Phạm Hầu là lớp thi sĩ xuất hiện đồng thời với các nhà thơ: Lưu Trong Lư, Huy Cận, Xuân Diệu... vào thời Thơ Mới. Ông sinh năm 1920 tại làng Trừng Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngoài thơ, ông còn là một họa sĩ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ( khóa 13, 1939- 1944), ông từng có tranh đoạt Giải Nhất tại triển lãm Tokyo năm 1940. Trong "Thi nhân Việt Nam" Hoài Thanh - Hoài Chân đã tạc diện mạo thi sĩ như sau: Ở giữa đời Phạm Hầu là một chiếc bóng, chân đi không để lại dấu trên đường.
Nguyễn Nhã Tiên
Cứ mỗi lần có dịp lên Ngũ Hành Sơn, đứng vào cái cửa đá bên Vọng Hải Đài trên hòn Thủy Sơn nghe gió từng luồng từng ngọn từ mênh mông biển khơi thông thốc thổi vào, là cứ y như tôi lại tưởng ra trong vô hạn vô hồi gió ấy có tiếng thơ Phạm Hầu như một thứ diệu âm ngày ngày khắc vào đá núi: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai? Cố nhiên là từ xưa nay, du lãm qua vùng non thiêng Ngũ Hành Sơn vang danh thắng tích này, bao văn nhân thi sĩ từng viết nên không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng dường như ngọn thi sơn “ Vọng Hải Đài” mà thi sĩ Phạm Hầu đã xây thành từ hơn nửa thế kỉ trước, vẫn là cái đài thơ chót vót và đẹp lung linh huyền ảo, thật khó lòng cho bất cứ ai có thể điền tên thay vào đấy được.
Chẳng biết trong lòng ghé những ai
Thềm tim từng dội gót vân hài
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Một phút dừng chân Vọng hải đài
Một phút du khách dừng chân hay là một khoảnh khắc sinh thành huyền thoại, để rồi từ đó thi sĩ kí gởi vào vô tận một “Vọng Hải Đài” thơ như phần linh hồn của một Vọng Hải đài đá núi chon von sừng sững trước bao la biển cả, hàm dưỡng một khả năng bí nhiệm mà thi thố cùng nhật nguyệt tháng năm một sức sống trường cửu.
Phạm Hầu là thi sĩ xuất hiện đồng thời với lớp nhà thơ Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu... vào thời Thơ mới. Ông sinh năm 1920 tại làng Trừng Giang xã Điện Trung huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, xuất thân trong một gia đình khoa bảng (cha là Phạm Liệu, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất – 1898, là một trong những tri thức thời bấy giờ được người trong nước tôn xưng là Ngũ phụng tề phi trên vùng đất Quảng). Theo “Hồi kí song đôi” của Huy Cận và Xuân Diệu: “Phạm Hầu cùng học ở trường Quốc học (Huế), sau tôi (Huy Cận) hai lớp. Lúc học đệ tứ niên thành chung, Phạm Hầu đã có làm thơ, và đã có đăng một số bài ở tạp chí Tao Đàn hồi đó…Hồi tôi ra Hà Nội học Trường Cao Đẳng Nông Lâm, anh (Phạm Hầu) cũng ra học Trường cao đẳng Mỹ Thuật ( khoá 13 - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1939 – 1944)…Tôi thường đến thăm và đàm đạo thơ ca với anh…” Vâng, ngoài sớm bộc lộ tài năng về thơ, Phạm Hầu còn là một hoạ sĩ có tài. Ông từng có tranh đạt giải nhất ở triển lãm tranh Tokyo( Nhật) vào năm 1940. Tiếc thay cánh cửa định mệnh của một cuộc đời tài hoa đã khép lại quá sớm, Phạm Hầu mất vào năm 24 tuổi(1944), để lại một sự nghiệp thơ và hội họa vừa mỏng manh không nhiều, lại vừa thất lạc chưa sưu tầm hết được. Nhưng, nói như nhà thơ Chế Lan Viên lúc còn sinh thời: “Thơ anh ấy (Phạm Hầu) rất hay và xúc động: Nếu tôi đau. Trời đep! Nếu tôi đau. Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau…Ôi! Thơ của những con người như thế, cầm lên tay một câu, một chữ nặng cả một cuộc đời” (Vẫy ngoài vô tận. NXB Thanh Niên, Tr 102). Không chỉ là Chế Lan Viên mà còn bao nhà thơ lớn khác, như Lưu Trọng Lư trong hồi kí “ Nửa đêm sực tỉnh”, Huy Cận trong “Hồi kí song đôi”, phần viết về Phạm Hầu đều ghi lại một quãng đời đẹp đẽ trong tình bạn và sự trân trọng nuối tiếc về một thi tài mệnh yểu. Trong “Thi nhân Việt Nam”, con mắt tinh đời của Hoài Thanh - Hoài Chân cũng đã chuốt sáng từng dòng khi viết về Phạm Hầu: "Ở giữa đời Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mãi sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một con người giàu vô hạn. Lòng người là cả một Vọng Hải đài... "(Thi nhân Việt Nam. Xuất bản 1942). Dường như trong tất cả mọi bài viết về Phạm Hầu, nơi đâu ta cũng thấy loáng thoáng những lời, những ý có một mẫu số chung dự báo về sự mong manh của một cuộc đời. Cả thơ Phạm Hầu cũng thế, có vẻ như một thứ ngôn linh ông tiên cảm cho chính số phận của mình: Tiếng rên xiết giờ tàn khi chấm hết. Cảnh thường xuyên đêm sáng đổi thay màu… Hay đòi hỏi thịt êm và tủy nóng. Tôi xin nằm yên ổn cả hai tay ( Mãi dâng trọn hồn vui)
Nhưng một cuộc đời kiểu như thi sĩ - họa sĩ Phạm Hầu: Tôi theo tư tưởng vô cùng tận. Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu (Lý Tưởng) thì muôn đời sự cô liêu thăm thẳm mãi là người bạn đồng hành . Tâm hồn cao rộng của một nghệ sĩ tài hoa như ông thường luôn hướng tới siêu việt vượt thoát mọi giới hạn thường nghiệm. Có khi thi sĩ nuôi dưỡng một khát vọng nhưng lại cơ hồ đến tuyệt vọng:
Tôi đợi người đây, Tuyệt đích ơi!
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời
Biết rằng vô ích nhưng tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi (Lý tưởng)
Đọc thơ của Phạm Hầu ta thường bắt gặp những cõi, những miền siêu hình, vô tận, vô cùng, tuyệt đích… Ở đấy mới là xứ sở của nghệ thuật và tình yêu của thi sĩ. Vượt lên con đường mòn nhẵn thời gian: Sáng sớm rạng đông, chiều chạng vạng, ông khám phá tìm kiếm cái mới, cái lạ - một thứ mê say tưởng như thường hằng trong một nội tại luôn quẫy cựa, thao thức, mong đạt tới cái đẹp vẹn toàn. Và như thế xem ra, đấy chỉ có thể là một giấc không hồi kết thúc, ngày lại ngày Tôi đợi người đây, Tuyệt đích ơi! Đố ai mà biết được “ Tuyệt đích” của thi sĩ đấy là những cảnh giới nào. Nó là một xứ nắng thơm: Ao ước ngày mai trong nắng thơm, hay là hương là sắc: Một cái nhìn hương, chỉ thế thôi, hay là một nỗi buồn đẹp thần sầu: Nàng khóc bằng tay trên phím ngà. Những ngón tay dài như lệ sa… Chung qui lại, có thể nói tất cả xây thành một thế giới vừa ưu mĩ lại vừa mơ hồ luôn vây bủa một tâm hồn cô đơn, một con người mà theo sự mô tả của Huy Cận: “ Anh người mảnh dẻ, giọng nói rất nhẹ, gần như nói thầm, nhưng thỉnh thoảng cũng cười to lên, khi gặp một ý thích thú tâm đắc. Mắt Phạm Hầu như nhìn xa đi đâu, không phải là khoé mắt mơ mộng… mà là nét nhìn xa vắng” (Hồi kí song đôi). Cứ theo cách mô tả như vẽ nên từng nét, ta có thể tạc thành một chân dung Phạm Hầu thi sĩ mảnh mai- nhẹ nhàng- mong manh- dễ vỡ, lại tiềm ẩn chất chứa một niềm ưu tư trong ánh nhìn xa vắng kia để từ đó mà thành thơ: Tôi theo tư tưởng vô cùng tận, và thành hoạ: Ta thích nghệ thuật nào đêm ta đến vô biên. Hãy đọc khát vọng nghệ thuật của Phạm Hầu, một cách ông viết như chính hồn thơ ông lênh láng vậy: “Có hai nơi mà tôi ao ước sống. Một nơi bên Kim Tự Tháp ở Ai Cập, một nơi ở một khách sạn tại NewYork. Ở một nơi linh hồn tôi như gặp một kẻ hoàn toàn tin tưởng, mến yêu, một nơi tôi gặp một địch thủ ngạo nghễ và sung túc. Nhưng cái giá trị của một tình nhân là biết ngồi bên người yêu và cũng biết đứng trước kẻ địch. Linh hồn ta ơi! Trong phòng trắng ta hãy đi một chuyến qua bên thành phố vật chất kia để tự hiểu cái sự thật của người yếu hay kẻ mạnh, người về ta sẽ rõ…”( Vẫy ngoài vô tận. NXB Thanh Niên, Tr 254). Rất tiếc nhiều tư liệu về Phạm Hầu đến nay chưa sưu tầm hết được, nhất là phần hội họa, cũng rất có thể có những sưu tầm chưa thật chính xác về ông. Nhưng có lẽ vượt lên tất cả, Phạm Hầu đã là một huyền thoại. Ngay cả chuyện tình yêu của thi sĩ với nàng thiếu nữ khuê các ngồi chơi đàn cầm trong một khu vườn bên dốc Bến Ngự, một người con gái Huế mà theo thi sĩ mô tả là Nàng khóc bằng tay trên phím ngà/ Những ngón tay dài như lệ sa. Vâng, chỉ ngần ấy thôi, để cái đẹp ấy đời sau chiêm bái ra muôn nghìn tưởng vọng khác mà phủ mờ thêm bao lớp khói sương, để mỗi người tự giữ lấy như cất giữ một niềm bí ẩn về cái đẹp đã hư vô. Đã vĩnh viễn hư vô!
Cũng đã có một đôi nhà nghiên cứu khá kỳ công sưu tầm thơ và tranh thi sĩ Phạm Hầu. Ngay cả cái bức tranh siêu thực mang tên “ Cô đơn”, ông vẽ một hòn đá đầy rêu xanh, cái bức tranh tham dự triển lãm quốc tế tại Tokyo đã mang về giải nhất, về sau cũng đã tuyệt bản không tìm thấy. Chỉ còn nghe các hoạ sĩ tiền bối đồng thời với ông kể lại. May mà còn lại một ít ( hơn vài chục bài) thơ Phạm Hầu, còn lại cái đỉnh Vọng Hải Đài cùng với nắng sớm mưa chiều trên Ngũ Hành Sơn. Giờ đây mỗi khi đi qua vùng danh thắng này, núi ấy có thể trả lời cho ta về một sự hiện hữu mong manh mà bất tử. “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”, Vận câu thơ của Thiền sư Không Lộ vào đây để hiểu ra cái lẽ vĩnh hằng “ Một tiếng tâm linh ngàn tiếng vọng” chạm vào thần thức ta cụ thể là thế nào . Thôi thì cứ đứng trên Vọng Hải đài đá núi, thử bắt chước người xưa đưa tay về phương biển nghìn trùng ấy mà vẫy, mà ngâm nga vang vang lên: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai? Vào chính những lúc như thế ta sẽ hiểu thế nào là ngàn tiếng vọng, sẽ hiểu thế nào là Phạm Hầu thi sĩ Một sắc không bờ trên biển xa!
Ôi chao, người đi không để dấu trên đường là thế đó, Một phút dừng chân Vọng Hải đài mà vang hưởng suốt trăm năm!
Nguyễn Nhã Tiên.