(Tiếp theo và hết)
Tôi vẫn nghĩ, một tài năng ngoại khổ thường có những bi kịch và, ám ảnh một đời của riêng họ.
Bi kịch và ám ảnh sẽ là những đôi cánh đưa tài năng thiên bẩm của họ lên tới đỉnh cao, hoặc sẽ nhận chìm họ xuống tận cùng đất đen, hiểu theo nghĩa đó là một bất hạnh của định mệnh cay nghiệt.
Danh họa Phạm Tăng, ở trường hợp thứ nhất.
Trong buổi nói chuyện thân mật với chúng tôi tại căn nhà ở ngoại ô Paris, quảng trường Bonneuil Sur-Marne, đầu tháng 1-2016 vừa qua, có hai chi tiết mà họ Phạm nhắc tới với tất cả xót xa hay ám ảnh khôn rời, đó là sự kiện người bạn đời đầu tiên của ông, bà Nguyễn Thị Băng Tâm - - Một người mà theo ông kể thì ngay khi mới 16 tuổi, bà đã viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Sau đó, bà được một học bổng của chính phủ Pháp, để qua Paris học về văn chương Pháp…
Nhưng người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ, Phạm Tăng, đã rất chân thành, ngay thật khiến chúng tôi, nhất là T., đã rất cảm động, khi nghe ông tâm sự:
“Vì sợ mất vợ, nên tôi đã không đồng ý cho bà ấy đi du học.”
Rồi, cũng thời gian này, giữa lúc người bạn đời của họ Phạm, vì thương, chìu chồng, từ chối cơ hội tiến thân khó có được… thì vị danh họa của chúng ta, lại gây tạo thêm một “biến động” rất lớn khác, đó là sự kiện ông đem tất cả tiền phòng thân, hơn 7,000 đồng, dành dụm từ bao nhiêu năm của người bạn đời, “nướng” sạch trong một đêm tại sòng bài Đại Thế Giới, ở Chợ Lớn. (13)
Một số người hiểu chuyện cho rằng hai sự kiện vừa kể đã dẫn tới sự qua đời khi còn rất trẻ của bà Nguyễn Thị Băng Tâm. Sự kiện này, từng trở thành “scandale” một thời (chữ của họa sĩ Phạm Tăng), trong giới văn nghệ và báo chí.
Tuy nhiên, ngược lại, vẫn theo danh họa Phạm Tăng thì ngay sau biến cố này, ông lại được quá nhiều những cơ quan ngôn luận lớn, kể cả những tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp, ở Saigon, mời cộng tác. Ông nói, thời gian đó, trung bình mỗi tháng ông được trả tiền nhuận bút không dưới 5,000 Mỹ kim.
Ông kể, mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng không biết làm gì:
“Cuối tuần, với chiếc áo của nhà tu, tôi thường lái xe xuống núi Châu Thới ở đó qua đêm, hay nguyên một cuối tuần, trước khi trở ngược về Saigon...”
Tôi không biết ám ảnh về cái chết của người bạn đời đầu tiên trong đời mình, có đeo đẳng họ Phạm tới ngày hôm nay hay không? Nhưng hiển nhiên, ám ảnh về cái mà ông nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi là “Mối nhục của một người Việt Nam trước sự cai trị và khinh bỉ của thực dân Pháp!”
Ám ảnh này, như đã trình bày, bắt nguồn sâu xa từ nhiều danh sĩ, tiền bối thuộc dòng họ Phạm của họa sĩ Phạm Tăng đã bị chính quyền Pháp sát hại hoặc bức tử… đã như những chiếc bóng bất hạnh đeo đẳng ông cho đến hôm nay.
Ở lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật, họ Phạm cũng nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi rằng, “Người Pháp cũng coi khinh văn hóa của chúng ta! Cụ thể, ở lãnh vực hội họa, họ cũng không muốn mở trường đào tạo họa sĩ cho người Việt Nam. Đầu thập niên 1900, rõ hơn, năm 1901, họ mới mở trường Bá Nghệ ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đến năm 1903, họ mở trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Biên Hòa và, 1913, là trường Mỹ Thuật Gia Định - - Năm 1940 đổi tên thành trường Mỹ Nghệ Thực Hành Gia Định… Nhưng dù trường tên gì chăng nữa thì họ cũng chỉ nhằm mục đích đào tạo những người thợ thủ công, để đáp ứng nhu cầu thủ công nghệ của nước Pháp mà thôi…”
Khi đề cập tới trường Mỹ Thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux – Arts de l’Indochine), là trường hội họa mà sau này, họa sĩ Phạm Tăng có thời gian theo học, ông cũng nhấn mạnh:
“Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập từ tháng 10 năm 1924, bởi họa sĩ Vitor Tardieu. Nhưng phải mất nhiều năm vận động mạnh mẽ, miệt mài của ông Tardieu, trường này mới có cơ hội chào đời!” (14)
Cũng vì những ám ảnh hay “mối nhục” của mình mà, người bạn đời chính thức thứ hai của họ Phạm – Một thiếu nữ người Ý, sau khi sinh được cho ông một người con gái, qua đời vì bạo bệnh, khiến ông có một thời gian khá dài, chấm dứt mọi hoạt động nghệ thuật, cũng như mọi giao tiếp xã hội...
Mãi nhiều năm sau, để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương, đồng bào…, đồng thời cũng để chấm dứt nhiều năm sống lạc lõng, lẻ loi ở Ý, họ Phạm đã chọn cho mình người bạn đời thứ ba, một phụ nữ gốc Việt, quốc tịch Pháp, cũng thuộc một gia đình thế giá từ trước tháng 4-1975, ở Paris… Ông đã rời bỏ nước Ý để tạm cư tại Pháp. Nhưng vì không thể quên mối hận thực dân Pháp, nên tới hôm nay, ông vẫn không chịu nhập tịch Pháp, quốc gia mà ông cho đó là kẻ thù chung của dân tộc Việt. (15)
Ông tâm sự:
“Càng lớn tuổi, sức chịu đựng cô quạnh càng kém đi. Trong khi nhu cầu muốn được sống gần với tập thể của dân tộc mình càng gia tăng, nên tôi buộc lòng phải chọn Paris, cho những năm tháng cuối của đời mình…”
Cảm nghĩ trên của danh họa sĩ Phạm Tăng cho thấy, bất cứ ai, dù với một định mệnh bình thường hay; chói lòa giữa quảng trường hội họa thế giới, như họ Phạm thì, nhu cầu tìm về với đồng hương máu mủ, với ruột thịt nguồn cội, vẫn là một nhu cầu thiêng liêng không thể phủ nhận.
Để kết luận bài viết này, chúng tôi xin mượn bốn câu thơ của chính danh họa Phạm Thăng, ghi dưới bức thư gửi cho tạp chí Bách Khoa, Saigon, cách đây hơn 40 năm:
“Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi!
Sôn sao sỏi đá nói nên lời!
Đỏ, xanh sáo trộn hồn cây cỏ
Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi! (*)
Phạm Tăng.
________
Chú thích:
(13) Sòng bài Đại Thế Giới bị đóng cửa năm 1955, theo lệnh của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. (Nguồn Wikipedia-Mở)
(14) Có thể đọc thêm Wikipedia-Mở.
(15) Nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết, họa sĩ Phạm tăng từng có nhà riêng ở quận 13, thành phố Paris - - Nơi tập trung nhiều người Việt nhất. Một nguồn tin khác cũng cho hay, sau biến cố tháng 4-1975, qua một số người thân tại Hoa Kỳ, họa sĩ Phạm Tăng đã đầu tư vào nhiều lãnh vực thương mại ở Mỹ.
(*) “Sỏi đá đây là chất liệu mầu sắc, gạn lọc ở sỏi đá mà ra, ý muốn tạo hồn cho những vật vô tri; chiếc lá thành người vào chơi trong tranh.” (Chú thích của Tòa soạn Tạp chí Bách Khoa, giai phẩm Xuân 1974).