Theo tin từ gia đình, nhà văn Võ Phiến đã qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi.
Qua điện đàm, bà Võ Phiến cho tòa soạn Người Việt biết thời gian gần đây nhà văn Võ Phiến yếu dần theo tuổi già, đã qua vài lần vào bệnh viện, và cách đây mấy ngày đã được đưa về một Rehab Center để tĩnh dưỡng.
Nhà văn Võ Phiến
Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.
Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà...; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v... Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.
Gia đình cho biết thi hài nhà văn Võ Phiến sẽ được quàn tại Peek Family, chương trình tang lễ sẽ được thông báo sau. (P.X.Đ)
Xin thành tâm chia buồn cùng gia đình chú Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn)
Tôi chưa một lần gặp, nhưng hình ảnh chú có trong tôi là qua những dòng tâm sự trong một bức thư gửi cho ba tôi:
...BĐ trong thơ Yến Lan ko là đất anh hùng Quang Trung, đất huyền bí của Chiêm Thành... Ko có gì lớn lao hãi hùng như thế trong thơ Yến Lan. Tuy nhiên, người cùng quê đọc thơ ông thường nhớ quê thắm thiết nhật. Một hôm nhớ làng, Yến Lan vẻ cảnh làng:
Ở đây nắng mới võ vàng
Dừa cao lểnh khểnh, cành xoang ngòng ngoèo
Con đàng thì ngút cheo leo
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình...
Làng của thi sĩ ở giữa một vùng thành quách, xưa kia hẳn là huy hoàng, dinh thự chen chúc phố xá. Nhưng thành quách đã phế hủy, sinh hoạt đã tàn tạ. Cho nên rốt cuộc hình ảnh do thi sĩ đưa ra sao mà giống cảnh quê tôi ở một làng sơn cước , sao mà vắng vẻ, lịch liêu, sao mà quạnh hiu, ngui ngút... Và đó cũng là hình ảnh nổi bật nhất ở Bình Định quê nhà trong trí tôi, mỗi khi ngùi ngùi hồi tưởng lại nhưng ngày bé dại.
Nhưng lúc này vào chương tuần tháng sáu, thì hai câu thơ sau đây của Yến Lan mới thật là xúc động.
Chiều nay mở cửa ra trông
Thấy làng đâu, chỉ thấy lòng mà thôi.