Trước khi bước vào bài thơ tựa đề “Biên cương hành” nổi tiếng của nhà thơ Phạm Ngọc Lư, trong dòng văn học miền Nam, 20 năm, xuất hiện giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nhất của cuộc chiến; tôi trộm nghĩ, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua thể thơ có tên là “Hành” - - Một thể loại thơ không phổ thông lắm, nhưng nó từng giữ một vị trí đáng kể trong lịch sử thi ca Việt.
Về những thể thơ được gọi là “cổ phong” có từ đời Đường của truyền thống thi ca Trung Hoa, một số nhà phân tích, phê bình văn học cổ đã xếp thể loại “Hành” cùng với những thể cổ phong khác như “Ca, ngâm, hành, từ, khúc”…
Để phân biệt tính chất của từng loại thơ cổ phong vừa kể, tác giả Triều Nguyên, trong biên khảo nhan đề “Ý nghĩa của ca, ngâm, hành, từ, khúc trong nhan đề thơ cổ”, ghi nhận:
“…- Ca: bài thơ (có thể dùng để hát), thường đề cập đến vấn đề lớn lao của tự nhiên, cộng đồng, cuộc sống;... tác giả thường dùng cách kể với tâm trạng hào sảng, cảm xúc mạnh mẽ và thể thơ cổ phong khoáng đạt.
- Khúc và ngâm được dùng tương đương về nghĩa, hoặc theo cách kết hợp: Ngâm khúc. Ngâm khúc: Tác phẩm bằng văn vần, thường để bày tỏ niềm riêng, nỗi đau buồn về một vấn đề bức xúc trong cuộc sống; thể thơ cổ phong, thơ song thất lục bát với dung lượng đáng kể, được sử dụng để chuyển tải nỗi niềm ấy (Phân biệt với cách hiểu ngâm, khúc ở thơ Đường qua bảng trên).
- Hành: Bài thơ, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến; thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc.
- Từ: ít sử dụng (theo cách đặt nhan đề) trong thơ Việt cổ. Với thơ Đường, thì Từ là bài thơ thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có tính chất cộng đồng, chủ thể trữ tình thường thiên về tả với tâm trạng hào sảng; do đối tượng được đề cập chỉ cần phác họa vài nét cần thiết, nên Từ thường sử dụng các thể thơ ngắn (như tứ tuyệt)…” (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư Mở)
Về sự xuất hiện của thể loại “Hành” sớm sửa nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam, tác giả Triều Nguyên trích dẫn một tư liệu in trong tác phẩm “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” do nhà Văn Học XB, Hà Nội, 1976, như sau:
“…Các nhà thơ Việt ít dùng từ để đặt tên bài thơ của mình, khúc cũng không nhiều (lại có thể hiểu như ngâm khúc). Riêng ngâm, chúng ta có hai tác phẩm lớn (Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, 470 dòng thơ cổ phong; Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, 356 dòng thơ thể song thất lục bát), trong lúc 4 bài ngâm ở thơ Đường (Giang thượng ngâm, Bạch đầu ngâm - Lý Bạch; Tiết phụ ngâm - Trương Tịch; Du tử ngâm - Mạnh Giao) cộng lại chỉ 58 dòng thơ. Tác phẩm có cung cách như thơ Đường rất ít. Trong lúc đó, ca và hành được dùng nhiều hơn. Riêng Cao Bá Quát, trong 29 bài thơ được tuyển vào tập Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (sđd), có 4 bài ca, 1 bài hành; Nguyễn Du, trong Bắc hành tạp lục (tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du, sđd), có 2 bài ca, 4 bài hành; trừ 1 bài (Thương Ngô trúc chi ca, gồm 15 đơn vị, viết bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, của Nguyễn Du), tất cả số ca, hành này đều theo thể cổ phong, có đối tượng được đề cập là những sự kiện, vấn đề gây cảm xúc mạnh, và khó phân biệt giữa chúng…) (Nđd).
Y cứ theo tư liệu của tác phẩm “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” chúng ta được biết Cao Bá Quát và Nguyễn Du là hai tác giả thời Cổ văn, là những người sớm sủa nhất, để lại cho đời sau, một số bài “hành” tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương vĩ đại của mình.
Nếu so sánh “Hành” với những thể thơ khác ở giai đoạn Thơ Mới kể từ đầu thập niên 1930 (còn được biết đến dưới tên “Thơ tiền chiến”, như thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ… (ảnh hưởng trường phái thơ Tây phương) thì thể “Hành” ở giai đoạn này đã không được phổ cập lắm.
Tuy nhiên, không vì thế mà thể loại “Hành” không được ghi nhận một cách trân trọng.
Cụ thể, với hai bài “Hành” hiện diện giữa giai đoạn Thơ tiền chiến cũng đã có được ngôi vị nguy nga trong ký ức nhiều thế hệ người đọc. Đó là bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, viết năm 1940 và, “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính, sáng tác năm 1943, tại Đakao, Saigon.
Sau đây là nguyên văn hai bài “hành” nổi tiếng nhất thời Thơ Mới đó:
Tống biệt hành.
(*) Có bản chép là "dòng lệ xót".
(**) Có bản chép là "giá lên trăng".
(***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989), trong một bản in "Tiểu thuyết thứ Bảy" (1940) có đoạn này. (Nđd).
Và:
Hành phương Nam.
*Gửi Văn Viễn
Nguyễn Bính,
(Đa Kao 1943) (Nđd). (1)
.
Bẵng một thời gian dài, kể từ khi toàn dân nổi dậy kháng chiến chống Pháp, sinh hoạt thi ca của chúng ta, không có chỗ cho thể loại Hành. Phải chăng, vì đặc tính của thể thơ này, đa phần phản ảnh khẩu khí của cá nhân tác giả: Bất mãn, thất vọng trước xã hội, thời thế? Vì thế, mãi tới đầu thập niên 1970, ở miền Nam, độc giả mới lại được thưởng thức “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư. Một bài Hành, không chỉ nói lên tâm trạng não nề, tuyệt vọng của họ Phạm. Mà, nó còn ghi lại được toàn cảnh chiến tranh, phân ly, tang chế do cuộc chiến tranh phi nhân chụp xuống, bao trùm thân phận nghiệt ngã của toàn thể dân Việt.
(Kỳ sau: Phạm Ngọc Lư và “Biên Cương Hành”)
________
Chú thích:
(1)Dù cùng được ghi nhận như hai viên ngọc của thể loại Hành, nhưng vì bài “Hành phương nam” của Nguyễn Bính có nhiều điển cố, điển tích, lại dài nhiều lần hơn bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm; nên không có nhiều người thuộc trọn bài của Nguyễn Bính.