TÀN CHIẾN CUỘC - Tôi đọc "Đêm, nhớ trăng Sài Gòn" của Du Tử Lê. Và...

25 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 9837)
TÀN CHIẾN CUỘC - Tôi đọc "Đêm, nhớ trăng Sài Gòn" của Du Tử Lê. Và...



đêm, nhớ trăng sài gòn
gửi Trần Cao Lĩnh

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

đêm về theo bánh xe qua
nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường 

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào ?

1978



TÔI ĐỌC “ĐÊM, NHỚ TRĂNG SÀI GÒN” CỦA DU TỬ LÊ. VÀ…

 Lời phi lộ: Viết tặng Nhà Thơ Du Tử Lê. Chỉ mình ông đọc, tôi cũng đủ thấy vui rồi -TCC

Là bài thơ ông viết vào mùa Giáng Sinh 1978, trong lời đề tựa, có đoạn: Trăng quê người khiến tôi nhớ và sống lại, những mùa trăng quê hương. Sống lại này, ở thời điểm đó, với tôi, là sống lại với quá khứ, kỷ niệm, không một chút hy vọng mong manh, tái diễn…

Tuổi của bài thơ như vậy dài cũng gần 40 năm. Cũng già như tôi, thế mà tôi cứ ngỡ đâu như mới hôm qua. Cái hình ảnh mẹ tôi bắt từng đứa xòe bàn tay, đứa nào để móng tay dài, liền bị mẹ cắt bấm trụi lủi, hết kể cả mười đầu ngón chân. Chỉ vì mẹ sợ, nếu không làm thế, các con sẽ bị hình phạt “rút móng”! Tôi nhớ bọn trẻ con lúc chia phe ra đánh nhau, thắng thua rồi cũng làm hòa. Rồi ngày mai chơi tiếp. Chứ đâu có chuyện, rồi “chúng ông” sẽ thịt “tụi mày”! Hay phe thắng lôi từng đứa phe thua ra trả thù cá nhân? Chơi như thế thì còn bạn đâu mà chơi. Chỉ có nước chơi với… dế!

Và tôi chợt nhận ra, có những thứ đã hoàn toàn không còn thuộc về mình nữa. Thế là hết. Giã từ luôn những đứa trẻ con trong những trang sách của Duyên Anh. Ôi, Duyên Anh! Ông là nhà văn viết về tuổi thơ tuyệt vời nhất mà tôi từng biết… Tôi đọc Thằng Vũ, Thằng Côn của ông cũng như dân Mỹ đọc nhà văn nổi tiếng của họ, Mark Twain. Với Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (The Adventures of Tom Sawyer). Hay Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (The Adventures of Huckleberry Finn ).

(Chẳng phải mình tôi ngưỡng mộ, mà nữ khoa học gia người Mỹ gốc Việt, Dương Nguyệt Ánh (born 1960) cũng thế: “Cuối cùng, tôi xin mượn tựa đề một tác phẩm rất nổi tiếng của cố văn sĩ Duyên Anh để nói với các bạn trẻ. Cái tựa đề đó là “Mơ thành người Quang Trung”. Quang Trung là một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Vâng, tất cả chúng ta xin hãy mơ thành người Quang Trung! Và xin hãy là người Quang Trung!” -SBTN-DC)

Tôi cũng nhớ có lần được nghe thầy giáo dạy môn văn của mình ngâm thơ. Có hai bài thơ cùng mang tên “Quê Hương”, lúc đó. Một bài của Tế Hanh viết vào tháng 6/1956. Và một bài khác là của Giang Nam viết năm 1960, có câu “Giặc giết em rồi, quăng mất xác. Chỉ vì em là du kích, em ơi!”. Về sau mới có thêm bài “Quê Hương” viết năm 1986 của Đỗ Trung Quân, do Giáp Văn Thạch phổ nhạc (tên gốc bài thơ là “Bài học đầu cho con”). Cứ như mỗi giai đoạn lại có một quê hương khác. Còn ngoài ra, nếu có tác phẩm nào bị cấm thì chỉ có nước đọc lén, hay nghe lén!

Cái buổi trưa êm ả, lại được thầy ngâm cho nghe một bài thơ nhớ về con sông quê hương mình, mới tuyệt làm sao. Dù là ta không biết con sông đó ở đâu. Tôi còn nhớ chất giọng miền trung lạ mà ấm áp của thầy, làm tôi liên tưởng đến một vùng quê đầy nắng cháy. Tên của thầy là Nguyễn Đình Nguyện, chữ lót tôi không chắc lắm? Chẳng biết thầy tôi bây giờ lưu lạc phương nào, khi đã gieo vào lòng những đứa học trò cảm xúc như thế…

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới

 

6-56, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh

(Nguồn: Tế Hanh, Lòng miền Nam, Nxb Văn nghệ, 1956)

Còn bây giờ mà nghe ngâm thơ thì buồn chết đi được!

Nhờ thế mà tôi biết đến thơ, biết đến cái buổi trưa ở trong thơ nó thế nào. Mà cũng chưa đủ, có buổi trưa thì phải có buổi chiều, với những câu:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây…

Là nhờ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ bài thơ “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh thành nhạc, đổi luôn cái tên bài thơ. Và về sau bài thơ cũng có tên là “Chiều”. Nó kết với hai câu mà tôi nghe sướng rên mé đìu hiu:

Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...

Tôi phục mấy ông nhạc sĩ thật, dám sửa thơ người khác, mà lại được tác giả bài thơ đồng ý! Câu khói huyền bay lên cây lúc đầu là khói xanh bay lên cây. Nhưng “khói huyền” nghe hư ảo và lãng mạn hơn nhiều. Tôi cũng khoái câu “Chiều chậm đưa chân ngày”, lúc đầu không hiểu vì sao ngày mà cũng có chân? Thì “cơ thể" ngày có đầu là buổi sáng, thân buổi trưa và chân là buổi chiều, nên dùng chữ “chân ngày” là phải rồi!? Đôi chân của chiều như người bạn đồng hành. Đôi chân thời gian làm mờ dần những bóng mây kỷ niệm. Có khi, nó bụi bặm giống như những ca từ trong bài hát:

Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những chuyến xe
Còn đây âm vang não nề
Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ. 

(Nghe những tàn phai – Trịnh Công Sơn) 

Chiều ở đây nghe “phố thị” quá! Và ồn ào tấp nập khói bụi, con người hình như cũng chán chường mệt mỏi. Cái buồn của phố thị. Đúng là “ngày đi đêm tới”! 

Và rồi ngày đi đêm tới nên tôi bắt gặp những câu thơ của Du Tử Lê, thật ra là vào trang web dutule.com, được nghe danh ca Thái Thanh trình bày nhạc phẩm này do cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, bước chân thời gian đã đi ngược về quá khứ…

đêm, nhớ trăng sài gòn
gửi Trần Cao Lĩnh

Về thơ, ông ấy viết tựa đề bài thơ chữ thường, kể cả chữ “sài gòn”, lại còn thêm cái phết “ác nghiệt” ngay sau chữ đêm. Ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh gọi đó là “đao pháp” của Du Tử Lê. Cách ví von rất đậm chất kiếm hiệp của Kim Dung, nghe không còn từ nào “đã” hơn! 

Tôi nhớ nhân vật “Giác Viễn là một người mê đọc sách, khi trông coi Tàng Kinh Các của Thiếu lâm đã đọc hết các sách và vô tình đọc cả bộ Kinh Lăng Già. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đã mang trong mình nội công hùng hậu (Cửu Dương Thần Công) mà không hề hay biết…” (theo Wikipedia) 

Và tôi thấy mình lọt vào dutule.com, cơ hồ lọt vào trong “Tàng Kinh Các” đó! 

Nếu không tin? Hãy thử đọc lại một trích đoạn trong tùy bút “Thả Nốt Vầng Trăng Xuống Đáy Vườn.,” của Nhà thơ Du Tử Lê:

“Tuy từ hạnh ngộ thứ nhất xa lắc kia, tôi từng viết xuống cho mình, cho bạn, cho chính cánh rừng đó, bốn câu thơ ngắn:

 biển vỗ vai mời. mưa xốn xang:
về như hạt bụi chứa không gian
đêm đêm trang sách: bầy dơi động
thả nốt vầng trăng xuống đáy vườn. (2)

Bài thơ phổ biến không lâu, một độc giả hỏi tôi về sự hiện diện hay tương thích của “bầy dơi” trong mấy câu thơ này. Tôi nói, tôi không có thói quen giải thích thơ mình. Riêng lần đó, phần muốn tỏ bày lòng quý, trọng người hỏi; phần muốn giải tỏa mặc cảm thầm kín của một người làm thơ như tôi, ngày càng bị “kết án” chủ trương làm thơ…tối tăm!? Chủ trương “khủng bố tinh thần” người đọc!?!

Tôi giải thích, rằng:

Bầy dơi” đêm, trong bốn câu thơ đó, không chỉ là liên-tưởng-trực-tiếp của những con chữ hân hoan làm thành những cuộc luân vũ trên trang sách của bạn tôi mà, nó còn mang ý nghĩa của một liên-tưởng-gián-cách. Đó chính là những cánh bướm màu vàng thau (ban ngày), hóa thân thành bầy dơi (ban đêm) lưng chừng trời, bên ngoài những trang sách. Đó cũng là hình thức Hoán dụ / Metonymy (một kỹ thuật ứng dụng trong thi ca.) Đồng thời, nếu dùng kỹ thuật “liên-tưởng-gián-cách” để soi tỏ câu thơ thì, người đọc sẽ nhận ra, giữa trang sách và bầy dơi chao chát hư huyễn, lênh đênh nỗi buồn, đập cánh trên đỉnh ngọn maple kia, còn có một tương quan hữu cơ khác: Tương quan giữa cây và…giấy.

Chưa kể sự “chao chát” (động) của bày dơi còn có công dụng như chiếc cần cẩu, nâng cái tĩnh lặng của đêm, vầng trăng, đáy vườn lên một độ cao, rất cao khỏi cái đáy vườn hiện thực nơi cảnh tượng. 

Dường như giải thích của tôi không đủ sáng sủa (?) nên tôi đọc được ít, nhiều thất vọng nơi vẻ mặt ngơ ngác của người hỏi!

Cuối cùng, chị lắc đầu tựa cầm bằng… “thả nốt (cho xong) vầng trăng xuống (ngay chóc cái) đáy vườn” (của nó)!

(Từ đấy, mỗi khi đứng trước câu hỏi về thơ của mình, tôi lại ngần ngại, chỉ muốn co, rút sâu hơn trong chiếc kén…“tối tăm” của mình.) 

Kể lại chuyện này, không có nghĩa tôi đã giảm sút gắn bó hay, sinh lòng oán hờn rừng sau ngôi nhà bạn tôi. Trái lại, tôi còn ghi nhận được niềm hân hoan (rất họa hiếm) nơi T., ngay tự buổi sáng đầu tiên, trong nhà bạn.

Tôi không biết T. có mang những cánh bướm màu vàng thau hay, bầy dơi cùng với biển, mưa treo lửng giữa không trung vào trong giấc ngủ của mình (?) Nhưng hiển nhiên, T. đã chìm đắm trong rừng sau của bạn tôi, với chiếc máy ảnh mà, không lâu sau, cái sim trong máy, cho biết, nó đã… quá tải!” (Hết trích)

Đúng như nhận định của ông Đòan Khuê: “Một bài viết của ông về thơ, cũng là một bài thơ” 

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

Mới đọc, tôi tưởng có một người tàn phế đang ngồi trên chiếc xe lăn. Mà không phải, đọc kỹ là “vết xe lăn”! Tôi không có cái “may mắn” nếm trải sự cô đơn sống ở xứ người. Chỉ ở quê nhà, có lần tôi đi thăm dì tôi. Đêm, tôi nằm ngủ ở nhà dì gần mặt đường lớn. Cứ nghe tiếng xe đêm mải miết qua lại, hết lượt này đến lượt khác. Tôi thao thức mãi không tài nào ngủ được. Cái tiếng vỏ xe nó nghiến xuống mặt đường! Nó làm tôi hình dung đến những người lỡ chuyến tàu, phải về nhà muộn. Và dòng người lữ khách cũng trĩu nặng những nôn nao bất chợt. Chữ “lăn” giống như “vết lăn trầm”. Cũng là tên bài hát của Trịnh Công Sơn. Mình chưa phải “trăng viễn xứ”, mà sao trong dạ cũng thấy bồi hồi, giời ạ. 

Có sự tương đồng nào đó giữa màu vàng của trăng và “hồn thanh niên vàng”! Của hình ảnh “con nai vàng” và những chiếc “lá vàng khô”? 

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ? 

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô? 

(Tiếng thu, 1939, thơ Lưu Trọng Lư. Bài này cũng được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên) 

Thì độ nhạy cảm của nhà thơ thật khủng khiếp. Tiếng của những chiếc lá vàng khô bị sự “nhẫn tâm” đạp vỡ vụn dưới gót bàn chân? Như cuộc đời, tuổi trẻ có khi cũng vỡ vụn như thế. Lá vàng khô. Có khi người ta cảm nhận được sự im lặng, nghe được tiếng cháy nổ tí tách của điếu thuốc trên tay mình. Mà ở đây là tâm trạng “viễn xứ”. Cho nên, có người nào cho đó là cái màu “vàng son” một thuở? Là tùy vào cảm nghĩ của họ, thậm chí “quyền” của họ. 

Tôi mơ hồ nhận ra, vì cũng như ông nói: Phiếm định (chứ không phải mặc-định) là tính chất thực sự của câu thơ đó. Vì tính phiếm định nên ta có thể hiểu câu thơ là một hồi tưởng, nhớ lại có một (hay nhiều) lần nào đó, trong đời, người con gái từng ngả đầu vào vai mình. Rồi thời gian đem chia ly đến cho cuộc tình. Vì thế, thản hoặc, khi kỷ niệm thoáng về, người đàn ông thấy nỗi nhớ tuồng sống lại và, nỗi buồn bỗng trở nên sâu, đắm, khiến ông ta tưởng chừng đang bị ngất, chìm trong nỗi buồn ấy. Tuy nhiên, tùy theo cảm nhận của mỗi người mà, ta có thể hiểu câu thơ trên, cách khác. Nó cũng tựa như sự ngắm nhìn một bức tranh ở những góc độ và, cảm thức khác nhau vậy. Nên, bác xin được cám ơn cháu. (Trả lời của Du Tử Lê. mục thư độc giả: THÁI - "Nhớ ai buồn ngất trên vai áo"). 

Hay đoạn sau: Thưa ông Tiêu, Xin cám ơn ông đã có nhã ý hỏi về hai cụm từ trong bài thơ: “Trong tay thánh nữ có đời tôi”, của tôi. Mặc dù không một nhà thơ hay họa sĩ nào, muốn giải thích về bài thơ hoặc bức tranh của họ. Bởi vì bài thơ (bức tranh) khi ra khỏi tác giả thì, tác giả không còn một quyền hạn nào trên tác phẩm. Tự thân bài thơ (bức tranh) nói điều chúng muốn nói. Cách khác, bài thơ (bức tranh) chờ đợi nhận được rung cảm, chia sẻ (hoặc chối bỏ) của người thưởng ngoạn. Trong khi tác giả vô can, "bó tay"! Tuy nhiên, tôi vẫn xin trả lời, như một cách cám ơn sự quan tâm của ông dành cho mấy câu thơ nhỏ của tôi. Trước nhất, tôi trộm nghĩ chúng ta nên đặt hai cụm từ: “Tôi buồn như phố cũ như như tay” và, “...Tạnh dấu bày” trở lại ngữ-cảnh chung của đoạn thơ. Vì những liên ảnh trong đoạn thơ này, không thể bóc, tách khỏi nhau. Nếu đem 2 cụm từ kia ra khỏi ngữ-cảnh chung, chúng sẽ trở thành vô cùng khó hiểu.

(Trả lời của Du Tử Lê. mục thư độc giả: TIÊU - Trong tay thánh nữ có đời tôi...?) 

tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây

Chiến sự những năm đầu thập niên 1970 nổ ra dồn dập. Và trẻ con cũng sớm khôn hơn tuổi của chúng. Hãy xem bức ảnh "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị napalm của Nick Ut, phóng viên hãng tin AP, cũng đủ nói lên tất cả sự thảm khốc của chiến tranh. Và những người mẹ mất con. Vợ mất chồng, con cái bơ vơ… Tôi, đứa trẻ con ngơ ngác đứng nhìn những chiếc GMC bất ngờ đỗ sầm trước cửa bất kỳ nhà nào. Trên xe có chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, rồi những tiếng khóc. Tôi đã đọc hai câu thơ trên với tâm thức đó… 

Vì sự liên tưởng của tôi là “đèn thắp hai hàng” của hai bên đường giống như hai hàng nến cắm trên cỗ quan tài. Cũng như “sương quàng cổ cây” giống như những vòng khăn tang trắng! Chiến tranh thì dù người lớn hay trẻ con, không “lạc nhau cuối phố” mới lạ!?

ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

Hai câu này đưa người đọc trở về với thực tại, mà tâm trạng vẫn là cô đơn, với những hoài niệm đớn đau! Đau đớn lắm, ông mới viết: Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết. Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn! Một buổi sáng thức dậy, mọi thứ quanh mình đã hoàn toàn thay đổi. Đứng ở chỗ đông người mà như đứng giữa cánh đồng vắng, nên mới nhìn thấy mưa… bay! Đứng ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất, nhìn về quê hương, mà thấy như hồn mình vẫn còn ở đó… 

Đến nỗi bức xúc, tôi phải “còm” dưới bài thơ phổ nhạc của ông, đặt cái tựa là “HỒN & XÁC”, mở đầu: 

thế là, bỏ lại...
đóng tôi!
trong quan tài gỗ
rồi dời chân đi

 

Thế mà sáng hôm sau, ở mục “thư độc giả”, hiện nguyên hình bài thơ của mình trên trang web dutule.com! Tưởng ông sẽ giận… tôi! Ông lại còn viết: 

cây khô vẫn gửi lời mời viếng thăm:
- cõi tôi. còn nửa chỗ nằm.

(bài thơ “cõi tôi. còn nửa chỗ nằm”, DTL Jan. 2015) 

Thế là tôi “phang” tiếp: 

- cõi tôi. còn nửa chỗ nằm.
quê hương một nửa. trăng thầm bỏ đi.
đêm về. đánh mất xuân thì.
vầng trăng xẻ nửa hồn thi ca, và… 

Nhưng tôi cảm động lắm. Hãy cứ hồn nhiên như đứa trẻ. Ở mọi hoàn cảnh, dù cuộc đời có lắm tang thương!

đêm về theo bánh xe qua
nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường 

Đoạn hai của bài thơ là liên khúc những nỗi nhớ của ông. Như những phát súng vô thanh bắn vào tim óc! Và vết xe “lăn” (động từ), chỉ còn là bánh xe “qua” (tính từ) với những địa danh đã được ông viết hoa. 

Nhớ tôi. Nhớ nhà. Nhớ em. Nhớ trưa lớp học. Nhớ buổi chiều (hiền) lành ở khóm tre. Nhớ mưa. Nhớ nắng. Nhớ nghĩa trang. Nhớ pho tượng lính! 

Về pho tượng lính, tôi đoán là bức tượng “Thương Tiếc” ở Nghĩa Trang Biên Hòa. Nơi có những ông bố được chôn ở đó, hàng năm có vài người đi thăm. Theo “Hồi ức một đời người” của tác giả Nguyễn Ngọc Chính viết:

Bức tượng Thương Tiếc là hình ảnh người lính ngồi nghỉ chân trên bệ đá, súng để ngang đùi, nét mặt buồn bã. Tác giả pho tượng đồng đen này là nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu, ông đã chọn người mẫu là một hạ sĩ quan thuộc binh chủng nhảy dù.

Người ta kể rằng vào những buổi chiều mờ sương, anh lính rời bệ đá, đi lững thững xuống con suối gần đó để uống nước. Còn có rất nhiều huyền thoại về bức tượng Thương Tiếc. Sau ngày 30/4/1975, tượng Thương Tiếc đã bị phá sập. Người ta nói anh lính đã chui vào lò nấu kim loại tái sinh… Và như thế đã được đầu thai sang kiếp khác.

Hai câu cuối bài thơ là điệp khúc cứ lập lại, ám ảnh của đêm về: “Trăng quê người khiến tôi nhớ và sống lại, những mùa trăng quê hương. Sống lại này, ở thời điểm đó, với tôi, là sống lại với quá khứ, kỷ niệm, không một chút hy vọng mong manh, tái diễn…”

đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?

Có sao đâu? Ơi, Nhà thơ Du Tử Lê! Có sao đâu. Có lần tôi đọc của ông Trịnh Công Sơn, đại ý: Ở chỗ này thừa ra một người. Thì ở chỗ kia thiếu đi một người. Ở đâu tiếp đón một niềm vui, chỗ khác có một khoảng trống, là nỗi buồn! 

Viết về “đêm, nhớ trăng sài gòn” mà không nhắc đến cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (PĐC) và Danh ca Thái Thanh là một thiếu xót lớn. Cố nhac sĩ PĐC đã vật lộn với bài thơ này lâu nhất. Chả trách, ông Mai Thảo nói: "Sao không vứt mẹ nó bài thơ đó đi....". Và, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng bực mình, văng tục lại, đáp: "Anh câm cái mồm anh đi. Anh biết mẹ gì về âm nhạc mà nói." Nếu ai hiểu về sáng tác, sẽ rất thú vị với chi tiết này: Lý do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phải vật vả trên nửa năm với bài “Đêm, Nhớ Trăng Saigòn”, vì ông muốn phá bỏ cái nhịp đều đặn của thơ lục bát. Hơn nữa, ông cũng muốn chứng tỏ ông ra khỏi cái khuôn mẫu được coi là chuẩn mực, là tuyệt vời mà Phạm Duy đã đạt tới khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Ngậm Ngùi, cũng lục bát của Huy Cận.

(Thơ phổ nhạc “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn”, dutule.com). 

Còn với nhận xét về tiếng hát Thái Thanh, thì không gì hơn là vào Wikipedia: 

“Giọng hát Thái thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước. ”

— Phạm Duy

“ Tiếng hát đó như gắn liền với định mệnh của cả dân tộc ta, đất nước ta.”

— Đỗ Việt Anh

“ Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Đổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ.”

— Thụy Khuê

“ Tiếng hát vượt thời gian”

— Mai Thảo

“ Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào. ”

— Phạm Duy

“ Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau.”

— Thích Nhất Hạnh

“Em hát cho vàng tan nát đá”

“Em hát cho anh biết ngậm ngùi”

— Hoàng Hải Thủy

“ Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm "nhớ nhung cõi trời" -mà Beaudelaire đã nói -dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe... Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu.”

— Georges Etienne Gauthier 

Vào “Tàng Kinh Các”, thấy ông Đoàn Khuê viết: “Một bài viết của ông về thơ, cũng là một bài thơ”. Là người ta phải “cất công” đọc hết những gì Du Tử Lê viết! Còn ông Đỗ Qúi Toàn nói ngắn gọn hơn: “Một thi sĩ có những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta, tôi cho đó là một thành công”. Là người đọc chỉ cần nghe một câu nói từ cửa miệng ai đó, có thể, rồi họ sẽ tìm đọc Du Tử Lê. Đó cũng là những nhận xét độc đáo theo cách riêng của mỗi người:

Như nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà phê bình Đỗ Quí Toàn viết:

“Tôi lấy thí dụ một câu thơ của Du Tử Lê đã trở thành ngôn ngữ hằng ngày của mọi người: 

“Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!”  

Thật ra câu này không phải dễ hiểu. Nhưng trong một số tình huống nào đó, thì nó lại là câu nói nói cửa miệng.

Thí dụ một ông chồng gọi điện thoại cho vợ nói:

“Em ở đâu đó? Sao em hẹn anh ở ngã tư có cây xăng, mà sao anh không thấy em đâu cả? Hay chắc là em đang ở chốn nhân gian không thể hiểu rồi!”

Vậy câu thơ trên đã trở nên ngôn ngữ thường ngày.

Lâu lâu tôi lại nghe câu thơ của Du Tử Lê “ ở chỗ …,” lúc thì để diễn tả một tâm trạng vui; cũng có khi để diễn tả một tâm trạng buồn.

Tôi cho đó là thành công của một nhà thơ.

Một thí dụ khác, một câu thơ khác của Du Tử Lê, cũng thường được dùng để van lơn nhau, để khuyên bảo nhau, hay để than vãn với nhau:  
 

“ Đi với về, cũng một nghĩa như nhau.”  

Câu thơ này người ta cũng có thể nói trong lúc buồn:

“Thế anh mới đến chơi mà đã về rồi à?”
“Tôi vừa mới gặp cô Tiểu Muội, rồi cô lại đi Texas…”

Có thể người nào đó sẽ nói:

“Đi với về, cũng một nghĩa như nhau”.

Hoặc mình có thể dùng câu đó để đùa với nhau cũng được. 
 

Một thi sĩ có những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta, tôi cho đó là một thành công. 

Người thi sĩ đó đã sống bằng tiếng Mẹ đẻ của mình và, hòa nhập với cộng đồng của những người cùng chung ngôn ngữ. Đó là một thành công.

Có thể nói Du Tử Lê là một trong những người hiếm hoi, luôn luôn tìm cách đổi mới. Nhưng lại không quá mới đến độ xa lìa cộng đồng cùng dùng chung ngôn ngữ với mình.”

(29 tháng 9 - 07.)

(ĐỖ QUÝ TOÀN - Du Tử Lê, Thi Sĩ Có Những Câu Thơ Thành Ngôn Ngữ Hằng Ngày)

 

Đọc xong, tôi nghĩ: “Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay”. “Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu”. Có khi cũng rơi vào đúng như nhận xét trên của ông Đỗ Quý Toàn. Nó đã trở thành ngôn ngữ hàng ngày, cách gọi khác là những: thành ngữ! 

- cõi tôi. còn nửa chỗ nằm.
quê hương một nửa. trăng thầm bỏ đi. 

Vào “Tàng Kinh Các”, là đi tìm “một nửa của vầng trăng” bị khuyết! Tôi tìm gặp ở đây bút tích của một thế hệ đàn anh đi trước. Các vị tiền bối mà từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được biết đến không chỉ ở văn chương mà còn lĩnh vực khoa học… Các nhà văn, nhà thơ miền Nam mà cố nhà văn Mai Thảo chọn là "7 Vì sao Bắc đẩu" của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam: Du Tử Lê, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên… Còn rất nhiều người khác nữa mà dutule.com vẫn “cặm cụi” nói đến ở “Bằng hữu ghi nhận từ DTL”. Hay “DTL ghi nhận từ bằng hữu”. Cho đến khi ông còn viết đến hơi thở cuối cùng! Dù muốn hay không, dòng văn học da vàng đã chảy làm nhiều nhánh. Cứ đâu, chỉ duy nhất một dòng tự gọi là “chính thống”! Cái quan trọng là điều gì còn để lại cho thế hệ hậu sinh? 

Như khoa học gia, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã viết: Tôi là người lúc nào cũng ao ước rằng cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại của chúng ta mỗi ngày một trù phú trên mọi phương diện, kinh tế, xã hội, cũng như văn hóa, để được các sắc dân khác nhìn chúng ta với sự kính nể, để tiếng nói của chúng ta có ảnh hưởng với chính quyền ở quốc gia chúng ta cư ngụ, và nếu cần thì chúng ta có thể dùng sức mạnh của cộng đồng áp lực để quê hương xưa đỡ lầm than, nhân quyền được tôn trọng, tương lai vận nước dược hanh thông. Vì thế mà mỗi lần được đọc một bài thơ dịch sang Anh ngữ của Du Tử Lê, được tin thơ anh đăng trên New York Times hay Los Angeles Times, hay thấy thơ anh được chuyển dịch sang Pháp ngữ hoặc Anh ngữ để giảng dậy trong chương trình văn học Việt Nam hải ngoại ở các đại học ở Âu châu, là tôi thấy mừng rộn ràng, trước hết mừng cho Lê khi thấy thơ anh được các nhà văn học ngoại quốc chú ý tới, rồi mừng cho cộng đồng Việt mỗi ngày đạt được một bước tiến hơn lên, vì song song với mọi bộ môn kinh tế, khoa học, kinh doanh đủ mọi ngành chúng ta cũng phải tranh đua với các sắc dân khác về văn học và nghệ thuật.

(TOÀN PHONG -NGUYỄN XUÂN VINH - Đao Pháp Du Tử Lê Trong Thơ Văn) 

Rồi một ngày, đời con sẽ hỏi đời bố “tiến về Thành phố thân yêu đạp trên xác thù” là sao hở cha? Tôi nói. Thì từ hồi Trịnh – Nguyễn phân tranh, da vàng toàn đánh da vàng! Dân mình toàn đánh dân mình. Nên đất nước mình không phát triển được. Chỉ e là thằng con không hỏi câu đó, nó quên luôn lịch sử. Nên tôi nói: Chừng nào tiếng nói mình còn, chữ viết mình còn, nghĩa là dân tộc mình chưa bị “xóa sổ” trên bản đồ thế giới! Mà con đừng nói chuyện chính trị ở đây(!). Lo học đi! Đợi nó lớn khôn chút chút, tôi sẽ dẫn câu của ông Plato, triết gia cổ Hy Lạp: “One of the penalties for refusing to participate in politics is that you end up being governed by your inferiors” (Một trong những sự trừng phạt cho việc từ chối tham gia vào các vấn đề chính trị là quí vị sẽ đi tới một kết cục bị cai trị bởi những kẻ hạ đẳng hơn mình) 

Và tôi tỉnh giấc mơ hoang… 

Có lần nói về “sách cũ”, tôi đã viết: “Tôi sẽ cám ơn họ, các vị tiền bối, nếu có dịp...” Thật sự, những gì tôi viết ra cũng chỉ là nhỏ nhoi, gọi là mình biết. Dù sao cứ coi như tấm lòng của kẻ hậu sinh, tập tành viết lách, gởi đến thế hệ đàn anh của mình… 

Nếu không, cứ vài ngày, ở mục “Tin văn học nghệ thuật” lại đưa tin: có một vị tiền bối nữa đã ra đi. Họ đã về cõi vĩnh hằng!... 

TÀN CHIẾN CUỘC.
(T3/2016)

 

Ý kiến bạn đọc
10 Tháng Mười 20218:21 CH
Khách
HAI TRƯỜNG HỢP NÂNG BI CỦA NHÀ VĂN


Nâng Bi Vì … Sợ

Trong hôm ra mắt ban chấp hành mới, bế mạc đại hội (HNV lần thứ 3, 1983) (1), trước màn ảnh nhỏ, khán giả cả nước được nghe Nguyễn Đình Thi tuyên bố: “Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”.

Câu nói của ông Thi đã được bà con ta ghi nhớ. Nhiều nhà văn phẫn nộ. Họ cảm thấy nhục nhã vì người đứng đầu tổ chức của họ đã công khai hạ thấp nhân phẩm của “Những Kỹ Sư Tâm Hồn Việt Nam”.

Một anh bạn tôi (theo lời kể của Bùi Minh Quốc) bên ngành giáo dục, gần chợ Bắc Qua kể với tôi rằng, có một cô gái buôn gà ghé sang nhà anh xem nhờ TiVi (buổi) tường thuật lễ bế mạc Đại Hội Hội Nhà Văn. Khi xem xong đoạn ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy cô gái hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm:

- Gớm, cậu đéo lào (nào) mà lịnh (nịnh) thế?

Nguyễn Đình Thi và một số nhà văn Việt Nam sống trong môi trường “lấp lánh ánh sáng của Đảng” đã thường hành xử như thế đó. (2)

Nâng Bi Vì … Thích Nâng Bi

Trong bài Tôi Đọc “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” Của Du Tử Lê, Và… (3) ở phần lời phi lộ ông Tàn Chiến Cuộc, tác giả bài bình thơ viết: “Viết tặng Nhà Thơ Du Tử Lê. Chỉ mình ông đọc, tôi cũng đủ thấy vui rồi.”

Nếu đây là thư riêng của ông TCC gởi cho DTL thì dù có “nâng”, có “bốc” đến đâu đi nữa cũng là chuyện của hai người với nhau, chẳng ai muốn – mà muốn cũng không có quyền - xía vào. Đàng này nó lại là lời phi lộ - xuất hiện một cách trang trọng dưới cái tựa của một bài bình thơ – nên tôi mới ngứa mắt, ngứa tay viết mấy lời bình phẩm.

Chắc người đọc đều nhận ra ngay đây là một câu “nâng bi tới bến” nhưng so với phát biểu của Nguyễn Đình Thi thì có một số điểm khác biệt.

1/ Môi trường xã hội khác:

Nguyễn Đình Thi phát biểu trong một môi trường xã hội có sức ép chính trị nặng nề nên cúi mặt nâng bi vì có nỗi sợ rất “người thường” - sợ an nguy cho bản thân, sợ mất ghế, mất nồi cơm ngon của gia đình. Ông Tàn Chiến Cuộc viết bài trên một trang mạng hải ngoại, lại viết về một đề tài thuần túy văn chương nên ông nâng bi không phải vì sợ mà vì … thích nâng bi.

2/ Đối tượng bị xúc phạm khác:

Phát biểu của Nguyễn Đình Thi làm một số đông nhà văn nhục nhã và phẫn nộ bởi vì ông - người đứng đầu Hội Nhà Văn – đã công khai hạ thấp nhân phẩm của họ. “Câu văn nâng bi” của ông Tàn Chiến cuộc chỉ hạ thấp nhân phẩm của chính ông chứ không ảnh hưởng đến những người cầm bút khác.

Có điều đối với người đọc thì đó lại là một câu rất bố láo và xỏ lá. “Tao viết chỉ cần một mình Du Tử Lê đọc cũng đủ thấy vui rồi. Còn chúng mày …” thì xin người đọc tự hiểu lấy.

Làm công việc bình thơ mà lại “nâng bi” chính tác giả bài thơ mình bình thì bài bình thơ của mình còn ra thể thống gì nữa.

Văn chương còn hiện hữu, còn tiếp tục sống được là nhờ có người đọc. Đã coi thường độc giả lại không hun đúc niềm tự hào, gìn giữ nhân phẩm của nhà văn như ông Tàn Chiến Cuộc thì không biết văn chương của ông rồi sẽ ra sao?.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

Blog phamnhibinhtho.blogspot.com



Chú Thích:

1/ Phần trong ngoặc đơn do PĐN tự thêm vào và chú thích (http://199.237.196.5/nguyenmanhtrinh/nguyenmanhtrinh0307.html)

2/ Cả đoạn được trích từ: Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn, Lý Hồng Xuân, Văn Nghệ (Cali), 2000, trang 59

3/ (http://www.dutule.com/a7365/tan-chien-cuoc-toi-doc-dem-nho-trang-sai-gon-cua-du-tu-le-va-)
28 Tháng Năm 20167:00 SA
Khách
Những bài viết độc đáo đến nỗi những tên lười viết như em cũng phải gõ vài chữ. Xin trân trọng cảm ơn các anh.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Sáu 20241:40 CH(Xem: 4936)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
31 Tháng Mười Hai 202310:10 SA(Xem: 1691)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
07 Tháng Mười Một 20233:47 CH(Xem: 2177)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
19 Tháng Mười 20231:33 CH(Xem: 2090)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
05 Tháng Mười 202312:00 SA(Xem: 23404)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
02 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 14871)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
23 Tháng Sáu 202310:46 SA(Xem: 2106)
Luận văn Thạc Sĩ/ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam của Vũ Thị Lê Duyên
04 Tháng Sáu 20232:03 CH(Xem: 2384)
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ.
30 Tháng Năm 20235:35 SA(Xem: 7890)
Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ.
10 Tháng Năm 20239:33 SA(Xem: 7590)
Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20769)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15743)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17379)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10069)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18484)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4936)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1691)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2177)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2090)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23404)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19930)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8737)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9756)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9171)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12132)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31666)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21455)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26443)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23889)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22681)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20783)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18873)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20031)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17614)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16733)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25701)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33027)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35537)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,