Tôi đi vào một nhà sách ở Sài Gòn. Tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn (TMT) vang lên, rõ từng nét nhạc trong cái không gian ấy. Còn nhớ một triết gia nào đó, bảo rằng thư viện hay nhà sách là nơi người sống nói chuyện với người chết!? Thì tôi đang ở đó đây. Tiếng kèn sax đầy cảm xúc. Tay sax TMT có những câu “phiêu” (filling) trác tuyệt. Mà tiếng đàn piano đệm theo cũng thầm thì, thủ thỉ như rót vào lỗ tai. Là bài Khúc Thụy du, thơ của ông do nhạc sĩ Anh Bằng (AB) phổ nhạc. Một bài thơ viết về Mậu Thân năm 1968, đã "bị" nhạc sĩ lược bỏ bớt những phần “máu me”, để chỉ còn nói về tình yêu và thân phận con người!
Câu chuyện mà tôi được nghe, đến giờ vẫn còn nhớ. Vào đầu thập niên những năm 80, dòng người ra đi lênh đênh trên biển. Ở trại tị nạn Singapore, lúc chờ người ta vì lòng nhân đạo, cho nhập cư đến nước thứ ba... Tối buồn, mà chẳng có ai làm bạn. Nghe tiếng khẩu cầm văng vẳng trong đêm, có một nhóm nhỏ đang chơi văn nghệ đâu đó. Gót chân tự nhiên cứ đưa mình lần theo tiếng âm nhạc, đến làm quen với họ. Rồi mượn cây harmonica của họ, thổi bài Xin cho tôi của TCS. Mọi người nghe xong, cảm thấy nức nở như mình phải gục đầu xuống cúi xin thượng đế một điều gì. Vài hôm sau, trong lá thư cậu tôi viết, có đoạn: Niềm đam mê của tâm hồn nghệ sĩ là tình yêu và âm nhạc, bởi tình yêu và âm nhạc không có biên giới để ngăn cách con tim! Tôi đọc xong, lúc ấy còn trẻ, không ngờ tình yêu và âm nhạc mà cũng “bí hiểm” đến thế!
Còn bây giờ đứng trong nhà sách, điều ấy mơ hồ ấy vẫn đang đến. Cái lý do mà nhạc sĩ AB khi loại bỏ bớt những “máu me”, để âm nhạc chỉ còn lại tình yêu. Vì chỉ có như thế, mới bất tử với thời gian và còn đọng lại mãi trong lòng người nghe. Chỗ tôi đang đứng, vẫn là Khúc Thụy du của ngày đó. Dù rằng không có lời hát, mà cần gì, tiếng kèn của MT vẫn làm lời ca cứ hiện ra rõ mồn một…
Với lời thơ, phổ nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng:
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi !
Thay vì, theo nguyên tác:
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
…
Từng nốt nhạc như nắn nót, vuốt ve, diễn đạt hết ý... Của tay kèn saxophone “số một Việt Nam"! Với nhiều người, chứ không riêng gì tôi.
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
Lại làm tôi nhớ hai câu cuối trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mạc Tử:
"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà? "
...
Ý anh rất thi vị
Song toàn thể bài thơ của du tu le mới là chân tướng của cuộc đời chàng.