Thời trước tháng 4-195, ở Saigon có hai nhân vật cùng làm phát thanh và, cùng giữ những chức vụ quan trọng. Đó là các ông Phạm Xuân Ninh (bút hiệu Hà Thượng Nhân), và Vũ Quang Ninh. Để phân biệt, anh em trong giới văn nghệ, phát thanh đã gọi ông Vũ Quang Ninh là Ninh “con” – Lý do, so với ông Phạm Xuân Ninh thì ông Vũ Quang Ninh nhỏ con hơn. Lại nữa, cả hai ông cùng có một thời gian dài làm việc ở hai địa chỉ cách nhau chỉ vài phút đi bộ. Vì thế, một người trong giới văn nghệ sĩ đã sửa câu đồng giao “Ông Nỉnh ông Ninh / đi đến đầu đình lại gặp ông Nang”, thành “ông Nỉnh ông Ninh / đi đến đầu đường lại gặp ông Ninh”.
Nhân vật này chọn “đầu đường” thay cho hai chữ “đầu đình” vì, sau thời gian giữ chức vụ giám đốc đài phát thanh Quốc Gia, ông Phạm Xuân Ninh được điều về làm chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến của quân đội. (1) Mà, tòa soạn báo Tiền Tuyến nằm trong cục Tâm Lý Chiến, số 2 Bis Hồng Thập Tự - - Trong khi ông Vũ Quang Ninh làm giám đốc đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do, ở cư xá Thành Tín, số 7 Hồng Thập Tự.
Sinh thời, ông Vũ Quang Ninh bước vào ngành phát thanh rất sớm. Ngay khi mới di cư từ miền Bắc vào Nam, ông đã tham gia ngành phát thanh. Theo một tài liệu còn được lưu trữ trên trang mạng Wikipedia-Mở thì ngay sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ông được cử làm quản đốc đài phát thanh Huế, trước khi được thuyên chuyển về Saigon, phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội, rồi về làm việc tại đài Tiếng Nói Tự Do, trước khi trở thành giám đốc đài này.
Hình chụp tại Đài phát thanh Huế. Từ trái qua phải: Mai Thảo, Hà Thanh, Huyền Vân, Quốc Phong, Ngọc Hoa, Vũ Quang Ninh. (Hình Hồ Đình Vũ)
Trong một bài viết khá lâu, đã tôi ghi chuyện này theo lời kể của chính tác giả “Đêm Giã Từ Hà Nội”. Được biết, theo chuyện kể của nhà văn Mai Thảo, thì ông rất chân thành, tha thiết muốn được làm rể dòng họ Trần. Bằng cớ, trước khi ra về, ông còn nhấn mạnh:
“Nếu được hai cụ chấp thuận thì chúng tôi sẽ mời cha mẹ của chúng tôi từ Saigon ra Huế, để ngỏ lời cầu hôn chính thức…”
Tiếc rằng cuộc “cầu hôn” chính thức, duy nhất trong cuộc đời của người đứng đầu tạp chí Sáng Tạo, đã không được gia đình họ Trần chấp thuận. (2)
Sự kiện hy hữu này, cũng được người trong cuộc là nữ danh ca Hà Thanh, xác nhận trong những năm cuối đời. (3)
Nhắc tới tình bạn thâm giao giữa Vũ Quang Ninh và Mai Thảo, tôi tin, nhiều người còn nhớ, đôi lần, giữa những họp mặt bất ngờ, trong giới hạn thân hữu, nhà văn Mai Thảo từng chỉ tay vào họ Vũ, nghiêm trang tiết lộ rằng:
“Thằng này, ngày xưa ghê gớm lắm đấy. Nó được phép gặp ông Diệm bất cứ lúc nào mà không cần phải thông qua chánh văn phòng hoặc phải xin hẹn trước. Vì nó là con nuôi của Tổng Thống kia mà…”
Những lúc đó, nhà truyền thông Vũ Quang Ninh chỉ mỉm cười, không nói gì.
Rất nhiều người hiện diện muốn hỏi thêm, chẳng hạn khởi tự nhân duyên nào mà họ Vũ lại được cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhận làm con nuôi? Hay sự kiện ấy đã xẩy ra khoảng thời gian nào? Nhưng mọi người cùng tôn trọng sự im lặng mang tính tư riêng của ông, không ai ngỏ lời…
.
Là người yêu, quý anh em văn nghệ nên, nếu không kể những văn nghệ sĩ được mời cộng tác dưới hình thức cung cấp bài vở theo hợp đồng, người ta thấy rất nhiều nhân viên bán chính thức, hoặc chính thức của đài Tiếng Nói Tự Do được họ Vũ tuyển dụng như các nhà thơ, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Tú Kếu, Phan Tùng Mai, Nguyễn Thượng Tiến, Song Hồ, các nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, Hồ Đăng Tín, Từ Công Phụng v.v… Về phía ca, kịch sĩ, người ta thấy có những tên tuổi đáng kể như Quỳnh Giao, Mai Hương, Hồng Vân, Lữ Liên, Vũ Huyến, Thanh Thoại, Bích Sơn, Bích Thủy v.v…
Nhưng tình yêu lớn nhất, một đời của họ Vũ, theo tôi, có lẽ vẫn là nghiệp phát thanh!
Tôi dùng chữ “nghiệp” thay vì “nghề” bởi vì ngay từ những năm tỵ nạn đầu tiên tại Hoa Kỳ, trong lúc còn làm công việc của một Cán sự xã hội cho thành phố Los Angles thì Vũ Quang Ninh đã hợp tác với một số bằng hữu, vốn là nhân viên cũ của ông như Nguyễn Hữu Công, Hạ Bá Kỳ thiết lập một chương trình phát thanh vào mỗi tối chủ nhật, gọi là chương trình “Tiếng Quê Hương” ở quận hạt Orange County.
Tôi nhớ đó là những năm đầu thập niên 1980s, tại căn nhà chứa xe của chuyên viên phát thanh Hạ Bá Kỳ, những chương trình của Tiếng Quê Hương đã được thu thanh tại đây...
Ở những ngày đó, Vũ Quang Ninh phải lái xe từ vùng Los Angeles về Quận Cam làm việc cũng như vận động, khích lệ tinh thần anh chị em cộng tác, hoàn toàn tự nguyện, không thù lao.
Du Tử Lê,
(Còn tiếp một kỳ)
_________
(1)Ông Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân sinh năm 1920 tại làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. (Đó là lý do ông chọn cho mình bút hiệu…“Hà Thượng Nhân”. Ông cũng dùng bút hiệu Hoàng Trinh cho những bài thơ tình cảm. Nhà thơ Hà Thượng Nhân bị tù cải tạo từ tháng 4-1975, tới năm 1983 mới được trả tự do. Năm 1990, rời Việt Nam theo chương trình HO, ông chọn định cư tại thành phố San Jose, miền bắc tiểu bang Cali. Ông mất tại thành phố này, ngày 11 tháng 10 năm 2011, hưởng thọ 91 tuổi.
(2)Nhà văn Mai Thảo tên thật Nguyễn Đăng Quý, sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại Nam Định. Ông là chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo, tạp chí văn chương tạo được ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt 20 năm văn học miền Nam (1954-1975). Không biết có phải vì thất bại trước vụ cầu hôn thứ nhất với nữ danh ca Hà Thanh hay không(?) Mà, cho tới ngày từ trần nhà văn Mai Thảo đã không có một lần câu hôn nào khác. Ông cũng không chủ trương sống đời sống vợ chồng với bất cứ người phụ nữ nào…
Trước khi qua đời ngày 10 tháng 1 năm 1998 tại thành phố Garden Grove, nam California, nếu không kể những tập truyện ngắn cũng như tiểu thuyết nổi tiếng, xuất bản trong nước thì, tập thơ duy nhất tựa đề “Ta thấy hình ta những miếu đền” của Mai Thảo, do nhà sách Văn Khoa, Cali., xuất bản năm 1989 cũng đã gây một tiếng vang lớn trong văn giới…
(3) Nữ danh ca Hà Thanh, tên thật Trần Thị Lục Hà sinh năm 1937 tại tỉnh Thừa Thiên / Huế. Bà mất ngày 1 tháng 1 năm 2014 tại thành phố Boston, tiểu bang Masschusetts, Hoa Kỳ vì bệnh ung thư máu, hưởng thọ 77 tuổi.