(Tiếp theo và hết).
Bài thơ thứ nhất, mở vào thi phẩm này, tựa đề “Cáo Trạng số 10/04” sáng tác đầu năm 2005, Tác giả viết:
Đó là “Bản cáo trạng...” theo cách nói của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu. Hay đấy chính là một thứ “Lý lịch (tình yêu) trích ngang” của Nguyễn?
Trường hợp nào thì bài thơ “Lý lịch (tình yêu” trích ngang” của Trịnh Cung viết về mối tình với người con gái kém ông 43 tuổi, cũng là một trong những đổi mới thi ca dữ dội của tác giả “Cuối cùng cho một tình yêu”.
Cái mới của Nguyễn ở bài thơ mở vào thi phẩm “Nội tình cái hẻm” là tính xum xuê hiện thực (qua những cụm từ như “rừng người khẩu trang”, “chực cận chiến khi đèn ngã tư bật xanh”, “Hằng hà quán nhậu bia ôm” hoặc, “trốn chạy lương tâm bằng trò thịt rượu”, “Ngập ngụa mỹ phẩm, mỹ nhân”... sánh vai cùng những siêu thực, hư-vô-ngỏ như “em cất dấu hớ hênh niềm hoan lạc”, “chảy loang ướt lộ khoảng tối thiên đường” hay, “đôi hài ánh sáng”, “món nợ tội tình tiền kiếp”...
Với tôi, đó là một cõi-giới thi khác, của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu.
Đó là những thổ ngơi thi ca, nỗ lực loại bỏ thời gian khỏi những hữu hạn mông muội, để xuôi về chân trời ấn-chứng-xanh, dưới dạng những câu hỏi (ẩn sẵn câu trả lời), như:
(Trích “Chúc thư con bửa củi”)
Hoặc xác quyết định mệnh tận tụy, bất hoán chuyển:
“...Chỉ còn hai ly nước của chúng ta im tiếng thủy tinh
Vì môi em và môi anh
Không cần đường, chanh, sữa, trà và nước đá
Vì tay em và tay anh
Đang lần theo những đường chỉ cất giấu bí mật số phận ngày mai...”
(Trích “Trong quán trưa”)
Hoặc:
“...Thật ra em đã nhận lãnh phần lãi từ lòng hào phóng mê muội
Không có thói quen đếm lại túi mình
Và thường đánh rơi tương lai
Em tự nguyện làm con tin không cần giải cứu...”
(Trích “Mỗi nhịp anh & những tin nhắn từ eL.”
Với những trích đoạn thơ trên, tôi trộm nghĩ, bạn đọc đã nhận ra: Vẫn là những kỹ thuật căn bản của thi ca, như liên tưởng, nhân cách hóa, ẩn dụ... Nhưng tất cả những kỹ thuật vừa kể, đã được Trịnh Cung cho chúng thịt da, cùng hơi thở, nhịp đập mới.
Ở đâu ra những thịt, da, hơi thở, nhịp đập mới của thơ Trịnh Cung hôm nay? Nếu không phải từ tình yêu eL - - tình yêu đầu tiên và cuối cùng – “Tình yêu cứu rỗi”, như họ Nguyễn đã hơn một lần xác nhận.
Nói về “Tình yêu cứu rỗi” đời mình, ở tuổi 67, họ Nguyễn kể, đại ý:
- Năm 2004, định mệnh gõ cửa, cho tình yêu tinh ròng chảy lênh láng đời ông. Nó khởi đầu từ việc eL nhờ nhà văn Nguyễn Viện, giới thiệu với ông, để học hỏi nghệ thuật phỏng vấn, khi eL mới nhận vai trò phóng viên cho tờ Sinh Viên, Sài Gòn. Ông không kể diễn tiến buổi học đầu tiên của người học trò, ở tuổi 24, đã tốt nghiệp đại học ra sao? Thế nào? Mà, chỉ nói, trước khi chia tay, cô học trò ngỏ ý xin “ông thầy” số điện thoại. “Ông thầy” trao ngay mà, không hề hỏi xin ngược lại, số điện thoại của cô.
- Bất đồ, sáng hôm sau, cô học trò “ngoại lệ” điện thoại cho Nguyễn, nói, cô cần một bờ vai để... khóc.” Ông thầy” nói, bờ vai ông hôm nay đã là một bờ vai già cỗi tháng năm dập vùi bi kịch. Liệu có đáp ứng được nhu cầu của cô?
Ông nói, lúc đó, ông chỉ không kể rằng, ông đã có 11 năm gửi bờ vai dòn, ải của mình cho lãng quên, từ ngày người bạn đời đầu tiên của ông, qua đời vì ung thư. Và, cô học trò duy nhất một tối kia, đã bật khóc...
Tôi nghĩ, chính những giọt lệ của eL, không chỉ hồi sinh bờ vai dòn ải, có 11 năm bị nhận chìm, mất tăm trong cay đắng lãng quên mà, những giọt lệ kia, đã phục sinh trái tim mẫn cảm, tài hoa Nguyễn.
Tôi nghĩ, chính những giọt lệ định mệnh ấy, sau đó, đã giúp eL thú nhận, cô bắt đầu làm thơ kể từ khi đọc, nghe ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” lúc cô còn rất nhỏ.
Tôi nghĩ, những giọt lệ một khuya nọ, chính là nụ cười (theo nghĩa tinh khôi) của định mệnh chăm chút, cuối cùng đã dành riêng cho Nguyễn. Như một đền bù hay, “thưởng công bội hậu” của thượng đế, gửi cho con sói đơn, độc sau 64 năm hú trăng giữa nổi, chìm, sấp, ngửa trần gian này.
.
Người học trò ngoại lệ của Nguyễn, 2004, chính là người bạn đời hôm nay của Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu, vậy.
(Garden Grove, Oct. 2015)