Dù chỉ ở Genève vỏn vẹn một tháng hè, nhưng có lẽ ông Trần đã đi bộ bằng một người bình thường đi bộ cả năm. Ngày nào ông cũng đi bộ, đi sáng, đi trưa, đi chiều, rồi lại đi đêm. Ông đi bộ lên dốc phố cổ, đi bộ ra Hồ Genève nhìn khách thập phương đủ mọi sắc tộc, ngôn ngữ, văn hoá nói cười hồn nhiên thảnh thơi, đi bộ ra bờ sông Rhône nhìn nước xanh như ngọc, đi bộ ven bờ sông Arve nhìn dòng nước đục cuồn cuộn trôi mà có lúc ông tưởng như đang đứng bên dòng sông quê cũ, giữa mùa mưa nước đục, chảy quanh làng một thời thơ ấu. Ông đi bộ đến nhà thờ, đi bộ ra thư viện, đi bộ đến các viện bảo tàng, đi bộ tìm quán rượu, và đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố tràn ngập dấu ấn văn hoá và lịch sử của nhân loại này. Mỗi lần đi công tác hay du lịch ở bất cứ thành phố xa lạ nào, ông vẫn muốn tìm gặp một người Việt ngoài phố để vẫy tay chào, để hỏi thăm chuyện đời ly hương, và để tự xác nhận rằng vẫn còn người Việt ly hương ở quanh mình. Ông thường nghĩ ngày nào không còn bóng dáng người Việt ly hương quanh ông, ngày ấy ông sẽ là kẻ cô độc nhất trần gian.
Đối diện với Gare de Cornavin, nhà ga chính của Genève là khu phố rất nhộn nhịp và có vẻ xô bồ dù không bằng nhiều khu phố ông Trần đã đi qua ở Hoa Kỳ. Từ hôm đến Genève, ông đã đi ngang đây nhiều lần. Đi ngang thôi chứ ông chưa la cà vào quán rượu hay tiệm ăn. Nhưng sau buổi hẹn ăn trưa với hai người bạn mới quen tại một nhà hàng Tàu trong khu phố này để nghe họ kể chuyện về sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Genève; ông muốn trở lại để quan sát nghe ngóng về sinh hoạt của khu phố được coi là Phố Hồng Genève (Red District). Nơi đây những người nghiện ngập tìm nhau trao đổi hút sách, những người buôn bán thân xác cả nam lẫn nữ hành nghề công khai. Và cũng ở khu phố này ông nhìn thấy bóng dáng Việt Nam trên cái bảng hiệu tiệm tạp hoá, tiếng Tây là Thu Hằng Alimentation Asiatique, một cái tên rất quen thuộc, rất phụ nữ nằm trên đường Rue de Monthoux ngay giữa Phố Hồng Genève.
Một buổi sáng thứ Hai, ông Trần quyết định la cà vào Phố Hồng vài giờ nhìn người qua lại, và quan sát sinh hoạt ngày đầu tuần ra sao. Từ phòng trọ bên cạnh đại học y khoa và khu bệnh viện của đại học, Hôpitaux universitaires de Genève, đến Phố Hồng, ông đi bộ khoảng nửa giờ vì phải xuống con dốc xuyên phố cổ rồi qua cầu bắc ngang sông Rhône. Khi sang bên kia bờ sông, ông Trần men theo con đường dốc lên hướng khu chợ Manor về phía sân ga Cornavin. Đây không phải là con đường tiện nhất để ra Phố Hồng từ nhà trọ, nhưng ông đi con đường này chỉ vì thói quen. Khu Cornavin lúc nào cũng nhộn nhịp, và các quán rượu vẫn mù mù khói thuốc bay lên từ những dãy bàn xếp bên cạnh đường đi. Ở đây người ta hút thuốc thả khói thuốc như sương mù mùa thu lãng đãng bay lên từ sân bệnh viện, sân đại học, đường đi, và hàng quán. Trước các tiệm rượu của người Trung Đông, những bình điếu cầy bằng đồng hay nhôm bóng loáng được đặt trên mặt bàn với những ống hút dài bày sẵn mời gọi chờ đợi khách ngậm vào miệng để nhả ra những sợi khói trắng huyền ảo như những câu chuyện kể trong Ngàn Lẻ Một Đêm. Ông Trần đi dọc theo đường Place de Cornavin nối dài sang đường Rue de Lausanne rồi tẽ vào đường Rue de Monthoux, sáng thứ Hai vẫn nhộn nhịp như thường. Dù là khu Phố Hồng nhưng Rue de Monthoux không náo nhiệt như Bourbon Street của New Orleans, Louisiana. Đi ngang tiệm ăn tàu, Hungky, và tạp hoá Thu Hằng, vừa quẹo trái vào con đường nhỏ ông chợt thấy người đàn ông Á Châu, trông có vẻ đã đứng tuổi, ngồi cúi đầu xuống chai bia hút thuốc một mình trước quán rượu nằm ngay bên cạnh phòng đấm bóp Thái Lan. Có vài phụ nữ ăn diện khiêu dục phất phơ qua lại. Nét mặt người đàn ông Á Châu này khiến ông Trần chợt nghĩ về một người bạn cũng có khuôn mặt hằn đậm cô đơn muộn phiền. Cái dáng cô đơn của ông ta dường như còn bi đát hơn cả khuôn mặt người nghệ sĩ chơi lục huyền cầm trong tranh Picasso. Ông Trần định quay chào và hỏi thăm, nhưng linh tính cho hay không nên vì địa điểm này không tiện để người lạ mặt hỏi thăm nhau.
Đi một vòng qua vài con hẻm san sát hàng quán và quầy rượu, ông Trần vào dùng cơm trưa ở một tiệm Thái Lan. Thật ra dù ông chẳng ưa gì món ăn Thái, nhưng ông tò mò muốn biết sinh hoạt của tiệm ăn Thái trong khu phố có cả tiệm đấm bóp Thái ra sao. Cơm xong, ông tiếp tục tản bộ qua những con hẻm của Phố Hồng. Lúc ngược lại đường Monthoux, ông nhận ra người đàn ông Á Châu, lúc nãy uống bia bên phòng đấm bóp Thái, đang ngồi ở bàn kê ven đường trước một tiệm rượu khác. Lần này ông ta uống rượu chát và tay vẫn cầm điếu thuốc ngun ngun khói trắng. Ông Trần băng ngang đường về chỗ người đàn ông, giơ tay ra dấu chào xin làm quen.
“Bonjour Monsieur! Parlez vous Vietnamien?”
“Oui!”
“Chào ông!” Ông Trần đưa tay bắt vồn vã.
“Chào ông!” Người đàn ông nhìn ông Trần, mắt sáng nhưng nụ cười mệt mỏi trên môi.
“Tôi tên Trần còn ông tên gì?”
“Trần là tên họ?”
“Đúng vậy, tôi bị người ta gọi tên này 40 năm rồi nên quen ông ạ.”
“Tôi là Đủ! Tây gọi tôi là Đu, riết rồi tôi cũng gọi tôi là Đu.” Ông ta đưa ly rượu lên môi nhắp, hít một hơi thuốc dài, và từ từ phà khói ra như muốn giữ lại tất cả hương vị khói thuốc trong lồng ngực trước khi phải phà ra.
Sau vài lời chào thăm giới thiệu, hai người tỏ vẻ thân thiện nhau hơn. Ông Trần kéo ghế ngồi và gọi ly rượu đỏ, loại rượu bản xứ. Ông Đu đưa gói thuốc mời, nhưng ông Trần lắc đầu cảm ơn.
“Bỏ thuốc lâu rồi ông ạ.”
“Tôi cũng đã bỏ, nhưng bỏ loại này để hút loại khác thôi. Ngày xưa hút không đầu lọc, bây giờ chỉ hút thuốc có đầu lọc.” Ông Đu cười thành tiếng sau khi giải thích việc bỏ thuốc của ông.
“Anh Đu sang đây lâu chưa?” Ông Trần đổi cách xưng hô cho thân thiện hơn.
“35 năm!”
“Vậy là thuộc loại lão làng.”
“Đúng vậy, lúc sang đây mới 25 tuổi bây giờ 60. Già bố nó rồi.”
“Anh đi từ Sài Gòn?”
“Không, tôi đi từ Hà Nội.”
“Như thế là anh sang đây du học hay đi làm?”
“Tỵ nạn.”
“Anh nói gì? Tôi mới là tỵ nạn vì tôi dân miền Nam.”
“Chúng tôi ở Bắc cũng chạy sang Hồng Kông tỵ nạn nhiều lắm anh ạ. Còn anh đi năm nào?”
“75, tôi chạy vì khiếp sợ mấy ông Cộng Sản từ Bắc vào chiếm miền Nam.”
“Tôi chạy vì ở với họ chẳng có tương lai ngoài sợ hãi và đói khổ triền miên.”
“Không ngờ tôi ngồi uống rượu với Cộng Sản ngay tại Thuỵ Sĩ.” Ông Trần nửa thật nửa đùa.
Ông Đu nâng ly rượu cười ha ha nhìn ông Trần, nhưng trong khoé mắt ông ta vẫn ẩn chứa điều gì như u uẩn lắm.
“Anh ở đâu đến đây?”
“Hoa Kỳ!”
“Sướng thật. Tôi sang thăm bạn bên ấy, ăn phở hàng ngày, vừa rẻ, vừa nhiều, và lại ngon. Ở đây tô phở rẻ cũng 18 Đô trở lên, bé tị mà chẳng ra gì.”
“Nhưng bên này lương cao!”
“Đâu cũng vào đó. Đời sống đắt đỏ, rồi lại đóng bảo hiểm và thuế má sạch anh ạ.”
“Vậy anh có ý về lại Hà Nội sống không?”
“Về sao được, ở đây dù mình đi làm đóng thuế thật đấy, nhưng phúc lợi xã hội quá tốt. Chẳng ai bỏ mình đói anh ạ. Chính phủ họ lo hết. Anh ở Hà Nội nếu bị đói ra đường xin ăn chẳng ma nào cho mà không chừng công an nó còn bắt bỏ tù hay đánh đập mình. Thật ra thì có đâu mà cho.”
“Sao lại thế, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa kia mà!” Ông Trần tỏ vẻ châm biếm.
“Xã xung cái mẹ gì. Chúng nó vơ hết của cải của dân. Chỉ hàng quan chức và cán bộ là sống tốt thôi. Người dân thì khổ lắm.”
“Anh hay về Việt Nam?”
“Mới về năm ngoái bốc mộ mẹ tôi.”
“Anh nghĩ gì về Hà Nội?”
“Chả có gì đáng nói ngoài chuyện quan chức hối lộ, cán bộ hối lộ, nhà nước cướp đất cướp nhà của dân, còn công an chỉ biết đàn áp chứ làm gì có chuyện bảo vệ an ninh cho dân. Ôi, tệ đoan và tội của họ nhiều lắm, nói bao giờ cho hết.”
“Ở đây ít người Việt, có buồn không?” Ông Trần ngắt lời ông Đủ.
“Buồn vui tuỳ mình. Ở chỗ đông người Việt mà đói khổ, thiếu tự do thì có vui gì?” Ông Đủ khẳng định.
“Đồng ý. Nhưng mình cũng cần có chùa chiền, nhà thờ, lễ hội để tham gia sinh hoạt chứ!”
“Tôi chả đi chùa và cũng chẳng đến nhà thờ. Ở đây người ta cũng tố chức Tết và Trung Thu hàng năm đấy chứ. Lúc con tôi còn bé tôi cũng đưa chúng nó đi dự Trung Thu và Tết.” Ông Đủ giải thích như để chứng minh rằng ông ta cũng có mối liên hệ với người Việt trong vùng này.
“Gia đình anh được mấy cháu?”
“Chết cả rồi.” Ông Đu gằn từng chữ đến nỗi da cổ ông nổi đường gân máu.
“Vậy chỉ còn hai vợ chồng?” Ông Trần tỏ vẻ quan tâm về đời sống của ông Đủ.
“Tôi độc thân gần 30 năm rồi. Sang đây được 5 năm, vợ theo thằng Rệp lắm tiền đi biệt tích. Vài năm sau hai đứa con theo nhau chết, đứa 15 tuổi đứa 13 tuổi.”
Ông Trần cảm thấy lòng mình bàng hoàng sau khi nghe câu chuyện gia đình ông Đu. Chuyện đau lòng như thế mà ông Đu kể về vợ con ông như kể về một câu chuyện gì rất bình thường. Giọng ông không lộ ra vẻ gì đau đớn xót xa. Có lẽ ông đã quen chịu đựng.
“Xin chia buồn!”
“Buồn gì đâu. Chỉ tức và ân hận thôi. Mình liều mạng đưa gia đình vượt biển tìm tự do no ấm. Qua đây còn chân ướt chân ráo với hai đứa con dại mà vợ lại đang tâm bỏ đi. Khi hai đứa con vừa lớn đủ để hiểu tại sao chúng mồ côi mẹ thì chuyện không may lại xảy ra cho chúng. Nhưng bây giờ chả còn gì tức giận hay ân hận nữa. Mỗi cuộc đời một số phận anh ạ. Lâu rồi cũng quen thôi.”
Ông Đu không muốn giải thích lý do tại sao vợ ông bỏ đi và cái chết bi đát của hai con mặc dù trong lòng ông vẫn cảm thấy rất cần phải nói những điều u uất đau lòng này cho mọi người biết kể cả người lạ mặt. Những người thân quen ông ở Hà Nội và hải ngoại cứ tưởng vợ và con ông bị tử thương vì tại nạn xe hơi. Ông đã nói dối chuyện gia đình ông cho người thân và bạn bè. Nếu có ai hỏi thăm vợ con ông chôn cất ở đâu, ông chỉ trả lời ngắn gọn, “Hoả thiêu.” Bây giờ ông không còn cảm thấy phải che đậy giấu diếm chuyện gia đình nữa; có lẽ phần vì đã quen, phần vì thời gian dần dà lấp xoá đi dĩ vãng.
“Sống một mình, anh làm gì giải trí?”
“Khi nào buồn tôi lang thang ra đây ngồi uống rượu hút thuốc. Thời trẻ còn bỏ tiền chơi bời chỗ này chỗ kia. Bọn gái điếm mình quen ngày xưa bây giờ già cả rồi. Vả lại, ở tuổi này muốn chơi bời cũng chẳng được. Chỉ còn rượu và thuốc lá giải sầu anh ạ.”
Ông Đu tâm sự rất chân tình thành thật. Nghe ông kể chuyện ăn chơi có lúc ông Trần cũng ngượng, nhưng với ông Đu hình như chả có chuyện gì còn đáng quan tâm hay ngượng ngùng nữa.
“Mai mốt già, anh có tính về Hà Nội nghỉ hưu không?”
“Nhất định không. Thà mình chết như con chim đơn độc ở một góc vườn hoang mà vẫn được bay nhảy tự do trước khi gẫy cánh còn hơn phải chết ở nơi có trăm điều bất công lường gạt, gian dối xung quanh.” Ông Đu trả lời cương quyết.
“Anh không sợ cô đơn à?”
“Cô đơn? Tôi đã sống cô độc cô đơn mấy chục năm rồi. Nhưng tôi thà vậy còn hơn phải sống ở nơi không có tự do. Như tôi đã nói, chỗ nào phúc lợi xã hội tốt chỗ ấy là quê hương của mình, là nhà của mình. Anh không thể nhận một nơi là quê hương nếu nơi ấy chính quyền không bảo vệ đời sống của anh, có nghĩa là anh không được hưởng bất cứ phúc lợi xã hội nào.”
Thật ra đây là lần đầu tiên ông Trần nghe một người Việt nhấn mạnh về phúc lợi xã hội. Từ này nghe hay hơn từ “An sinh xã hội” mà ông Trần vẫn sử dụng ở Hoa Kỳ. Ông Trần định bảo suy nghĩ của ông Đu có phần ích kỷ và hẹp hòi vì nói như ông ta thì nước Việt Nam đã không còn là Việt Nam từ lâu rồi, nhưng không dám nói.
“Anh nghĩ là sẽ có thay đổi chính trị ở Việt Nam không?”
“Thay đổi lâu rồi. Bây giờ những người Cộng Sản đã biến hình thành những kẻ cướp sản. Ông nội tôi bị cách mạng đấu tố hành hung giữa làng về tội địa chủ và đã phải treo cổ tự tử. Bố tôi đi bộ đội vào Nam chết mất xác, nhà nước để mẹ con tôi đói khổ đến nỗi mẹ tôi chết vì bệnh tật mà không được nhà nước cho thuốc men. Ở Việt Nam bây giờ quan chức từ trên xuống dưới sống giàu có sung sướng hơn quan lại thời phong kiến. Con cái ông bà lớn đều có chỗ có nơi để ăn trên đầu trên cổ thiên hạ. Người ta có thể từ bỏ sự nghèo khổ dễ dàng khi có cơ hội, nhưng ít người có thể từ bỏ quyền lực và giàu sang phú quý. Có lẽ chỉ có Đức Phật Thích Ca mới làm việc này được.” Ông Đu thao thao vừa nói vừa đưa tay làm cử chỉ để nhấn mạnh điều mình nói dù không đắn đo suy nghĩ.
“Thế thì tự do theo anh là gì?”
“Anh vớ vẩn.” Ông Đu cười khan. “Tự do là mình không bị đói khổ, là nhà nước bảo vệ phúc lợi xã hội cho người dân.”
“Điều anh nói đúng đấy, nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì chúng ta đã phải trả giá quá cao khi bỏ trốn Việt Nam với bao nhiêu gian nan nguy hiểm. Nói như anh thì những con heo được chủ nuôi ăn no nê cũng có tự do.” Ông Trần vặn lại điều ông Đu nói, nhưng vội nghĩ là mình hơi quá lời với người mới gặp.
Ông Đu có vẻ khựng lại vì điều ông Trần nói. Nhưng vẫn khăng khăng nghĩ là mình đúng.
“Anh thấy như tôi đây, không còn đi làm nữa mà vẫn sống phây phây; vẫn rượu bia, vẫn thuốc lá hàng ngày mà không sướng sao? Đấy không phải tự do thì là gì? Thử hỏi anh nếu tôi ở Hà Nội lúc này có được như vầy không?”
“Đơn giản vậy sao?” Ông Trần định nói, “Chả lẽ chúng ta chỉ lo cơm ăn áo mặc qua ngày cho xong kiếp người?” Nhưng ông ngưng lại vì sợ xúc phạm ông Đu. Thật ra nhiều người cũng suy nghĩ như ông Đu thôi. Ông Trần chép miệng và nghĩ trong đầu, “Tội nghiệp, chả lẽ con người lớn lên ở xã hội vô thần chỉ nghĩ đến áo cơm như cứu cánh của đời sống. Và họ đã tưởng lầm rằng tự do chính là cơm áo?”
Ông Trần ngồi nói chuyện khá lâu với ông Đu trong khu Phố Hồng Genève nên quên cả thời gian. Đến khi điện thoại báo có tin nhắn vừa gửi đến, ông cầm điện thoại liếc mắt đọc vội rồi đứng lên từ giã ông Đu.
“Tôi sẽ trở lại khu phố này trước khi về Hoa Kỳ, nếu gặp anh, chúng ta sẽ uống rượụ và tiếp tục nói chuyện đời ly hương.”
Hai người đàn ông vừa quen nhau nhưng lúc chia tay hình như cả hai đều muốn nấn ná ngồi lại lâu thêm.
“Dĩ nhiên, nhưng nếu không gặp lại, chúc anh chuyến du lịch vui.” Ông Đu cười buồn vẫy tay chào.
Chuyện gia đình ông Đu là chuyện khó tin nhưng cực kỳ bi đát dường như chưa hề có chuyện tương tự xảy ra tại thành phố này. Dạo ấy số người Việt còn thưa thớt hơn bây giờ nhiều. Cả thành phố chưa được trăm người Việt, vừa du học vừa tỵ nạn. Ai cũng bận rộn với việc học hành hay việc làm, chẳng ai để ý đến ai, nhất là người tỵ nạn từ miền Bắc thì càng thưa thớt và đơn độc nữa. Gia đình ông Đu sống biệt lập hẳn những người Việt trong thành phố. Việc vợ ông bỏ đi và hai đứa con ông tự tử dường như chỉ có một người Việt duy nhất ở Genève biết rõ, nhưng ông không kể cho ai. Bây giờ ông ta đã qua đời. Ông là một linh mục Công Giáo Việt Nam đã lớn tuổi và phục vụ tại Genève từ năm 1954, năm Việt Nam bị chia đôi. Văn phòng Xã Hội nhờ ông giúp đỡ ông Đu trong lúc ông bị kiệt quệ tinh thần vì vợ vì con. Ông Đu kể cho vị linh mục này nghe về việc vợ ông bỏ đi lúc đứa con lớn 12 tuổi và đứa em mới 10 tuổi. Khi hai con không thấy mẹ về, ông đã nói dối con, mẹ phải đi làm xa lắm vì nhà cần tiền để mua căn nhà cho rộng rãi thoải mái hơn chung cư chật hẹp. Thỉnh thoảng ông phải nói dối con là mẹ gửi thư hỏi thăm hai con và khuyên hai con phải học hành chăm chỉ. Trước khi đi, vợ ông để lại lá thư với 2 ngàn Francs cho ông nuôi con. Đọc thư xong, ông cầm cả thư và tiền vất xuống gầm giường rồi quên bẵng. Trong thư bà bảo chưa hề yêu ông và bà cưới ông chỉ vì những áp lực của gia đình và xã hội. Bà còn bảo cả hai đứa con ra đời cũng ngoài ý muốn, và nếu có sự lựa chọn sớm hơn thì bà đã bỏ đi lâu rồi. Không ngờ con bé lớn khi vừa biết giúp bố dọn dẹp lau chùi nhà, một hôm gần lễ Giáng Sinh, nó dọn nhà để mừng lễ như bạn bè học cùng trường nao nức chờ đợi ngày lễ Giáng Sinh, và đã tìm được lá thư ông vất dưới gầm giường. Nó đòi ông đọc cho nghe. Ông Đu không thể tiếp tục nói dối con mình nên đã thố lộ về việc mẹ nó bỏ nhà đi và sẽ không về nữa. Lá thư là nguyên do hai con ông lấy bình thuốc trừ gián tự tử lúc ông đi làm. Chiều về thấy hai con nằm bất động thì đã quá trễ. Xe cứu thương đưa con ông vào bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp.
Ông Trần chia tay ông Đu và trên đường về trong đầu có cả ngàn câu hỏi. Dù ông Đu bảo đã quen sống cô độc cô đơn, nhưng trên ánh mắt và diện mạo ông ấy hiện rõ những vết hằn của một tâm hồn cô đơn cùng cực. Ông Trần tưởng tượng thân mình nhỏ bé của ông Đu đêm đêm nằm một mình trong căn phòng ở xứ sở dù có nhiều phúc lợi xã hội, nhưng gia đình tan nát, chẳng có người quen, hay bạn bè gần kề, hẳn là cô đơn và buồn lắm.
Hai
ngày sau, ông Trần trở lại khu Phố Hồng cũng vào buổi
sáng. Ông cố tình đi lang thang để tìm gặp ông Đu vì
còn nhiều điều muốn nghe ông ấy kể. Ông Trần ghé
lại quán rượu bên phòng đấm bóp Thái Lan, và hơi khựng
lại khi thấy ông Đu ngồi gục mặt xuống mặt bàn kê
cạnh lề đường, hai tay buông thõng bên ly rượu đã
cạn. Ông tiến lại gần nhìn cho kỹ. Đúng là ông Đu.
Ông ta đang ngủ gục giữa buổi sáng mùa hè rực nắng. Con ruồi đen bậu trên má cũng không làm ông giật mình
tỉnh thức. Có lẽ ông ta đã say mèm. Người phụ nữ Á
Châu ăn mặc hở hang đứng bên cửa quán, nhìn ông Đu
rồi đưa mắt nhìn ông Trần, lắc đầu tỏ vẻ thương
hại. Ông Trần định đến đánh thức ông Đu, nhưng ông
ấy ngủ say quá và hơi thở nồng nặc mùi rượu, nên
đứng phân vân vài giây rồi lẳng lặng cúi đầu bước
đi.