WESTMINSTER, California (NV) - Lần
đầu tiên, một tác giả cho ra mắt cùng một lúc ba tác phẩm “đồ sộ” với tổng cộng khoảng 2 ngàn trang sách, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều Thứ Bảy, 7 Tháng Hai, với sự tham dự của nhiều gương mặt gạo cội trong lãnh vực văn học nghệ thuật tại Hoa Kỳ.
Tác giả đó không ai khác hơn là Nam Dao đến từ Canada, người đang gây nên sự chú ý trong văn đàn hải ngoại trong những năm qua qua với Dâu Bể (2 quyển), Đất Trời
và Gió Lửa.
Diễn giả đầu tiên giới thiệu bộ Bể Dâu của Nam Dao là nhà thơ Đỗ Quý Toàn - cũng là nhà bình luận Ngô Nhân Dụng, từng là “đồng hương Canada với nhà văn Nam Dao.”
Nhà văn Nam Dao (Hình Dân Huỳnh) |
Theo ông Ngô Nhân Dụng, “Bể Dâu của Nam Dao được viết theo dạng tiểu thuyết lịch sử. Tôi có cảm tưởng Nam Dao viết tiểu thuyết lịch sử theo truyền thống của Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Nghĩa là ông không viết thật sự những điều bịa đặt hư cấu mà ông còn muốn cho vào tiểu thuyết những nhân vật có thật. Đó là điều tạm gọi là liều lĩnh. Bởi khi viết về
các nhân vật có thật thì mình không thể có sự nhầm lẫn, nhất là các nhân vật này sống ở thế kỷ 20 nên có thể có nhiều người biết về họ. Thế nên tôi vừa đọc tôi vừa run.”
“Bể Dâu là quyển sách quá nhiều tham vọng. Tôi nói điều này không có nghĩa khen cũng không có nghĩa chê. Nhưng đó là sự thật. Bởi vì Nam Dao đã tìm cách đưa ra một nhân vật hư cấu do mình tưởng tượng và đặt nhân vật đó qua cuộc sống từ thời 1927 cho đến sau này. Điều mà Nam Dao cố gắng làm là đặt nhân vật đó đi qua nhiều biến cố lịch sử Việt Nam,” nhà bình luận này nói thêm.
Về mặt bút pháp, nhà thơ Đỗ Quý Toàn nhận xét, “Ngay từ chương đầu, Nam Dao đã cho người đọc thấy kỹ thuật văn chương cao của mình. Tuy nhiên nhược điểm của lối viết này là không biết chỗ nào là tiểu thuyết, chỗ nào không là tiểu thuyết.”
“Viết tiểu thuyết nhưng lại để cho người ta thấy có lịch sử. Cho nên nếu có một lớp thanh niên lớn lên mà không hiểu rõ về thanh niên Việt Nam thì đọc tiểu thuyết
lịch sử sẽ giúp họ hiểu luôn diễn biến của lịch sử Việt Nam. Riêng phần
đó thôi cũng đã có giá trị giáo dục cho giới trẻ, giúp giới trẻ tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc,” diễn giả Ngô Nhân Dụng đưa lời kết luận về “Bể Dâu.”
Nhà văn Đặng Thơ Thơ giới thiệu với thính giả có mặt tiểu thuyết Gió Lửa của Nam Dao, quyển tiểu thuyết mà như bà nói một cách hóm hỉnh lúc đầu “trong suốt một tuần tôi phải đọc, đến nỗi những cuộc chiến của đất trời và gió lửa thường xuyên xảy ra trong những giấc mơ của tôi.”
Theo nhà văn Đặng Thơ Thơ, “Gió Lửa là tiểu thuyết được xây dựng với qui mô lớn, phức tạp,
nhiều tuyến nhân vật, nhiều giai đoạn lịch sử và sự qui mô và phức tạp cũng tầm cỡ cũng như khi đọc tiểu thuyết kiếm hiệp hay Tam Quốc Chí xưa.
Tức mức độ lôi cuốn của nó khiến mình phải đọc từ ngày này qua ngày khác, không ngừng.”
“Gió Lửa được viết
theo dạng chương hồi. Nhưng mỗi chương có thể như một truyện ngắn. Liên
kết tất cả các chương lại thì chúng ta có một tiểu thuyết có tính nhất quán. Gió Lửa được viết với kỹ thuật văn chương rất cao. Tôi đọc có những đoạn làm tôi rung động và có những đoạn làm tôi rúng động, với sự khâm phục và nghiêng mình dành cho nhà văn Nam Giao,” nữ văn sĩ nêu cảm nhận.
Nội dung của Gió Lửa “lấy bối cảnh là cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn khởi đầu với thời điểm Trịnh tàn Lê mạt cuối thế kỷ 18 và kết thúc với sự tiêu vong của triều đại Tây Sơn ngắn ngủi. Những trang viết về lịch sử trong này là cuộc nội
chiến ròng rã, những tranh chấp quyền lực ngay trong nội bộ Đàng Trong và Đàng Ngoài, những âm mưa truy lùng, ám hại, thủ tiêu, tàn sát chồng chất trong gần 700 trang sách.”
Đánh giá tác phẩm này, Đặng Thơ Thơ nói, “Gió Lửa không chỉ thuộc phạm vi đơn thuần là truyện kể cho vui qua rất nhiều công phu dựng lại, mô phỏng hay hư cấu, mà gió lửa là một suy tư lâu dài của tác giả về những vấn đề lịch sử, gió lửa chất vấn lịch sử tại sao nó đã như thế, gió lửa khảo sát lịch sử
để tìm ra mô hình đã chi phối lịch sử Việt Nam và những tranh chấp nội chiến dài qua nhiều thế kỷ và gió lửa đưa ra một cách nhìn khác, hay đề ra một phương pháp khác để thay đổi mô hình lịch sử.”
Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong ba diễn giả của buổi ra mắt sách, nêu nhận xét chung, “Cả ba bộ truyện của Nam Dao tạo cho chúng ta một ý thức lịch
sử mà nếu chúng ta được trang bị thêm những kiến thức, được trình bày rất là nghệ thuật trong phong cách truyện dã sử thì có lẽ chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến lịch sử.”
“Và để chấm dứt tình trạng đại đa số chúng ta thuộc sử Tàu nhiều là vì già thì đọc Chiến
Quốc Sách, trung niên thì đọc Tam Quốc Chí, còn trẻ thì đọc Kim Dung nhớ hết đời nào ra làm sao, trong khi truyện đất nước mình thì cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, giống như người Mỹ nhìn vào một chuyện nào xa lạ. Đây là điều cần thiết và Nam Dao là người mở ra điều đó,” ông Nghĩa nói.
Phát biểu suy nghĩ
của mình trong tư cách là tác giả ba bộ tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Nam Dao cho rằng, “Xin nói thật là chơi trò viết tiểu thuyết lịch sử khổ
lắm” và cũng theo ông tiểu thuyết lịch sử ông viết “có tính cách luận đề nhiều lắm.”
Buổi ra mắt sách này thu hút được sự tham dự của nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới cầm
bút, bởi một lý do rất giản dị, “Vì đây là nhà văn Nam Dao.”