“Quê hương thu nhỏ” - - Là căn nhà êm đềm, yên tĩnh, chúng tôi đã ở trên hai mươi năm qua. Đó cũng là nơi T. đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực khi còn rất trẻ, để biến nơi chốn mà chị Thái Thanh mỗi lần đi chợ Đại Hàn, nhân tiện ghé chơi, đã phải dùng hai chữ “hoang dã”… Trước khi nó trở thành “mini hoa-viên” với rất nhiều khóm hoa, cụm cỏ lạ lẫm, không tên, từ trong ra ngoài. Và, những cây ăn trái tiêu biểu cho đất nước, bên kia biển.
Nhưng, từ hơn một năm qua, “Quê hương thu nhỏ” của chúng tôi đã trải qua một biến động lớn: Sự hiện diện của hai thành viên song sinh, tý hon - - Một chờ đợi mỏi mòn nhiều năm của T.
Những ngày, tháng đầu, khi mới được “rước” từ nhà thương về, hai thành viên tý hon của chúng tôi dường “ý thức” (hay còn “ngỡ ngàng”?) về sự có mặt của mình trong cái “mini hoa-viên” đầy cây, cỏ kia, nên hai thành viên không bảo nhau, cùng tôn trọng tuyệt đối sự yên tĩnh của ngôi nhà. Hai thành viên “yên tĩnh” tới mức, có lần tôi nói với T. rằng, hình như hàng xóm không hề biết, họ đã có thêm hai “láng giềng” mới. T. bảo, chưa đâu. “Cứ chờ đi. Vài tháng nữa thôi, hàng xóm của chúng ta sẽ… biết đá biết vàng!”
Đúng thế. Lời T. nói như “thần nói”. Khi hai thành viên mới trong ngôi nhà êm đềm của chúng tôi, bước tới tháng thứ ba, thứ tư, tức giai đoạn biết lẫy, biết cười… Thì đó cũng là lúc “Các Ôn” (chữ tôi dùng cho hai thành viên mới này), bắt đầu “khua động” cái không gian những tưởng vĩnh viễn tĩnh mịch của chúng tôi, bằng những trận “hợp đồng tác chiến” với tiếng khóc ít khi ở giọng trầm - - Mà thường vượt trên… một bát độ!!! (Giống như niềm hãnh diện và, cũng là nỗi khổ tâm của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trước khi “fade out” ca khúc “Đêm, nhớ trăng Saigon”, ông đã dùng quãng cách cao hơn 8 bậc, khiến nhiều ca sĩ dở khóc dở cười, khi được mời hay, chọn hát ca khúc này. Tôi không biết, khi sáng tác, tác giả “Ly rượu mừng” có nghĩ tới nữ danh ca Thái Thanh, thời gian ấy bà vẫn còn ở VN?)
Giai đoạn bắt đầu thành tích “quậy tới bến” nơi “quê hương thu nhỏ” của chúng tôi, cũng là lúc mỗi “ôn”, căn cứ theo cá tính đã lờ mờ hiện ra mà T. đặt cho hai “ôn” nhiều nick-name khác nhau, ngoài tên gọi (cũng là nick name thôi) chính thức là “Rock and Roll” do Lâm Quỳnh-Hân chọn.
Những “quý danh” đầu tiên, T. đặt cho Rock là “Quách Tĩnh” vì vẻ thật thà, chất phác rất “ruộng” của Rock… Rồi “trôi theo dòng đời”, Rock lần lượt có thêm nhiều “quý danh” khác, như, “Thằng khùng”, khi Rock bắt đầu biết làm… xấu (Mà xấu… thiệt. Xấu… can không nổi).
Gần đây, giữa lúc được mẹ cho ăn chiều, Rock làm xấu cho ông bà ngoại cười, với tóc phía trước lưa thưa, mắt nhắm, mặt nhăn, tôi buột miệng nói với T. “Sao trông ‘Thằng khùng’ giống Donald Trump quá chừng T. ơi…” Tôi không biết, nếu hiểu được so sánh ấy, “Thằng khùng” của chúng tôi sẽ buồn hay vui?”
Riêng Roll, gọi tắt là “Ro” (không liên quan gì đến “Ro Béo”, cầu thủ túc cầu nổi tiếng thế giới Ronaldo của Real Madrid) thì, vì sở hữu vẻ đẹp thanh tú nhưng lại có… “master” cười… bằng mắt, nên nick name đầu tiên của Ro., được T. đặt là “Con Điêu Thuyền” - - Phần tôi, tôi gọi đó là “Nụ cười dân cử”. “Con Điêu Thuyền” của T. còn có biệt tài đang ở “cao trào” khóc ngất, tưởng chừng không cách gì ngưng được thì, “Điêu Thuyền” có thể nhoẻn miệng, cười toe, giống như nơi “Điêu Thuyền” có một cái nút bí ẩn. Nó có thể on/ off bất cứ lúc nào mà không cần “thắng từ xa”, như một giai đoạn “chuyển tiếp” cần thiết…
Sau nick name “Điêu Tuyền”, Ro. được ông ngoại đặt cho nick name mới là “Con Méng”!
Tuy cùng sinh một ngày, giờ với Rock, nhưng “con Méng” của T. chỉ thua anh Rock hai điểm: Thấp và nhẹ cân hơn anh. Ngoài ra, ở tất cả mọi lãnh vực khác, “Méng” đều bỏ xa anh cả… dặm trường. Thí dụ, khi “Méng” đã lật thì anh Rock vẫn không sao ngóc cái đầu bự lên được. Khi “Méng” biết đi và, lạch bạch chạy thì, anh Rock vẫn còn run sợ, khi tập đứng. Hoặc nữa, giữa lúc “Thằng Khùng” còn ngây ngây, ngô ngô thì “Méng” đã biết… mắc cỡ. Biết xấu hổ dấu mặt vào lòng bà ngoại, mỗi lần cao hứng… “dọa” ông ngoại bằng cái mặt “hình sự”. Tới khi ông ngoại không nhịn được cười thì “Méng” lại dấu mặt đi, tựa như “ân hận” hoặc muốn nói, mình vô can trước sự cười đến thở không nổi của ông ngoại.
Gần đây, “con Méng” lại có một nick name khác. Nick-name “khủng bố”. Nick name mới này được dùng cho cả hai, vì theo tôi, để khỏi bị mang tiếng là “kỳ thị giới tính”!?!
Tôi đặt nick name “khủng bố” thay vì “khủng long” cho hai “ôn” của chúng tôi vì, thành tích phá hoại của hai “ôn” đã gia tăng ở mức độ… “đáng quan ngại” (theo cách nói nhẹ nhàng của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp!!!) Tình cảnh “nguy hiểm” này khiến chúng tôi phải chia nhau, canh chừng từng “bước đi” của hai tên “khủng bố nhi đồng”này. Nếu không kể cô Mễ là Baby Sitter của Rock & Roll, thì người cực nhất chính là T. Bất cứ thời điểm nào, dù nhà có người lớn, T. cũng không rời mắt canh chừng hai tên… “khủng bố”! Dù cho tất cả tủ giả của chúng tôi, đã được… khóa bằng đủ các loại khóa. Từ tự chế với dây thun, tới khóa nylon.
Ngày thôi nôi của “quân khủng bố”, tháng 12 năm ngoái, tôi nhớ trên sàn nhà, Lâm Quỳnh-Hân và, các bạn bày hàng chục thứ linh tinh, đủ loại. Từ muỗng nĩa, tới tã lót, đồ chơi lớn, bé, xe cộ cũ, mới, súng ống, máy ảnh, máy quay phim, búp bê, đàn địch… Thậm chí cả credit card lẫn tiền thật… Vậy mà sau một hồi “cân nhắc”, Rock lại nhặt cây cọ và hộp bút chì màu!!!
Nơi căn nhà chúng tôi đang ở, T. treo rất nhiều tranh của bằng hữu. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là tranh Duy Thanh. Tôi e có thể Rock bị ấn tượng về màu đỏ mạnh mẽ, quyết liệt của ông Duy Thanh chăng?
Ro. làm tôi lo ngại hơn, khi chọn cho mình cuốn thơ (loại bỏ túi) của Hồ Dzếnh. Tôi không ngạc nhiên, bất ngờ như nhiều người hiện diện vì, bố mẹ Ro., đã rất sớm, gắn bó với lãnh vực truyền thông. Tôi nghĩ, có dễ từ trong bụng mẹ, Ro. đã nhiều lần được nghe ca khúc “Chiều” (thơ Hồ Dzếnh – nhạc Dương Thiệu Tước) qua chương trình “Nhạc yêu cầu” do mẹ phụ trách… nên sớm bị cõi giới thơ của ông này thâm nhập?
Tôi sợ, mai mốt, lớn lên, để thể hiện tinh thần “hoài cổ” hay, tinh thần nhớ về quê hương nguyên gốc, mơ hồ bên kia biển, chiều chiều Ro. chơi một cối thuốc… lào, cho đúng với câu thơ “nhớ nhà châm điếu thuốc/ khói buồn bay lên cây” của ông Hồ Dzếnh thì, các tao nhân, mặc khách to gan cách mấy, cũng chỉ có nước bỏ chạy thục mạng mà thôi.
Càng lớn, Rock & Ro. càng quấn quýt bà ngoại, như thể chỉ có bà ngoại mới đúng là “bạn tri kỷ”, là “buddy” của chúng . Mặc dù T. rất cứng rắn, vạch rõ “giới tuyến”: Cái gì quân “khủng bố” được phép chơi và cái gì cấm kỵ.
Ngược lại, bất cứ điều gì quân “khủng bố” muốn, tôi cũng chìu. Khiến có lần T. cảnh cáo tôi rằng, ở nhà này, con không hư tại mẹ, cháu không hư tại bà mà là tại ông ngoại!
Để tránh nguy cơ hai “khủng bố” lớn lên, có thể bị “hư” vì tôi, tôi đã phải cố nhớ tất cả những luật lệ khe khắt mà T. đặt ra, cho riêng tôi!!!
Một lần, chở T. về từ chỗ làm, trên xe T. nói với tôi:
“… Khi chạm tay vào thịt da hai đứa nhỏ, T. thấy như mình chạm được thương yêu, hạnh phúc kỳ diệu vậy, anh ạ…”.
T. kể, từ ngày nhà mình có thêm Rock & Ro, thời gian mỗi ngày của T. vẫn chỉ có 24 tiếng. Một ngày của T. vẫn bắt đầu từ 4 hoặc 5 giờ sáng và, không thể chấm dứt trễ hơn 10 giờ tối (để hôm sau còn đi làm). Nhưng từ khi có hai tên “Khủng bố”, nhiều lúc T. không tìm thấy khe hở nào để lo những chuyện lặt vặt cần thiết cho bản thân mình nữa. Vì thế, gần đây, T. nói, trong ngày, T. có hai thời điểm hạnh phúc nhất là, lúc rời khỏi nhà để đến sở làm và, khi lên giường ngủ!
Thật tội nghiệp khi T. bảo, T. cám ơn người nghĩ ra cái giường biết là chừng nào. Không có nó, T. sẽ không biết làm sao có thể… “tồn tại” được!?!
Tiếng vậy, nếu thời gian của một ngày, có là 36 hay 48 tiếng thì sẽ vẫn không đủ cho T. Vì, ưu tiên một trong đời sống của T., hiện tại, chính là Rock & Ro. vậy.
Bây giờ, đi đâu, làm gì, T. cũng mau mau, chóng chóng về nhà với hai tên “Khủng bố nhí” của T.
Mẹ Orchid của hai đứa đã hăm he rằng, sau này không dạy ca dao, tục ngữ gì cả, chỉ dạy đọc thơ của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê... Phần tôi, tôi hình dung, ngày nào đó một trong hai đứa đọc câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”. Hình dung quân “khủng bố” tập đọc thơ của ông ngoại, với cái giọng ngọng líu, ngọng lo… Tôi nghe trong tôi, dấy lên một niềm vui, khó tả.
Tuy nhiên, ngay sau đó, tôi lại phân vân tự hỏi, không biết mình có còn sống tới cái ngày xa xôi ấy?!?
Cũng như tôi không thể biết, khi nào, bao giờ, tôi sẽ phải rời bỏ cái “quê hương thu nhỏ” này?!?
Du Tử Lê
(Mar. 2016)