Tản Đà, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 - mất ngày 7 tháng 6 năm 1939[1]) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.
Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại".
Đêm xuân một trận nô cười,
Dưới đèn chẳng biết là người hay hoa
Khi vui quên cả cái già
Khi say chẳng rốc giang hà cũng say
Kiếp say sưa đã chấm sổ thiên đình.
Càng đắm sắc mê thinh càng mãi miết.
Say lắm vẻ: say mệt, say mê, say nhừ, say tít;
Trong làng say ai biết nhất ai say ?
Mảnh hình hài quen giả trá xưa nay,
Chúng sinh tướng lúc này coi mới hiện.
Thôi xếp cả nguyệt hoa, hoa nguyệt,
Cảnh bồng lai trải biết gọi làm duyên.
Lại say !
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thì hư vậy, say thì cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười ?
Say chẳng biết phen này là mấy,
Nhìn non xanh chẳng thấy lại là say.
Quái ! say sao ? say mãi thế này ?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh,
Thê ngôn túy tửu chân vô ích.
Ngã dục tiêu sầu thả tự do
Việc trần ai, ai tỉnh, ai lo,
Say lúy túy nhỏ to đều bất kể.
Trời đất nhỉ ! cái say là sướng thế !
Vợ khuyên chồng, ai dễ đã chừa ngay,
Muốn say lại cứ thế mà say.