Nhà thơ Hiếu Hiếu (Tranh HieuHieu)
Nhìn lại non một thế kỷ, người ta thấy, cây bài chủ, cây ách chuồn của thi ca tiền chiến là nỗ lực tả tình, tả cảnh, khai thác tâm lý… để người đọc thấy có mình đâu đó, trong những câu thơ. Nhờ thế, thơ dễ dàng ở lại được trong ký ức người đọc (?) Nói cách khác, đó là những trang thơ đẹp từ ý tưởng, tới hình ảnh… Chúng như những ngôi nhà đã được xây cất hoàn chỉnh, kín kẽ. Chúng sớm được định hình trên khung, nền cảm xúc. Thí dụ mấy câu thơ quen thuộc của Xuân Diệu:
“Yêu
là chết ở trong lòng một ít
Vì
mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho
rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người
ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết...”
(trích “Yêu”)
Hay Huy Cận, thấm thía nỗi cô quạnh với:
“Cơn
gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa
nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu
chăn không ấm người nằm một
Thương
bạn chiều hôm, sầu gối tay.”
(Trích “Vạn lý tình”)
Tôi nghĩ, người đọc, ít ai không rung động với những câu thơ đẹp tới nao lòng ấy. Hơn thế, chúng như những định-đề (định-lý không cần chứng minh) Và, ảnh hưởng của xu hướng đem sự quan sát tinh nhậy, khai thác tâm lý tầng sâu vào trong thơ, vẫn còn chỗ đứng đáng kể trong hiện tại.
Nhưng vì đời sống vốn là dòng sông miệt mài, chảy tới, nên nhiều xu hướng khác, đã đến với thi ca Việt Nam hôm nay. Một trong những xu hướng nổi bật, là xu hướng lãnh đạm - - Hiểu theo nghĩa cảm xúc bị giản lược hoặc, khai trừ, triệt tiêu - - Rập theo bước đi của mặt bằng thi ca thế giới. Hoặc hướng tới tương lai, xa?
Trong số những người làm thơ hôm nay, cho thấy rõ nét nhất, nỗ lực khu trừ yếu tố tâm lý; tựa thả, ngâm những dòng thơ của mình vào độ lạnh của thời tiết đóng băng, tôi nghĩ, có Hiếu Hiếu.
Hiếu Hiếu làm thơ không nhiều. Nhưng mỗi bài thơ của ông, tựa một cảnh-quan không bị chi phối bởi tính tiền-định-hình như đa số dòng thơ tiền chiến. Tôi muốn gọi đó là tiếng thơ “Mở”, đối nghịch với xu hướng thơ… “Khép” (đã định hình) có từ xa xưa.
Là ghi nhận của mình về dòng sông, thay vì chảy theo “Tràng giang” một trong những bài thơ kinh điển của Huy Cận:
“Sóng
gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con
thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền
về nước lại sầu trăm ngả
Củi
một cành khô lạc mấy dòng”.
Thì, Hiếu Hiếu, với bài thơ tựa đề “Dòng sông chỗ khúc quẹo khuất”, viết:
“ở
dòng sông có những chuyến tàu đi rồi trở về không
chẳng
biết thuyền trưởng đã mang về những gì
thuyền
ướt nhẹp
mưa”
(1)
Khổ thơ kế tiếp cũng của bài thơ vừa kể, Hiếu Hiếu ghi lại một phần hình ảnh đường phố… Nhưng đó là đường phố trong cái nhìn, cảm nhận dửng dưng của ông:
“ở
vệ hè có chiếc bàn dài chen giữa những chiếc ghế
chủ
quán đã pha những ly cà phê tuyệt vời
những
khách thưởng thức xong
đã
ra đi bỏ lại những chiếc ghế trống không
bóng
hình…”
Đoạn thơ như một khúc phim ngắn, không cảm xúc, không luận giải. Nó trái ngược với đoạn thơ cũng nói về hè phố của Hồ Dzếnh mà, đến nay, nhiều chục năm sau, nhớ lại, tôi vẫn còn thấy hay:
“Khi
vàng đứng bóng im trưa,
Tiếng
khô lá rụng làm thưa phố phường.”
(Trích “Phố Huyện”)
Hoặc:
“Chiều
buồn như mối sầu chung
Lòng
im nghe thoảng tơ trùng chốn xa
Đâu
hình tàu chậm quên ga
Bâng
khuâng, gió nhớ về qua lá dày…”
(Trích “Mùa thu năm ngoái”)
Vẫn trong tinh thần, để hình ảnh, sự vật (obj.) có tiếng nói của chính nó, Hiếu Hiếu viết:
“từng
gút mắc lóng xương và thớ thịt
thân
thể bày biện lắm bùa mê
buốt
cụm sương mù
bám
tê gân máu
vốn
đã tai biến
ở
những mùa hạ trước
con
chữ đóng vai nữ
màn
đêm không một mảnh vải che thân
mùa
lạnh cóng
như
mỗi lần trăng hà hơi vào
tâm
thất
(…)
“những
ngày tháng còn sót lại
kể
cả nỗi buồn cũng không thèm lộ diện
đành
phải lẩn, tránh vào tường, vách
để
sinh tồn…”
Hoặc:
“tưới
lên dăm lời chúc phúc chừng mực
đã
thấy trong khuya đêm mọc lên mống mầm
vừa
phải cho những căn phần
chữ
nghĩa”
(Trích “Tôi chôn xuống đôi điều muốn nói”)
Tuy cũng là những chấp chới giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa hy vọng và tuyệt vọng… Nhưng người đọc không tìm thấy nơi những câu thơ trên của Hiếu Hiếu cùng hướng hay, thuận chiều với thơ Tô Thùy Yên (đương đại), như bài “Chiều trên phá Tam Giang”:
“…Giờ
này có thể trời đang nắng.
Em
rời thư viện đi rong chơi
Dưới
vòm cây ủ yên tĩnh
Viền
dòng trời ngọc thạch len trôi.
(…)
“Nghĩ
tới ngày thi tương lai hấp hối,
Căn
phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,
Quyển
sách mở sâu đêm.
(…)
Rồi
nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một
cách tự nhiên và khốn khổ.
(…)
Nghĩ
tới anh, nghĩ tới anh,
Cơn
nghĩ không sao cầm giữ nổi
Như
dòng lệ nào bất giác rơi tuôn…”
Hơn thế, nếu đa phần những người làm thơ hôm nay, vẫn còn thấy tính thiêng liêng của ngôn ngữ, như thể đó là sợi dây ràng buộc, sự tương thông mầu nhiệm giữa con người và Thượng đế - - Thì, với một số người làm thơ đương đại (như Hiếu Hiếu), tuồng ngôn ngữ từ lâu, đã hết linh thiêng? Hay đó là cuộc chia tay giữa thi sĩ và thần linh (?) Vì, chúng chỉ còn những xác chữ? Nhằm tố cáo sự bất lực hay, những phủ dụ, mơn trớn giả dối của cảm xúc, tâm lý hư huyễn (?)
Phải chăng, vì thế, Hiếu Hiếu đã không chọn cho thơ mình, một chỗ trong ký ức người đọc? Mà, Hiếu Hiếu chỉ muốn mang lại cho người đọc ông, cơ hội bước vào cõi giới thi-ca-mở của mình, bằng những cảm nghiệm, góp phần riêng (nếu có), của họ vào bài thơ? Xong. Quên đi!?! Tựa đời sống trước sau gì, cũng vẫn chỉ là những lãng quên bằn bặt. Như nấm mồ, dấu chấm hết cuối cùng của một kiếp người - - Hiểu theo nghĩa, với thời gian, nó sẽ rêu phong:
“có
thư thả không
còn
lại lắm tháng năm củi mục
chữ
nghĩa ngày càng dung tục
con
người ngày càng thích chửi đổng
24
chữ cái vốn đã sứt mẻ lại thêm tì vết
khi
bóng tối ngày càng dày đặc bạo lực
đất
trời lẩn thẩn thêm những sấm sét vô tình.
“chả
biết làm gì
chỉ
biết sẻ trái tim
soi
mói những con sông nước lợ
đang
bốc mùi phèn trên từng tấc da thịt người tình
tâm
thất có trăm nghìn mạch điện
mạch
hẹn hò từng góc phố mất gốc
mạch
thương tật biết chai lì mụt cóc
mạch
thất tán nghễnh ngãng
mặc
cả thăng trầm
.
“đâu
đây cũng râm ran lắm bực dọc ưu phiền
vách
tâm khảm khằn hằng hà dấu xước
cào
từ thuở hoa niên
chân
bon xiêu vẹo vào cõi hỗn mang
lý
lịch tợ viên gạch nứt
câu
thơ đầy chấm phẩy hồ nghi…”
(Hiếu
Hiếu, trích “Thư thả không: tháng năm củi mục [?!]” (2)
.
Với tôi, bất cứ xu hướng thi ca nào, nếu tự thân có giá trị, thì, dù “khép” hay “mở”, nhắm tới đám đông hay tương lai, xa,… xu hướng thi ca đó vẫn tồn tại, như nó đã và, sẽ…
Du Tử Lê
(June 2016)
________
Chú thích:
(1) Xin lưu ý: Với hai trích đoạn trên, cũng như với những trích đoạn kế tiếp, tôi không hề có ý so sánh thơ của hai tác giả mà, chỉ là những minh-diễn cụ thể về hai xu hướng thơ hôm qua và, hôm nay mà thôi.
(2)
Những đoạn thơ Hiếu Hiếu trích dẫn trong bài viết
ngắn này, hiện vẫn được lưu giữ trên Web-site
dutule.com