(Tiếp theo kỳ trước)
Vài tháng sau khi Công ty Cổ phần Phương Nam, Saigon, liên kết với nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ tái bản tập truyện “Những giọt mực” của nhà văn Lê Tất Điều, vào tháng 6 năm 12013; thì ngày 22 tháng 9 năm 2013, báo Người Lao Động đã có một tin như sau:
“Giải thưởng Sách hay 2013 (do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED tổ chức) đã được công bố vào sáng 22-9 tại TP HCM. Các tác phẩm được chọn trao giải lần này có đời sống khá lặng lẽ nhưng đủ sức rung động người đọc.
“Ngoài cuốn Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy (NXB Hội Nhà văn) tạo được sự chú ý bằng nhiều buổi tọa đàm, giới thiệu trước đó, “Những giọt mực” của nhà văn Lê Tất Điều (NXB Văn hóa - Văn nghệ, hạng mục sách văn học trong nước), Giã biệt hoang vu (NXB Hội Nhà văn), Chuyên ngành cơ khí (NXB Trẻ - hạng mục phát hiện mới) đều không được quảng bá đình đám - dù là mới ấn hành hay được tái bản. “Những giọt mực” được nhà văn Lê Tất Điều viết trước năm 1975, là câu chuyện có ý nghĩa về cuộc đối thoại giữa các tĩnh vật. Ba giọt mực cuối cùng trước giờ phút đông khô lại đã buồn bã vì cho rằng cuộc đời mình chẳng có ý nghĩa. Khi ấy, ông Bàn mới khuyên nhủ: ‘Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ’, để hàng triệu triệu giọt mực khác ghi dấu trên thế gian.
“Chọn những tĩnh vật để gửi gắm nhiều thông điệp cuộc sống, Những giọt mực không chỉ là tác phẩm viết cho thiếu nhi mà đến người lớn cũng cần suy ngẫm.
“Từ Mỹ, nhà văn Lê Tất Điều đã gửi lời bộc bạch sâu sắc: ‘Hơn 40 năm trước, tôi viết “Những giọt mực” dành cho độc giả thiếu nhi trong thời đại mình, không mơ ước điều gì quá xa xôi hơn. Rồi khi cuốn sách được quan tâm ở thời điểm ấy, tôi đã từng nghĩ giá như tác phẩm được nối dài qua nhiều thế hệ. Ước mơ ấy cũng dần tàn lụi trong những cuộc bể dâu, không thể ngờ hôm nay được Giải thưởng Sách hay đã làm cho “Những giọt mực” tái sinh’ ”. (Nđd)
Bộc bạch của họ Lê cho thấy, “Những giọt mực” không chỉ là một trong những tác phẩm quan trọng của sự nghiệp sáng tác, mang tính “lịch sử” khi nó là tập truyện đầu tiên của văn học Việt Nam, nhân cách hóa những đồ vật quen thuộc, thông dụng của nếp sống gia đình người Việt mà, nó còn là một thành tựu lớn của trái tim nhà văn dành cho độc giả thiếu nhi, mang tính giáo dục; đồng thời cũng là những nhắc nhở cho tất cả mọi lứa tuổi độc giả về mục đích hay ý nghĩa cuộc sống của một đời (rất ngắn ngủi).
Cụ thể với truyện “Tờ lịch đầu tháng” có trong “Những giọt mực” thì, ngay tự những dòng chữ đầu của truyện, ông đã nhấn mạnh:
“… Đời sống chúng ta rất ngắn ngủi và rất chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống, đừng bỏ phí một giây nào…”
Nhưng tất cả 11 truyện trong “Những giọt mực” không hề là một thứ “Gia huấn ca”! Trái lại, chúng rất hấp dẫn, quyến rũ trong tương tác rất nhiều hình ảnh mượt mà, đầy thi tính, như:
“… Nắng đầy cửa sổ, nắng tràn trên sân nhà. Chị Rèm cửa nép mình một bên vẫn hồng lên rực rỡ. Hàng muôn ngàn hạt bụi đuổi nhau tung tăng, sưởi mình trong nắng. Chúng giống hệt những tinh cầu trong vũ trụ của một chú búp bê vô cùng bé nhỏ. Bác Gió, sau một đêm du hành trong không gian mênh mông đem về cho bình minh một chút quà lành lạnh của sương đêm và mùi thơm dịu dàng của cây trái cỏ hoa…”
Hoặc:
“… Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Đàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh nến vàng tươi…” (Nđd)
Xen kẽ những đoản văn như thơ là những mạch chảy ấn tượng về sự tương tác, như những mạch máu không thể thiếu vắng của đời sống hợp quần. Bắt đầu từ những bước chân thứ nhất, khởi sự một đời người trong tương quan thiết thân với nhân quần, xã hội. Từ đó, tác giả lưu ý chúng ta về vai trò, sự phân công xã hội cho mỗi cá nhân, hay giá trị nhân sinh của mỗi hiện diện:
“… Buổi trưa tờ lịch biết rõ về ông Bàn, anh Ghế, chú con Quay. Nó cũng biết tại sao cụ Sách được mọi vật kính trọng. Nhất là tờ lịch biết rõ nhiệm vụ của nó: nhắc nhở mọi người, mọi vật biết họ đã bước tới đâu trên con đường thời gian vô tận…” (Nđd)
Và, cách gì thì khi hoàng hôn tới, mỗi cuộc đời rồi cũng phải nói lời chia tay với những cuộc đời còn lại:
“… Mặt trời lặn, bóng tối về. Tờ lịch biết rằng nó chỉ còn đúng có một đêm. Và bắt đầu từ giây phút này, nó cũng không còn là vật cần thiết nữa rồi…”
Ý thức sự ngắn ngủi của kiếp sống hay lòng biết ơn những gì nhân quần, đám đông đã đem cho mình những ngày sống ý nghĩa, Tờ lịch nói:
“… Tôi hiểu rằng, ngoài khung cửa sổ kia, ngày rộng lớn mênh mông, rộng bằng cõi nhân gian muôn màu muôn vẻ mà tôi đã được nghe bác Ô đen, những chú Giầy Dép kể lại một phần. Ngày có những bình minh lạ, những hoàng hôn xa mà tôi chẳng hề biết tới.
“Nhưng ngày của tôi thu nhỏ trong căn phòng này. Tôi thấy ông Bàn, cụ Sách, chú con Quay, tôi sống với chị Bóng bay, anh Ghế….Chính các vị làm thành ngày của tôi….Sinh hoạt, nỗi buồn của quí vị là ngày của tôi….
“Chỉ còn một đêm nay, tôi mong quí vị tặng cho phần cuối cùng của đời tôi những giây phút rực rỡ.
Và, chia sẻ hay cảm thông là một trong những biểu tỏ tốt đẹp nhất mà nhân loại có thể dành tặng cho nhau:
“Tất cả các vật trong phòng lặng thinh. Chúng xúc cảm.
“Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Đàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tình dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh nến vàng tươi.
“Tờ lịch hân hoan vừa hát theo tiếng đàn vừa chờ bình minh tới.
“Có những ngày mà mọi vật quanh chúng ta bỗng dưng vui tươi, hớn hở. Hoa đẹp hơn, mặt bàn sạch sẽ hơn, chú con Quay tài tình dễ thương hơn. Tại vì tờ lịch đấy.
“Đó là tờ lịch biết quí trọng, mến yêu vô cùng một ngày riêng của nó.” (Nđd)
Phải chăng, “một ngày riêng” hay từng giây phút con người sống với đồng loại, bằng tất cả tấm lòng tử tế, nhân ái, khi biết nghĩ tới người khác?
(Kỳ sau tiếp)