Như chúng ta đều biết, ở lãnh vực tạo hình, nhất là theo các định chế nghệ thuật tây phương thì, trước khi tranh của một họa sĩ được mời tham dự một cuộc triển lãm chung, hay riêng, đều phải trải qua sự lượng giá của một hay nhiều nhân vật có thẩm quyền. Đó là những Curator, tức Giám tuyển hay, Giám đốc nghệ thuật. Chính vì thế mà không phải họa sĩ Việt Nam nào, cũng có thể dễ dàng nhập vào dòng chính của sinh hoạt hội họa Hoa Kỳ - - Dù cho họ được đào tạo chính quy ở những đại học Mỹ.
Một trong những họa sĩ Việt, chẳng những nhập được vào dòng chính của nghệ thuật tạo hình Hoa Kỳ mà, còn vào sâu trong sinh hoạt này, là họa sĩ Nguyễn Việt Hùng.
Cụ thể, trong những ngày cuối cùng, trước khi niên lịch 2014 khép lại, họ Nguyễn đã có một cuộc triển lãm cá nhân, kéo dài nhiều tuần, tại phòng triển lãm thường trực Launch Gallery ở West Los Angeles (nam California) - - Nơi được coi là trung tâm của những cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình thế giá.
Trong một bài giới thiệu về thế giới màu sắc và, đường nét của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, người đã trở thành quen thuộc với giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập tranh tại Hoa Kỳ, trên nhật báo Việt Báo, số đề ngày 5 tháng 12 -2014, nhà thơ và cũng là họa sĩ Phan Tấn Hải viết:
“…Tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng được biết đến từ những ngày đầu qua loạt tranh “Coastal Sensation” (Cảm Tính Ven Biển) vào những năm 2006-2011, với phong cảnh biển trời xanh lơ mà thoạt nhìn vào người xem tranh cảm thấy hiền hòa, êm ả như câu chuyện thần thoại. Trần gian trong loạt tác phẩm ven biển này của ông là những buổi bình minh – nơi đất trời và vạn vật hòa nhịp cùng vũ điệu cuộc sống ven biển tươi sáng. Cũng từ giai đoạn này, ông đã thiết lập tính cánh riêng về màu sắc và chủ đề: khai thác sắc màu thiên nhiên qua lối pha màu sáng chói khác thực, khiến tranh ông từ những ngày đầu đã mang sắc thái dị biệt. Trần gian và tiên giới, đất và nước, động vật và thảo mộc, những bức tranh thiên nhiên huyền thoại của Ông có đầy đủ yếu tố Kim, Thủy, Hỏa, Mộc, Thổ. Họa phẩm Cảm Tính Ven Biển #35 trong loạt tranh này của ông đã được tuyển chọn triển lãm tại phi trường quốc tế LAX vào tháng Tư năm 2012. Bức Cô Dâu/Cảm Tính Ven Biển số 44 của ông cũng được chọn tham gia cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình quốc tế lần thứ 52 do San Diego Art Institute tổ chức năm 2013, và được thắng giải “Tác Phẩm Tuyển Chọn từ Giám Tuyển” (Jurors Choice Award).
“Từ những màu sắc và hình tượng thiên nhiên yên bình của loạt tranh Cảm Tính Ven Biển xuất hiện những chấm phá vũ bão và dữ tợn của câu chuyện đời sống thiên nhiên. Loạt tranh Cruelly Go Round (Vòng Đời Nghiệt Ngã - 2011-2012) chuyển từ phong cảnh thiên nhiên vô tư sang thực tại, từ tĩnh sang động. Màu sắc và cảnh vật của loạt tranh này tuy vẫn khác thực, nhưng mạnh mẽ đậm đặc hơn. Xa hơn ven biển tươi sáng là toàn cảnh đại dương mêng mang, nơi ngàn vạn sinh vật đang tranh đấu sống còn. Cùng một nơi, một lúc, một cảnh trí, lực lượng vũ dương sức mạnh tồn tại song song với nỗi bất lực. Đời sống thắt chặt với cái chết, và tuy đây là hai hình ảnh tương phản, lại là một sự cân bằng duy trì cần thiết trong thế giới sinh thái và cũng là thế giới của loạt tranh Vòng Đời Nghiệt Ngã. Tác phẩm Vòng Đời Nghiệt Ngã #1B của ông đã được tuyển chọn đưa vào cuộc triển lãm lưu diễn “California Dreaming: An International Portrait of Southern California” cùng với khoảng 50 tác phẩm nghệ thuật khác, qua ba viện bảo tàng nghệ thuật Palazzo della Provincia di Frosinone in Frosinone, Italy, Oceanside Museum of Art, và Riverside Art Museum.
“Cũng trong năm 2012, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng bắt đầu bước vào loạt tranh Tâm Cảnh (Mindscape), lột tả tâm tư uẩn khuất của cảnh vật và đời sống. Người xem tranh bỗng vô tình bị lôi theo dòng cuốn của những chuyển động đa chiều cuồn cuộn, rồi chợt nhận ra đằng sau sắc màu tươi sáng, mạnh mẽ của thiên nhiên ẩn hiện những vũ lực huyền bí. Những bức tranh Tâm Cảnh này của ông đã tạo được chú ý trong thế giới nghệ thuật dòng chính. Họa phẩm Tâm Cảnh Số 30 (Mindscape #30, 24 x 30) của ông đã được phòng tranh Brea Art Gallery tuyển chọn trong cuộc triển lãm thường niên kéo dài suốt hai tháng năm 2013. Bộ tranh Tâm Cảnh này cũng được triển lãm ở phòng tranh LA Artcore ở Los Angeles vào tháng Mười Hai năm ngoái…” (Nguồn Wikipedia-mở)
Như đã nói, không dễ để một họa sĩ thiểu số, chẳng những có được một chỗ đứng tại những Trung Tâm Nghệ Thuật hay, khoảng tường quý giá ở những Viện Bảo tàng Hoa Kỳ; vậy mà, chẳng những họ Nguyễn đã được mời tham dự những cuộc triển lãm chung và riêng nổi tiếng mà, ông còn được trao tặng những giải thưởng cao quý, giá trị - - Thực chứng cụ thể cho tài năng sáng tạo của mình. (*)
Tôi trộm nghĩ, nếu so sánh với mặt bằng hội họa thế giới thì nền hội họa của người Việt còn rất non trẻ. Bởi thế sắc màu hay hình tượng mà các họa sĩ Việt Nam có được cho họa phẩm của mình, chưa đủ để những Curator đi đến quyết định chung thẩm mà, những Giám thẩm nghệ thuật này, còn lượng giá một họa phẩm trên những tiêu chuẩn thiết yếu khác. Thí dụ nét riêng, độ sâu của sáng tác.
Trả lời câu hỏi của nhà thơ Phan Tấn Hải, báo Việt Báo, vào cuối năm 2014, về vai trò của màu sắc và những chuyển biến lớn trên lộ trình tạo hình của mình, họ Nguyễn cho biết:
“…Sau một thời gian vẽ những màu tươi vui, nay tôi thích thử nghiệm đến những màu sắc trầm lắng bớt ồn ào. Cũng như cuộc đời đâu phải lúc nào cũng vui và hạnh phúc. Tôi nghĩ màu sắc tươi sáng tạo được niềm vui và sự lạc quan, còn màu trầm tối đem lại cái cảm giác day dứt và cũng rất đậm chất lãng mạng. Đối với tôi nội công của một tác phẩm là điều quan trọng nhất, cho dù một tác phẩm có kích thước nhỏ, ít màu sắc, hình thức đơn giản, nhưng tôi luôn mong muốn thể hiện được sức mạnh của tác phẩm; bên dưới bề mặt trầm tĩnh giản đơn này có một điều gì dồn nén ấm ức có thể vỡ tung(…) Và:
“ Loạt tranh Cảm Tính Ven Biển (Coastal Sensation) vẽ năm 2005-2011) là những thử nghiệm về đường nét nổi tạo nên cảnh trí thiên nhiên: đồi núi, sông biển, thác nước, cây cỏ... những cảnh trí của vùng biển California nơi tôi đã định cư và sinh sống trên 30 năm. Sau đó, tôi thực hiện loạt tranh Tâm Cảnh (Mindscape, vẽ năm 2012-2013) như là một tiếp nối phong cảnh bên California với sự hòa hợp phong cảnh bên vùng Á Châu. Màu sắc của Tâm Cảnh có phần dịu xuống như phấn màu pastel, bố cục phức tạp hơn với những góc cạnh hiểm trở. Sang năm 2014, tôi vẽ một loạt tranh kích thước nhỏ, bố cục rất đơn giản và cách vẽ không mang nhiều tính mô tả nữa, tôi đặt tên là Linh Cảnh (Sacred Landscape). Linh Cảnh là những hình thể thiên nhiên có cách sắp đặt theo hình tượng có tính chất nhục thể. Tôi nghĩ; những giây phút ra ngoài thiên nhiên, thu thập ý tưởng và nguồn cảm hứng, cũng như những đêm khuya miệt mài vẽ trong studio, là khoảng thời gian và không gian linh thiêng, tôi đã thực sự là mình và hoàn toàn tự do.
“Nhân đây tôi cũng xin trình bày, những loạt tranh tôi đã đang và sẽ vẽ, ít nhiều mang tính chất của một giai đoạn thời gian trong quá trình sáng tác của mình. Nghệ thuật của tôi không dự tính vào sự làm ‘sock’, đối với tôi đó chỉ là những chuỗi ngày du mục lang thang ngoài thiên nhiên và ngày giờ miệt mài vẽ trong phòng vẽ studio, những thay đổi có phần chậm rãi tinh tế. Người xem tranh nếu có theo dõi các tác phẩm của tôi qua nhiều thời kỳ, cũng sẽ nhận xét được sự liên hệ và thay đổi trong từng đợt tranh. Tôi không là họa sĩ thiên về ý niệm, tôi là họa sĩ sơn dầu, say mê chất liệu, tôi không có ý định làm chủ chất liệu sơn dầu, mà chỉ hy vọng chất liệu và tôi thông hiểu lẫn nhau để có thể sáng tác được những tác phẩm đẹp và độc đáo…” (Nđd)
Khi trả lời câu hỏi vì lý do gì Nguyễn Việt Hùng lại chọn Launch Gallery, cũng như ngược lại - - Để triển lãm loạt tranh mới nhất của mình, họ Nguyễn nói:
“Launch LA là 1 tổ chức nghệ thuật vô vụ lợi ở Los Angeles. Hằng năm họ có tổ chức chương trình TARFEST về âm nhạc và nghệ thuật tạo hình để quần chúng thưởng thức miễn phí ngay trong khuôn viên viện bảo tàng nghệ thuật Los Angeles (LACMA) và PAGE Museum (LA BREA TAR PITS). Tôi đã có dịp sinh hoạt nghệ thuật với Launch LA qua nhiều cuộc triển lãm chung nhóm. Và thời điểm đã đến lúc chúng tôi làm việc với nhau qua cuộc triển lãm cá nhân của riêng tôi. Tôi rất vui và cảm kích về cuộc triển lãm này; nó cho tôi niềm tin về những sáng tác nghệ thuật của mình. Phòng tranh Launch Gallery không hào nhoáng đồ sộ, nhưng họ cũng rất kỹ lưỡng trong việc chọn họa sĩ triển lãm Solo.
“Trong năm nay, tôi sáng tác 1 số tranh kích cỡ nhỏ, rất thích hợp cho phòng tranh Launch Gallery, cũng rất khiêm tốn về không gian. Cách vẽ thì cũng không khác gì mấy, ai cũng dễ nhận diện nét vẽ và kỹ thuật của tôi, màu sắc trong tranh có phần trầm tĩnh hơn, có điều tôi đã vận dụng phát triển sáng tạo ra được nhiều dạng và thể cho những bố cục mới. Và với những dạng thể có xu hướng dục cảm, tôi hy vọng người xem tranh sẽ không cho là đây là những kiêng dè cấm kỵ. Ngược lại tôi hy vọng những tác phẩm này sẽ mang đến sự thăng hoa về chất sáng tạo và sự huyền bí của vũ trụ bao la. Đặc biệt trong tâm trí tôi luôn hướng tới một mục tiêu: bất kỳ một tác phẩm lớn nhỏ ra sao, nhiều hay ít màu sắc, cấu trúc đơn giản hay phức tạp,...tác phẩm đó phải đạt được cá tính riêng biệt và độc lập, phải có được cái hồn và một sức mạnh nào đó, cho dù rất mênh mông trừu tượng”. (Nđd)
Nhân viết về cuộc triển lãm hơn 10 họa phẩm của Nguyễn Việt Hùng ở phòng triển lãm LA Artcore Brewery Annex, đầu tháng 11 năm 2013, ký gỉa Vũ An đã ghi lại những nhận định của ông R. Seitz một trong những Curator của LA Artcore, về tranh của họ Nguyễn như sau:
“… ‘Nguyễn Việt Hùng tạo nên những tác phẩm sống động, xoá mờ đường ranh giữa hiện thực và ảo giác… Bề mặt tranh trải đầy những hoạ tiết và độ sâu, được biến hoá với một năng lượng của sự sáng tạo’.
“Ông Seitz cũng nhắc đến những hình ảnh về biển ‘được vẽ như các tế bào sống’ rất riêng trong tranh Nguyễn Việt Hùng, các cấu trúc hình học trong tranh đương đại của người hoạ sĩ gốc Nam Hàn, Eunsil Jeoung, và những biểu tượng ẩn-hiện tối-sáng trong tranh hoạ sĩ Rebecca Edwards.
“ ‘Đó là một sự kỳ thú khi thấy số sắc màu và tính phức tạp được sử dụng trong tranh, như vượt qua hết những hạt cát bụi để mang lại cảm giác thiên nhiên tươi mát’, ông Seitz viết trong phần kết luận về tranh Nguyễn Việt Hùng.” (Nguồn Wikipedia-mở)
.
Tôi biết họ Nguyễn đã để lại được trên lộ trình nghệ thuật của mình những dấu mốc quan trọng, với những chủ đề như: “Cảm tính ven biển / Coastal Sensation”; tới “Vòng đời nghiệt ngã / Creully Go Round”; “Tâm cảnh / Mindscape” “Linh cảnh / Sacred Landscape”…
Tuy nhiên, ở vị trí người thưởng ngoạn, tôi cho căn bản, cõi giới tranh Nguyễn Việt Hùng vốn là một cõi giới mang tính biểu cảm mạnh mẽ, dữ dội - - Không chỉ qua màu sắc mà, nó còn lung linh nơi những hình tượng, những họa tiết vi tế, tỉ mỉ, công phu… Như những nỗ lực xuyên thấu độ sâu tiềm thức. Ông thường dùng nhiều màu nóng, cho những bức tranh sôi động nhiệt hứng của mình. Nhưng ngay cả khi ông dùng màu lạnh để dẫn dắt người xem chìm vào cõi tĩnh lặng thì, độ “nóng” nơi những game màu này của Nguyễn Việt Hùng, cũng vẫn hất ngược người xem vào những địa giới vô thức, nhục cảm.
Lại nữa, với tôi, dường như tương quan giữa thiên nhiên và nhục cảm trong hội họa Nguyễn Việt Hùng cũng đã trộn lẫn, cũng đã hòa tan, để trở thành nhất-thể.
Nói cách khác, cuối cùng, thiên nhiên hay bất cứ tâm thái nào khác, một khi đã đi vào cõi giới hội họa Nguyễn Việt Hùng, cũng đều trở thành nhất thể. Đó là nhất-thể-nghệ-thuật mang tên Nguyễn Việt Hùng, vậy.
Du Tử Lê,
(Garden Grove, Jan. 2015)
________
Việt Hùng sinh tại Việt Nam, theo học ngành Sinh Vật tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1982, ông chuyển sang ngành họa sĩ minh họa, đồ họa và thiết kế. Ông theo đuổi con đường nghệ thuật một cách độc lập, nghiên cứu nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống của cả Đông lẫn Tây. Các tác phẩm của Nguyễn Việt Hùng có ảnh hưởng củanhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, như tranh khắc gỗ, nghệ thuật gốm sứ, chạm khảm, tranh kính màu, tranh thủy mạc Á Đông,… cùng với nền nghệ thuật Hiện Đại như trường phái Ấn Tượng, Siêu Thực, Biểu Hiện, Trừu Tượng...Tất cả kết hợp thành nét vẽ rất riêng biệt và Đương Đại”.