TRẦN YÊN HÒA - Diễm xưa

08 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 6119)
TRẦN YÊN HÒA - Diễm xưa

Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói:

- Mày ở nước ngoài về mày có muốn ăn chơi, mày hỏi thằng anh mày đây nầy. Sang trọng, kín đáo, thì dùng đường dây sex tour ở các khách sạn từ ba đến bốn, năm sao. Ở đó an toàn nhưng rất hao địa. Xuống cấp thấp hơn một chút, mầy có thể đi ngủ khách sạn, rồi kêu em tới. Còn mầy sợ sida thì mầy đi phố Diễm Xưa. Ở đây có con phố mang tên giang hồ là phố Diễm Xưa, chứa toàn là những em nhỏ tuổi, xinh đẹp, thổi kèn hết ý.

Thằng Hạn chen vào:

- Thằng Tường là thổ địa ở đây. Nó là kỹ sư cầu đường nên nó rành đường đi nước bước của thành phố nầy lắm. Mày tin nó đi Niệm. Nó dẫn dắt mầy đi chơi thì hết sẫy đó.

Niệm không phát biểu, anh ngồi im lặng uống bia. Bia Heineken ở đây rẻ, uống được. Không đậm lắm nhưng không nhạt như Tiger hay Sài Gòn. Về thăm quê sau 5 năm ở Mỹ, anh kêu mấy thằng bạn ngày trước cùng học chung một trường trung học, đi nhậu chơi. Niệm thích uống bia, ngồi tán gẫu với bạn bè, nhưng ở Mỹ anh không thỏa mản được điều đó. Anh sợ lái xe mà có mùi bia mà cảnh sát stop lại là tàn đời trai, nên anh chỉ uống bia ở nhà, mà uống ở nhà, ngồi nhìn khoảng trắng bốn bức tường thì chán chết. Ngồi uống bia có người rót, có người đưa khăn lau mặt và nhìn thiên hạ qua lại, anh vẫn thích hơn.

Thằng Tường và thằng Hạn đều tốt nghiệp kỹ sư ở Phú Thọ ra, nhưng bây giờ thằng nào cũng xuống cấp thấy rõ. Thằng Tường ngày xưa là thằng học giỏi nhất lớp, thi đậu hạng ưu, hạng bình, Tú Tài 1 và Tú Tài 2, học MGP rồi thi đậu vào trường Kỹ Thuật Phú Thọ. Ra trường được mấy năm thì Sài Gòn thất thủ, nó đi vượt biên mấy lần bị bắt ở tù. Nó chán không vượt biên nữa. Nay trên năm mươi tuổi, nó an phận thủ thường ở lại. Nó ăn chơi nhậu nhẹt từ lúc nào không ai hay.

Niệm muốn mời hai bạn đi uống bia để ôn lại một vài hình ảnh cũ hồi còn trung học. Hình như những hình ảnh đó cứ bám chặt vào anh khi anh ở nước ngoài. Anh muốn biết tin những thằng bạn đã thất tán từ ngày đứt phìm. Nhưng Niệm thất vọng. Hạn và Tường hình như rành các quán xá, như làng nướng Nam Bộ, quán rắn Tri Kỷ, quán vịt Thanh Đa hay các quán bia ôm, các khách sạn có em út, hơn là địa chỉ của những thằng bạn cùng lớp, cùng trường hồi còn trung học.

Câu nói của thằng Tường đã đánh động tâm hồn Niệm. Không phải vì anh muốn đến một nơi ăn chơi mà thằng Tường vừa kể, mà anh nghe đến tiếng ''phố Diễm Xưa''. Anh nghĩ đến một con phố đẹp, lịch sự, tao nhã. Ở đó sẽ có những cô gái tóc dài, mặc áo dài đủ màu sắc thật dễ thương, sẽ hát những tình khúc mà anh yêu thích, nhất là bản nhạc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn, mà đã có một thời mê hoặc anh bằng mớ ngôn ngữ tuyệt vời đó. Và một người con gái hát bản nhạc đầu tiên ấy trong tâm hồn Niệm.

***

Đó là những ngày sau Tết Mậu Thân. Thị xã nơi Niệm dạy học đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng của chiến tranh. Đêm tối mịt mùng của những ngày Tết với tiếng đạn AK xé trời. Tiếng hô xung phong của địch khi tiến vào Toà Hành Chánh tỉnh, vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Tiếng đạn phòng thủ bắn trả lại mãnh liệt. Địch không làm chủ được tình hình và sau đó đã phải rút về hướng bờ sông, khu có những hàng phi lao rậm rạp, mong che chắn tầm truy kích của không quân. Trực thăng gunship của quân đội cộng hòa đã bay lên và tiêu diệt. Lần thứ nhất trong đời Niệm nhìn thấy xác chết của địch nằm la liệt.

Đó là cuộc Tổng Công Kích của địch trên toàn quốc. Giới nghiêm trăm phần trăm. Sau đó một thời gian, trường anh dạy mở cửa lại, và công tác đầu tiên của trường là tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ để lấy ngân quỹ cứu trợ nạn nhân chiến cuộc trong trận Mậu Thân vừa qua. Niệm là giáo sư trưởng ban văn nghệ toàn trường, trường anh sẽ đóng góp một số tiết mục trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, cùng chung với các trường trung học khác trong quận. Và hôm đó anh đã gặp Diễm Xưa.

Cô giáo viên tiểu học có mái tóc dài xoả dài trên vai và lưng. Trông nàng giống như một nữ sinh hơn là một cô giáo. Khi Niệm dẫn các học sinh tham gia văn nghệ vào hậu trường để chuẩn bị trình diễn thì anh thấy nàng. Cái nhìn đầu tiên cho anh cái cảm giác rờn rợn. Nàng mong manh quá. Chiếc áo màu vàng nàng mặc quá nhẹ. Anh nghĩ nếu có một cơn gió nào đó thổi, sẽ hất tung nàng lên. Đôi mắt lớn, đẹp và buồn. Sao cô gái nào có đôi mắt lớn, anh đều có cảm tưởng rằng nàng buồn lắm. Mái tóc buồn theo đôi mắt, mới gặp lần đầu nàng đã làm anh choáng váng. Anh tự trấn tỉnh mình, hãy bình tỉnh lại đi Niệm.

Đầu tiên của đêm văn nghệ là vũ khúc Tiếng Hát Mường Luông do các học sinh trường trung học Lý Tín biểu diễn. Cô Kim Yên hát rất hay lời bản nhạc trên để làm nền, đệm theo điệu vũ. Hình ảnh những cô sơn nữ bận xà rông, những chàng sơn nam mang gùi làm những động tác của dân sơn cước, làm hội trường rộn ràng hẳn lên. Tiếng hát ''Đây Mường Luông, dốc cao thác ghềnh cheo leo, bóng ai lưng chừng lưng đèo...'' vang vang trong hội trường làm không khí buổi văn nghệ thật sôi động. Tiếng vỗ tay cổ vũ rào rào. Đến khi chương trình của trường Niệm lên trình diễn, nữ sinh Xuân Thu lên hát bản Cánh Hoa Thời Loạn cũng rất tới. Tiếng vỗ tay rồn rập cả hội trường.

*

Nhưng đến khi xướng ngôn viên giới thiệu cô giáo Diễm Xưa sẽ lên trình bày nhạc phẩm Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn, lúc nầy hội trường mới như vỡ ra, tiếng vỗ tay ào ào đồng loạt rồi im phắc. Chỉ còn lại tiếng nhạc đệm. Tiếng trống, tiếng trompette rít lên nho nhỏ. Diễm Xưa bước ra sân khấu với áo dài vàng. Tóc dài phủ cả một vạt lưng. Đèn trong hội trường tắt bớt tạo nên một không khí mờ ảo.

Niệm đứng phía dưới nhìn lên sân khấu, ngó nàng đăm đăm. Anh muốn ghi hình ảnh có một không hai nầy. Tâm hồn anh chao động vô cùng. Nàng cúi đầu chào khán giả rồi bắt đầu cất tiếng ca: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Tiếng hát cất lên như từ một không gian nào đó, lắng đọng, tràn ngập, òa vỡ. Như từ một cõi huyền hoặc nào đó, tuôn tràn vào từng li ti những huyết quản làm mọi người rung động bàng hoàng. Chiều nay còn mưa, sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi làm sao có nhau hằn lên nổi đau, bước chân em đi về mau. Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động... Tiếng hát vang vang êm nhẹ len vào trái tim anh, thành hình những giấc mơ, những mộng tưởng huyền hoặc.

Khi nàng ngưng hát. Phải một chặp lâu, khoảng ba mươi giây đến một phút cũng nên, im lặng. Rồi sau đó là một tràn pháo tay dồn dập, dài, không ngớt. Diễm Xưa cúi đầu chào khán giả và đi vào phía trong cánh gà sân khấu.

Diễm Xưa là tên nàng hay nàng muốn làm cho người ta chú ý mà nàng tự đặt cho mình tên Diễm Xưa, cùng tên ca khúc. Anh bàng hoàng trong những ý nghĩ bâng khuâng đó.

Những ngày tiếp theo, Niệm đã trầy lên, trật xuống với những mộng tưởng yêu người tuyệt vọng. Anh đã mua bao nhiêu bản nhạc của Trịnh Công Sơn, của Từ Công Phụng, của Vũ Thành An để biếu nàng. Và anh còn làm thơ nữa. Làm thơ với cả tâm tình anh, cả tấm lòng anh. Nhưng Niệm không chen chân vào được trái tim nàng. Đến một hôm, anh đang ngồi uống cà phê ở quán Đợi. Anh thấy nàng ngồi trên chiếc xe jeep với một chàng sĩ quan trên vai gắn hai hoa mai đen. Anh ngó lơ không nhìn nàng nữa, không gặp nàng nữa, nhưng vẫn quên không được hình ảnh của nàng.

Thằng Tường kêu thêm hai món nhậu. Tôm nướng và cua rang me. Hai món nhậu nầy bắt lắm. Niệm kêu thêm mấy chai Heineken. Khi cô tiếp viên bận cái robe màu xanh da trời thật ngắn, để lộ cặp đùi trắng nỏn, trông ngon lành, đến rót bia vào ly cho Niệm, cô gái đứng thật gần anh, cặp đùi cô cạ sát vào đùi anh. Niệm nghe nhột nhạt và nóng người lên hôi hổi. Anh đưa ly bia lên nói:

- Này Hạn, Tường, ba đứa mình uống hết mấy chai bia nầy, rồi mày chở tau đến phố Diễm Xưa. Tau bao trọn gói.

Tường cũng nâng ly bia lên, giọng lè nhè:

- Việt kiều số một, number one.

Một tiếng đồng hồ sau, Niệm ngồi phía sau yên xe cho thằng Tường chở đi tìm phố Diễm Xưa. Con đường chạy dài từ lăng cha Cả, xuống Lê Văn Sĩ, quẹo trái đường Điện Biên Phủ một chiều, 2 chiếc xe Honda Dream của Hạn và Tường có lúc lạng qua lạng lại. Ngồi phía sau, ôm lấy bụng thằng Tường, Niệm thấy như mình đang đi giữa những cơn sóng lượn. Xe chạy ngập đường, đường phố đủ màu sắc. Niệm ôm quanh bụng Tường như ôm một cành cây khô, khẳng khiu, đã cạn đi nhựa sống. Cuộc sống của Tường, một người trí thức, học giỏi nhất lớp, nhất trường ngày trước, bây giờ do đâu mà Tường lại ăn chơi bạt mạng thế nầy. Nghe nói, Tường đi nhậu riết, vắng nhà riết, cuối cùng vợ con cũng đâm chán đi. Tường đi về lúc nào cũng mặc.

Xe qua cầu Điện Biên Phủ, một khoảng đường rộng như xa lộ hiện ra trước mắt. Đây là khúc đường của xa lộ Sài Gòn Biên Hòa ngày trước, con đường được chia làm hai, ở giữa có con lươn sơn đỏ. Một luồng gió mát thổi từ bờ sông Thị Nghè tràn vào cơ thể Niệm, làm anh nghe như tỉnh rượu hẳn ra. Tường chạy xe chậm lại, quay mặt lại sau nói với Niệm qua tiếng gió rít:

- Đây là đường Điện Biên Phủ, đọan nầy có tên là phố Diễm Xưa. Bắt đầu từ đây có quán hớt tóc thanh nữ số một, lấy tên là Diễm Xưa, nên người ta gọi phố nầy là phố Diễm xưa cho tiện việc sổ sách. Tụi mình vào tiệm nầy nhé, mày cứ tự nhiên như người Hà Nội, hớt tóc chỉ là cái cớ. Mày cứ vào đây thư giản, có em út đấm bóp cho mày, lau mặt cho mầy, hát cho mầy nghe, và màn cuối cùng là chơi nhạc...

Niệm hơi khựng người, anh hỏi lại:

- Sao có nhạc vào đây, chắc chiếu video ca nhạc hả?

Tường quát vào tai Niệm:

- Cái thằng Việt kiều nhà quê. Đến bây giờ mà mầy không biết chơi nhạc là gì, thôi để vào trong sẽ biết.

Hạn và Tường dừng xe lại trước của một quán có tên rất tình: Hớt Tóc Thanh Nữ Máy Lạnh, Diễm Xưa. Chữ được kẻ sắc nét, văn hoa và bay bướm. Cả ba xuống xe thì có 2 cậu thiếu niên từ trong tiệm chạy ra đón lấy xe dắt vào tiệm liền.

Tường đi gần lại phía Niệm, nó nói nhỏ vào tai anh:

- Tau đến đây thường thôi, để tau nói cho mầy biết trước, một suất là một tiếng đồng hồ giá là sáu chục ngàn. Vào trong tiệm sẽ có cả một tá em đợi mầy, mầy muốn em nào thì gọi em đó. Nên nhớ xong cuộc, mầy ''bo" ít thôi, năm chục ngàn là vừa, đó là cái giá chung chung, có người kẹo chỉ bo có hai chục ngàn. Mày đừng làm ra vẻ Việt kiều, nhưng cũng đừng kẹo quá. Thế nào mầy cũng vừa lòng. Mày chi trước cho tau và thằng Hạn đi, để tau bo cho ghẹ.

Niệm móc tiền đưa cho hai đứa bạn. Xong, cả ba bước vào tiệm.

Khoảng năm sáu đứa con gái, đứa nào cũng thật dễ thương, tròn lẳn, mặt hoa da phấn chạy ra đón khách. Thấy Tường, một đứa con gái la to:

- Anh Tường, hôm nay có gọi em không?

Tường nói lớn, ra vẻ quen biết lắm:

- Hôm nay anh dẫn khách mới đến cho các em đây, anh bạn của anh, các em nhớ săn sóc bạn anh tốt nhé.

Tường và Hạn đã chọn hai cô gái và đi vào phòng trong. Còn Niệm đứng lớ ngớ chưa biết chọn ai. Thật ra anh quá lạ với cuộc chơi nầy. Có thể, đời sống ở đất Mỹ là một đời sống bình an quá. Nó không ồn ào và muôn mặt như ở đây. Có đôi lần, anh vào xem showgirls cho biết, nhưng tất cả đâu ra đó, anh ngồi ở dưới nhìn lên, những đứa con gái đủ mọi dân tộc trên sân khấu nhún nhẩy và từ từ cởi bỏ áo quần. Anh chỉ nhìn và chỉ được nhìn thôi. Không được sàm sở, sờ mó bậy bạ. Đó là quy luật. Còn ở đây, thật là một cảnh như chợ trời.

Một cô gái còn rất nhỏ, đến nói với Niệm:

- Lần nầy đến tour em tiếp anh, anh vào trong với em đi.

Nhìn lướt qua cô gái, cô gái còn bé quá, anh đoán chỉ khoảng mười bảy, mười tám tuổi là cùng. Anh noí:

- Thôi được, tôi chọn cô.

Khi Niệm theo cô gái bước vào phòng thì cánh cửa kính cũng tự động khép lại. Bên trong một dãy ghế dựa được kê ở thế nằm. Căn phòng rộng kê khoảng mười ghế, đàng xa kia có một người khách đang nằm trên ghế, một cô gái ngồi kế bên đang xoa bóp cho anh ta, người khách choàng tay qua lưng cô gái xoa xoa sờ mó. Niệm cũng nằm trên ghế, anh thấy thoải mái vì máy lạnh được chạy đều. Từ bên ngoài không khí nóng hừng hực, vào đây như thấy khoẻ hẳn ra. Cô gái cầm cái khăn lạnh đến bên người anh, cô đắp chiếc khăn trên trán anh và lấy hai tay chắp lại đánh đều đều trên trán. Tiếng chách chách nghe thật vui tai. Xong cô tựa sát vào người anh, nàng nói:

- Anh thấy đở mệt chưa, em lau mặt anh nhé, xong em sẽ mát xa cho anh.

Cô gái làm việc rất chí tình. Cô tự động kích thích anh. Niệm để mặc cho cô gái làm gì thì làm. Đến khoảng hai mươi phút sau, cô gái chỉ một căn phòng nhỏ kế bên:

- Anh vào trong với em nghe.

Niệm nghe rạo rực trong người và ngồi dậy bước theo cô gái.

Đây là một cái giường chiếc, dùng cho khách sau khi hớt tóc xong sẽ vào đây gội đâu. Đó là một cách ngụy trang, không có hớt tóc thì làm gì có chuyện gội đầu. Niệm ngẩn ngơ không biết màn hai sẽ là màn gì sắp diễn ra, nhưng anh cũng nằm xuống. Anh nghĩ, cũng là một dịp để biết thêm những mới lạ, mình đàn ông đâu có gì phải sợ hãi. Cô gái đến gần anh, cô kéo cái robe để lộ bộ ngực trần thon tròn cạ trên mặt Niệm. Rồi cô xoay người, cúi xuống phía dưới. Một chốc, Niệm nấc lên.

Một giờ sau, sau khi anh đã xong xuôi mọi chuyện, anh bo tiền cho cô gái và hôn nhẹ lên đôi mắt đẹp của cô ta, cô ôm anh, nũng nịu nói:

- Anh hiền và ít nói quá, lần sau có ghé đây chơi, anh nhớ kêu em nghe, em là Mộng Hiền.

Niệm gật đầu. Anh bước ra khỏi phòng, tiến đến quày trả tiền giờ. Người đàn bà đứng thâu tiền chợt ngước mắt lên. Niệm nhìn sững, A, cô giáo Diễm Xưa, người mà cách đây trên ba mươi năm anh đã từng say đắm. Đôi mắt kia anh không nhầm lẫn vào đâu được. Niệm trả tiền và nhìn trân vào khuôn mặt nàng một lần nữa. Người đàn bà vẫn vô tình, nở một nụ cười thật đẹp, nàng hỏi nhỏ:

- Mấy em có làm vừa lòng anh không?

Niệm gật đầu rồi leo lên xe thằng Tường đã rồ máy sẳn./.

Trần Yên Hòa

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 162)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 312)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 321)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 532)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 514)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 375)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 799)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 660)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 781)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 697)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17026)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12246)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18970)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8316)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 599)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 969)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1151)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19170)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7884)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8804)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8494)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11049)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20811)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25499)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22902)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21720)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19775)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18047)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19244)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16108)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31941)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,