Không cần phải đi ngược về thời tiền chiến, đã quá xa, chỉ cần nhìn vào thực trạng của sinh hoạt văn học, nghệ thuật trong vòng vài chục năm qua, ta sẽ thấy từ hải ngoại tới trong nước, mức độ lạm phát nhà văn, nhà thơ, thậm chí ở cả lãnh vực ca nhạc, trình diễn, phát thanh, truyền hình… đã đạt tới “đỉnh điểm”!
Theo một số nhà quan sát thì, có nhiều lý do để giải thực hiện tượng “quá tải”, tới chỗ bát nháo này! Những nhà quan sát này thấy ra một số yếu tố đáng kể sau đây:
-Thứ nhất, lãnh vực in ấn đã tiến những bước rất xa, như thể nơi chân nó, có đôi hia bảy dậm vậy. Gần đây, kỹ thuật photocopy còn tiến xa hơn nữa, khi chỉ cần có một chiếc máy nhỏ, gọn, cũng đã đủ để sản xuất mỗi ngày hàng chục cuốn thơ hay tập truyện, đầy đủ mầu sắc…
- Thứ nhì, tiến bộ và tiện nghi ấn loát này, đã làm cho giá thành của một cuốn sách chỉ bằng ½ hay 1/3 so với trước đây.
- Thứ đến, những tuần báo, nguyệt san, “diễn đàn” đủ loại, cộng với các loại “đài” phát thanh, truyền hình “số” như nấm mọc sau mưa, đã dẫn tới tình trạng cần nhiều nhà báo, nhà dịch tin, nhà “lay out” cũng như xướng ngôn viên…, nói chung là số lượng “văn nghệ sĩ”, cũng leo thang theo... nhu cầu!
- Lại nữa, khi những bộ máy Karaoke trở thành phổ cập với giá bán vừa túi tiền mọi gia đình, số lượng “ca sĩ nghiệp dư” cũng trở thành hiện tượng “đại trà”. Khoảng cách từ một “ca sĩ karaoke” tới một “nhạc sĩ không biết một note” cũng có nhiều “đột biến”.
Trong quá khứ, một nhạc sĩ lão thành từng kể với tôi nghe, ông nhận được khá nhiều đề nghị nhờ ông viết xuống thành một bản nhạc, căn cứ vào “bài hát” đã được thu vào cassette của ông A, ông B, hay bà C., với thù lao do chính vị nhạc sĩ lão thành kia, ấn định.
Sau đấy, “nhạc sĩ không biết một note” thuê ca sĩ thu âm bài hát. Khi đủ 10 bài hay nhiều hơn, ông / bà ta sẽ cho sang thành cassette (sau này là cd), để phổ biến, hoặc ra mắt…
Thực trạng ấy, đưa đến hiện tượng có những “văn nghệ sĩ” làm chủ nhiều hơn một… “nhà”. Thí dụ, cùng lúc ông / bà ta có thể là “nhà thơ, nhà văn. “Hoành tráng” hơn, có người còn kiêm thêm nhiều “nhà” nữa. Như nhà “nhạc”, “nhà” ca sĩ, “nhà” báo, “nhà” phát thanh, “nhà” “MC”, vân vân…
Tuy nhiên, trong thực tế, dù ở đâu, tôi nghĩ, chúng ta cũng vẫn có những cá nhân thật sự xuất sắc. Những cá nhân này, được tập thể nhìn nhận cùng một lúc, nhiều tư cách khác nhau, với tất cả nể trọng.
Điển hình, trường hợp của bác sĩ, giáo sư, võ sư, nhạc sĩ Phạm Gia Cổn. Lại nữa, trong khoảng gần mười năm qua, họ Phạm còn được nhìn nhận là người khai sáng môn Thể dục Khí công Hoàng Hạc, ở miền nam California.
*
Tôi biết suốt 30 năm trong ban giảng huấn của Đại học UCLA, Bs Phạm Gia Cổn luôn chú ý đến vấn đề giáo dục Y đức và Văn hóa Việt, để các bác sĩ ngoại quốc dễ thông cảm khi săn sóc các bệnh nhân Việt Nam.
Phải chăng, vì thế mà họ Phạm đã được bầu chọn là “Teacher of the Year” liên tiếp 2 năm? (1)
Tôi không biết Võ sư Phạm Gia Cổn, với đệ cửu huyền đai Hapkido, đệ bát huyền đai Tae Kwon Do; chưởng mốn kế thừa Thất Sơn Thiếu Lâm, đã đào tạo bao nhiêu môn sinh, bao nhiêu võ sư bộ môn Hapkido? Nhưng với hơn nửa thế kỷ truyền dạy võ thuật, Bs Phạm Gia Cổn luôn chú trọng vấn đề giáo dục Võ-hạnh và Võ-đạo.
Tôi không biết và cũng không thấy cần thiết phải hỏi họ Phạm, bắt nguồn từ động lực sâu xa nào, khiến ông đứng ra thành lập ban nhạc Star Band, với sự tham dự của rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến, cũng như thuộc 20 năm tân nhạc miền Nam. Star Band của ông đã trình diễn khắp nơi, với những thành tựu và, những lời khen tặng chân, quý mà, ông là người chơi Saxophone trong ban nhạc này.
Về sáng tác ca khúc, hiện tại, trên trang mạng “dactrung” còn lưu trữ một số ca khúc do ông sáng tác. (2)
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Phương Anh của đài RFA, hồi tháng 6 năm 2006, đề cập tới ba lãnh vực Y, Võ, Nhạc, họ Phạm nói:
“Vấn đề y võ nhạc áp dụng trong đời sống là phối hợp 3 chuyện đó để nó phục vụ cho đời sống con người, vì con người cần phải khoẻ mạnh, từ tinh thần cho đến thể chất, võ sẽ làm chuyện đó, âm nhạc cũng là một loại làm cho mình relax.
“Bây giờ, y khoa đã dùng âm nhạc để chữa bệnh. Nếu mình phối hợp được cả ba, thì đời sống của mình sẽ khoẻ mạnh và vui tươi từ tinh thần cho đến thể chất cho chính từng cá nhân. Trong một xã hội mà đều có những người có sức khoẻ và tinh thần tốt thì nó sẽ tạo cho một xã hội tôi gọi là ‘thiên hạ bình’. Đó là cái mục đích mà tôi nghĩ rằng y võ học áp dụng thực tế vào trong xã hội con người.” (3)
Tôi cũng không biết có phải khởi đi từ quan niệm “Bây giờ, y khoa đã dùng âm nhạc để chữa bệnh. Nếu mình phối hợp được cả ba, thì đời sống của mình sẽ khoẻ mạnh và vui tươi từ tinh thần cho đến thể chất cho chính từng cá nhân…” hay không (?) Mà, năm 2007, Giáo sư, Võ sư, Nhạc sĩ Phạm Gia Cổn đã sáng lập môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc - - Một môn tập phối hợp Y, Võ, để phục vụ sức khỏe con con người, bao gồm “Tinh thần, thể chất và xã hội.
“Hoàng Hạc Khí Công”, đem lại đời sống “khoẻ mạnh và vui tươi từ tinh thần” cho hàng ngàn môn sinh của ông nhiều nơi trên thế giới.
Chúng tôi xin dùng trích đoạn dưới đây trong bài viết tựa đề “Tính thiền trong Hoàng Hạc” của HH Kiều Hạnh, tiêu biểu cho thành qủa cụ thể và, lòng biết ơn của một môn sinh Hoàng Hạc:
“… ‘Bấm, Vòng, Vươn, Buông’ là 4 căn bản của Hoàng Hạc. Tôi thích nhất chữ ‘buông’ của Hoàng Hạc. Thầy (Bs Phạm Gia Cổn) dặn, khi buông thì buông cho hết, thả lỏng vai ra, nhẹ nhàng và tĩnh lặng.
“Tôi tập Hoàng Hạc đã 3 năm. Hàng ngày tập, như tập thể dục. Cho đến một ngày, một buổi sáng sớm, 6 giờ sáng tại nơi tôi làm việc, chưa ai vào cả, chung quanh tôi thật tĩnh lặng, tôi mang 7 thế ra nhẹ nhàng phe phẩy, và rồi hơi ngạc nhiên khi phát hiện ra một điều: tôi bỗng nhận được những cảm giác tương tự như những lúc tôi đang trong thiền. Tôi tập thiền được 5, 7 năm, chỉ cốt để cho mình được thanh thản, được buông bỏ những xáo trộn chung quanh mình. Những lúc ngồi vào thiền, tôi thường nhận được những cảm giác thật nhẹ nhàng, thật tinh tế, như những hạt bụi rón rén, lăn tăn đi nhẹ chung quanh vùng đầu, và trên thân thể… Sáng hôm đó, tôi bỗng nhận ra những cảm giác đó len lén đi nhẹ qua đầu, ngang qua vai, thoảng qua cánh tay, và đi đến những ngón tay, những cảm giác nhẹ nhàng và êm ái. Chung quanh tôi là một sự tĩnh lặng và buông bỏ…”
.
Trước tình cảnh lạm phát… “nhà”, sự có mặt của Bs Phạm Gia Cổn, với những đóng góp của ông ở nhiều lãnh vực, cho tập thể Việt quê người, với tôi, là một đóng góp rất đáng kể vậy. (4).
Du Tử Lê
(Garden Grove, Apr. 2015)
_________
Chú thích:
(1) Để được theo học với giáo sư BS Phạm Gia Cổn, sinh viên phải là những người đã tốt nghiệp bác sĩ tổng quát.
(2) Đó là các ca khúc “Hẹn ước”, phổ thơ Phan Xuân Hiệp, “Một ngày mũ đỏ, một đời mũ đỏ”, phổ thơ Hà Huyền Chi và, “Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong”, phổ thơ Du Tử Lê.
(3) Nguồn Wikipedia.
(4) Tưởng cũng nên nói thêm: Trước biến cố tháng 4-1975, họ Phạm là một trong những bác sĩ quân y vào sinh ra tử của Sư đoàn Nhảy Dù / QLVNCH cũ. Ở hải ngoại, ông cũng từng đắc cử chức vụ Chủ tịch ban Chấp hành Trung ương Gia đình Mũ Đỏ VN; chủ tịch Hội Y sĩ VN tại Hoa Kỳ…