1.
Tháng mười, chưa cười đã tối!
Ông Bảy hàng xóm sang mồi nhờ con cúi, gặp lúc Mười Cứng đương uống rượu một mình. Rượu ngon không có bạn hiền, thì rượu ngon mấy cũng thành dở. Mười Cứng đứng dậy, đon đả mời ông cùng nhâm nhi cho quên cái tuổi già sắp đi cạp đất. Rượu vào lời ra, Mười Cứng nói cũng là để hỏi ông Bảy:
- Tui vừa nứt mắt, đã thấy con lộ nhà thờ chạy đến bến đò, đã thấy tháp chuông nhà thờ họ đạo Xuân Đông bên kia vàm, đứng sừng sững giữa trời xanh, đã thấy rừng dừa Long Bình Điền bạt ngàn ôm Vàm Kỳ Hôn bát ngát. Nhưng, tui chưa thấy ai cắt nghĩa cho sáng con mắt, nghe đã lỗ tai: “Sao gọi là Kỳ Hôn? Ai đến miền sông nước nầy sớm nhứt?”
Ông Bảy nhấm chút rượu, nhón miếng khô lươn chấm nước mắm me.
- Cá Thát Lát là một trong những kẻ đến Kỳ Hôn sớm nhứt. Khỏe thì mần, mệt thì nằm ngửa thả thát lát nghỉ ngơi. Sông có vàm, rạch có ngọn, nước có lón. Vàm mênh mông trong hoàng hôn kỳ diệu. Cá Thát Lát gọi Kỳ Hôn! Dân sở tại gọi Kỳ Hôn không theo nghĩa đó, mà Kỳ Hôn theo thể truyền thuyết Gia Long tẩu quốc. Rằng, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi sát nách, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng chạy xấc bấc sang bang, lội bán sống bán chết qua vàm. Bỗng bầy rái cá từ rừng dừa nước xông ra xóa dấu người và ngựa. Quân Tây Sơn đến vàm, mất phương hướng truy tầm. Nguyễn Ánh trốn thoát và phong rái cá Lăng lại đại tướng quân. Người nghe câu chuyện, trố mắt hỏi nhau kỳ hôn - coi có kỳ hông? Mấy tay lão thủy tri hà không chịu gọi Kỳ Hôn, mà quen gọi Trà Hôn; rồi hùa cắt nghĩa đùi: Trà Hôn là trà trộn hôn lén người mình thương? Dân thương hồ không thích mấy khi gọi Trà Hôn, vì sợ lâu ngày tam sao thất bổn nói trại thành Trả hôn thì oan ơi ông địa. Họ gọi Trà Hôn là Cà Hôn. Gạn hỏi mãi, mấy bà chị bán cà-ròn, hàng xén trên ghe mới bật mí, cà sát nhau mần thinh, khỏi cần rình cũng đặng hôn! Thì ra, Cà Hôn là như vậy! Thảo nào, ai cũng ao ước một lần được vào cái Vàm hấp dẫn nầy, chơi cho biết!
Mười Cứng hồ nghi, nhưng không lý cãi. Cá Thát Lát đúng hay người đúng? Sự đời rối rắm thật! Ông Bảy khề khà nói: Sự đời chưa chắc đã rối rắm. Rối rắm tự con người.
2.
Vàm Kỳ Hôn trời đầy sao, đèn ghe tàu thắp sáng tràn mặt sông. Thát Lát Lưỡi Mèo lẽo đẽo bơi theo mạn xuồng của cô gái bán vàm, giữa đêm trường mịt mờ sương khói. Tiếng rao: Ai ăn chè thưng đậu xanh, bột báng, nước dừa, đường cát, hôn? của cô lãnh lót. Những lời mời gọi, những câu cợt đùa trai gái, đan xen những câu hò tình tứ: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ / Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu / Anh về học lấy chữ nhu / Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ! Thật là mát ruột mát gan mần sao! Mát ruột mát gan một lẽ, nham nhở sỗ sàng dễ té xuống sông. Bởi, hầu hết những cô gái bán vàm đêm, ít nhiều cũng lận lưng vài miếng nghề gia truyền phòng thân. Dù trai tứ chiếng, cũng không dễ thoát gái giang hồ - ý muốn nói: Gái sống bằng nghề sông nước về đêm trên Vàm Kỳ Hôn, Vàm Bảo Định thuộc đất Mỹ Tho.
Nơi vui nhộn sẽ có buồn lo. Được của, chuẩn bị lúc mất. Vàm là chốn mần ăn của các loài Bối: Bối cái, bối đực! Thát Lát Lưỡi Mèo chưa hiểu chuyện đời tí sửu, rô trê. Chị Hai cắt nghĩa: Bối, là tiếng lóng chỉ bọn trộm cắp, cướp giựt trên sông. Bối cái bối đực, chỉ đờn ông đờn bà. Thường bối có băng đảng, giỏi võ nghệ, thạo sông nước, bơi lặn hơn rái cá. Nửa đêm nghe trên ghe í ới, thì biết bối ăn hàng. Ngày nghe trên tàu la làng chói lói, thì biết bối bợ đồ bợ đạc. Chị Hai còn chỉ thêm: Bối nhảy sông một cái đùng! Coi tăm sôi bọt, phán đoán bối đực hay bối cái; bối gái hay bối bà? Thát Lát Lưỡi Mèo nghe hấp dẫn mới lạ, hối thúc chị Hai.
- Tăm sôi trào có quầng bong bóng, kêu ục...ục là bối đờn ông. Tăm sôi ngắt quãng, kêu ộc...ộc là bối đờn bà. Tăm sủi bọt nhẹ đều, kêu vo...vo là bối con gái. Bối nào cũng là bối, người lương thiện đều ngán sợ!
Chị Hai trồi lưng lên mặt nước, ngớp một hơi dài như sẻ chia nỗi cơ cực với các cô gái bán vàm; rồi quay sang Thát Lát Lưỡi Mèo nói như giải thích cho em hiểu:
- Bán vàm là cái nghề bám ghe tàu neo đậu ở vàm chờ con nước, để bán các thức ăn thức uống miền quê cho khách thương hồ. Vàm Kỳ Hôn trở thành chợ nổi nhộn nhịp trên sông thâu đêm suốt sáng!
Năm
đó, chị Hai đi lấy chồng!
3.
Vàm gắn sông, Thát Lát gắn vàm. Và, Vàm Kỳ Hôn là quê cha đất tổ của Thát Lát; đi đâu rồi cũng nhớ về! Tình cờ, Thát Lát Lưỡi Mèo thấy chị Hai lui cui lấy cái ống sinh sản lồi ra ở lỗ huyệt quét qua quét lại trên mõm đá bãi cỏ rong. Hỏi chị mầm gì, cho em phụ với; chị lườm con mắt, nhưng bộ dạng thì có hơi xẻn lẻn: Mầy con nít, tò mò tọc mạch mần chi? Nói xong, chị Hai háo hức lượn lờ đợi anh Hai về ân ái. Như có thần giao cách cảm, anh Hai bỏ cuộc nhậu với bạn bè, bơi riết về bên vợ. Chị Hai quẩy đuôi dợn nước, mình cong theo chiều sóng nhấp nhô; nẩy gai sinh dục lồi ra, phình to điểm hồng tuyệt đẹp về phía chồng. Gai sinh dục anh Hai dài, đầu nhọn ửng đỏ, đón và nhận trọn vẹn trong ngập tràn thương yêu. Anh chị cuộn tròn quíu nhau. Đột nhiên, chị Hai co cái bụng rất điệu đàng theo kiểu: gái Gò Công vừa gồng vừa co và phọt từng đợt trứng trào ra trên mặt nước. Thát Lưỡi Mèo dù còn nhỏ như cái lưỡi con mèo, nhưng cũng chợt nghe lòng rạo rực, trườn ngược sóng trong tâm trạng thèm thuồng: Lạy trời, mình mau lớn!
Bà cá Thát Lát những lúc rảnh rỗi thường nhắc chuyện xưa, Bà kể rằng: Từ thời Cảnh Hưng, ở làng Bình Phan, tổng Hòa Hảo có nhà phú hộ họ Trần (*) đứng ra mở Mễ Quán, người trong vùng và các nơi lân cận hay gọi là Chợ Gạo. Nói chợ thì phải nói đường. Mà đường lưu thông hồi đó, chủ yếu là đường thủy. Ứng với câu người xưa dạy: Nhứt cận giang, nhì cận thị. Vì vậy, năm 1875, dân bắt tay nạo vét Rạch Kỳ Hôn nối sông Tiền, rồi đào tiếp kinh Chợ Gạo dài hơn 28 cây số; thông luồng qua: Qươn Long - An Lục Long - Thanh Phú Long - Đồng Sơn - Thuận Mỹ -Thanh Vĩnh Đông trổ ra rạch Lá, hòa vào sông Vàm Cỏ. Nhờ đó, bà mới có dịp chu du hạ giáng Hòn Ngọc Viễn Đông.
Cả đám ngồi nghe mê mẩn.
- Bà ơi! Hòn Ngọc Viễn Đông có phải Sài Gòn không bà?
Có đứa dựa bập dừa, thắc mắc.
Bà nói: Phải rồi con! Rồi hình như nhớ ra điều gì, bà cười.
- Năm đó, cố của bà - nội tổ tụi bây - cho bà cùng cố hạ giáng Hòn Ngọc Viễn Đông trên tuyến Vàm Kỳ Hôn - kinh Chợ Gạo - Rạch Lá - kinh Nước Mặn - Soài Rạp - bến Hàm Tử, đã cái đời, dẫu thác cũng vui. Có đi với tinh thần cầu học; mới thấu hiểu câu châm ngôn: Đi một đàng, học một sàng khôn. Người Sài Gòn bộc trực, hào sảng, giàu lòng nhân ái. Các loài thủy sản Sài Gòn tháo vát lanh lẹ, mau tiếp thu cái mới, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai; không bỗ bã mà biết nhường nhịn giúp đỡ nhau. Rõ ràng, ánh sáng văn minh đến Sài Gòn từ rất sớm.
Thát Lát sọc lưng, nặng tư tưởng cục bộ, địa phương, cắt lời bà:
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn! Nhiều khi bề ngoài không chê vào đâu được, nhưng bề trong thì thúi tha lầy cốt.
Bà từ tốn nói:
- Đành rằng: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn! Nhưng nước sơn dù có tốt thượng thặng, gặp gỗ xấu thì nước sơn cũng chỉ là phẩm màu lòe loẹt thôi. Đồ hàng mả, chịu sao thấu sức công phá thời gian? Mắt người đời tinh tường lắm! Mắt cá thát lát mình chẳng kém đâu.
Bà chậm rãi nói thêm:
- Thói thường: Khen khó, chê dễ! Cầu thị để tiến bộ và phát triển. Cái gì cũng nhứt thiên hạ, thì thiên hạ sợ và xa lánh.
Thật ra, chuyến hạ giáng Hòn Ngọc Viễn Đông đã để lại trong lòng bà nhiều âu lo hơn phấn khởi. Những nhà máy, hãng xưởng, xe cộ, tàu bè hiện đại...Những công nghệ chế biến thực phẩm tuyệt hảo, khiến bà sợ một ngày mai nào đó - chắc là không xa lắm - Cá Thát Lát trở nên nguồn nguyên liệu của cái công nghệ chế biến thực phẩm tinh xảo đó? Thát Lát bị diệt chủng? Bất giác bà rùng mình!
Trên dường trở về Vàm Kỳ Hôn, bà oải đuôi bơi chậm chạp; Cố phải kè. Lúc qua khỏi Vàm Rạch Lá, gần đến bến đò Chợ Dinh - Đồng Sơn, ông cháu ngưng bơi nghỉ ngơi một chút. Bà hỏi Cố:
- Hồi bà Từ Dũ rời quê Gò Công ra Huế mần dâu triều Nguyễn, có tuyển lựa cá Thát Lát mang theo. Sao Cố không cho cháu đi?
Cố xoa đầu bà, đôi mắt cương nghị:
- Cố không muốn cháu bị nuôi trong cái hồ son ở vùng An Cựu và biến thành món ăn xa xỉ của cung đình, dù đó là vua. Thê, nhiều khi chẳng ra gì, huống hồ thiếp, tì, chỉ là món đồ chơi cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời. Ngay tên gọi Thát Lát do quê hương ban tặng cũng mất đi. Ai biết con Phác Lác là con gì? Phác Lác hay Khoát Lát? Có trời, may ra mới biết.
Tàu
chạy qua, sóng ở lại. Hai ông cháu sặc sụa nước!
4.
Thát Lát sinh sống bầy đàn, không sinh sống riêng lẻ. Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ, cả đàn rời sông kéo nhau lên đồng ruộng, tha hồ ăn chơi và sinh đẻ. Thát Lát Lưỡi Mèo ngày nào, giờ đã là nàng Thát Lát Còm đẹp lộng lẫy. Nói cho đúng ra, Lưỡi Mèo hay Còm là tên do con người dựa vào vóc dáng mà đặt để và phân biệt: Cá thát lát còn nhỏ dại, gọi Lưỡi Mèo. Cá thát lát lớn khôn, gọi Còm.
Thát Lát Còm theo anh chị Hai ngao du sơn thủy.Trước lúc đi, Anh Hai dặn dò cẩn thận:
- Mùa nầy là mùa của bọn câu tử, đừng vì một miềng mồi tép ngon, mà chết bởi lưỡi câu dấu ó có vọng câu nhỏ!
Rồi nước giựt đồng. Kẻ ở, người về chốn cũ. Thát Lát Còm quay lại đám chà nhánh me nước ở Vàm Kỳ Hôn, nơi nàng yêu thích, nơi nàng từng sống bình yên.
Trời không chìu lòng sinh vật! Sự tiến bộ vượt bực của khoa học công nghệ, sự thúc bách phát triển kinh tế vùng Nam Bộ, toàn Nam Kỳ chuyển mình. Vàm Kỳ Hôn lột xác!
Điều
bà lo lắng năm xưa, giờ đã ló dần và hiện thực!
5.
Bất kể ngày đêm, mưa nắng; tàu ghe đan xen nhau như mắc cửi qua Vàm Kỳ Hôn. Ngược lại, đàn cá thát lát ở Vàm Kỳ Hôn ngày một thưa dần theo từng đợt đánh bắt của ngư dân, đem bán cho mấy xưởng chế biến của người Hoa ở Chợ Lớn. Kẻ sa lưới, mạng coi như xong. Đứa sống sót, trốn chui trốn nhủi, không biết lúc nào bị bắt bị giết? Nhiều lần, Thát Lát Còm nghe bà than:
- Dẫu biết, vật đổi thì sao dời! Nhưng, vật đổi cà rịch cà tang, sao dời nhanh chóng mặt!
Không khí chết chóc bao trùm, chẳng ai còn bụng dạ nào nghĩ đến cái vui cái đẹp của mình, của trời đất. Chỉ có con Còm ăn chưa no nghĩ chưa tới, mới cả gan thả ngửa nằm trên lưng sóng ngắm trăng. Mấy lần vướng hụt lưới, nó không tởn. Chị Hai rầy:
- Em đừng coi thường bọn người săn bắt, họ mưu sâu quỷ kế và rất nham hiểm. Mình cẩn thận không thừa!
Còm không nghe lời chị, cũng chẳng giận chị. Còm thương chị Hai, một nách bầy con, thân gồng gánh phụ chồng. Anh Hai vì cuộc sống của vợ con, liều lĩnh đi mần ăn tận Vàm Bảo Định ở bến tàu lục tỉnh. Mỗi lần anh muốn về thăm vợ con, chị Hai nhờ Còm đi dò đường: Khúc sông nào có đăng, khúc sông nào có lưới, khúc nào cạn khúc nào sâu, khúc nào có ông câu chờ đón. Cận kề hiểm nguy, nhưng Còm rất thích công việc gần như giao liên thời ông Trương Định đánh Tây. Riết rồi, đường đi nước bước từ Vàm Kỳ Hôn đến Vàm Bảo Định, nằm trong lòng bàn tay của Còm.
Đôi lần, đợi anh Hai xuống ca cùng về. Còm len lỏi bơi ra bến tàu nhộn nhịp, âm thanh dậy sóc như bầy vịt chạy đồng kêu; nhìn kẻ đón người đưa, kẻ đưa người tiễn, thiệt bùi ngùi. Nhớ đêm rằm Trung Thu, ánh đèn lồng mờ tỏ cùng trăng soi bóng nước lung linh; Còm mê và say đắm trước cảnh hữu tình, xin anh Hai nán lại để Còm chiêm ngưỡng. Anh Hai sợ chị Hai ở nhà chờ nên dụ dự, nhưng rồi cũng chìu em; bởi tội nghiệp nó từng cực khổ với vợ chồng mình. Hai anh em sóng sánh bơi cặp kè, trời trăng sao vằng vặc, nước mênh mông bát ngát khói sương...Còm chợt nghĩ: Người chém giết người, thì người không thể tha chết loài vật! Tự dưng lòng Còm chùng xuống: Ngày mai, loài cá thát lát thiên nhiên có thể tận tuyệt bởi tay người.
Anh Hai vỗ đuôi lên lưng em:
- Khuya rồi, về thôi Còm!
Tàu rú còi xé màn đêm, báo hiệu rời bến. Chợt có tiếng hò ai oán lan theo dòng nước: Tàu súp-lê một, còn thương còn nhớ / Tàu súp-lê hai, còn đợi còn chờ / Tàu súp-lê ba, tàu ra biển Bắc / Anh đi rồi, nước mắt em rơi!
Còm nghe câu hò lòng buồn rười rượi, nói bâng quơ:
-
Rốt ráo, người vui gì đâu, não nùng hơn vật?
6.
Việc chưa đến, đã đến!
25 tháng chạp, con nước kém. Người bao lưới dở chà, bắt cá. Thiệt là, nhứt cử lưỡng tiện: Cá thát lát bán cho xưởng chế biến, các loại cá đen và cá trắng khác rọng để dành ăn Tết.
Vàm Kỳ Hôn về khuya trời trở lạnh. Chị Hai mắt nhắm mắt mở, nằm ru tiếng đực tiếng cái dỗ bầy con bốn tuần tuổi giữa đống chà me. Tuổi cao ít ngủ, bà dựa chảng ba nhánh Gáo, ngồi thao thức thương đám cháu chắt sống ngày nào hay ngày đó trong cơn cuồng sát của người. Bà ngó qua ngó lại, hỏi chị Hai:
- Hai! con Còm đâu, tau không thấy?
Chị Hai trả lời giọng ngái ngủ:
- N...ó...ch...ui...đâu...đ...ó, b...à...ơi!
Bà tặc lưỡi:
- Thời cuộc ngày một căng, mạng sống ngày tùy thuộc từng con nước; con Còm trổ mã, đi đêm đi hôm không sợ lối xóm quở!
Lòng sông đêm tịch mịch, thỉnh thoảng tiếng cá Đối nhảy nước dội về.
Trong sự im ắng ấy, bà có cảm giác đất rung rinh theo nhịp nước chảy gãy khúc. Tiếng động hì hục, bì bõm bốn phía bao kín đống chà. Bằng kinh nghiệm sống và linh tính mách bảo bà: Điều chẳng lành sắp xảy ra!
Bà đánh động toàn thể bà con trú ngụ ở đống chà thức dậy và kêu giựt ngược chị Hai:
- Có chuyện rồi! Có chuyện rồi! Bơi nhanh, trốn mau!
Đã quá trễ! Con người đã tạo xong thế trận thiên la địa võng trước lúc trời rạng đông.
7.
Còm tung tăng trên đường về, sau một đêm bù khú sinh nhựt bạn Lìm Kim ngoài sông Cửa Tiểu. Nàng say khướt và ngất ngây nuốt từng lời mật ngọt chúc tụng sắc đẹp mình của bạn bè. Nàng là cây đinh đêm dạ hội tưng bừng đó.
Mãi chìm đắm dòng suy nghĩ đầy hoa mộng, Còm bơi đến Vàm Kỳ Hôn lúc nào không hay. Mặt trời nóng lưng. Nước sát cận đáy sông. Chuyền từng cần xé cá lên ghe, tiếng người hí hố hả hê vang trời. Còm tựa đám mái gầm chết điếng. Nước lớn dần căng mặt sông rộng ra, bà bị dẫn giải lên chuyến ghe cuối cùng. Chợt nhìn thấy Còm, máu mắt bà chảy ra. Cố sức bình sinh, bà ngoi lên thành cần xé, hét lớn:
- Hãy giữ giống nòi!
Một cú đập trời giáng bằng búa, đầu bà bẹp dúm, con ngươi lòi ra rớt xuống sông, mắt nhấp nhái như cố níu sự sống.
Còm quên sợ hãi, tung mình theo phản xạ khỏi mặt nước, trườn sấn tới: Bà ơi!
Từ
trên ghe, mũi chĩa loáng ánh nắng trưa cắm xượt qua lưng
Còm; nàng vặn mình với sức gái 17 bẽ gãy
sừng trâu! Mũi chĩa cong, Còm thoát!
8.
Anh Hai bật khóc, khi nghe Còm báo hung tin.
- Không thể chần chờ, anh phải về ngay coi các con đứa nào còn, đứa nào mất.
Anh Hai nói cương quyết với Còm.
Còm lưỡng lự không vì vết thương còn rỉ máu, mà vì tình hình ở nhà chưa yên. Vả lại, trên tuyến đường về đêm nay đầy nguy hiểm: Kẻ đăng, người đó; lưới giăng chật sông. Còm muốn anh Hai nán lại Vàm Bảo Định, đợi ban ngày ban mặt hẳn tính. Anh Hai thương vợ thương con, nóng ruột:
- Chết cũng về!
Hai anh em bơi cùng dòng nước, hai tâm trạng khác nhau.
Vừa qua khỏi cua bến Tắm Ngựa, Còm níu đuôi anh Hai dừng lại, nhắc nhở phải hết sức cẩn thận đoạn đường tử thần. Thạo đường, Còm giành bơi trước.
Đêm cuối năm, trời tối đen như mực. Gió chướng từ biển Gò Công thổi thốc về lạnh đáy sông, ấm mặt nước. Hai anh em bơi lửng mặt sông cho đỡ lạnh. Còm nhớ cảnh bà bị đập đầu, con ngươi rớt xuống sông, nhớ nỗi lo giống nòi tuyệt chủng của bà. Thương chị Hai giờ chẳng biết ra sao? Thương bầy cháu tan đàn xẻ nghé! Thương anh Hai, những ngày sắp tới gà trống nuôi con. Rồi nghĩ phận mình, cái đẹp ích gì cho việc bảo tồn giống nòi? Tuổi mình là tuổi lẽ ra sinh con đẻ cái, chưa mần được điều đó, cũng có nghĩa mình phụ bạc tấm lòng bà.
Chuông nhà thờ đổ, áng chừng mấy sải bơi nữa thì đến Long Bình Điền. Đèn câu giăng giăng mặt sông, những cái phao dừa điếc chồng chành theo sóng, cảnh báo những tay lưới thả ngầm trong lòng nước. Còm bơi chậm, chờ anh Hai.
Anh Hai hỏi khẽ:
- Vết thương lưng bớt nhức chưa em?
Còm nghe lòng âm ấm, cảm giác khó tả, khó phân biệt.
- Anh Hai bám theo em, đừng rời em. Sơ sẩy, vướng lưới dính câu.
Còm nói thì nói vậy, anh Hai nghiêm túc giữ cự ly bơi với Còm.
Sóng tàu đập vào bờ giựt ra xa, tay lưới bén trôi theo chiều sóng, cuốn anh Hai lọt vào lỗ lưới.
- Chết rồi, Còm ơi!
Tiếng kêu thất thanh nhói buốt Còm.
Lẹ hơn tép, Còm lấy răng cắn sợi lưới, mắc lưới cứa miệng Còm đầy máu. Càng vùng vẫy, lỗ lưới bén càng xiết chặt thân anh Hai. Biết không thể thoát, anh Hai rưng rưng nước mắt:
- Còm ơi, anh chị Hai cậy nhờ em dưỡng nuôi các cháu!
Chạm đáy đau thương, Còm mơ hồ nghe lời bà dặn thản thốt: Hãy nhớ giữ giống nòi!. Không còn đủ thời giờ, không cho phép toan tính thiệt hơn. Còm quyết định vượt qua cái rào cản đạo lý thường tình, để đoạt lấy bảo tồn giống nòi!
- Anh Hai, dưỡng nuôi các cháu đương nhiên là phận của em. Bảo tồn giống nòi mới chính là mệnh lệnh thiêng liêng của dòng tộc; anh hay em và kể cả ai đi nữa, cũng phải thực hiện.
Còm nhanh chóng mần động tác: Áp sát phần dưới bụng mình vào phần dưới bụng anh Hai. Nói bằng hơi thở gấp gáp:
- Em đương vào thời trứng rụng, lấy em lẹ lên anh Hai, kẻo không còn kịp nữa. Lẹ lên, anh Hai!
Còm chờ đợi và hối thúc.
Đầu kẹt lỗ lưới, anh Hai lắc mình và lách bụng sang bên, tránh cọ sát bụng Còm.
- Mình chẳng phải thú, chỉ là vật thôi em!
Buông anh Hai, Còm đâm đầu bơi lẹ hơn cá nượt đua ghe, bất kể phương hướng. Anh Hai kinh hoảng, la vói theo:
- Coi chừng nguy hiểm, Còm!
Chưa
dứt tiếng, Còm lọt thõm vào dải đăng cặp mé sông.
Đâu đó, con cá ét mắc câu kêu từng tiếng kêu buồn rã
ruột!
9.
Người chủ đăng bán Còm vào trại nuôi cá thát lát nhân tạo ở Bình Đức. Còm biến thành cái máy đẻ trứng!
Cuộc sống Còm đi vào qui trình: Sáng thức ăn tươi sống, trưa chiều thức ăn chế biến vò viên; bịnh hoạn có thuốc men chữa trị...một thiên đường! Với điều kiện: Không biết yêu đương, không cần ân ái... đẻ trứng nở con theo ý chủ nhân. Còm không cần thứ thiên đường đó, nàng cần cái bản năng vốn có của loài thát lát tự nhiên.
Rồi như thói quen từ bản năng không thể cưỡng, Còm chờ đợi chủ nhân ra tay chích liều kích dục tố đầu tiên vào vi ngực hoặc góc vi lưng. Nàng rùng mình, cảm giác mơ hồ ngây dại và lâng lâng khắp cơ thể ngày lẫn đêm. Chủ nhân thành thạo khác nào con ong đã biết đường đi lối về, phóng tiếp liều kích dục quyết định lên đỉnh điểm, Còm run tê tê: Trứng rụng!