu Chuyện Kể Năm 2000' và sách in xong, về đến Long Beach hai ngày sau.”
“Lẽ ra Bùi Ngọc Tấn phải được sống để thấy đứa con tinh thần của mình ra đời,” ông nói.
Một diễn giả khác, nhà văn Nam Dao từ Canada sang, nhận xét về con người qua tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn: “Dù sống trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng văn chương Bùi Ngọc Tấn không có hận thù, cay độc, vẫn giữ được vẻ chân thật, hồn nhiên.”
“Chúng tôi gặp nhau vài lần ở Hải Phòng, đi bộ trên bãi biển và chỉ nói về nhân tình, thế thái. Tính chân thật, xuề xòa rõ nét nơi con người ông, làm mọi người không ngại để đến gần. Tôi còn nhớ ba ngày trước khi ông mất, tôi mượn điện thoại của người em ở Hải Phòng để hỏi thăm ông vài câu. Ông còn nói đùa những 'đôi vớ' tôi tặng khi nghe tin ông ở tù, là 'đôi giày,' đủ rộng để hai cha con ông mang chung cũng vừa,” nhà văn Nam Dao kể.
Ông trích câu chuyện “12 người tù chia thành ba ca để canh bốn con kiến.” Ông cho biết tên bốn con kiến ấy là “Độc Lập,” “Tự Do,” “Hạnh Phúc,” và “con người ở tù trong.”
Sau đó, có thêm con kiến thứ năm là “con người ở tù ngoài,” hay những người Việt Nam dám đứng lên nói sự thật độc ác của nhà tù cộng sản Việt Nam.
“Thứ Năm vừa qua kỷ niệm giỗ 49 ngày của anh. Chúng ta cầu mong hương hồn anh được an nhiên,” ông nói.
Tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, sau khi ông qua đời, được coi như một di cảo, một cuốn phim mang đầy tính nhân hậu.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ cảm nghiệm của mình: “'Tác phẩm 'Hậu Chuyện kể Năm 2000' mang tính ngọt bùi, và cay đắng. Vị ngọt bùi thể hiện qua những chương đầu nói về gia đình của Bùi Ngọc Tấn. Cay đắng vì phải đặt sách xuống. Đây là một tác phẩm nên đọc vì tác giả có chỗ đứng riêng của ông.”
Ông nói đến sự giống nhau giữa Bùi Ngọc Tấn và Vũ Trọng Phụng là ở chỗ “cả hai đều bị cộng sản đả kích trong thời kỳ cộng sản."
“'Hậu Chuyện Kể Năm 2000' có thể gọi là một cuốn phim cực hay. Tác giả cho thấy sự sáng tạo dù bị bẻ bút 20 năm, nhưng trong 10 năm, dù gian nan, Bùi Ngọc Tấn vẫn viết được. Tác phẩm của ông có khả năng cám hóa con người, dù đó là một di cảo buồn,” vị diễn giả khẳng định.
Kế đến là phần phát biểu của nhà báo Ngô Nhân Dụng với các bài nhận định thường xuyên trên nhật báo Người Việt.
“Tôi nghĩ tôi có nợ với anh Bùi Ngọc Tấn và rất hân hạnh được bày tỏ tấm lòng với anh. Tôi không hề biết anh cho tới khi anh đến Mỹ để bàn việc in ấn bản Anh ngữ cho tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000,” nhà báo nói.
Ông kể chuyến đưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi thăm vài nơi ở California và Las Vegas, Nevada, do nhà báo Hà Tường Cát lái xe.
“Đến Las Vegas, Bùi Ngọc Tấn hồn nhiên, nhìn ngắm những khách sạn, sòng bài, nhưng anh không hề đánh bài, có lẽ những người từng ở tù như anh, lương tâm không cho phép. Qua con người anh, nghe anh kể, phải viết trong những hoàn cảnh khó khăn, mình ở đây, đầy đủ, có tự do, sao lại không viết?” ông nói trong niềm xúc động, im lặng một hồi lâu.
“Nay anh qua đời, tôi mới thấy chúng ta, những ai còn viết được, hãy viết. Hãy làm sao để chúng ta có những áng văn chương. So với Ba Lan, Tiệp Khắc, chúng còn quá nghèo nàn. Chúng ta hãy cố gắng làm giàu cho ngôn ngữ, cho văn chương Việt Nam. Chúng ta hãy làm chứng cho thế giới vì chúng ta còn rất ít những nhà văn không được viết văn vì phải lo kinh tế, hay làm chính trị, như Nhất Linh, phải làm chính trị và qua đời vì chính trị. Chúng ta biết ơn và học hỏi ở Bùi Ngọc Tấn nhiều nhất,” ông Ngô Nhân Dụng kêu gọi.
Đa số những người tham dự tỏ vẻ mến phục sự chân thật, xuề xòa của tác giả "Hậu Chuyện Kể Năm 2000."
Blogger “Điếu Cày” Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Là người từng ở tù hơn 6 năm, tôi thông cảm với nhà văn Bùi Ngọc Tấn và xin góp lời tưởng niệm, chia buồn cùng gia đình của ông. Nhờ ông mà thêm nhiều người biết được sự thật trong nhà tù cộng sản.”
“Tôi chưa đọc cuốn sau, nhưng rất quý mến người sống trong hoàn cảnh khó khăn, dám nói lên những ý nghĩ chân thành với tấm lòng rộng mở như Bùi Ngọc Tấn,” ông Phạm Thành Tài, 75 tuổi, cư dân Lakewood, nói.
Sau đó mọi người ra phía sau mua sách ủng hộ.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời ngày 18 Tháng Mười Hai, 2014, hưởng thọ 80 tuổi.
Tác phẩm “Hậu
Chuyện Kể Năm 2000” của tác giả Bùi Ngọc Tấn, giá
bán $25/cuốn, và có thể mua tại tòa soạn nhật báo
Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.