Chưa đầy 2 tháng sau cái chết của nhà thơ Hữu Loan (ngày 18 tháng 3 năm 2010,) văn giới Việt Nam trong và ngoài nước, lại nhận được tin buồn: Thành viên cuối cùng của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, nhà thơ Hoàng Cầm, đã từ trần tại Hà Nội ngày 6 tháng 5 năm vừa qua, hưởng thọ 88 tuổi. (1)
Khi nhận được tin bất ngờ này, T. nói, như vậy là chúng ta không còn cơ hội thực hiện điều mình muốn ít nhất, một lần nữa với anh Hoàng Cầm rồi!
Tôi hiểu T. nói gì.
Tôi nhớ lần chót, về Hà Nội, nhân có xe, chúng tôi gọi điện thoại, mời ông đi ăn tối. Ông nhận lời, hỏi ăn cái gì? Ở đâu? T. nói:
“Để anh chọn. Tụi này dân nhà quê, biết gì đâu mà chọn với lựa”
Tác giả “Lá Diêu Bông” nói:
“Mình đi ăn Chả cá Lã Vọng nhé. Anh chị về đây, đã đến đó ăn lần nào chưa?”
Tôi đáp, chưa và cũng từng nghĩ tới “Chả cá Lã Vọng” mà chưa có dịp. Ông bảo, vậy thì tốt quá vì tuy ở đây, nhưng đã lâu, quá lâu, ông cũng chưa có dịp trở lại. Ông hỏi thêm:
“Nếu tôi đi với hai người bạn nữa thì có trở ngại gì không?”
Câu trả lời dĩ nhiên là không. Trái lại.
Buổi tối, nhà thơ Hoàng Cầm và các bạn ông đi trước. Chúng tôi theo chân ông, dò dẫm từng bước lên chiếc cầu thang hẹp, ọp ẹp, khó đi. Chưa lên hết cầu thang, tiếng ồn, tiếng réo xèo xèo cùng mùi thơm và, khói từ trên gác ném xuống, như những khúc nhạc dạo đầu dành cho niềm hào hứng của chúng tôi - - Những người khách lần đầu tiên, đến “Chả cá Lã Vọng”…
Nhưng điều khiến tôi hào hứng hơn cả, là niềm vui lấp lánh trên gương mặt thông minh, nụ cười duyên dáng của tác giả “Bên Kia Sông Đuống.” Dù thời gian đã để lại nhiều nếp nhăn trên đó. Tựa nó muốn nhắc người thi sĩ nổi tiếng từ thời kháng chiến rằng, ông có là ai, nổi tiếng, đào hoa đến đâu thì, cũng vẫn là một thứ con tin bất lực trong bàn tay thô nhám, sần sùi của thời gian.
Suốt bữa tối, thi sĩ Hoàng Cầm là người nói say sưa nhất. Khi ông nhắc chuyện kỷ niệm thời kháng chiến với những người bạn văn nghệ của ông. Khi ông hỏi chúng tôi, sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi ở xứ người… Tuy nhiên, tới lúc ra về, ông bỗng trở nên trầm mặc. Ít nói. Tôi đồ chừng ông mệt hoặc đã tới…”cữ”. Nhưng, không phải!
Trước khi bước xuống xe, ông cầm tay tôi, rung rung nhiều lần, hỏi:
“Liệu chúng ta còn có dịp gặp lại nhau?”
Tôi nói:
“Chắc chắn còn nhiều lần nữa anh ạ. Giọng nói của anh còn tốt quá mà. Người ta bảo ‘nhất thanh nhì sắc mà anh!”
Trong xe, ông vẫn bịn rịn, nắm chặt tay tôi, lắc đầu, vắn tắt:
“Hy vọng thôi! Khó lắm đấy!”
Trên đường về khách sạn, T. và tôi cùng im lặng. Tựa mỗi đứa không thể tự trả lời cho mình, những câu hỏi tế nhị, cất lên từ linh cảm mơ hồ, đầy nghi hoặc.
Cuối cùng, trước khi ngủ, T. bảo:
“Tương lai, nếu còn có dịp trở lại Hà Nội, anh nhớ mời anh Hoàng Cầm trở lại Chả cá Lã Vọng nha anh.”
Tôi nói:
“Đương nhiên.”
Nhưng tin thi sĩ Hoàng Cầm đã “đi xa” khiến cho sự “đương nhiên” của tôi, trở thành vô nghĩa.
Dù Chả cá Lã Vọng vẫn còn đó. Đầu con ngõ dẫn vào ngôi nhà hẹp, 4 tầng vẫn còn đó - - Riêng mẩu bìa cứng dán đầu ngõ, chỉ có hai chữ “Hoàng Cầm” có thể không còn… Mọi thứ đã đổi thay. Những thay đổi ở cấp số nhân, theo tôi, với những người đã nhiều tuổi, lại còn có một cuộc sống bão tố như cuộc sống của thi sĩ Hoàng Cầm.
Trước sau gì, cuộc đời cũng sẽ lặng lẽ khép lại từng chương sách riêng của mỗi đời người. Cái còn chăng là những con chữ mang tên Hoàng Cầm, đã và sẽ tìm được cho nó một đời sống khác. Một đời sống mênh mông, thênh thang giữa vĩnh hằng đất nước.
.
Là một trong những kiện tướng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, mấy năm cuối đời, nhà thơ Hoàng Cầm bị bại liệt sau một tai nạn té ngã. Tất cả mọi sinh hoạt của ông diễn ra trong một căn phòng nhỏ, trên tầng lầu thứ tư, ngôi nhà nằm sâu một con ngõ đường Lý Quốc Sư, Hà Nội.
Tùy trình độ, vị trí, cảm quan của mỗi người, cũng như tùy hoàn cảnh, tâm cảnh riêng mà, ta có những đánh giá, kết luận về sự nghiệp thi ca, nhân cách đời thường của tác giả tài hoa này.
Dù vậy, về phương diện sáng tác, người ta vẫn có một số tiêu chí căn bản, để xét định giá trị một tác phẩm. Một sự nghiệp.
Những tiêu chí thông thường, phổ cập nhất là sự quán chiếu trên hai yếu tố: Ý nghĩa hay “thông điệp” và, cấu trúc xương sườn của tác phẩm ấy.
Ở cả hai lãnh vực vừa kể, yếu tố độ sâu rung cảm và, tính mới lạ, là những thước đo nhiều thuyết phục nhất.
Một cách tổng quát, nhà thơ Hoàng Cầm là một tài năng đặc biệt của thi ca Việt Nam thời cận đại. Thơ của ông có được đỉnh cao chói lòa và, độ sâu truyền bá.
Trước nhất, ngay tự bước khởi nghiệp thi ca của mình, với những vở kịch thơ như “Hận Nam Quan,” rồi “Kiều Loan”, phổ biến từ những năm giữa thập niên 1940, Hoàng Cầm không những đã xác lập cho mình, vị trí hàng đầu ở thể loại kịch thơ; mà, ông còn đem những vòng nguyệt quế, những vương miện về cho thể loại thơ đó nữa.
Kế đến, tầm cỡ hay kích thước lớn lao của thơ Hoàng Cầm, nằm nơi những bài thơ dài hơi. Những trường khúc đòi hỏi tác giả những lao tác tinh thần và trí tuệ bền bỉ, như những tập-đại-thành hay, tựa những cánh chim đủ năng lực soải theo chiều dài chảy xiết và, cuộn sóng những trường giang.
Tôi muốn nói tới những bài thơ trên dưới một trăm câu của ông. Những bài thơ như “Đêm Liên Hoan”, “Bên Kia Sông Đuống...”
Tôi muốn nói, những bài thơ của ông, tự thân, có được những trái tim lớn như trái tim Việt nam, thời đầu cuộc cách mạng kháng chiến chống Pháp.
Tôi muốn nói, những bài thơ của ông, tự thân có cùng nhịp thở bập bùng lao tới của toàn dân: Sự đồng lòng xô sập bức tường nô lệ, trải máu mình trên từng thước đường giải phóng quê hương.
Nói thế, không có nghĩa, thi ca cận đại, hay thời đầu của cuộc kháng chiến bi tráng kia, không có những bài thơ yêu nước khác.
Nhưng, sự khác biệt ở chỗ cường độ rung động, nhịp đập chân thiết tới nghẹn ngào của tình yêu ấy…
Ở điểm này, Hoàng Cầm không nói về tình yêu nước mà, thơ ông chính là tình yêu đất nước. Đó là một tình yêu vàng ròng. Thuần khiết.
Chính tính vàng ròng, thuần kiết, chân thiết tới nghẹn ngào đó, của thơ Hoàng cầm mà thơ ông trở thành những bó đuốc nồng nàn, cháy rát một niềm tin.
Hoặc như những liều thuốc bổ cực mạnh, gia tăng nhiệt lượng yêu nước, thương nòi của thanh thiếu niên Việt Nam thuở ấy.
Những người tham gia kháng chiến giai đoạn đầu của cuộc tranh đấu dành độc lập cho Việt Nam kể rằng, mỗi khi bài “Đêm Liên Han” của Hoàng Cầm được trình diễn trên sân khấu dã chiến ngoài trời, trong rừng sâu, thì cả ngàn người tham dự giống như nhập đồng. Họ, những người dự khán cuộc đọc thơ, trở thành hiện thân của chính bài thơ.
Họ, những người dự khán cuộc đọc thơ, đã cụ thể hóa ý nghĩa của bài thơ, ngay tự những câu thơ mở đầu bài thơ:
“Đêm Liên Hoan! Trời ơi, đêm Liên Hoan!
Đầu người nhấp nhô như sóng biển ngang tàng
Ta muốn thét vỡ toang lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Việt Chính Đoàn.
- Anh từ phương nào lại?
- Tôi từ đất dấy lên…”
Câu hỏi “anh từ phương nào lại”? không là câu hỏi cho một người. Câu hỏi đó, cho mọi người.
Câu trả lời “tôi từ đất dấy lên”, không là câu trả lời của một người. Mà đó là câu trả lời của muôn người (như một).
Cũng vậy. Những câu hỏi và những câu trả lời kế tiếp:
“- Anh từ đâu đến đó?
- Tôi đi giết giặc đây”
Rồi:
“-Gia đình anh ở đâu?
- Mẹ hiền tôi đã khuất
Nhưng trước khi nhắm mắt
Mẹ mừng cho đàn con…”
Rồi nữa:
“-Anh giết bao nhiêu giặc mà mắt anh long lanh?
- Mời anh lên rừng xanh
Hỏi những cành lá biếc
(…)
“- Trong tiểu đội anh, những ai còn ai mất?
- Không, không ai còn ai mất!
Ai cũng chết mà thôi!
Kẻ trước người sau lao vào giặc
Giữ vững ngàn thu một giống nòi”…
(Hoàng Cầm, “Đêm Liên Hoan")
Tất cả vẫn là những câu hỏi, không cho một mà, hết thẩy mọi người. Tất cả vẫn là những câu trả lời, không của một mà, hết thẩy dân tộc.
Cả bài thơ được xây dựng trên một cuộc đối thoại phương cương, không chỉ giữa hai nhân vật mà, giữa nhiều nhân vật. Những nhân vật cùng đi ngược cơn bão nô lệ, để làm nên những trang sử độc lập mới.
Nhìn lại lịch sử thi ca Việt Nam từ thời thơ chữ Hán, chữ Nôm tới thời thơ Tiền chiến, nếu không kể những tiểu thuyết văn xuôi (mà chúng ta quen gọi là tác phẩm cổ điển văn vần) thì, chúng ta có rất ít hình thái “đối thoại” trong thơ.
Ở bài thơ này, về phương diện cấu trúc, loạt “đối thoại” tôi vừa nêu ra, là xương sống hay, cột chống nâng, dựng toàn bộ bài thơ, ngẩng mặt, ngạo nghễ đứng lên.
Trong một bài thơ khác, bài “Lá Diêu Bông”, tác giả “Đêm Liên Hoan” cũng sử dụng hình thái “đối thoại” vốn là điểm mạnh của ông.
Ở bài thơ này, mặc dù chúng không giữ vai trò “xương sống” hay “cột chống” nhưng, vẫn cần thiết, như những đáp số cụ thể, cho những ẩn số vốn huyễn tưởng là chân dung của bài thơ ấy.
(Có người ghi nhận rằng, nhà thơ Hoàng Cầm viết bài “Lá Diêu Bông” từ năm 1959, nhưng mãi nhiều năm sau, những người yêu thơ ông mới biết tới, nhờ sự “hiểu lầm” rồi dẫn tới việc phổ nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến…)
Vỏn vẹn có 25 câu, không là những đối thoại trực tiếp; nhưng qua những cụm từ ám thị, như: “Chị bảo - Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông…” Hay: “Chị chau mày - Đâu phải Lá Diêu Bông…” Hoặc nữa: “Chị lắc đầu - Trông nắng vãn bên sông” (2)… thì, hình thái đối thoại gián cách này, vẫn cho thấy phần nào đặc tính thơ Hoàng Cầm vậy.
Tóm lại, với cá nhân tôi, bài “Đêm Liên Hoan” của Hoàng Cầm, đã san bằng được khoảng cách giữa độc giả với chữ, nghĩa, tư tưởng… của tác giả.
Cũng như bài “Bên Kia Sông Đuống”, hồn tính thi ca Hoàng Cầm nơi bài thơ vừa kể, tuồng đã nối, nhập được hồn tính thiêng liêng giữa người chết vào kẻ sống…
Nên, nó như ngọn cờ chung. Không đảng phái. Không chủ nghĩa. Không sắc mầu xanh, đỏ. Nó mang tính “duy nhất một ngọn cờ tổ quốc”!
Buớc qua lãnh vực truyền bá thi ca thì chúng ta đừng quên rằng, tới cuối thập 1940, trong vùng kháng chiến, sự phổ biến một bài thơ là điều thậm khó khăn. Nó càng khó khăn hơn nữa, khi đó lại là những bài thơ dài hàng trăm câu!
Vậy mà, thơ Hoàng Cầm ở giai đoạn này, vẫn được những người đi kháng chiến chép tay. Và thuộc lòng.
Ở giai đoạn này, người ta cũng ghi nhận được sự kiện tương tự với một số thơ của Quang Dũng, Hữu Loan…
Nhưng, nếu thơ của Quang Dũng mang nhiều tâm sự cá nhân liên quan tới sinh quán hoặc Hà Nội, nơi ông vừa từ bỏ; và Hữu Loan với “Mầu Tím Hoa Sim,” là một chuyện tình cảm động, đau đáu nỗi niềm tử biệt, sinh ly thì, “Đêm Liên Hoan” hay “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm, lại là những bài thơ được lóng sạch tính cá nhân. Nó không có một chút nhân thân Hoàng Cầm, cá biệt.
Tôi cho đó là hai bài thơ tiêu biểu nhất. Cụ thể nhất. Trực tiếp đi tới đầu nguồn ý nghĩa của cuộc lên đường làm thành lịch sử của lớp thanh, thiếu niên Việt Nam thời chống Pháp, cận đại.
Chính họ, chính những con người, những nhân vật “trong” “Đêm Liên Hoan”, “ở” “Bên Kia Sông Đuống” đã làm nên lịch sử.
Do đó, là tác giả, Hoàng Cầm cũng chính là mặt bên kia của đồng tiền lịch sử ấy.
Hôm nay, tác giả đã mất. Hoàng Cầm đã đi xa. Nhưng “Đêm Liên Hoan”, “Bên Kia Sông Đuống...” của ông, sẽ ở lại với lịch sử, vì tính:
“Duy nhất một ngọn cờ Tổ Quốc”!
(Calf. May 10 2010.)
_________
Chú thích:
(1), (2) Nguồn Wikipedia – Mở.