Mẹ.
Tâm hồn con người quả là nặng hơn thể xác hàng trăm lần. Có tám ngọn gió thổi vào làm chao động ngọn đèn kia. Đó là được và mất, danh thơm và tiếng xấu, khen và chê, hạnh phúc và đau khổ.
Ngày phân khoa tôi tình nguyện học chuyên khoa tâm thần !
Có một ngọn gió từ bàn tay mở, có một người lặng lẽ, lu mờ sau những hy sinh. Mẹ tôi đó.
Tôi nhớ cứ mỗi lần báo in truyện của anh tôi, tôi đạp xe một mạch từ bệnh viện về đưa cho mẹ.
-Truyện của anh Hương đây má!
Mẹ tôi cầm tờ báo, bà lấy tay sờ lên chỗ có chữ trên trang giấy, rồi nhìn xa xa tận phương nam và mỉm cười…
Tôi nói:
- Má biết gì mà cười!
- Đừng có hàm hồ. Tao đẻ nó mà tao không biết nó viết gì sao!
Mẹ tôi không biết chữ nhiều. Bà không đọc được truyện nhưng bà biết tấm lòng của anh tôi, tấm lòng ấy có từ hồi còn ẵm ngửa.
Những ngọn gió biển đang thổi vào mái tóc hoa râm của mẹ. Buổi trưa hè…
Phía ruộng.
-Bước vào phiên trực – y tá làm việc 24/24. Quản lý, tuần tra, quan sát không khác chi người lính nhưng cực nhất là lúc người bệnh trốn viện. Tìm quanh không có, lên xe đạp tản đi khắp nơi, suốt đêm. Nhờ tinh thông nghề nghiệp, điểm duyệt được người bệnh nào là chuyên trốn viện và thường đi hướng nào nên thường tìm được. Chúng tôi từng lặn lội tận Quảng Ngãi, Hà Nam Ninh…gặp người bệnh thì mừng hết lớn! Thế nhưng đã có rủi ro, nhất là khi bệnh tình chưa khỏi, ra đi trong cơn như thế thật không lường được.
Một người bệnh làm nông ở Thanh Hóa, theo đoàn đào vàng lên Giằng. Cả nhà bị sụp hầm, anh mất trí, bạn bè đưa vào bệnh viện một tuần thì anh bỏ trốn lúc trời tối. Ra đi mất khả năng định hướng, cứ nhắm phía ruộng mà đi, lỡ lội vào bùn, càng lội càng lún rồi chìm xuống nước…Tử vong như thế thật đau lòng!
Bông hoa.
-Tôi nhớ hoài người bệnh tâm thần tên Minh, 25 tuổi ở Nam Ô, dáng mập lùn, chắc nịch. Anh có nụ cười dễ thương không chịu được.
-Hôm mấy chiếc xe vệ sinh hút xong nhà cầu, Minh đã chạy quanh sân hái những bông hoa đẹp nhất tặng họ. Anh xuất hiện với cái mũ bao bằng giấy bọc thuốc Hero và chiếc kiếng bằng dây thép dán giấy gương màu hồng một bên mắt. Minh đứng vẫy vẫy tay mãi cho đến khi xe rời khỏi bệnh viện.
-Ngày mai đi cầu thơm phức!
-Anh nói rồi cười vang lây sang người khác. Người bệnh này cười, người bệnh khác cười và mọi người cùng cười.
Có một bông hoa từ đó nở tự lòng tôi…
Sự sống.
Thắng xe rít lên và Út nằm bất động…
Út sinh ra trong một gia đình nề nếp, ba anh chị đều đậu vào đại học. Còn Út, đang học rất giỏi ở lớp 11 thì dở dang vì mắc bệnh tâm thần.
Từ đó Út buồn rầu, bi quan, chán nản. Gia đình cố công chạy chữa nhưng bệnh tình Út thuyên giảm tạm thời rồi tái phát.
Gia đình đâu biết rằng càng lo cho Út bao nhiêu Út càng buồn bấy nhiêu. Thêm vào đó, thấy bạn bè anh chị ai cũng đỗ đạt, có nghề nghiệp, Út càng mặc cảm.
Út sống lặng lẽ, đôi lúc lầm lì, cô độc, biết rằng mình trở thành gánh nặng cho gia đình, thành một người ăn bám vô tích sự.
Ai cũng nhìn thấy điều đó nhưng đành bất lực. Bệnh tình của Út ngày càng diễn tiến xấu.
Riêng phần Út, bước đường cùng chỉ còn một cách là chạy trốn cuộc đời, tìm đến cái chết. Đã mấy lần Út tự sát nhưng may mắn thay gia đình đều cứu kịp…
Mãi cho đến chiều nay, cái buổi chiều nghiệt ngã nhất của đời Út, buổi chiều cuối cùng Út còn hiện diện trên cõi đời này. Út đi ra, đi vào cực kỳ căng thẳng, nhìn chằm chằm vào dòng xe qua lại dưới đôi mắt buồn u uất. Chiếc thứ nhất…thứ nhì…thứ ba…Và Út đã không kìm mình được nữa…
-Trời ơi! Út thét lên…Khi tôi bồng Út trên tay, Út còn nói: “Bác sĩ cố cứu em sống”, rồi ngừng thở. Nước mắt tôi giàn giụa.
Chiều nay tôi đưa Út đến nơi an nghỉ cuối cùng mà nghẹn ngào hối tiếc. Ôi! Còn đâu hình bóng chàng trai khôi ngô, tuấn tú, một niềm hãnh diện lớn lao của gia đình và bè bạn.
Tôi cúi xuống hái một bông hoa dại cài lên mộ Út, một người bạn, một đứa em…
Lòng cha.
Một người bệnh nữ còn rất trẻ, rất đẹp. Vừa sinh đứa con trai đầu lòng thì phát bệnh. Gia đình cúng bái khắp nơi, rơi vào túng quẫn. Đến bệnh viện thì bệnh đã nặng.
Mỗi tuần cứ tới chủ nhật gia đình mới ra thăm.
Núi Thành – Hòa Khánh, tiền xe hết mấy chục ngàn.
Hôm nay, sau bốn tuần điều trị, người bệnh nhớ nhà da diết, mà chủ nhật lại tới rồi. Trông chờ suốt buổi sáng không thấy ai ra thăm, người bệnh lặng lẽ ra căng-tin. Ngồi chờ mãi tới chiều mà bóng người thân vẫn không thấy!
Thế là người bệnh trốn viện. Buồn quá, đi về đâu? Tại sao người thân không ra? Câu hỏi lặp đi lặp lại như một ám ảnh nặng nề. Càng nghĩ càng tủi thân. Có phải gia đình đã quá cực vì mình, thôi sống làm chi! Rồi người bệnh trốn đi biền biệt.
Cả bệnh viện đi tìm mà không thấy. Chúng tôi linh cảm một điều chẳng lành.
Hôm sau người thân mới ra, nghe tin bàng hoàng, sửng sốt. Đấm vào người thình thịch, kêu trời mà trời có thấu! Chủ nhật hết tiền đi đào mấy hàng khoai đem bán, dành dụm ra thăm, thế mà bây giờ tất cả đã lỡ làng…
Thân nhân đi tìm như điên như dại, càng khuya càng cố tìm, người chồng đạp xe lùng khắp các nẻo đường, hy vọng đêm khuya vắng vẻ dễ bắt gặp.
Thế nhưng…Tất cả đều vô vọng!
Người bệnh đã trầm mình xuống dòng sông lạnh lẽo trong cô đơn tuyệt vọng. Tất cả bỏ lại sau lưng.
Hai ngày sau, cô bác vớt lên đem về phường, mai táng ở một nghĩa trang xa thành phố. Chôn xong, chúng tôi mới biết tin. Ngay đêm đó, gia đình cùng bệnh viện tiến về nghĩa trang. Trời mưa lất phất, ai nấy lặng lẽ nhìn người thân khóc nghẹn ngào mà rơi nước mắt.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đi đến thành phố của người chết – Nghĩa địa Gò Cà, trong một nỗi niềm xốn xang khôn tả giữa đêm khuya thanh vắng. Một sự thanh vắng cô tịch, bùi ngùi, xót xa…
Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, nhờ hai pha đèn rọi sáng, chúng tôi cạy nắp quan tài rồi nhẹ tay bới từng hạt mạt cưa để người thân nhìn mặt. Nhưng khó nhận ra vì sự biến dạng. Bất chợt người cha nói: “Mấy chú bới dưới chân. Em nó hồi nhỏ chạy chơi, hư một cái móng ngón út bên chân trái”.
Người cha đã nhận ra con.
Tất cả những người cha đứng bên quan tài đều khóc!
Lịch sự.
Không thèm thuốc vào đây lâu ngày cũng thèm và nhiều người bệnh trở thành chuyên gia đi lượm thuốc tàn
-Ông ơi! Có thuốc cho tôi một điếu!
-Anh nớ, có thuốc không?
Đó là lời chào đầu tiên khi gặp họ.
Có khi người bệnh ré rân trong phòng đòi thuốc hoặc xúm chùm lại để xin. Ngay các y, bác sĩ chúng tôi cũng bị xin đều đều.
Người bệnh Vũ Tuấn, nhân cách đã tan rã, lầm lì phẳng lặng, suốt ngày ưa nằm phơi nắng đen thui, thế mà mỗi lần xin được điếu thuốc dù chỉ vài hơi tàn, đều cám ơn rối rít...
Điên hết cấp vẫn lịch sự!
Hỏi rằng họ không đáng yêu sao được?