Pleiku, những ngày mưa tầm tã, mưa dầm dề hàng tháng trời, mưa che kín cả bầu trời, mưa ẩm ướt hết quần áo như lúc nào cũng có mùi mốc. Đó cũng là năm tháng tôi từ Sài Gòn trở lại nơi núi rừng bạt ngàn.
Phố cũ - tình thân vẫn còn đó. Tiếng mưa rơi. Tiếng đạn pháo rền vang để không còn: “Tiếng nào nói yêu em…”
Chúng tôi quây quần suốt ngày nơi những quán cà phê đậm nét những chấm phá của cuộc đời, thả hồn trầm tư theo giọt cà phê rơi và bay bổng theo những nốt nhạc, những lời hát xoa dịu và ru hồn về một hướng đến vô định.
Tương lai mịt mờ khói thuốc súng. Chuyện học trò được gửi gắm mai sau. Làm quan hay làm tử sĩ khoảng cách trở thành một định mệnh. Trớ trêu hay may mắn không nằm trong sự quyết định của chính mình.
Có điều, chúng tôi sống rất thật, rất sinh viên, rất chân tình. Điếu thuốc được sẻ chia. Ly cà phê được ân cần mời mọc. Những thứ đó làm cho chúng tôi thăng hoa khi trầm mặc để nghe nhạc. Âm nhạc thật huyễn hoặc, thật mời gọi, ở lại, và thủy chung với riêng tôi đến ngày hôm nay.
Những bản tình ca của nhạc sĩ Từ Công Phụng, như một lời mời thiết tha. Khắp quán cà phê, nhạc của họ Từ được nhiều ca sĩ hát từ máy cassette hay những dàn máy Akai đầu thủy tinh tối tân, với dàn âm thanh vang vang. Lời ca như mở ra những cung bậc dịu dàng, lắng đọng và ngọt ngào tơ vương.
Thời gian này, nhạc sĩ Từ Công Phụng chọn Pleiku là nguồn cảm hứng để sáng tác. Nhiều nhạc phẩm của anh được viết tại miền cao nguyên đất đỏ này. Nơi đây, cũng là cái duyên văn nghệ để nhạc sĩ Từ Công Phụng và thi sĩ Du Tử Lê gặp nhau. Rồi từ đó “Thơ nhạc giao duyên”, với những nhạc phẩm để đời “Ơn Em/ Trên Ngọn Tình Sầu…”
“Ơn em thơ dại từ trời/ Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi/ Ơn em dáng mỏng mưa vời/ Theo ta lên núi về đồi yêu thương/ Tạ ơn em/ Tạ ơn em. Ơn em ngực ngải môi trầm/ Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan/ Ơn em hơi thoáng chỗ nằm/ Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi/ Tạ ơn em/ Tạ ơn em…” Thơ Du Tử Lê - Nhạc Từ Công Phụng)
Những vần thơ lục bát của thi sĩ Du Tử Lê được nhạc sĩ Từ Công Phụng tài tình phổ thành những nhạc phẩm bất tử. Tên tuổi của hai tài thơ-nhạc gắn liền với nhau trong suốt một thời gian.
Giới trẻ thời đó rất thần tượng và yêu nhạc Từ Công Phụng đến độ chuyền tay nhau những nhạc phẩm được copy hay nắn nót viết lại bằng những giòng mực tím rất dễ thương. Tình yêu cũng bắt đầu từ đó…. Và ở Từ Công Phụng có một cái gì đó rất núi rừng. Nhạc của anh có tiếng thông reo, có thác nước chảy, có những giòng sông êm đềm…
“Hạnh phúc tôi/ Hạnh phúc tôi/ Từ những ngày con nước về/ Ngoài trời mưa mau/ Ngoài trời mưa mau/ Tay vuốt mặt không cùng/ Bầy sẻ cũ hom hem/ Chiều mái xám rêu xanh/ Trời êm sao chân nhỏ/ Cũng không về trên giòng sông tội lỗi/ Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh/ Con dế buồn tự tử giữa đêm sương/ Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ/ Em ở đó bờ sông còn ẩm cát/ Con sóng tình vỗ mãi một âm quen…”(Thơ Du Tử Lê – Nhạc Từ Công Phụng)
Ở những điệp ngữ điêu luyện của Từ Công Phụng người nghe rất nhớ những nốt cao nốt thấp, phẳng lặng, sâu lắng, khó tìm ra những gập ghềnh.
Thời của chúng tôi, hay lớp người trước đó nghe nhạc rất chọn lọc và khó tính. Một nhạc phẩm ra đời phải có nội dung, có chiều sâu, diễn đạt được nội tâm để người nghe liên tưởng được tâm sự của mình.
Nhiều nhạc sĩ tài hoa đã phổ thơ của nhiều thi sĩ để làm thành “Ý thơ hòa nhạc” trở thành những nhạc phẩm bất hủ. Và Từ Công Phụng cũng không ngoại lệ.
Nhạc phẩm “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau” là một trong những khuôn thước của giòng nhạc Từ Công Phụng, là bài tủ của nhiều ca sĩ. Ngay cả những lời tỏ tình của đôi lứa, cũng ẩn dụ thêu dệt mộng mơ qua bài hát này. Đó cũng là một sáng tác tuyệt vời của Từ Công Phụng.
Bạn tôi, khi có dịp lên sân khấu đều chọn bài này để trình diễn. Cô nói: “Với em, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau là một bài hát rất sang, rất hay, và rất được giới nghệ thuật khen ngợi”.
“Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người. Người buồn cho mai sau, cuộc tình ta tan mau. Thoáng như chiếc lá vàng bay. Mùa thu qua, mùa thu qua hững hờ. Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau. Mưa trên nụ cười mưa trên tình người. Lệ nào em sẽ khóc ngàn sau... Một mai khi xa nhau. Người cho tôi tạ lỗi. Dù kiếp sống đã rêu phong rồi. Giọt nước mắt xót xa. Nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái…”
Năm 1983, tôi mời ca sĩ Ngọc Lan lên Portland - Oregon trình diễn. Đó cũng là show đầu tiên của cô. Khi Ngọc Lan cất giọng, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã nói với tôi: “Con bé này sẽ là ca sĩ thành danh rất sớm…” Quả thật như vậy, không bao lâu thì ca sĩ Ngọc Lan nổi tiếng và trở thành ca sĩ hàng đầu ở Hải Ngoại.
Tài hoa bạc mệnh, Ngọc Lan ra đi rất sớm để lại nhiều thương tiếc cho mọi người.
Ngọc Lan rất yêu nhạc Từ Công Phụng. Từ lúc đi học, tập nhạc Từ Công Phụng lúc nào cũng có trong cặp của Ngọc Lan. Cô nói: “Em như bị thôi miên vào những nốt nhạc này…”
Sau này, khi tôi trở lại Pleiku, trở lại với những quán cà phê thân quen, trở lại toàn cảnh của mùa hè đỏ lửa, nơi những tiền đồn hẻo lánh, đêm đêm người lính canh vẫn ngóng đợi.
“Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm. Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi, trách nhau một lời thôi. Tâm hồn mình đâu lẻ đôi… Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Anh đi tìm mùa Xuân trên đời. Mùa Đông chết đi rồi mùa Xuân mắt em đẹp trời sao, cho mình thương nhớ nhau….”
Nhạc Từ Công Phụng vẫn chiếm ngự một chỗ đứng nơi người dân phố núi. Lớp trẻ sau này lớn lên không am tường nhiều về giòng nhạc trước năm 1975, nhưng từ một tâm thức nào đó, họ vẫn gần gũi và tìm đến.
Ký ức của tôi - Tuổi thơ của tôi ở Sài Gòn là những năm tháng tuyệt vời nhất đời người. Tiểu học ở trường Thánh Tâm với hàng Phượng rực đỏ giữa mùa hè. Người bán kẹo kéo quay số rất hấp dẫn đám học sinh, những ly si rô đá nhận đủ màu sắc gợi lên sự tò mò…
Những ngày mưa lớn nước ngập cả đường Thoại Ngọc Hầu. Ngã ba Ông Tạ đông kín cả người, xe cộ ngập lụt ngổn ngang. Có nhiều em học sinh sợ mưa, sợ sấm sét khóc hãi lên rất tội nghiệp.
Rồi tôi về vùng Đakao, nơi mà những phim cao bồi ở rạp Casino rất rạo rực. Cũng từ đó, tôi biết đi xe đạp nhưng sém một lần suýt chết giữa đoạn đường một chiều Hiền Vương khi mà những xe tải vẫn lao nhanh bất kể…
Thời gian gần đây tôi rất nhớ Sài Gòn, Sài Gòn của kỷ niệm, Sài Gòn của ký ức. Sài Gòn trên những con đường rợp bóng me xanh, của những ngày Chủ Nhật tìm đến Thảo Cầm Viên như bước vào một thế giới hoang dã. Sài Gòn cho tôi những buổi sáng nắng vàng như còn đọng trên mái tóc dài thuở hippi, những buổi chiều thả bộ trên con đường Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… rồi dừng lại ở tiệm kem Brodard tận hưởng không khí mát lạnh như một góc nhỏ của Paris hiện hữu. Vị kem dừa mát rượi tan dần như bóng dáng những thiếu nữ kiều diễm chậm rãi thoáng qua, để lòng tôi gợn sóng lăn tăn….
Cũng từ vùng Đakao, những quán cà phê quanh đây như có một chủ đích là chọn nhạc Từ Công Phụng. Có thể khách hàng của họ là giới thuần thiết với nhạc Từ Công Phụng nên đã mặc định những quán café mang bóng dáng họ Từ.
Nhạc Từ Công Phụng được đón nhận một cách say mê. Từ sân trường Trung học đến khuôn viên Đại học, nhạc Từ Công Phụng như một “mệnh đề” bàn đến. Sài Gòn tràn ngập những quán café đủ hình thức, đủ màu sắc. Giới trẻ chúng tôi chìm đắm suy tư trong từng giọt café đắng, trong từng lời nhạc thắm đọng.
Cõi nhạc Từ Công Phụng như chiếm ngự khắp quán café trên con đường Trần Quang Khải, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Du…
Mỗi quán chọn cho mình một thể nhạc. Muốn nghe nhạc Từ Công Phụng thì đến quán nào? Nghe Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên thì đến quán nào?
Sau những bậc đàn anh, những cây cổ thụ, vào đầu thập niên 60, thì ba nhạc sĩ này được xem là lớp trẻ hơn, cả ba người nổi tiếng cùng thời và đều được nhìn nhận là những tài năng lớn của âm nhạc Việt Nam.
Riêng nhạc sĩ Từ Công Phụng, được người yêu nhạc ở Đà Lạt, ở Pleiku, ở Phan Rang, … rất mến mộ. Họ hãnh diện như chính Từ Công Phụng là người xuất thân từ miền núi rừng quyến rũ tiếng nhạc dương gian mà Từ Công Phụng là biểu tượng đã đem đến cho họ.
Với tôi, nhạc Từ Công Phụng đằm thắm, ấp ủ, và lời nhạc như một thiếu nữ kiêu sa nhưng e ấp thẹn thùng.
Có rất nhiều nhạc sĩ nổi danh, nhưng rất ít người hát hay. Riêng Từ Công Phụng không những tài hoa về âm nhạc mà còn là một tiếng hát trầm ấm. Khi anh hát những nhạc phẩm của mình, người nghe dường như cảm nhận được tất cả những nỗi niềm trong từng cung bậc của âm thanh sâu lắng man mác thổi vào tâm hồn.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng có cách sống rất trầm lặng. Anh không chọn quận Cam để hòa nhập tài năng, mà chọn Portland - Oregon để liên tưởng tới Đà Lạt, nơi anh yêu mến nhất và là nơi khởi điểm văn nghệ của Từ Công Phụng.
Thời gian đầu ở đây, anh mở nhà in. Lúc đó, anh em chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Anh chị giúp tôi lo phần ấn bản cuốn Trang Vàng Việt Ngữ tại Portland và thỉnh thoảng giúp tôi tổ chức show bên đó. Có những lần tôi lái xe cùng nhà văn Mai Thảo từ San Jose lên thăm anh. Những ngày ở nhà anh, tôi thấy rất yên bình, hạnh phúc cùng gia đình anh. Portland - Thung Lũng Hoa Hồng ươm giữ trong tôi phần đời cùng anh.
Thời gian anh bị bệnh, tôi rất lo lắng. Sau ngày qua thăm anh, tôi mới thấy yên lòng. Sức khỏe của anh giờ đã bình an và anh vẫn phong độ như ngày nào.
Tâm hồn của Từ Công Phụng là một tâm hồn rất quê cũ. Anh sinh trưởng ở Phan Rang, thành danh ở thành phố sương mù rồi về Sài Gòn. Tưởng rằng sẽ thành Đốc Sự Hành Chánh, nhưng chân trời nghệ thuật lại cuốn hút anh đến một đỉnh trời đam mê hơn.
Những nhạc sĩ nổi tiếng ở đầu thập niên 1960, vẫn là những tên tuổi, những bài hát được nhắc nhớ nhiều. Hơn 40 năm qua, tình ca của Từ Công Phụng vẫn không phai nhòa theo thời gian, không nhạt dần theo năm tháng. Giới thưởng ngoạn chọn nhạc của Từ Công Phụng thủy chung như người tình muôn thuở.
Ở một không gian tĩnh lặng hay từ trong nước và ngoài nước, nhạc Từ Công Phụng vẫn là một thể nhạc không thể thiếu trong những chương trình nhạc thính phòng.
Người nghe vẫn muốn anh có nhiều sáng tác hơn nữa để đem đến cho mọi người những giá trị tinh thần mà họ muốn trân quý, gìn giữ.
Một thời gian dài, nhạc sĩ Từ Công Phụng lâm bạo bệnh. Tưởng rằng anh sớm vội chia tay với bằng hữu, với những người yêu mến anh. Nhưng như một phép lạ nào đó, nhạc sĩ Từ Công Phụng được bình yên.
“Trên đỉnh yên bình. Một mùa xuân ôm kín khung trời, của tuổi thơ thôi rã thôi rời. Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi, để vòng tay khắc khoải ôm xuôi. Từng niềm vui bay theo biển gió... Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân. Có một lần vui thôi em, đừng cho chết hương tình ngọt ngào. Đỉnh bình yên trên cao. Xin em giữ kín cho lâu dài, một mùa xuân đã thắm trong tôi…”
Đến nay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã bình phục, anh đang có những sáng tác mới, những chương trình nhạc khắp nơi. Và người nghe, đang chờ đợi Từ Công Phụng với những bản tình ca muôn thuở.
Trí nhớ tôi, những ngày ở Pleiku, Đà Lạt, Sài Gòn, rồi San Jose, Seattle, Portland… những ngày ngồi nghe Từ Công Phụng hát, những tháng ngày bên anh, tôi hằng mong Từ Công Phụng sẽ còn nhiều thời gian với bằng hữu hơn và anh phải sáng tác nhiều hơn nữa để cống hiến cho đời, cho vườn hoa âm nhạc luôn luôn khởi sắc.
Sau này, và mãi mãi Từ Công Phụng vẫn còn đó… những bản tình ca…
Đỗ Vẫn Trọn