Tiểu sử: Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, mất ngày 18 tháng 4 năm 1998 tại California. Ông còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng Sáu trời mưa", v.v.
Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.
Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước, sống tại Sài Gòn.
Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.
Ở Sài Gòn, Nguyên Sa dạy triết tại trường Trung học Chu Văn An, đồng thời mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài.
Ông cũng có thời gian dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.
Ngoài hai trường nhà, ông còn cộng tác với nhiều trường khác ở Sài Gòn như: Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Nguyễn Thượng Hiền...
Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.
Qua Hoa Kỳ, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Đời, trung tâm băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời.
Nguyên Sa, Thơ Tình Không Tuổi Tác
* Nguyễn Xuân Hoàng
Người làm thơ [tình] may mắn hơn chúng ta, ông không biết tới sự già nua, ông luôn luôn trẻ. Nhà văn Huỳnh Phan Anh trong một bài viết trên tạp chí Văn, số Thương Nhớ Đinh Hùng cách nay trên 40 năm [1 tháng Mười, 1967] đã viết như thế. Tôi muốn mượn lại ý trên của ông để nói về Nguyên Sa, tác giả những bài thơ tình đã làm thành kỷ niệm cho mỗi chúng ta, nhờ nó chúng ta nhận ra cuộc sống đáng sống biết bao.
Vâng, thơ Nguyên Sa không tuổi. Thơ ông trẻ trung, tươi mát hồn nhiên. Thấp thoáng đằng sau những dòng lục bát, hay những dòng chữ tự do, người đọc nhìn ra thơ tình của ông lấp lánh những nụ cười. Người ta không thấy nước mắt trong những lời tình tự của thơ ông.
Một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay...
đã đánh dấu mốc trong lịch sử thi ca của văn học Việt Nam, và những người yêu thơ chúng ta chắc sẽ có lúc bật cười trước một so sánh hoàn toàn mới lạ trong ý nghĩ của một người làm thơ rất hiện đại.
Thế giới có bao nhiêu người làm thơ tình, liệu có mấy người viết được những dòng thơ trác tuyệt như Nguyên Sa.
Đã hết rồi đôi mắt bồ câu, suối tóc dài tha thướt,… hết luôn những nàng thiếu nữ đẹp như trăng, mắt xanh là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng. Còn đâu nữa cái thời thơ thì mộng như suốt đời mộng ảo, tình thì buồn như tất cả chia ly…
Người làm thơ ngày nay làm gì còn chuyện em là gái trong khung cửa và anh là trai khắp bốn phương trời… Nếu người tình trong thơ Đinh Hùng mang vẻ đẹp của một người nữ ma quái, siêu nhiên và thoát tục, như kiểu:
Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lối ta về
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ
thì trong thơ Nguyên Sa, người ta thấy người nữ của ông cụ thể và gần gũi với chúng ta biết là bao. Đó là những con người trần tục, hiện thực và đời thường, như trong bài lục bát mang tên Đầu Gối Cao:
Em nằm coi bộ phim Tầu
Đĩa cơm nằm kế bên đầu gối cao,
Ăn xong hút thuốc phì phào
Trên chăn dưới gối chỗ nào cũng hôi.
Sớm mai em bỏ về rồi,
Anh châm điếu thuốc anh mồi bài thơ.
Bằng những chữ rất “đời thường” xây trên những hình ảnh “bình dị” thơ Nguyên Sa nhắc cho người đọc nhớ rằng người tình của chúng ta trước hết là một con người bình thường như mọi con người bình thường trên thế gian: cũng ăn, uống, nói năng, cũng đi đứng và hít thở và sinh hoạt như chúng ta.
Hãy đọc lại một bài lục bát mang tựa là Âm Nhạc của ông:
Em thơm mùi bưởi da vàng
Ngồi trên đĩa nhạc âm toàn Viễn Tây,
Quần jeans một miếng thịt đầy
Anh ăn nhạc sống mấy ngày hoang mang
Sáng ra nụ cải bông vàng
Nhớ em thay áo trên giường đầy hoa.
Thơ Nguyên Sa hiện đại hơn nhiều bài thơ “bùa chú” đang được mùa ở đâu đó hiện nay rất nhiều. Có người tưởng rằng hễ cứ vẽ rồng vẽ rắn, giọt nước mắt rơi rơi theo từng dòng, mũi tên bay cắm phập vào tim, chữ chạy vòng theo hình ly cà phê cộng với một thứ chữ nghĩa tối tăm là bài thơ nhanh chóng trở thành tối tân, siêu thực và hiện đại.
Phải chăng cái mới trong thơ hôm nay chỉ còn là vấn đề kỹ thuật?
Đừng làm thơ theo lối mòn xưa nữa, phải xóa bỏ những khuôn thước cũ, phải làm mới thơ, phải biết đứng dậy và nói bằng một ngôn ngữ thơ khác, một kiến trúc thơ khác. Nhưng để tìm cho thơ một ngôn ngữ mới để nói, một cấu trúc mới để thể hiện, có vẻ như giờ đây người ta đang lập lại những cái không mới! Có phải nói theo thời thượng đó là “nỗi buồn trong thơ hôm nay”?
Chữ nghĩa trong thơ Nguyên Sa càng về sau càng đơn giản, hình ảnh trong thơ ông càng về sau càng tân kỳ. Sự giản dị của chữ nghĩa, cách ngắt câu những bài tự do hay cách chuyển dòng những câu lục bát của thơ Nguyên Sa cho thấy ông không hề đi trên con đường mòn cũ. Thơ ông về sau càng sâu sắc.
Hình như những bài thơ đơn giản nhất bao giờ cũng là những bài thơ khó viết nhất, và kỳ lạ thay đó thường là những bài thơ tới nhất, hay nhất, dễ đi vào trái tim và trí nhớ chúng ta nhất.
Cũng dễ hiểu thôi, luật bù trừ đôi lúc vẫn còn giá trị khi cần giải thích một vài hiện tượng xã hội và văn học.
Có nhiều điều để nói về thi sĩ Nguyên Sa và thơ Nguyên Sa. Xin cho phép tôi được phát biểu một suy nghĩ nhỏ và rất chủ quan về thơ không tuổi của ông.
Nguyễn-Xuân Hoàng