“Lận thế mang dê đi bán chó
Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền”
Nguyễn Bỉnh Khiêm
1.
Vườn nhà lão cuối chưn núi Cấm, muốn đi vào phải qua mấy cái dốc ngược hả họng. Ấy vậy, chẳng khi nào vắng khách. Hồi đầu, khách của lão thuộc loại đàn ông đàn bà trung niên, sồn sồn. Về sau, có cả nam thanh nữ tú. Hỏi ra, mới biết lão trị bịnh hiếm muộn, vô sinh; trị yếu sinh lý, rối loạn cương; giúp đấng ''nam tử hán'' tăng cường bãn lĩnh đàn ông, phục vụ quý bà.
Người trong xóm, rành lão sáu câu. Cốt tổ tiên, ông bà của lão không biết ở đâu đến, nhưng lão thì chào đời tại vùng núi đột khởi giữa đồng bằng Nam Bộ, với 37 ngọn lớn nhỏ - trong đó,có 7 ngọn kỳ vĩ và huyền bí, người đời gọi Thất Sơn! Theo lời bà Tám Dậu, tên cúng cơm của lão là Cu. Tía má lão đặt tên xấu cho con, vì sợ đặt tên đẹp thì thần có tha, ma quỷ cũng bắt.
- Cho mầy cái cù loi!
Tiếng con Hai dứt khoát. Thằng Cu mè nheo không được, mặt tiu nghĩu như con mèo ướt.
Gió núi từ ngọn Cấm đổ dồn xuống ruộng rẫy, mang theo cái se se vừa đủ lạnh của chiều cuối năm.
Thừa lúc, con Hai đứng dậy vô nhà lấy dĩa sắp thịt vịt cúng Ông Tà chiều 30 tết, thằng Cu chớp thời cơ, lận cái đùi vịt xiên tổ nái, chạy ù ra sau vườn, thót lên chảng ba cây vú sữa. Con Hai la bài hãi:
- Má coi thằng Cu, nó ăn vụng nè!
Thằng Cu thòng hai chưn đu đưa, tay cầm đùi vịt, miệng nó lêu lêu chị Hai.
- Kệ nó con! Má con mình lo cúng kiếng, kẻo trời chạng vạng.
*
Từ ngày tía con Hai và thằng Cu bỏ vợ con theo ông Đạo Cóc lên núi Két tu đạo, nhẩm tính hơn bốn cái Tết bặt tăm bặt tích. Bảy Thôi cắn răng cam phận, dù nhớ chồng cháy ruột cháy gan. Cũng may, Bảy Thôi dẻ con gái đầu, từ nhỏ nó chịu thương chịu khó đỡ đần công việc với má; hai má con hủ hỉ với nhau những lúc vui buồn. Nhiều khi, má con Hai coi nó như bạn. Thằng Cu thì vô tư, hễ đói chạy về ăn, no dông mất; cặp bè cặp lũ đám bạn đi phá làng phá xóm, bà con cô bác mắng vốn liên tù tì...Bảy Thôi nhiều lúc giận và buồn, nhưng thương nó thiếu cha dạy dỗ nên xí xóa bỏ qua. Con Hai, ngày một nhổ giò và biết mắc cỡ. Nhớ lần lần đầu có đường kinh, từ đìa ruộng nó chạy hớt hơ hớt hải một mạch về nhà ôm chặt má; vừa khóc thút tha thút thít, vừa nói trong nước mắt: Đĩa mén chui vô...''cái'' của con, cắn nát hết rồi má ơi! Máu tùm lum tùm la nè! Thương con, Bảy Thôi thấy con gái mình còn khờ dại lắm! Bà để ý, dạo gần đây nó thường hay tò mò, hỏi ron hỏi ren chuyện người lớn.
Bảy Thôi kể: Hồi đó, má ghét tánh dê ''đạo lộ'' của tía con, ổng mần mướn nhổ, gánh và bỏ mạ công cấy ở nhà thấy Cai Quản; má cấy mướn cho trùm vạn Bầu Đực. Thường thì, chị em bạn cấy hò môi đối đáp với đám trai tráng. Hôm ấy, tía con tay rải mạ, miệng hò ''Bươm bướm mà đậu cánh bông / Đã dê con chị lại (đèo) bồng con em'' (ca dao). Tía con hò vừa dứt tiếng, cả cánh đàn ông cười đắc chí làm choáng váng cánh đồng. Bọn con gái như má ức lắm, bạn cấy kế bên giục má: Bảy Thôi, mầy hò đập lại cái thằng cha mắc dịch vừa hò ''thả dê'' đi chứ! Lẹ lên , kẻo nguội!
Má tằng hắng, bắt giọng: ''Phượng Hoàng đậu nhánh Sa-kê / Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi!'' (ca dao). Như bắt được trớn, mấy chị em bạn cấy nổ máy hò tới tấp, dập đám mày râu một trận tơi bời hoa lá cho biệt tay gái Tịnh Biên. ''Dê xồm ăn lá khổ qua / Ăn nhằm sâu rọm, chết cha dê xồm!'' (ca dao). ''Con người Bùi Kiệm máu dê / Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu'' (Đồ Chiểu). ''Ong non chứa nọc châm hoa rữa / Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa'' (Hồ Xuân Hương)...
Khi ngẩng mặt nhìn lên, cánh đàn ông rút êm, chạy mất dấu!
Sau mùa cấy năm đó, tía con cậy nhờ người mai mối và má về mần vợ tía con. Đúng là, ứng nghiệm câu nói của ông bà: Ghét của nào, trời trao của ấy!
*
Trời không thương mà con Bảy Thôi. Tội nghiệp, con Hai thuốc men gì cũng chẳng hết cái chứng ớn ớn...lạnh lạnh...mỗi buổi chiều, khi nó vừa ló qua tuổi mười bảy. Lối xóm thương tình xúm nhau chẩn đoán: Chắc là con nhỏ bị ''mắc đàng dưới'', phải cầu thầy trục quỷ yêu mới xong. Bảy Thôi khăn gói lặn lội lên núi Tà Lơn thỉnh Pháp sư về trục quỷ yêu cứu con.
Pháp sư buộc gia chủ vừng vách làm buồng riêng để Pháp sư hành sự. Pháp sư sẽ dùng phép ''Truyền âm dương nhập thất công'' và kết thúc bằng thuật ''âm dương hòa hợp chưởng'', nhất quyết trong vòng bảy ngày đêm, con quỷ rời bỏ thân thể con Hai và bị bắt nhốt. Trong bảy ngày đêm đó, con Hai phải tự nguyện trần truồng, vì còn bất cứ mảnh vải nào che thân - dù nhỏ xíu - cũng tạo điều kiện cho con quỷ bám da thịt. Con binh tâm thành ý nguyện và tuyệt đối làm theo sự chỉ dẫn của thầy. Cấm mọi người hỏi han, dòm ngó; cấm lai vãng đến gần buồng nghe ngóng. Cơm nước hàng ngày, gia chủ tự tay bưng để trước cửa buồng. Thầy và con Hai tự độ.
Nghĩ đến sự sống chết của con, Bảy Thôi, nhứt nhứt răm rắp làm theo mọi yêu cầu và lịnh của Pháp sư.
Nửa đêm thứ năm của rạng ngày thứ sáu, Bảy Thôi kềm không nổi sự bồn chồn lo lắng cho con, tay lần vách, chân đi rón rén đến mép cửa buồng, lắng tai rình nghe động tịnh. Không gian tĩnh mịch và thanh vắng của nhà quê, những thanh nẹp giường làm bằng tre cạ miết vào nhau bật ra tiếng kêu ''cò ke cót két'' rõ nồm nộp. Dường như có tiếng rên - tiếng rên rất ẩm ướt - của con Hai. Tiếng thở gấp gáp, hổn hển, lẫn âm thanh thóc mạnh của Pháp sự, chẳng khác gì dùi trống nhịp thúc bách lúc đào kép hát bội cưỡi ngựa trên sân khấu, khiến mái lá buồng run bần bật...
Lúc nầy, mình mẩy Bảy Thôi nóng ran, trán rịn mồ hôi. Con Hai có chuyện rồi chăng? Sao tiếng dội, tiếng rên từ buồng phát ra giống y chang tiếng rên, tiếng dội lúc mình ăn ở với tía nó? Mà có khi, âm thanh ngử nầy lại dữ dằn gắp bội lần mình với tía nó. Thôi chết rồi, hay là con nhỏ...Bảy Thôi định đạp cửa nhảy vào buồng, thử coi chuyện gì xảy ra...Hú hồn, Bảy Thôi kịp bấm bụng dừng lại và kịp suy nghĩ: Có tin mới thỉnh, đã thỉnh rồi sao nghi? Rủi thầy đang dốc hết sức bình sinh vật lộn trục quỷ tà rời khỏi da thịt con Hai, mình mơ mơ màng màng, đầu óc nửa tỉnh nửa mê mà nghe âm thanh thúc, thở, rên...tầm bậy tầm bạ, rồi hồ nghi
nhảy vào phá đám, khác nào giúp quỷ hại thầy, giết con? Có lẽ, tại mình nhớ tía con Hai...
Nghĩ sao tin vậy, Bảy Thôi vừa yên lòng, vừa vui vui khi tiếp tục nghe âm thanh tử buồng phát ra lâng lâng, êm đềm.
Bầu trời đêm đầy sao. Cơn gió khuya, bất chợt thoáng qua mơn trớn mái tóc. Bảy Thôi rùng mình xẻn lẻn và mắc cỡ với chính thân thể của mình. Rồi tự dưng từ vô thức sâu thẩm nào đó, bàn tay Bảy Thôi rọ rại sờ mó ở những chỗ hóc hiểm mà ngày xưa tía con Hai từng rọ rại sờ mó. Và hình như Bảy Thôi cũng... Phải rồi, nhiều năm vắng chồng ngỡ đã quên và lửa lòng đã tắt; không ngờ những tiếng động quý quái ấy, kích thích dục vọng thức dậy trong một tâm trạng cuồng nhiệt và một cảm giác phức tạp lạ kỳ!
Bẩy Thôi giật mình nẩy người, ngồi bật dậy như cái lò xo khi có bàn tay lay nhẹ đầu võng.
- Ủa! Thầy đi đâu giờ nầy? Trời chưa tới canh tư.
Pháp sư đầu quấn khăn màu cứt ngựa, vai mang nải, tay ôm cưng bịt kín miếng vải đỏ, nó lấp bấp:
- Thầy phải rời khỏi đây gấp, trước khi trời rựng sáng.
Bảy Thôi thiệt thà nhắc lớp:
- Còn đúng một ngày một đêm nửa mới xong pháp ''Truyền âm dương nhập thất công'' và còn phải hườn thuật ''Âm dương hòa hợp chưởng'' với con nhỏ mới kết thúc, quên rồi sao thầy? Vả lại, nửa đêm nửa hôm thầy đi bất tử, tui đâu chuẩn bị kịp tiền trả công thầy.
Bộ dạng Pháp sư lắm la lăm lét, cặp mắt ngó láo liên như thằng ăn trộm:
- Thầy vừa tóm gọn bọn ngũ quỳ đực tu động ''Hoa Xanh'' ở đảo Hải tặc trong vịnh Xiêm La. Thời gian qua, chúng bấu xé và hiếp đáp con nữ nhà. Nếu thầy đến muộn, thì dù Ngọc Hoàng cũng bó tay. Chẳng giấu gì gia chủ, thầy đang nhốt lũ quỷ trong hũ ''hồ lô rị'', đem lũ khốn nầy về am chậm trễ chúng hồi tỉnh thoát ra, không những con nữ chết chắc mà cả xóm cũng không toàn mạng.
Dứt lời, như thể chứng minh điều mình nói, Pháp sư bước tới sát nách Bảy Thôi, đưa cái lưng chành bành như tấm thớt chặt xương heo phát tác mùi thúi thum thủm nghẹt thở, tay lắc ''hồ lô rị'' tiến lục cục lạc cạc vọng ra, Bảy Thôi nghe điếng hồn điếng vía.
Đợi có thế, Pháp sư bấm lóng tay tính thời gian và căn dặn gia chủ:
- Từ giờ đến đầu giờ Mùi, không ai được vào buồng con nữ. Đến giờ Mùi- nghĩa là 1 giờ trưa đến 3 giờ chiều - gia chủ vào buồng một mình tắm rửa và chăm sóc con. Thủ khẩu như bình, nín lặng không hỏ môi, mặc ai có hỏi. Nếu cãi lời thầy, con nữ sẽ hộc máu chết tươi. Tiền nong cứ để đó, lúc nào rảnh thầy ghé lấy, chẳng sao.
Nói xong, Pháp sư vừa đi vừa chạy ra ngõ như ma đuổi.
Con Hai ngày càng ốm yếu, xanh xao và tiều tụy; người ngơ ngơ ngáo ngáo như mất hồn; miệng nín thinh không nói, mắt chỏm lơ cứ nhìn trân trân lên trần nhà. Nước tinh dịch trong mình con Hai cứ ra rỉ ướt quần, dính giường chiếu...Đêm thân thể động kinh, mê sảng. Nửa tháng sau, con Hai chết!
Những bậc cao niên trong làng khi biết chuyện, ai nấy đều chắc lưỡi kêu trời: Con Hai gái trinh, bị thằng thầy pháp hút hết tinh lực để luyên ''Thiên linh cái'', con nhỏ kiệt sức mần sao sống nổi. Bảy Thôi phát điên vì thương con, vì hận mình mê muội cả tin. Đêm đêm đi lang thang, rủi sẩy chưn sập hầm bẫy thú, tre vót nhọn đâm bấy mình chết tốt.
Cái chết bi thảm và hãi hùng của má con Bảy Thôi đã thức tỉnh những ai còn đầu óc mê tín dị đoan, tin mù quáng vào sự huyễn hoặc của bọn lừa đảo. Bà con xóm dưới chưn núi Cấm ức lòng, hè nhau kéo đến am Pháp sư ở Tà Lơn để mần cho ra chuyện. Đến nơi, người sở tại bảo: ''Pháp sư tự đốt am, rồi bỏ đi đâu không rõ!''
2.
Sau khi má và chị Hai mất, thằng Cu bỏ nhà bỏ xóm lên núi vừa chăn giữ dê mướn cho gia đình Hương giáo Tường, vừa mong mỏi có dịp sẽ tầm sư học đạo. Những lão tiều phu, những bạn bè trang lứa; bất kể kẻ lớn người nhỏ, mỗi lần kêu tên ''Cu'' đều bụm miệng cười. Nìn bà con gái thì chẳng bao giờ hé môi kêu tên thằng Cu bởi ngượng mồm ngượng miệng, mà chỉ gọi trổng: ''Ê nhỏ, ê mầy...thằng nhóc!''
Đôi lần, thằng Cu tính đổi tên cho đẹp đẽ với bàn dân thiên hạ. Tính vậy thôi, chứ khi chuẩn bị thay đổi nó lại đổi ý không muốn. Nó tiếc cái tên của tía má đặt cho, nó nuối cái âm thanh ''C...u...'' nghe thân quen trìu mến. Rồi nó tự nghĩ: ''Kẻ dám liệng cái tên thật để lấy cái tên giả - dù đẹp đằng trời -
thì kẻ đó, chuyện gì mà chẳng dám liệng''.
Suốt ngày, thằng Cu theo bầy dê rong chơi trong núi; đến tối trời sụp mí mới lùa lũ dê về chuồng. Ăn vội ba hột cơm xong. Hương giáo Tường chỉ thằng Cu lượm vài cái chữ lận lưng. Lần hồi, nó bặp bẹ đánh được vần xuôi vần ngược; đọc được chữ in trong tờ nhật trình do cô Ba - con gái Hương giáo, đang theo học bậc tiểu học trường tỉnh Châu Đốc cầm về mỗi chiều thứ bảy.
Nắng rừng đẻ trứng đầy trên vách đá, thằng Cu để bầy dê tự do đi kiếm ăn, không buộc ràng bởi quy định khu vực; còn nó nằm bật ngửa, đầu gối lên rễ gốc Bằng Lăng Ổ, bụng nhẩm đếm trứng nắng giết thời giờ. Rừng buổi trưa im ắng thanh bình, thỉnh thoảng nghe tiếng xào xạc mỗi khi gió thổi lòn qua nách lá. Thằng Cu thiu thiu và mơ màng nhớ má nhớ chị. Nhớ nhất là câu nói gần như câu thiệu của chị Hai:''Cái cù loi''. Bao lần nó thiệt thà hỏi chị:''Cái cù loi là cái gì, chị Hai?''. Những lần như vậy, chị Hai thường đưa mắt nhìn xa xăm và trả lời cộc lốc:''Tau hổng biết!''. Nó cũng chẳng vừa gì, truy kích chị Hai:''Hổng biết, sao chị nói?''. Chị Hai đỏ mặt:''Tau nghe con nhỏ bạn nói, tau nói theo. Mầy con nít, hỏi chi?''.
Bỗng nó nhớ má vô cùng, nó hối hận đã làm má buồn nhiều hơn vui vì nó. Má và chii5 Hai hiền hậu, chất phác; chưa dám nghĩ - chứ chưa nói làm - một điều trái đạo dù nhỏ nhặt nhất. Cớ chi chịu phận đới thê lương, nghiệt ngã thế? Phải chăng, người vô tội là người gánh khổ? Hồi còn sanh tiền, má thường nhỏ to với nó:''Dạo tía mầy còn ở nhà, ổng ghét nhất đứa nào cà kê dê ngỗng. Vì, đứa cà kê dê ngỗng chẳng có nghề ngỗng; đứa chẳng có nghề ngỗng, thì không có lao động; không có lao động thì thiếu trí khôn; thiếu trí khôn thì khó trọn vẹn làm người. Những kẻ chịu bao cấp trí khôn và những kẻ không làm vẫn có ăn, thậm chí ăn thừa mứa ngập mặt...Mình chẳng những biết sợ mà còn phải tránh xa. Má nhớ thuộc lòng câu thiệu của ổng dạy: Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng! Sau nầy lớn lên, con nhớ lấy!''
Thời gian trôi nhanh, thằng Cu càng lớn nhanh như thổi. Thân thể nó nở nang vạm vỡ và cường tráng. Một chàng trai đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Nhưng, lòng nó vẫn buồn rười rượi, vì đã bao bầy dê Hương giáo gả, nó vẫn chưa thật sự có nghề ngỗng. Ai dạy để có nghề ngỗng? Chẳng lẽ, suốt đời giữ dê mướn? Mai kia mốt nọ, Hương giáo rã nuôi dê, lấy gì mà giữ, lấy gì mà sống? Mỗi khi bối rối, nó nhớ lời má dặn:''Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Hãy tự cứu, trời sẽ cứu...Tìm chi cái ngôn ngữ cao sang, lòe loẹt mà viễn vông; chi bằng sử dụng cái ngôn ngữ bình dị, cái gần gũi đời thường để sống và biết sống''.Thằng Cu thấy nó như vừa được khai tâm từ những lời của má. Và, nó phát huệ nhận thức những điều ngày xưa má của nó nói về
''tâm linh cục đá'' của xứ sở huyền bí Thất Sơn. Bởi, ''cục đá núi'' cũng có thể thành ''Ông Tà'' linh hiển. Người ta sẵn sàng vượt ngàn dặm. lội suối trèo đèo để khấn vái, xin xỏ ''Ông Tà'', chứ không ai khấn vái, xin xỏ những ông thánh, ông thần không hiển linh.
*
Vợ chồng Hương giáo Tường thông cảm và thương hoàn cảnh của thằng Cu, nên chưa bao giờ ông bà coi nó như người ở bạn. Ông cố gắng dạy chữ cho nó để hộ thân và làm vốn liếng sau nầy. Đước cái trời cho nó sáng dạ, cần cù và chịu khó; ông tin và hy vọng không uổng công.
Một hôm, thằng Cu xin phép gặp riêng ông, thưa chuyện. Ông ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ, chăm chú lắng nghe thằng Cu trút cạn những suy nghĩ,
ham muốn được học một cái nghề lương thiện, ngỏ hầu mai sau giúp đời, cứu người và nuôi tấm thân. Khi nó dứt lời, ông xúc động và nói chậm rãi:
- Con muốn khởi nghiệp từ dục tính loài dê? Một ý tưởng táo bạo, độc đáo, rất hay! Cu nầy, có lẽ cái tên của con nó ứng với cái nghiệp ái dục, mang một sứ mạng cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ hạnh phúc và phát triển nòi giống người. Nhiều năm con theo dê, giữ dê... nhìn ngắm dê giao phối, làm tình, với một sức mạnh ''khủng và không thể tưởng'' của dê đực. Hẳn con đã nghiền ngẫm và rút tỉa ra nhiều điều lý giải vì sao dê đực có được sức mạnh ấy? Theo thầy, con đã nắm bắt điều kiện cần và đủ để thực hiện ước mơ. Thầy chỉ muốn nhắc con: ''Mần cái việc chữa trị liệt dương, rối loạn cương, yếu sinh lý...hiếm muộn con; tất tất liên quan và đụng chạm đến bộ phận sinh dục...Để trở thành đó là cái nghề, thì cũng dễ trở thành dê, dễ mang tiếng thị phi miệng đời.Tâm cảnh khác nhau do trình độ hiểu biết khác nhau!
Hương giáo ngừng nói, vấn thuốc hút. Thằng Cu đứng dậy, xách bình châm thêm trà. Hương giáo nói tiếp:
- Trình độ con bị hạn chế tích xưa chuyện cũ, đông tây kim cổ. Nhưng, không có nghĩa rằng con không hiểu gì hết một khi nghe kể. Cái hiểu dù ở mức độ chênh nhau, cũng chính là tri thức ở mỗi con người được Thượng Đế ưu ái ban phát. Con dê: biểu tượng dục vọng! Trong tranh vẽ Lão Tử cỡi trâu xanh qua cửa Hàm Cốc quay vế cố hương nước Tần. Nếu là thầy vẽ, thầy sẽ phóng tay vẽ Lão Tử cỡi dê - mà có lẽ, nhiều người nhà quê xứ mình, thích thú khi nhìn Lão Tử cỡi dê hơn là cỡi trâu xanh!
Thằng Cu được nghe điều mới lạ, sướng lắm! Quên giữ lễ, chòm người tới thầy, hỏi:
- Tại sao thầy?
- Như thầy đã nói: ''Con dê biểu tượng dục vọng. Lão Tử cỡi lên lưng dê, là Lão Tử cỡi lên dục vọng!
Hương giáo nhìn thẳng mặt thằng Cu, nói như căn dặn:
- Con chọn cái nghề mà đa phần ai cũng cần kíp, nhưng đa phần ai cũng muốn giấu giấu...giếm giếm... thập thò, thì con phải ''tự thắng mình và đủ bản lĩnh cỡi lên dục vọng''. Bằng không, họa phúc họa khôn lường!
Đêm ấy, thằng Cu trằn trọc không sao chợp mắt được. Ở đời, đôi khi cái vui của người nầy, lại là cái buồn của người khác. Lão Pháp sư chiếm đoạt trinh tiết của chị Hai, thì má và chị Hai mất mạng! Kẻ dư cái ăn cái để, thì kẻ khác gánh chịu thiếu trước hụt sau. Dê đực muốn đáp ứng và tròn phận sự tình dục đối với đòi hỏi gắt gao của bầy dê cái, ắt phải tìm phương thuốc từ cây cỏ để hổ trợ nội lực của mình. Người đời, thường khoái vu oan giá họa, thích chụp mũ dê đực: Nào là Sơn Vương, thầy hai dấu huyền, thầy của thầy...hễ đụng chuyện ấy, thì kêu dê. Thậm chí, có người còn lạnh lùng tàn nhẫn cắt trộm bộ phận sinh dục dê đực - gọi là súng đạn - hầm thuốc bắc, ngâm rượu...những mong ''nhất dạ lục giao'', đều bịnh tưởng và duy ý chí.
Thật ra, bao năm thằng Cu sống cùng dê ngày qua ngày, nó rành như cơm bữa, dê đực ăn lá cây gì để mãi mãi giữ vững bản lĩnh giống đực
trước giống cái khát khao tình.
*
Thằng Cu giả từ ông bà Hương giáo, trở về mái nhà xưa dưới chưn núi Cấm. Nó bắt đầu đi lên núi cắt ''cỏ dê'' mọc khắp vùng Thất Sơn, đem về bào chế thuốc. Đồng thời, nó chỉ dẫn từng gia đình trong xóm nhận mặt: Cỏ dê, lá to, lá mác, lá hình trái tim...cả thảy 15 loại, bất cứ con dê đực nào cũng tìm ăn, không tìm ăn ''cỏ dê'' thì ''ông thầy'' sẽ tiêu tùng xí quách lúc bình minh vứa ló dạng!
Rồi thời cuộc mỗi ngày một xoay chuyển: Nhật đảo chính Pháp. Việt Minh nổi dậy và chiến tranh chống thực dân Phát lan tràn khắp Nam Bộ. Vùng rừng núi Thất Sơn thành căn cứ kháng chiến. Thằng Cu cũng như bao chàng trai, cô gái thời đó, nốp với giáo trên vai lên đàng ra sa trường diệt thù cứu nước! Xong việc làng nước, thằng Cu trở vế xóm cũ. Tóc xanh xưa giờ đã muối sương!
Người trong xóm gọi ông bằng cái tên trìu mến: Lão Dê! Tưởng ông giận, không ngờ ông cười ngất, khoái chí tử. Thiên hạ biết ông, nể phục ông với ngón nghề mát tay trị bịnh sinh dục người liên quan tới ''thầy'', thay tiếng gọi dê!
Tiếng lành đồn xa, Lão Dê bắt đầu nổi tiếng bốn phương. Nhiều quý ông được phục hồi bản lĩnh, nhiều quý bà thỏa mãn lúc ''hồi xuân'',nhiều quý nương vượt qua hành trình hiếm muộn... Lão Dê đại tài trị bịnh ''Âm hư'' - qua mặt khỏi bóp kèn lớp thầy Tàu Chợ Lớn. Có người cắc cớ hỏi Lão Dê: ''Âm hư là hư thế nào?'' Lão nhiệt tình chỉ rõ: ''Người gầy, về chiều thân thể thường eng eng sốt nhe, lòng tay chưn nóng; môi khô, họng khát; ngực bồn chồn không yên...''. Thường thì, thầy thuốc giấu nghề, Lão thì không. Lão hướng dẫn rạch ròi, cho ai muốn tình dục với vợ, với bạn tình đạt thăng hoa tới bến, bằng thang thuốc '' bậc nhất mọi thời đại'': Cây cỏ dê sao tẩm với Tiêu mạo, Ba kích, Nhục thung dung, Cao lương khương, sinh khương, Từ thạch anh...''sắc uống trước 2 giờ cho trận đánh cận chiến một ngày đêm!
Lúc sanh thời. Lão thường ngâm nga câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: ''Lận thế mang dê đi bán chó / Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền'' và Lão tâm đắc lời khuyên dặn của Hương giáo Tường:'' Tự thắng mình và đủ bản lĩnh cỡi lên dục vọng''. Lão Dê một đời thanh bạch, không cần ''vẽ rắn thêm chân''. Sự chân thật ''yêu người, thương mình'', một nhân cách sừng sững như Thất Sơn, sống mãi trong cái xóm nghèo dưới chưn núi Cấm: Lão Dê - không dê - gọi Lão Dê!
CAO THỊ HOÀNG
Ất Mùi 2015