Quang Dũng, tên thật là Bùi Đình
Diệm, ông sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội) và mất năm 1988. Ông
là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây
Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ... Ngoài ra ông
còn là một họa sĩ, nhạc sĩ.
Trước ông học Ban trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học tư ở Sơn Tây.
Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học.
Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Thơ của ông bị phê bình trên báo chí miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng "tiểu tư sản", thiếu tính chiến đấu, còn ở miền Nam thì được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích.
Về sau này, như những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,... ông mai một và mất đi trong âm thầm.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 sau một thời gian dài đau ốm tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Trắc Ẩn
Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
Đòi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu
Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người!
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh
Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ
Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai.
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
-- 1949