(tiếp theo kỳ trước)
Như hai bài “Hành” nổi tiếng từ thời thơ Tiền chiến của Thâm Tâm và, Nguyễn Bính, 27 năm sau, Phạm Ngọc Lư cũng dùng thể loại cổ thi có từ đời Đường của văn học Trung Hoa này, để diễn tả, gửi gấm tâm cảm mình trước nhiễu nhương, nghịch cảnh lịch sử…
Giống hai tác giả thời trước, Phạm không dùng nhân xưng đại danh tự ngôi thứ nhất nào, khác hơn chữ “ta”, để phát lộ tính chất khinh bạc, khẩu khí bất mãn, thất vọng thời thế, … một yếu tính của thể thơ cổ phong này.
Tuy nhiên, ngay khổ thơ đầu tiên mở vào bài thơ của mình, người đọc đã sớm nhận ra sự khác biệt lớn giữa “Hành” của Phạm Ngọc Lư và “Hành” của Thâm Tâm, Nguyễn Bính.
Ở cả hai bài Hành có từ thời tiền chiến, tự những dòng chữ đầu, ngữ cảnh hai bài thơ đã minh thị tính cá nhân cùng, giới hạn của không gian thơ.
Đây là Thâm Tâm, với “Tống biệt hành”:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” (Nđd)
Và, đây là Nguyễn Bính với “Hành phương nam”:
“Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay.” (Nđd)
Với 4 câu bảy chữ, từ khởi điểm, Thâm Tâm không “giới thiệu” nhân vật đối tượng của bài thơ, như Nguyễn Bính (cụ thể qua câu “Đôi ta lưu lạc phương Nam này”. Nhưng ở câu thứ tư “Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” thì, người đọc liên tưởng ngay tới đối tượng (nhân vật thứ hai) bài thơ là một người nữ.
Phạm Ngọc Lư với “Biên cương hành”, khác biệt hẳn. Đối tượng (hay nhân vật) của ông, không là một cá nhân (hay vài cá nhân) mà, chính là… “biên cương”!
Biên cương nhiễu nhương. Biên cương máu nuôi rừng. Biên cương dãy mồ chôn:
“Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn.” (Nđd)
Từ đối tượng là một (hay vài cá nhân), từ không gian là buổi chiều, hoàng hôn (Thâm Tâm), hoặc mùa xuân ở phương Nam (Nguyễn Bính), đối tượng và, không gian ở “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư, là cả một thế hệ bị vùi dập; cả một không gian bạt ngàn tang chế, tai ương…
Tôi không biết họ Phạm vô tình (hay cố ý) áp dụng một trong những kỹ thuật điện ảnh là đi từ viễn-cảnh (wide-shot) về dần cận-cảnh (close up shot) với những câu thơ tả thực, gần như chưa từng có trong lịch sử thi ca chiến tranh Việt Nam - - Nhờ thế sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài thơ đã được nâng cấp một cách mạnh mẽ:
“Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường” (Nđd)
Đoạn thơ 14 câu này, ngoài những câu cực tả hiện thực, tựa đó là một trong những nét tiêu biểu cho cuộc chiến miền Nam, như:
“Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường…”
(Thì) tôi rất thích tính từ “gớm” (tác giả nói với riêng mình?) Và, tính từ “rậm” (rậm đám) trong câu “ta về theo cho rậm chiến trường” - - Xác định tác giả không hề thấy mình là một thứ “tráng sĩ”, sinh bất phùng thời; hoặc thất chí vì ước mơ phất cao ngọn cờ “thế thiên hành đạo” không thành, như nội dung của hai bài Hành thời tiền chiến. Mà họ Phạm tự thấy mình tầm thường, lạc lõng, có khi còn làm quẩn chân cho những người lính bị đầy nơi biên ải!.!
Bản năng sinh tồn được Phạm Ngọc Lư thể hiện minh bạch, không chút mặc cảm, không lên gân trước sống / chết…, tôi cho đó cũng là một thể hiện khiêm tốn, đáng trân trọng của bản chất thi sĩ, nơi tài năng đặc biệt này.
Dấn thêm một bước nữa, để mô tả cảnh tượng chiến địa, nơi những đời trai là nguồn gốc tạo thành hình ảnh những “đá vọng phu”, những “chưa hết thanh xuân đã cùng đường” là lũ “cô hồn nơi quan tái”, Phạm viết:
“…Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng” (Nđd)
Và, không thể đau lòng, nhưng cũng không thể con người hơn, khi lũ cô hồn nơi biên cương, đã có lúc:
“Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương”
Bước qua phần thứ hai của “Biên cương hành” như một thứ “đàn tràng chiêu hồn tử sĩ” thời đại mới, Phạm Ngọc Lư vẫn thú nhận ông đã kinh hoàng, sợ hãi biết bao, qua cụm từ “ghê thay biên cương!”:
“Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu” (Nđd)
Tuy thế, Phạm vẫn đến với “biên cương” trong tâm thái của một người muốn chia xớt phần nào những bất hạnh tận cùng của đám “cô hồn” sớm “hóa thành muông thú”:
“Rừng núi ơi ta đến chia buồn”
Nhưng rồi, lập tức Phạm nhận ra, cách gì , ông cũng chỉ là “con thú bị thương”; cô đơn trước sơn cùng thủy tận, tự hỏi liệu có còn ai “tiếc máu xương”:
“Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương? (Nđd)
Và, Phạm cũng không thể chân thành, thẳng thắn hơn, khi nghĩ tới một nửa kia của đời mình:
“Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường!
(Trong 66 câu thơ làm thành một thứ “đàn tràng chiêu hồn tử sĩ” thời đại mới thì, 4 câu thơ sau cùng của phân đoạn này, tác giả mượn điển tích Kinh Kha sang Tần. Theo tôi, điển tích Kinh Kha sang Tần vốn đã được phổ cập hóa trong dân gian, nên không vì thế mà mạch chảy của bài thơ bị giảm, chậm?)
Vẫn thành khẩn, không phóng tâm thoát khỏi đời thường, không tự thấy mình lớn lao, ghê gớm hơn người, Phạm viết tiếp, như trăn chối cuối cùng không chỉ cho riêng người người yêu của ông mà, cho tất cả những người phụ nữ sớm biến thành “đá vọng phu”; hay “chưa hết thanh xuân đã cùng đường” :
“Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương. (Nđd). (2)
__________
Chú thích:
(2) Để hiển lộ phong vị “Hành”, hầu như những bài thơ viết theo thể loại này, thường không thiếu chữ “Hề”. Chữ này đôi khi cũng xuất hiện trong những bài thơ không cùng thể loại! Theo “Đại Từ điển Việt Nam” do Nguyễn Như Ý chủ biên, nhà xuất bản Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội, ấn hành năm 1998 thì: “Hề là từ dùng làm tiếng đệm để ngắt câu trong các bài từ của văn học cổ...”
Trước khi chấm dứt bài thơ của mình, Phạm Ngọc Lư hai lần dùng chữ “hề”. Nhưng là “hề chi”. Theo tôi, chúng không phải là chữ đệm mà, “hề chi” có nghĩa: Có gì ghê khiếp lắm đâu! Cũng thường thôi!... Nhưng cũng chính vì thế mà, tính bi kịch được nhân lên nhiều bậc...