Trên đường về lại nhà cậu tôi nghĩ đến Mộc Lan, một dáng người đài các, luôn dịu dàng, đi đứng khoang thai, tiếng nói nhỏ nhẹ, vậy mà đã chịu đựng hơn ba năm Côn Đảo. Tôi không nghĩ Mộc Lan làm chính trị. Mộc Lan chỉ nói lên tiếng nói của tuổi trẻ không tìm thấy tương lai trước mặt. Cuộc chiến tranh vô nghĩa do người lớn nhân danh chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi, họ đứng sau lưng đẩy tuổi trẻ đi lên phía trước làm công việc giết chóc cho họ. Tôi không hiểu tại sao đến nỗi phải bị đày đi hoang đảo. Có lẽ cũng như truòng hợp của Thanh Lương, một phút ngông nghênh thiếu suy nghĩ gây nên hậu quả không ngờ. Chỉ đến gặp Mộc Lan mới biết được. Rồi lại nghĩ đến chính tôi, mình có thể bị bắt nếu họ muốn bởi vì mình đang chơi với những người như Thanh Lương, Mộc Lan và những người bạn mà mình không biết họ đang làm gì. Nghĩ vậy nhưng tôi chẳng sợ một tí gì.
Về nhà cậu ăn vội mấy miếng rồi lại xin phép cậu mợ đi nữa. Tôi muốn đi thăm cho hết rồi sẽ về Pleiku. Đến toà soạn báo Sài Gòn Mới mong được gặp Chủ nhiệm và Trọng Phát, người chịu trách nhiệm đăng bài của tôi. Không được may mắn gặp Chủ nhiệm tôi tiếc. Gặp Trọng Phát, mừng bắt tay và hối gởi bài tiếp. Cho tôi biết Sơn Nam có ghé đây mấy hôm trước. Tôi báo với Trọng Phát mình đã đổi lên Pleiku, ông ngạc nhiên nhưng cũng chúc mừng "Ở đâu cũng viết được".
Tìm được nhà Mộc Lan không khó mấy nhưng Thanh Lương Thiên Hương và tôi phải chờ lâu. Nhìn từ xa xa đầu con hẽm bóng dáng Mộc Lan trong áo dài trắng tôi nhận ra ngay. Thấy có đông người đứng trước nhà Mộc Lan chưa nhận ra nên đi chậm lại. Tôi bước tới gần Mộc Lan há miệng không ra lời. Lại nhận ra Thanh Lương và Thiên Hương. Mộc Lan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thiên Hương cũng là bạn Võ Tánh và làm báo năm xưa. Tôi không biết Mộc Lan có ngạc nhiên khi biết Thiên Hương là người yêu sống như vợ chồng của Thanh Lương. Mộc Lan sống với gia đình người anh ruột của mình. Nhà nho nhỏ trong một con hẽm sạch sẽ. Phòng khách thật xinh, đồ đoàn toàn màu trắng làm nỗi bậc chiếc đàn guitar dựng ở góc tường, bên cạnh là chiếc bàn vuông cũng màu trắng như bộ salon, trên có đặt một tượng ngài Quan Thế Âm bằng thạch cao. Tôi chưa thấy tượng của Ngài có dáng đứng khác lạ như tượng này. Tượng cao chừng nửa thước, thân hình tượng chồm tới phía trước, mặt nhìn xuống như đang tìm kiếm để cứu vớt. Một bàn tay kéo nhẹ vạc áo trước lên để hé lộ những ngón thon nhỏ điêu khắc rất tinh vi, có thể thấy những móng chân, người nhìn có cảm giác toàn thân nhẹ, như muốn bay lên. Và bàn tay kia ôm bình tịnh thuỷ, miệng bình đang nghiêng xuống. Nét mặt hoàn toàn nét người con gái Việt. Thấy tôi nhìn chăm chăm tượng Đức Quan Thế Âm, Mộc Lan cho biết đó là tác phẩm của anh mình "Anh Hà ngạc nhiên là phải, anh tìm không có ở đâu hết. Tượng này tạc từ nguyên khối thạch cao chứ không phải đúc từ khuôn". Rồi Mộc Lan cho biết qua về anh mình "Anh em không tốt nghiệp điêu khắc ở trường nào hết. Anh không phải điêu khắc gia , anh là kiến trúc sư. Tạc tượng là thú vui của anh em". Mộc Lan vẫn nói chuyện tự nhiên với Thiên Hương cũng đoán được Thanh Lương có kể chuyện những trang nhật ký liên lụy.
Mộc Lan đưa cả ba ra phía sau vườn. Tôi không nghĩ nhà ở trong một con hẽm mà lại có vườn mà vườn rộng nữa. Sát với mái hiên là giàn bông giấy toàn hoa vàng màu nám nắng. Giàn hoa chiếm hết gần một phần ba khu vườn vuông vứt, rợp bóng mát. Một vài giò lan treo phía dưới. Khỏi giàn hoa khu vườn đầy nắng, chung quanh hàng rào trồng nhiều cây vừa tầm khuất nhà hàng xóm. Vài luống rau thơm cuối vườn. Dọc theo hàng rào là những chậu mai tứ quí, mai vàng, lài hay dạ lý hương. Chen kẻ những chậu hoa là tượng. Tôi đi dọc quanh hàng rào qua từng bức tượng nhiều thể loại, phần lớn là người. Một bức tượng toàn thân đang ngồi rủ tóc nhìn xuống bàn tay mân mê tà áo dài. Tượng đặt bên hồ cá nhỏ có một khóm dạ lý hương che một bên vai. Tôi nhìn Mộc Lan "Không trốn đâu được" vì khuôn mặt trăm phần trăm Mộc Lan. Mé hồ cá bên kia một tượng đàn bà nhưng tôi biết không phải Mộc Lan. Mộc Lan giới thiệu chị dâu mình.
Trọn buổi gặp nhau cả bọn ngồi dưới giàng bông giấy. Mộc Lan cho uống trà ướp hoa lài từ vườn của mình. Tôi có mang theo bánh và trái cây. Anh chị Mộc Lan đều đi làm chiều mới về. Trong câu chuyện Thanh Lương và Mộc Lan thay nhau kể chuyện đời sống trên Côn Đảo. Mộc Lan cũng thổ lộ cho Thiên Hương biết những gì mình viết trong nhật ký là những rung động có thật lúc đó "Nó không hẳn là tình yêu đâu, mình tưởng vậy vì cô đơn quá, khô khan quá. Giọng hát của Thanh Lương như những giọt nước mưa trên sa mạc. Mà sa mạc đây là sa mạc tâm hồn". Tôi nhớ Thiên Hương kéo ghế ngồi sát Mộc Lan và nắm bàn tay. Mộc Lan nói tiếp khi nhìn tôi "Em cảm thấy có lỗi với anh ấy. Chỉ một thoáng qua rồi mình ghi xuống. Nếu em không ghi vào nhật ký em cũng cảm thấy có lỗi với anh ấy, vì tất cả từ tâm phát ra". Mộc Lan thổ lộ hết, càng thổ lộ, con người mà người ta gán cho hoạt động cộng sản, càng như mềm ra trong làn hơi rưng rưng. Tôi nghĩ Mộc Lan đang nhớ "anh ấy" của mình. Có lẽ "anh ấy" của Mộc Lan cũng đầy nghệ sĩ tính. "Anh biết không ước muốn của em bây giờ là làm sao liên lạc được với anh ấy. Đêm đêm em cứ nghĩ anh ấy vì sợ quá mà chạy trốn chứ thực tình tụi em đâu có muốn làm chính trị, phản đối cuộc chiến tranh này thì có, ngay cả anh. Anh của em biết được em thầm cầu mong như vậy nên anh ấy tạc cho em tượng Đức Quán Thế Âm đó".
Trở ra phòng khách để chuẩn bị đi về Mộc Lan cho biết "Chuyện của em chưa xong đâu, công an họ chưa chịu trả cuốn nhật ký cho em, họ hứa khi nào đọc xong mới trả, chắc còn muốn điều tra tìm kiếm anh ấy". Tôi đến cầm cây đàn lên, trên mặt đàn có khắc nguệch ngoạc hai chữ V.K tôi hỏi Mộc Lan "Tên anh ấy?". "Dạ, Vân Khôi". Tôi không cầm miệng lâu "Tên nghe quen quen". "Em có cuốn Year Book họ cũng thu với cuốn nhật ký, trong đó có hình anh Vân Khôi". Tôi hỏi "Vân Khôi người Bắc?" "Dạ".
Tôi gọi taxi cùng Thanh Lương và Thiên Hương đi về. Đáng lẽ tôi ở lại ăn cơm tối nhà Thiên Thanh (hồi đó tôi hay ghép hai tên lại thành Thiên Thanh) nhưng đổi ý lấy lý do cần về. “Ngày mai gặp lại bửa nữa trước khi về Pleiku”. Thiên Hương Thanh Lương xuống xe nhìn tôi ngạc nhiên không hiểu gì hết thái độ nôn nóng của tôi. Tôi bảo tài xế cho xuống nhà sách Xuân Thu.
(Vòng Sân Cát)