Thời gian: Năm 1953. Địa điểm: Rạp chiếu bóng Thanh Bình ở Sàigòn. Trong số khán giả đến xem chiếu phim Nga Xô nhan đề “Sadko”, ngày hôm ấy có một cậu bé 11 tuổi. Thời ấy rạp chiếu phim thường còn có màn phụ diễn sống tân nhạc Việt. Đến màn ca sĩ Anh Ngọc trên sân khấu hát bài “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy mới sáng tác, cậu bé như bị hốt hồn bởi giọng hát lời ca. Qua hôm sau, cậu bé nhất định mua vé vào xem lần nữa, cốt chỉ để xem Anh Ngọc hát “Tình ca”.
Ca sĩ Quang Tuấn (trái) và Thanh Trang. (Hình: Phan Lang)
Thấm thoát ngót mười năm sau (1962) cậu bé ngày nào nay đã là chàng sinh viên 20 tuổi năm thứ hai trường luật tên Nguyễn Thanh Trang, tìm đến nhạc sĩ Phạm Duy xin thỉnh ý một bài hát mình vừa sáng tác “Một vì sao sáng, trong đêm lặng lẽ. Nhạc buồn xa vắng, mênh mông trần thếà” Nghe xong nhạc sĩ Phạm Duy nói: “Đây là Hà Nội của mình đây!” Ý nói bài hát này là dòng nhạc xuất phát từ Hà Nội, cái nôi tân nhạc Việt thời tiền chiến. Phạm Duy đưa bài 'Duyên Thề' này cho Kim Tước lần đầu hát trong ban Hoa Xuân.
“Duyên Thề” sẽ là một trong hơn hai mươi nhạc phẩm sẽ được gởi đến khán giả trong Đêm Tình Ca Thanh Trang tổ chức tại phòng hội Nhật Báo Người Việt lúc 7:30PM Thứ Bảy 14 tháng 3, 2015. Đây là chương trình nhạc thích phòng lần thứ ba, sau hai buổi Chiều Nhạc Nguyễn Đình Toàn, dòng nhạc phổ thơ của Trần Duy Đức đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Đối với MC Nhã Lan, người điều dẫn chương trình Đêm Tình Ca Thanh Trang (cùng với Hoàng Trọng Thụy) thì “Duyên Thề” là “Duyên Kỳ Ngộ”với kỷ niệm đời mình. Nhã Lan đã quá quen và mê “Duyên Thề” từ hồi còn bé. Vì ở nhà, bố rất mê bài này, nghe tới nghe lui suốt ngày qua giọng hát Thái Thanh. Với bố cũng như Nhã Lan, một gia đình công giáo thuần thành, giai điệu và ca từ “một vì sao sáng”, “mênh mông trần thế”à mở ra không gian diệu vợi đêm tối Noel, bàng bạc âm hưởng một bài thánh ca. Nhưng sao lại còn: “một ngày yêu nhau, buồn cho chín kiếp thương đau?”, “buồn thắm nét môi, duyên chưa thành lời” Chín kiếp là gì? Duyên là gì? Sao là Duyên Thề? Bố và con gái không hiểu. Lớn lên trong một xã hội nghẹt thở, tù túng sau 75 bấy giờ, cô bé không biết xoay sở hỏi vào ai. Thế rồi hôm nay, Nhã Lan cảm tạ ban tổ chức cho mình cơ hội đến với Đêm Tình Ca Thanh Trang, gần gũi tác giả để vỡ lẽ ra nội dung thì bố đã không còn nữa.
Năm 20 tuổi, nhạc sĩ cảm hứng viết “Duyên Thề” sau khi đọc cuốn Le Bouddha của Fourier. Đạo Phật nói về luân hồi, kiếp trước kiếp sau, duyên, nghiệpà Tác giả nói về ca khúc của mình: Ánh sao thể hiện sự xa vời, lạnh lẽo hơn là ánh trăngà Người ta muốn gặp nhau thì phải có duyên. Nếu có duyên thì tới một kiếp nào đó trong 9 kiếp ta sẽ gặp nhauà Vậy ta hãy thềà Vì ta ăn phải “cháo lú” nên quên mất tiền kiếp của mìnhà “Người tìm quên lãng khi xuân còn thắm”. Chẳng phải chờ mãi đến lúc về già như Phạm Duy, tình đã dỡ dang ngay khi ta còn trẻ, khi xuân còn thắm.
“Duyên Thề” sẽ được gởi đến khán giả bởi ca sĩ Anh Dũng. Sau chương trình Nguyễn Đình Toàn, đây là lần thứ hai Anh Dũng góp tiếng hát với nhóm thân hữu yêu nhạc Việt. Cũng giống như Nhã Lan, ca khúc này như một bài thánh ca làm chỗ nương tựa trú ẩn cho tâm hồn, xoa dịu những nỗi đau trong những năm khốn khó của tuổi trẻ Anh Dũng ở quê nhà từ những năm 1976 đến 1978.
Sang Mỹ, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ tại vũ trường Ritz của Ngọc Chánh năm 1993 (ngẫu nhiên thay, người hạng nhì là ca sĩ Quang Tuấn), “Duyên Thề” được hát bởi Anh Dũng hằng mỗi cuối tuần, trong suốt hơn hai năm trời tại vũ trường Ritz.
Nhạc sĩ Thanh Trang khi được hỏi ông tự nói về dòng nhạc của mình như thế nào? Ông đáp: “Dòng nhạc của tôi có lẽ là cuối cùng của dòng nhạc tiền chiến” Ông sống và sáng tác trong thời đại của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trần Thiện Thanh. Nhưng dòng chảy âm nhạc Thanh Trang bắt nguồn từ một dòng sông khác.
Ý của nhạc sĩ, thế nào là nhạc tiền chiến? Đúng nghĩa cái mốc tiền chiến là trước năm 1946, nhạc của Văn Chung, Dzoãn Mẫn, Tạ Tấn, Lâm Tuyềnà Rồi đến thời điểm sau năm 1954 những Văn Phụng, Vũ Thành, Đan Thọ, Tuấn Khanhà quần tụ vào miền Nam, nhạc tiền chiến không còn ngoài Bắc. Theo Thanh Trang, ông tự nhận âm nhạc của mình thuộc dòng tiền chiến có nguồn sông Hồng đất Bắc. Vào đến miền Nam, cách thể hiện có khác vì chịu tác động môi trường và thời đại, nhưng vẫn là nước của cội nguồn ấy. Nhạc của ông, theo ông, mang ảnh hưởng của Hoàng Giác, Lâm Tuyền, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Việt Lang.
Đêm Tình Ca Thanh Trang sẽ giới thiệu đến khán giả hơn hai mươi bài tình ca. Đó không những dĩ nhiên thứ tình yêu muôn đời của lứa đôi với buồn vui, thành bại mà còn là tình yêu, tình nhớ những con đường, những thành phố, mùa màng thời tiết của quê hương nơi xa. Nhạc phẩm có thể tiêu biểu nhất cho chương trình Đêm Tình Ca, theo ông đó là một bài phổ thơ Hà Nguyên Dũng. Nguyên lấy từ bài thơ “Hương Bồ Kết” đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 1984. Bài thơ về chuyện tình học trò ở tỉnh lẻ miền Nam. Làn tóc cô bé thơm mùi hương bồ kết của mẹ. Một bài thơ không hẳn tình yêu đôi lứa, mà còn tình mẹ, tình quê hương. Thanh Trang phổ bài thơ ấy, đổi cả nhan đề và một số chữ để dặt dìu theo với giai điệu. Nhưng đổi lời mà không đổi ý. Đó là nhạc phẩm “Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ” do Quang Tuấn hát trong CD. Chính tác giả Hà Nguyên Dũng liên lạc sang đã bày tỏ lòng cảm kích vì nhờ sự đổi chữ, bài thơ trong nhạc như được hay và thăng hoa hơn. Trong Đêm Tình Ca Thanh Trang, nhạc phẩm này sẽ được trình bày qua giọng ca Thế Khải.
Năm 1968. Năm Mậu Thân đáng nhớ. Thanh Trang nhập ngũ Thủ Đức. Vì là một thanh niên khoa bảng trí thức, ra trường được biệt phái lên Đà Lạt dạy Luật và Kinh tế ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. (Sau khi du học ở Mỹ về năm 1973 dạy thêm tại trường Chính Trị Kinh Doanh Viện Đại Học Đà Lạt) Người yêu quen nhau đã năm sáu năm từ Sàigòn lên thăm vào tháng 10, giữa giao mùa thu-đông. Em đến vào mùa thu, em về để lại cho anh mùa đông. Hèn chi Thanh Trang viết “Tình Khúc Mùa Đông” như tràn đầy ca từ tiếc nhớ mùa thu: “Thu hoen lệ sầu”. “Thu reo dưới gót”, “với thu mênh mông”, “thu nơi ngàn trùng”, “tiếc thu mênh mông”, khiến có lần gây lầm lộn đây là bài “Tiếc Thu” (một bài của Hoàng Dương).
“Tình Khúc Mùa Đông” sẽ được trình bày bởi giọng hát và tiếng đàn piano của Minh Phượng. Một người con gái Huế. Một giọng nữ trầm Alto. Một tài năng độc đáo riêng một cõi. Hàng năm có riêng cho mình một show nhạc. Show vừa qua “Đóa Hoa Vô Thường” đã là một thành công lớn. “Chiều Muộn” là nhạc phẩm thứ hai của Thanh Trang sẽ được Minh Phượng gởi đến khán giả trong đêm nhạc.
Một giọng nữ khác cũng quê quán đất Thần Kinh là Ái Phương trình bày bài “Còn nhớ gì khi xa Huế”? Điệu hành vân của ngũ cung, Huế rất Huế:
“Hôm nào chợt khi giữa đường
qua
Bên tai vẵng tiếng quê nhà
Một tà áo lụa mềm trong gió
Giọng người gợi về một nơi
xa”
Kế tiếp là tiếng hát của một người trẻ nhất đám: Hàn Phúc qua nhạc phẩm “Một Đời Tôi Hát”. Khi dự án Đêm Tình Ca Thanh Trang còn phôi thai. Phúc nhất mực bày tỏ ước muốn được chọn trình bày “Một Đời Tôi Hát”. Bài hát này Thanh Trang cảm hứng viết riêng cho ca sĩ Anh Ngọc khi ông đến Mỹ năm 1995, và lầu đầu hai người gặp nhau. Ông kể: “Đi qua con đường 57 th, tôi nghĩ đến cuộc đời Anh Ngọc, tôi bất chợt tự mình hát ra: “Một đời tôi hát, những bài tình ca cho người.” Về nhà vội vã lấy giấy chép lại. Nội một đêm xong bài hát. Ngày mai vội gởi bưu điện cho Anh Ngọc. Ông ấy bảo nội dung giống như ông ấy sáng tác lấy.”
Đó là bài hát dành riêng cho người sắp hay đã bước ra lề cuộc đời, ra khỏi nghiệp cầm ca, đứng trên cả những buồn vui của nhân thế. Tại sao người trẻ như Phúc muốn hát bài ấy? Vậy mật ngôn gởi gấm gì trong thông điệp bài hát mà người trẻ ấy nhận ra? Con đường đã qua của thần tượng là con đường người trẻ sẽ đi theo?
Ở những nơi người yêu nhau thích thăm viếng, anh và em thường khắc tên lên đá hoặc lên cây làm dấu vết tình ta. Trong khu rừng rực rỡ ngôn ngữ của thơ và ca, người nghệ sĩ của chúng ta hay lén để lại tên người nữ ấy, như trường hợp Hàn Mạc Tử hay Trịnh Công Sơn, nào có hề chi người đời biết hay không. “Huyền” là tên một người nữ được đưa lên nhan đề một bản tình ca tuyệt tác của Thanh Trang, đã được Anh Ngọc, Quỳnh Giao và Quang Tuấn hát. Khoảng cách giữa ba người khi hát là 35 năm! Khi được hỏi câu thắc mắc của biết bao người: “Huyền là ai? Có thật không?” Trả lời: “Người có thật. Một nửa phần tên là thật”
Nhạc phẩm “Huyền” sẽ được người ca sĩ có tên Huyền gởi đến khán giả. Bích Huyền là ca sĩ đã gắn bó với các chương trình nhạc chủ đề tác giả từ ba năm qua. Và còn hơn nữa, Bích Huyền sẽ hát bài “Liễu Buồn Xanh Ngắt Mùa Thu” mà trong mùa thu xanh ngắt ấy, còn thoáng qua tên của một người con gái khác.
Trong số những người hát tìm đến nhạc Thanh Trang có lẽ người có “cơ duyên” nhất là ca sĩ Quang Tuấn. Bấy giờ anh là một ca sĩ đang lên, trúng tuyển trong kỳ thi tuyển lựa ca sĩ ở vũ trường Ritz, được ký hợp đồng hát ở đây hai năm. Tình cờ đến nhà người quen, được cho nghe “Duyên Thề” và “Huyền”, sẳn có người quen biết Thanh Trang anh nhờ giới thiệu. Hai người gặp nhau. Từ đó những ca khúc Thanh Trang trình bày qua giọng ca Quang Tuấn trong liên tiếp 2 CD. Như thế, anh đã là người thân thuộc với nhiều nhạc phẩm Thanh Trang trên bước đầu sự nghiệp ca hát. Trong Đêm Tình Ca Thanh Trang, Quang Tuấn sẽ chọn gởi đến khán giả 4 bài: mở đầu bằng bài “Sàigòn Nhớ Sàigòn Thương”. Anh Ngọc đã hát bài này trong Cd “Quê Hương và Tình Yêu”, rồi sau đó ông hát trong một đêm nhạc ở Texas, khiến các người lớn tuổi rơi nước mắt. Tiếp theo sau đó, Quang Tuấn sẽ hát hai bài tình ca “Bài thơ xưa cho em” và “Bài Tình Ca Trong Chiều” với nhịp điệu vui tươi rộn ràng. Và bài chót “Những Con Đường Thành Phố Tôi Yêu” với thể điệu chậm buồn, thể hiện sự nhớ nhung quê hương thành phố đã xa xôi. Bài hát này đã từng được song ca bởi Anh Ngọc và Quang Tuấn trước đây.
Sáng tác của Thanh Trang chẳng những giàu sang về lời ý va giai điệu, mà còn được trình bày phong phú trên nhịp điệu nhạc Tây phương giống như trường hợp Hoàng Trọng, Văn Cao, Phạm Duy: điệu Swing, Tango, Valseà Ca sĩ Kim Phương một giọng ca quen thuộc hiện nay tại các tụ điểm nhạc Quận Cam sẽ trình bày hai nhạc phẩm “Lời Xa Vắng” điệu Tango, “Muộn Màng” điệu Rumba. Vương Lan, một giọng ca của ban Ngàn Khơi, sẽ hát Valse bài “Một Ngày Một Đời”, song ca với Hồng Tước bài “Tìm Em Chốn Này” điệu Valse chậm. Ngoài ra với thể điệu dìu dặt chậm buồn, sẽ là Thiên Nga với “Xuân Tận Miền Xa” và “Bài Tình Ca Trong Ngày”, Hồng Tước sẽ rất dịu dàng, rất tiền chiến trong bài “Đò Mây”. Đêm Nhạc Thanh Trang sẽ kết thúc bằng bài “Có Sớm Ta Về” ươm đầy niềm hy vọng của ngày mới, đổi mới, do các bạn trẻ trong ban Sóng Xanh trình bày.
Chương trình được điều dẫn bằng hai MC nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Nam Cali: Hoàng Trọng Thụy và Nhã Lan. Khi mời Thụy, ban tổ chức không thấy ai phù hợp hơn cho chương trình Thanh Trang. Vì anh vốn cũng là người viết nhạc. Nhạc Thụy viết không nhiều đâu chừng 20 bài, phần lớn chưa phổ biến. Một đôi bài trình làng, đã thành công lớn: “Người Như Cố Quên”, “Đoản Khúc Cuối Cho Em”à Chỗ giao tình Thụy gọi Thanh Trang bằng chú, vì mẹ Thụy, ca sĩ Tâm Vấn là bạn của Thanh Trang, tuy ông nhỏ tuổi hơn. Và ông rất trân trọng giọng ca Tâm Vấn qua bài “Một Đời Tôi Hát”.
Và Nhã Lan. Một người nữ vì “quá yêu tiếng Việt” mà không quản ngại thời giờ công việc của một chuyên gia cơ khí hàng không để đến với cộng đồng bằng chữ nghĩa tiếng Việt của chương trình văn học nghệ thuật Việt. Dù bạn bè thắc mắc sao thì giờ cô còn đâu mà muốn làm người MC cho nhạc Thanh Trang. Chỉ vì cô muốn gần gũi để trả một món nợ cho người bố thân yêu đã qua đời, để vỡ được ý nghĩa “Duyên Thề” mà ngày còn sống bố muốn được hiểu. Và giọng Bắc đó rất hợp với Tình Ca Thanh Trang, vì hơi hướng đó rất đúng cội nguồn sông Hồng, là giòng sông mà giòng nhạc Thanh Trang là vọng âm cuối.
***
Chương trình “Đêm Tình Ca Thanh Trang”của nhóm Thân Hữu Yêu Nhạc Việt sẽ trình diễn tại phòng Hội Báo Người Việt vào lúc 7:30 tối ngày Thứ Bảy 14 tháng 3, 2015.
Chương trình dành cho công chúng,
số ghế dành cho số người vào cửa tự do sẽ có giới
hạn. Ngoài ra một ít số ghế có đánh dấu dành riêng
cho quý vị nào yêu nhạc và có khả năng bảo trợ cho
chương trình với lệ phí tượng trưng, hầu có phương
tiện tiếp tục những chương trình thuần túy nghệ thuật
trong tương lai. Vé có tại cửa, hoặc gọi số (714)
423-5082
Tôi yêu thích tất cả các ca khúc tiêu biểu trong “Đêm Tình Ca Thanh Trang”, nhưng nếu được hỏi thì tôi sẽ chỉ chọn có ba (Duyên Thề, Tình Khúc Mùa Đông và Sàigòn Nhớ, Sàigòn Thương).
1. Sàigòn Nhớ, Sàigòn Thương (1978) tính ở cung chủ C/Đô trưởng với câu nhạc buồn bã, u uẩn “Sài gòn với lòng tôi thiết tha bao kỷ niệm”: nét nhạc lên cao từ chữ “với” chuyển thoáng qua cung tương ứng Am/La thứ, lọt thỏm xuống chữ “kỷ niệm”/Dm trước khi trở về cung chủ, như một tiếng thở hắt ra, não nuột, tiếc nuối về một thuở Sài Gòn đẹp đẽ, lịch lãm chỉ mới đây thôi.
Ca sĩ Quang Tuấn đã thể hiện trọn vẹn ca khúc trên. Có lẽ anh là người gần gũi nhất với tác gỉa qua những trao đổi thường xuyên để thấu hiểu được tình ý của từng bản nhạc trước khi thực hiện nhiều CD về các ca khúc của NS Thanh Trang.
2. Tình Khúc Mùa Đông (1968) với giai điệu bồng bềnh, quyến rũ, sang cả, bên cạnh những Nhìn Những Mùa Thu Đi (TCS), Rồi Từ Giọng Hát Em (NTM), Tình Khúc Cho Em (LUP) Tình Tự Mùa Xuân (TCP), Rồi Mai Tôi Đưa Em (TS).
Nghệ sĩ Minh Phượng thể hiện ca khúc trên với phần đệm piano của chính mình. Có lẽ người ta nhớ nhiều nhất ở vóc dáng nhỏ nhắn xinh đẹp của cô, với giọng Huế ngọt ngào, dịu dàng đằm thắm, luôn e ấp, ngập ngừng thẹn thùng khi trao đổi với người nghe . Nhưng khi đã ngồi vào đàn rồi thì hình như cô lại tự tin đến độ quên tất cả mọi sự hiện diện của khán thính gỉa đang ngồi ở phía dưới. Với giọng nữ trầm thể hiện ca khúc TKMĐ một cách mê đắm nồng nàn thiết tha, còn đôi tay thì làm chủ được được mọi kỹ thuật, làm chủ được mọi âm thanh từ phím thấp nhất đến những phím cao nhất của cây đàn.
3. Duyên Thề: (1962)
a/ Giai điệu: thuộc về giòng nhạc tiền chiến như chính ông cũng đã từng thừa nhận “có lẽ mình là một trong số những người cuối cùng của giòng nhạc này”.
b/ Loại nhịp: câu nhạc ngắn hầu như chỉ duy nhất 4 chữ, nên chọn nhịp 3/4 là thích hợp hơn cả, nhưng sẽ còn có một khoảng cách khá xa với Ngày Đó Chúng Mình (PD), Giấc Mơ Hồi Hương (VT) cũng đều viết ở nhịp 3/4 trên.
c/ Ca từ: ông viết như chỉ thủ thỉ với chính mình nên lời ca cô đọng từng phần, có lẽ chỉ nghe ông giải thích thì may ra ta mới hiểu tường tận những gì ông muốn gửi gấm. Mà cần gì phải hiểu, cũng như những bài thơ phổ nhạc của DTL, ta cứ như mộng du, đắm chìm, mê mẩn với nó là đủ rồi?
d/ Hòa âm: với cấu trúc (AA’-B-AA’)
(A’) để buồn mai sau
(B) chỉ còn thương đau
(A’) người về không nguôi
Cả 3 câu nhạc cuối ở trên đều dùng bậc IV thứ/Abm/trong cung Mi giáng trưởng/Eb, gợi cho ta cái cảm giác buồn man mác, nhẹ nhàng, lâng lâng chứ không ủ rũ, sướt mướt, tuyệt vọng như một số ca khúc khác ở gần với thời điểm đó.
“Sang Mỹ, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ tại vũ trường Ritz của Ngọc Chánh năm 1993 (ngẫu nhiên thay, người hạng nhì là ca sĩ Quang Tuấn), “Duyên Thề” được hát bởi Anh Dũng hằng mỗi cuối tuần, trong suốt hơn hai năm trời tại vũ trường Ritz”. (Phan Lang)
II.
-MC Hoàng Trọng Thuỵ là một nhạc sĩ viết không nhiều, tôi có CD khoảng 10 bài của anh với kỹ thuật khai triển giai điệu và hòa âm chuyên nghiệp như một giòng nhạc của Mỹ. Tất cả đều xuất sắc nhưng hai bài nổi tiếng nhất ở hải ngoại và cũng được khá phổ biến trong nước là “Tôi Với Người Đã Quên” và “Đoản Khúc Cuối Cho Em”.
-MC Nhã Lan, trước đây cô đã từng phụ trách chương trình“Âm Nhạc Trong Đời Sống” với GS Lê Văn Khoa trên đài Little Saigon Radio, và lâu nay là “Tản Mạn Văn Học” với nhà văn, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh trên Hồn Việt TV.
Cả hai đều tự tin, dẫn chuyện một cách dí dỏm, thoải mái với công việc MC của mình.
-Một chương trình chủ đề chỉ giới thiệu sáng tác của một tác gỉa duy nhất, có lẽ mọi khán gỉa đều trông chờ để nghe những giai thoại chung quanh về việc thai nghén cũng như quá trình xây dựng hình thành của một tác phẩm, nhiều hơn là một chương trình văn nghệ thông thường.
Đề nghị thời gian cho một ca khúc, cộng với lời giới thiệu cân nhắc tỉ mỉ kéo dài chừng khoảng10 phút mới là