Tôi cùng với Lê Đình Bích và Nguyễn Lương Vỵ đang lai rai, thơ thẩn thì một cú điện thoại reo lên. Bây giờ đã gần 11 giờ đêm.
Anh Vỵ nhấc điện thoại.
Men đời cộng với men bia và cuộc điện đàm như một trò chơi sảng khoái thấm đẫm chất giang hồ, phóng đãng và duyên dáng.
Bỏ lại hai anh em tôi, Nguyễn Lương Vỵ lên xe và mất hút vào màn đêm Sài Gòn trong những ngày đông se lạnh.
Thời gian vắng lặng như chờ đợi một điều gì hiếm hoi.
-
Đại ca Lương Vỵ đâu rồi?
-
Ổng đi cứu người.
-
Được, được.
Tôi ra mở cửa và nói thầm: “Chắc là Bùi Giáng”.
-
Chú Bùi Giáng đó phải không?
-
Ơi, mà mấy đứa bay là ai?
- Dạ, con ở Quảng Nam mới vô, còn anh ruột từ Cần Thơ mới lên. Mời chú vào nhà cái đã.
Bùi Giáng bước vào.
-
Mấy đứa bay đói bụng không? Tau có bánh bao ngon lắm.
Chỉ một câu nói bình thường mà sao ấm áp chi lạ. Tha phương cầu thực, Cầu thực rồi khất thực! Đói, đói, đói như là thường trực trong đời kẻ lữ hành.
Đêm đó trong dáng dấp như một ông tiên, Bùi Giáng đọc thơ, kể chuyện, hỏi han, thỉnh thoảng xen một tràng thơ tiếng Pháp. Càng nghe càng ấm, càng nói càng say. Những âm điệu vi vu, rì rào, xao xuyến làm bồi hồi, sung sướng, ngất ngây. Phải rồi tất cả trong ông bây giờ đã thăng hoa.
Ôi! Tưởng chừng như một giấc mơ hồi còn bé lắm. Cứ đêm đêm lại có ông Tiên hiện về. Còn giờ đây là một cõi thực, thực đến huyền ảo…
“Hạc
vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay
hoàng hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng
bay mất nghìn xưa
Ngàn năm
mây trắng bây giờ còn bay…”
Thói quen của thiên thần Bùi Giáng là ngủ trên nền đất. Nhưng hôm đó chẳng hiểu vì sao hai anh em tôi mời và đưa ông vào giường nằm ngủ đường hoàng.
Áo quần lếch thếch đủ cỡ, ông nói, ông hỏi, ông cười rồi ông ngủ khì…Mái tóc điểm bạc, trãi dài dịu dàng, ông thở phì phào, phập phồng hai má. Có lẽ thơ ông lồng trong tiếng thở ru hai anh em tôi ngủ một giấc ngon lành.
Khoảng bốn giờ sáng, ông dậy, tắm rửa sạch sẽ, tiếng nước róc rách từ vòi hoa sen xen trong tiếng thơ ông đọc một mình lại vang lên, tỏa sinh khí trong mái nhà ấm cúng:
“Con ruồi
là giống hiểm nguy,
Cái chân
của nó rất vi trùng nhiều…”
Ông tắm hơn nửa giờ rồi bảo tôi pha trà cho ông uống. Vừa cắt móng tay ông vừa hỏi:
- Mấy đứa bay có biết con ngựa, con bò, con trâu hắn khác nhau cái chi không? Chúng tôi yên lặng lắng nghe ông tự trả lời: “Con ngựa hắn không hồi mô ngủ nằm, con trâu ưa ra khe nước ngâm mình thong thả, con bò chẳng hồi mô hắn tắm”.
- Mấy giờ rồi, mở cửa cho tau đi.
Cái bánh bao còn sót lại đêm qua con mèo tha rớt xuống đất, kiến bu lủ khủ, ông cúi người lượm lên, phủi phủi vừa ăn vừa nói: “Chà bậy quá, chút nữa là con chi ăn mất rồi”.
Ông bước ra thềm cửa, thong thả tìm mang đôi dép cũ kỹ “Sang nhứt Việt Nam” – ông nói, rồi vừa nhai bánh bao vừa đọc:
“Kể
từ lạc bước bước ra,
Tấm
thân liệu những từ nhà liệu đi.”
Trời Sài Gòn chập choạng tối, những chiếc xích lô, ba gác lạch cạch lướt qua. Ông bước ra khỏi nhà vừa quơ tay múa chân vừa ngâm nga:
“Kiếp
sau xin chớ làm người
Làm
đôi chim nhạn tung trời mà bay…”
Hai anh em tôi nhìn theo, cho đến khi ông đi xa mất hút trong lòng Sài Gòn mênh mông.
Một nỗi niềm thương cảm vô bờ… Thương Bùi Giáng biết bao nhiêu. Những giọt lệ ấm nóng lăn tròn trên đôi má chúng tôi. Lòng tôi se lại: Như có một vết dao vừa cứa trong ruột mình.
01-01-1992
Cớ chi cái thằng Đại không mừng
mà
lệ rơi
Mi bắt thang lên hỏi thử ông Trời
Có thằng nồ mớ chữ
mờ chịu Đời
như tau
Hử!!!