TRẦN THU MIÊN - Quà Tết

16 Tháng Giêng 201712:16 CH(Xem: 7535)
TRẦN THU MIÊN - Quà Tết

Chuyện vượt biển của thằng bé 16 tuổi tên Dinh cũng như hàng ngàn câu chuyện vượt biển của người Việt đã được kể lại. Nhưng đời sống của Dinh sau khi được định cư tại Hoa Kỳ thì có lẽ không giống nhiều người Việt tỵ nạn khác, nhất là những thiếu niên cùng lứa tuổi.

Thằng Dinh được gửi đi vượt biên dù bố mẹ nó biết việc này sống chết như trở bàn tay. Nhưng thà mất con ngoài biển khơi còn hơn phải nhìn thấy con mình lớn lên giữa thời đất nước bị bạo quyền khủng bố và người dân cực kỳ đói khổ. Đại gia đình nó đã chứng kiến nhiều chú bác hai bên nội ngoại chết trong tù cải tạo hay ở vùng kinh tế mới. Bố mẹ Dinh gom góp gia tài mua vàng tìm đường cho Dinh vượt biên dù thất bại nhiều lần. Dĩ nhiên bố mẹ nó cũng kỳ vọng vào chuyến đi của Dinh, nếu thành công, cả nhà sẽ có dịp đi sau. Cuối cùng Dinh được gửi vợ chồng người cô ruột vượt biển. Sau gần hơn hai tuần lễ lênh đênh trên biển, tàu cạn dầu và hết lương thực, nhưng nhờ ơn Trên, gió thổi con tàu bé nhỏ tạt vào bờ biển Mã Lai. Mọi người trên tàu thoát chết và được đưa ngay vào trại tỵ nạn.

Nhập trại chưa đầy một tuần lễ, chú rể của Dinh đã tìm cách xua đuổi thằng cháu vợ. Chú Hảo trằn trọc suy nghĩ hàng đêm vì lo cho tương lai vô định của gia đình mình lại còn thêm gánh nặng phải nuôi đứa cháu vợ không có liên hệ máu mủ với chú. Chú rất lo sợ khi nghĩ đến trách nhiệm phải nuôi Dinh ăn học. Chính bản thân chú cũng chưa biết sẽ được định cư ở đâu và làm gì để sinh sống. Dinh đương nhiên trở thành món nợ quá lớn cho vợ chồng chú.

Một buổi trưa nóng bức, chú Hảo rủ Dinh ra bờ biển tâm sự.

“Cháu có nhớ nhà không?” Chú tỏ vẻ quan tâm.

“Dạ cũng nhớ.” Dinh nhìn lơ đãng ra biển trả lời.

“Thiếu niên như cháu vào Mỹ hay Gia-Nã-Đại sẽ được nuôi ăn học tốt.”

Dinh ngồi trên khúc gỗ khô nhìn những con sóng xô đuổi nhau vào bờ rồi lại rút lui mau lẹ, không biết phải nói gì với chú Hảo.

“Chú đã hỏi nhiều người làm việc ở văn phòng trại và ai cũng khuyên tìm cách cho cháu đi riêng thì tốt cho tương lai cháu.” Chú Hào vừa nói vừa nhìn ra biển và cố tình không nhìn Dinh. Rào đón gần xa rồi chú khuyên Dinh nên xin đi theo diện trẻ em vị thành niên vì được hưởng nhiều phúc lợi. Chú cũng bảo trong hồ sơ nhập trại, chú khai Dinh là con người bạn hàng xóm nên việc ghi danh theo diện thanh thiếu niên không cha mẹ họ hàng rất dễ. Dù mới 16 tuổi, Dinh rất nhậy cảm, nó mỉm cười nhìn chú Hảo một cách thản nhiên.

“Cháu cũng nghĩ vậy nhưng chưa dám thưa với cô chú thôi. Cháu không muốn làm phiền cô chú đâu!”

“Chẳng có gì phiền cả, nhưng chú chỉ lo cho tương lai cháu thôi.”

“Cảm ơn chú.”

“Cháu phải nói khéo với cô Hiên về việc này kẻo cô hiểu lầm chú.” Chú Hảo vỗ nhẹ lên vai Dinh.

“Thưa chú vâng!” Dinh trả lời rồi đứng lên phủi cát khỏi quần và bước đi không quay mặt nhìn chú. Trong bụng nó nghĩ thầm không ngờ chú Hảo lại tầm thường thế. Nó vẫn coi chú như thần tượng vì chú nổi tiếng học giỏi và họ hàng nhà nó ai cũng quí mến chú.

Dinh đi thẳng lên văn phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn xin được đi một mình và đã được nhận ngay tại chỗ. Dinh vội vã về lều đúng lúc cả chú Hảo và cô Hiên cũng vừa đi đâu về. Nó lẳng lặng bỏ vào túi đeo bộ quần áo và vài thứ cần dùng hàng ngày. Cô Hiên thấy cháu xếp áo quần vào bao tưởng Dinh mang ra giếng nước giặt.

“Cháu làm gì vậy? Để đấy cô giặt cho.” Cô dịu dàng nói.

Dinh bỗng lúng túng không biết trả lời sao. Chú Hảo đoán thầm Dinh đã xin đi riêng, nhưng vẫn thản nhiên.

“Ừ, cháu cần giặt quần áo cứ để cô Hiên giặt cho.” Chú nhìn cô Hiên dò ý.

“Dạ không, cháu xin phép cô chú cho cháu đi.” Dinh ngập ngừng.

“Đi đâu?” Cô Hiên hỏi.

“Sang ở khu trẻ em vô gia đình.”

“Cháu nói gì?” Cô lên giọng ngạc nhiên.

“Dạ trước khi đi bố mẹ cháu đã dặn sang đây phải tìm cách đi một mình để được nuôi ăn học.” Dinh nói dối.

“Sao có chuyện này đươc? Bố mẹ cháu đã giao trách nhiệm cho cô nuôi cháu.”

“Cháu nó nói có lý.” Chú Hảo xen vào vì không muốn hai cô cháu giằng co về việc này.

“Anh nói gì?” Cô trừng mắt nhìn chú Hảo.

“Anh đã hỏi và biết chắc là trẻ em không có bố mẹ trong trại được chăm lo kỹ và có nhiều triển vọng định cư tại Hoa Kỳ.”

“Thưa cô, chú nói đúng, và cháu xin phép cô chú cho cháu đi riêng.”

“Gia đình ruột thịt chỉ có cô cháu mình, tại sao cháu bỏ cô đi riêng?” Cô Hiên oà ra khóc rồi đưa bàn tay trần lên gạt nước mắt.

Dinh đứng im không trả lời. Cô Hiên vẫn sụt sùi kể lể, “Cô sẽ ăn nói thế nào với bố mẹ cháu đây?”

“Cháu hứa với cô là dù đi đâu cháu vẫn liên lạc cô thường xuyên.” Dinh tìm cách an ủi cô. Biết tính cháu mình ngang tàng như bố nó nên cô Hiên đành gạt nước mắt chia tay cháu, người thân yêu duy nhất của cô ở xứ người.

Chú Hảo ra giọng đạo đức, “Cô Hiên nói đúng, sang đây chỉ có hai cô cháu nên có đi riêng cũng phải tìm cách cho cô chú biết tin tức thường xuyên. Bất cứ lúc nào cháu muốn về sống chung với cô chú cũng được.” Nghe chú nói, Dinh càng thấy rõ sự hèn hạ lộ ra trong mắt chú Hảo. Nó lẳng lặng xách bao vải đựng bộ quần áo duy nhất và vài thứ đồ dùng vặt bỏ đi trong tiếng khóc thút thít của cô Hiên.

Hai tháng sau, Dinh được đưa sang Hoa Kỳ làm con nuôi một gia đình người Mỹ da trắng ở vùng Đông Bắc. Trước ngày rời trại, Dinh ghé chào cô Hiên. Cô hỏi đi đâu? Nó bảo vẫn chưa biết sẽ được định cư ở đâu. Cô ôm vai nó khóc sướt mướt. Chú Hảo đứng im lặng quay đi tránh nhìn cảnh hai chô cháu từ biệt nhau. Khi đến Mỹ, Dinh sống biệt lập trong khu dân da trắng trưởng giả vùng ngoại ô Boston. Cha mẹ nuôi Dinh làm đủ cách để nó sớm đồng hoá như dân da trắng. Từ lời ăn, tiếng nói, đến cách đi đứng, phục sức của Dinh đã được uốn nắn sửa đổi để trở thành một thiếu niên Mỹ, chỉ còn màu da và nguồn gốc của Dinh là không thay đổi được. Nếu được, có lẽ cha mẹ nuôi nó cũng đã làm rồi.

Ở Việt Nam bố mẹ đã cho Dinh học nhạc từ bé nên chàng chơi được nhiều nhạc cụ, đặc biệt là tây ban cầm và dương cầm. Từ ngày sang Mỹ, Dinh cũng được cha mẹ nuôi cho đi học thêm và thuê cả thầy đến nhà dạy mỗi tuần. Năm mười chín tuổi Dinh được học bổng vào học tại một đại học tư nổi tiếng. Tiền học bổng chỉ đủ trả tiền học, nhưng bố mẹ nuôi sẵn sang trả tiền nội trú cho Dinh. Để giảm tiền ăn ở trong nội trú, Dinh xin phép được ở ngoài và tự nấu ăn. Cha mẹ nuôi chiều theo ý chàng, đã thuê phòng cho chàng ở riêng. Chàng chỉ xin ông bà giúp mình tiền ăn ở cho ba tháng rồi sẽ tự lập. Vào Đại Học được nửa năm, Dinh gặp vài đứa bạn rủ nhau lập ban nhạc. Thời gian đầu ban nhạc của Dinh chỉ chơi cho những buổi sinh nhật con nít, hay những buổi gây quỹ từ thiện. Dần dà nhờ giọng hát ăn khách của Mary và tay đàn vỹ cầm độc đáo của John trong nhóm, ban nhạc đã có giao kèo chơi cho vài khách sạn nổi tiếng quanh vùng. Tiền chơi nhạc dư giả nên chàng bỏ học dù cha mẹ nuôi khuyên răn hết lời. Đêm chơi nhạc, ngày ngủ vùi, cuộc đời trôi nhanh đến nỗi không ngờ. Hai năm liền chàng sống quay cuồng trong thác loạn. Đã có lúc rượu, ma túy và gái dường như sắp phá hủy đời chàng. Cũng may, Mary bỏ ca hát sau khi lấy chồng, ban nhạc mất giọng hát ăn khách nên tan rã nhanh. Không biết làm gì, lại cô đơn, chàng trở về nhà cha mẹ nuôi và được ông bà khuyên răn nộp đơn đi học lại.

Dinh quyết định xin học tại trường đại học công lập cho bớt tốn kém. Hôm lên đại học làm thủ tục giấy tờ ở văn phòng sinh viên vụ, chàng gặp cô thư ký người Á Châu. Trong bụng chàng nghĩ cô là người Nhật hay Tàu. Lúc đứng điền đơn, cô ta nhìn chàng hỏi, “Người Việt Nam à?”

“Sao cô biết?” Chàng lúng túng khi nghe cô hỏi.

“Dễ mà, tôi nhìn mặt là biết anh người Việt Nam chính gốc.” Cô thư ký nước da ngăm ngăm, hai mắt sáng dưới vầng trán rộng thông minh, trả lời với nụ cười dí dỏm.

“Cô tài quá.” Chàng nhìn cô tỏ vẻ thán phục.

“Nói chơi thôi, tôi đã làm đơn cho nhiều sinh Việt nên nhìn tên của anh mới biết.” Cô thư ký vẫn cười tươi tắn.

Hai người nói chuyện bằng Anh Văn. Dù giọng nói Anh Văn của cô còn nặng, chàng vẫn không đoán ra nổi gốc gác nàng. Một lúc sau cô ta tự giới thiệu tên mình là Sương, Dinh mới biết cô là người Việt Nam. Bảy năm liền từ khi đến định cư tại Hoa Kỳ, chàng không tiếp xúc với người Việt nên đôi lúc đã tưởng mình quên cả tiếng Việt. Sương cũng qua Mỹ cùng thời với Dinh nhưng ở với gia đình nên nói tiếng Việt lưu loát. Sương đang học kế toán và làm full time để giúp đỡ gia đình. Từ lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy nàng trở thành người bạn Việt Nam đầu tiên chàng quen biết tại Mỹ. Sau khi ổn định việc ghi danh, Dinh xin phép cha mẹ nuôi dọn ra riêng. Chỗ ở mới của chàng không những gần trường mà lại không xa khu Việt Nam nơi gia đình Sương cư ngụ. Nhờ biết chơi đàn, chàng đã làm quen với sinh viên Việt Nam trong trường và tham gia sinh hoạt văn nghệ cho hội sinh viên. Dinh cũng bắt đầu mua sách báo Việt Nam về đọc và khả năng tiếng Việt đã tiến bộ nhiều.

Cô Hiên và chú Hảo cũng được nhận vào Mỹ. Sau thời gian biệt tín, cô Hiên đã nhờ hội Hồng Thập Tự tìm ra địa chỉ nhà cha mẹ nuôi chàng. Ông bà cho cô địa chỉ và số điện thoại của chàng. Lần đầu tiên điện thoại cho cháu, cô khóc sướt mướt, cô trách Dinh không liên lạc với cô và gia đình bên Việt Nam. Cô Hiên bảo cô và chú Hảo đã ly dị. Cũng may họ không có con. Chú Hảo sang Mỹ đổi tính nên hay chửi mắng cô nhất là khi cô gửi tiền về giúp gia đình bên Việt Nam, dù cô làm lương cao hơn chú. Cô rủ chàng sang ở với cô bên Ca Li cho vui, nhưng chàng viện cớ học chưa xong nên qua không được. Cô ngỏ ý sang thăm Dinh, chàng tìm cách từ chối hết viện cớ này sang cớ khác. Và hứa khi ra trường sẽ sang thăm cô. Từ khi liên lạc lại với cô Hiên, thỉnh thoảng chàng cũng nghĩ về gia đình, nhưng không thấy lòng rung động hay nhớ nhung. Mấy năm trời sống biệt lập không giao thiệp với người Việt Nam, hình ảnh gia đình và người thân quen đã thật sự lu mờ trong trí nhớ chàng. Ngày vượt biên vội vã, chàng không mang theo được kỷ vật nào của gia đình, kể cả hình ảnh bố mẹ và các em. Sự xa cách và đời sống mới làm hao mòn tình cảm gia đình trong trí nhớ và trái tim Dinh.

Nhờ quen Sương, Dinh tìm lại được bản chất Việt Nam của mình. Sau vài lần ghé thăm nhà nàng, chàng bắt đầu cảm thấy mình cũng cần những liên hệ tình cảm với gia đình và người thân. Lúc còn sống với cha mẹ nuôi, Dinh bị bao vây bởi nhiều thứ mới lạ về đời sống vật chất tại Hoa Kỳ. Cha mẹ nuôi chàng không bao giờ để chàng có giờ rảnh rỗi nhớ nhà hay làm việc riêng. Họ luôn luôn có sẵn những chương trình sinh hoạt cho chàng sau lớp học hay trong những ngày nghỉ. Chàng cũng bị thu hút vì tiện nghi vật chất và đời sống vội vã của những người chung quanh. Hình như cha mẹ nuôi chàng không muốn chàng tiếp xúc và giao thiệp với người Việt Nam, kể cả liên lạc với gia đình chàng. Họ rất hãnh diện về sự thay đổi và mất gốc quá nhanh của chàng.

Tết năm nay đến sớm hơn mọi năm và vào cuối tuần nên Sương rủ chàng ghé nhà chơi. Từ ngày sang Hoa Kỳ, Dinh không để ý đến tết nhất nên không còn cảm giác nôn nao như thời còn bé ở quê nhà. Trưa thứ Sáu ba mươi Tết, Dinh đến Sinh Viên Vụ đón Sương rồi hai người đi tàu điện từ đại học vào phố Tàu mua sắm đồ ăn Tết. Năm nay nhiều tuyết nên chỗ nào cũng trắng xoá. Tàu điện chạy ngang qua những khu nhà mái phủ tuyết và những hàng cây ven đường trĩu xuống vì tuyết bám vào cành đã thành đá, long lanh như thuỷ tinh.

“Dinh có nhớ Tết Việt Nam không?” Sương quay sang hỏi chàng.

“Nhớ chứ!” Chàng trả lời hơi lúng túng. Thật ra trong lòng chàng không có chút cảm xúc nào về Tết cả.

“Dinh nhớ gì?” Nàng hỏi tiếp.

“Thì nhớ nhà, nhớ lung tung.” Chàng tìm cách chuyển đề tài nên hỏi nàng bâng quơ. “Sương định cho Dinh ăn gì tối nay?”

“Dinh đói bụng rồi sao?” Nàng nhìn chàng thân thiện.

“Đói lắm.”

“Vậy chút xíu vào phố Tàu ăn mì vịt tiềm nhé!”

“Ăn gì cũng được. Lâu quá rồi Dinh quên món ăn Việt Nam.”

Hai người nhìn nhau mỉm cười rồi quay nhìn tuyết lất phất rơi bên ngoài khung cửa sổ tàu điện. Trời cuối tháng Giêng lạnh căm căm và ảm đạm. Người ngồi trong toa tàu ai cũng to lớn hơn kích thước bình thường vì những lớp áo quần mùa đông dầy cộm. Tầu dừng lại trạm China Town, hai người sánh vai nhau đi vào khu phố chật kín những cửa hàng và tiệm ăn Tàu. Đây là một trong những phố Tàu lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Dù sống ở vùng này lâu, nhưng Dinh chưa bao giờ vào khu này lần nào. Cha mẹ nuôi chàng chắc không muốn đưa chàng ra đây sợ chàng dễ nhớ nhà. Nàng đưa chàng vào quán ăn mà gia đình nàng thỉnh thoảng vẫn đi ăn. Quán này mới mở từ khi dân Việt Nam về định cư trong vùng. Tay chủ quán là người Chợ Lớn nên biết khẩu vị người Việt. Hai người được cô chiêu đãi dẫn vào ngồi bàn bên cửa kính. Chàng nhìn ra đường, tuyết đang rơi lác đác, nhưng không phủ kín được sự lem luốc bẩn thỉu trên đường đi. Rác rưởi khắp nơi. Khu phố nhơ nhớp nhưng rất nhộn nhịp vì hình như ai cũng cần ra phố chiều nay để mua sắm, hay lo công chuyện cho xong trước Tết. Sương kể cho chàng nghe là người Tàu ở phố này ăn Tết to lắm. Đêm nay họ sẽ đốt pháo vang trời và ngày mai sẽ có diễn hành lớn. Hai người ngồi ăn trong tiếng nói chuyện xì xào, tiếng húp đồ ăn, tiếng đũa và chén bát chạm nhau, nghe như một thứ âm thanh hỗn loạn nhưng quen thuộc. Dinh ăn vội vã, ngon lành. Còn Sương ăn rất chậm và thanh tao. Nàng cầm đũa cuốn những sợi mì vàng mềm óng dưới hơi khói, rồi thong thả đặt vào cái muỗng nhựa, và từ từ đưa lên miệng. Chàng bỗng thấy vui khi nhìn cách nàng ăn mì. Tự nhiên Dinh hình dung ra bóng dáng mẹ mình. Bà cũng có kiểu ngồi ăn thanh tao, quí phái như Sương. Mỗi lần nhà chàng đi ăn phở là chàng và hai đứa em thế nào cũng bị mẹ rầy vì cách ăn ngồm ngoàm vội vã của anh em chàng.

Khi hai người ra khỏi quán, tuyết đã ngừng rơi, nhưng trời chuyển mưa và gió. Họ đi sát vào nhau vì phải chia chung một chiếc dù. Sương đưa chàng đi vào tiệm bán thịt quay. Nàng mua thịt heo, vịt, và phá lấu. Nàng cũng ghé vào chợ thực phẩm mua mấy gói mứt, hạt dưa, và bánh kẹo.

Trên chuyến tàu điện đi về, chàng thấy nhiều người Á Châu trong toa. Ai cũng mang theo những gói thực phẩm hay kẹo mứt mua từ phố Tàu. Vài bà Tàu đã lớn tuổi nhưng còn cười nói ồn ào. Họ chả cần để ý đến ai, cứ tự nhiên bàn chuyện, và cách họ nói làm người xung quanh có thể hiểu lầm họ đang cãi nhau. Mới khoảng ba giờ chiều nhưng trời như sắp tối.

“Nhà Dinh ở Việt Nam ăn Tết ra sao?” Sương quay sang hỏi chàng.

“Thì chắc cũng giống người ta thôi.” Chàng tỏ vẻ hơi bối rối khi nàng hỏi chàng về chuyện gia đình. Đã lâu rồi chàng không còn nghĩ về gia đình nữa.

Càng ngày chàng càng thấy xa lạ với chính cảm nghĩ của mình về bố mẹ, và hai em.

“Mẹ Dinh có nấu bánh chưng không?” Nàng hỏi tiếp.

“Không, nhưng nhà bà nội Dinh năm nào cũng nấu bánh chưng.”

“Dinh thích ăn bánh chưng?”

“Thích chứ! Dinh thích ăn cả thịt đông lạnh và dưa cải chua nữa.” Câu hỏi của Sương gợi lại hình ảnh ăn Tết nhà chàng ngày xưa.

“Tối nay mình ăn những món này ở nhà Sương. Hy vọng cũng ngon như bà nội Dinh làm bên Việt Nam.” Nàng nói và nhìn chàng kín đáo.

Tầu điện chạy nhanh qua khúc đường cong nên người Sương nghiêng hẳn vào chàng và khăn quàng cổ bị rơi. Dinh cúi xuống nhặt lên rồi đặt vội lên vai nàng. Lúc cuốn khăn cho nàng, chàng cảm được hơi ấm thơm tho tỏa ra từ người nàng. Hai người ngồi im trong ý nghĩ riêng tư thật hạnh phúc. Dinh đưa tay sang cầm bàn tay Sương, xiết nhẹ. Nàng xích vai lại gần chàng. Hai người ngồi im cho đến khi tàu điện ngừng lại bến gần nhà nàng.

Dinh theo Sương vào nhà và gặp hai cậu em nàng đang ngồi coi Tivi. Bố nàng đi làm chưa về. Nàng bảo ông làm ca hai, phải mười một giờ mới tan sở. Nhưng hôm nay ông đã xin về sớm. Chàng ngồi chơi với hai cậu em còn nàng vào bếp sửa soạn bữa ăn muộn và tiệc giao thừa đêm nay. Chàng nhìn lên bàn thờ thấy bức hình mẹ nàng, được lồng trong khung kính riềm vàng bóng loáng, và đặt giữa hai chậu hoa tươi. Lần đầu tiên chàng nhìn bức hình mẹ nàng được phóng khổ lớn. Nàng đã kể cho chàng nghe là sau khi đến Mỹ hai năm, mẹ nàng qua đời vì ung thư. Nhìn hình bà chàng thấy nét hao hao giống Sương, nhất là vầng trán cao, rộng, và nụ cười rất tự nhiên. Mặt bà toả ra sự nhân hậu quí phái. Bà hẳn phải là người đàn bà đẹp lúc còn sống.

Hai cậu em nàng lấy cây Guitar và nhờ chàng chỉ cho vài hợp âm căn bản. Từ ngày sinh hoạt văn nghệ với Sinh Viên Việt Nam trên trường, chàng bắt đầu hát được những bài hát tiếng Việt. Chàng chỉ cho cậu em út nàng đệm bài tình ca quen thuộc và nghe được tiếng nàng hát theo vọng ra từ bếp. Khung cảnh chiều Đông trong nhà nàng sao ấm cúng quá. Chàng cảm nhận được niềm hạnh phúc ấm áp trong cách sinh hoạt của chị em nàng.

Bố nàng đi làm về sớm hơn mọi ngày để đón giao thừa. Ông vừa mở cửa vào, Sương chạy ra lăng xăng giúp bố cởi áo khoác, và giục ông đi tắm để ăn cơm. Nàng bắt đầu dọn thức ăn ra bàn. Dinh và hai cậu em nàng vào bếp giúp mang thức ăn ra. Các đĩa thức ăn trên bàn được nàng xếp đặt đẹp mắt hấp dẫn. Sương cũng dọn thêm một chỗ ngồi trên bàn ăn. Lúc đầu chàng tưởng còn một người khách đến trễ, nên nàng dọn sẵn chỗ cho khách, nhưng khi bố chàng đọc kinh ăn cơm, ông nhắc các con nhớ cầu nguyện cho linh hồn mẹ, chàng mới hiểu chỗ ngồi dọn cho người vắng mặt là chỗ dành để tưởng nhớ mẹ nàng. Bố Sương là người đàn ông vui tính, lại biết nhiều về phong tục ngày tết nên ông say sưa kể những chuyện khôi hài làm cả nhà cười rộn rã. Mọi người ăn uống ngon lành thoải mái. Sương để ý đến từng người trong bữa ăn. Nàng hết tiếp thức ăn cho bố, cho em, rồi cả cho chàng nữa. Đây là bữa ăn đón giao thừa đầu tiên trong đời chàng kể từ ngày vượt biên xa gia đình.

Chàng ở lại chơi đến quá nửa đêm thì phải về cho kịp chuyến tàu điện cuối cùng. Bố nàng ngỏ ý lấy xe chở chàng về nhưng chàng nhất quyết từ chối. Sương và hai em nàng đưa chàng ra trạm tàu điện. Hai người đi bên cạnh nhau trong gió đêm lạnh buốt. Đường phố vắng tanh. Nàng xiết nhẹ tay chàng rồi nói nhỏ, “Chúc Dinh năm mới nhiều may mắn.” Chàng nhìn nàng không biết nói gì.

Tất cả cảm giác chàng có chiều nay hình như còn mới lạ quá. Chàng không ngờ có ngày ăn giao thừa tại nhà một người bạn gái Việt Nam dễ thương và đảm đang như Sương. Suốt mấy năm liền chàng đón giao thừa tết Tây trong không khí náo nhiệt rộn rã với những người bạn Mỹ. Đêm giao thừa chàng thường say khướt giữa tiếng la hò, hay nhạc khiêu vũ cuồng loạn. Đêm nay chàng đón giao thừa Tết Ta trong không khí gia đình đầm ấm. Chàng không say rượu nhưng lòng lâng lâng như người đang say thứ men tình cảm dịu êm tuyệt vời. Sương xiết chặt tay chàng lúc chia tay. Dinh ghé sát vào tai nàng nói vội trước khi bước lên tàu, “Cảm ơn Sương cho Dinh một ngày tuyệt diệu.” Nàng đưa tay vuốt tóc nhìn chàng và trong khoé mắt nàng long lanh niềm hạnh phúc dịu ngọt. Chuyến tàu đêm lao đầu vội vã như người nóng lòng đi cho kịp giờ hẹn.

Dinh về nhà khoảng hai giờ sáng. Đi thật nhẹ trên hành lang vì sợ làm phiền hàng xóm. Chàng đến phòng thư tín của chung cư lấy thư rồi bước về phòng mình một cách rón rén như con mèo đi rình mồi trong đêm. Mở cửa phòng, chàng vất chồng thư từ và sách báo trên sofa, cởi áo khoác rồi đi tắm. Nước ấm làm chàng cảm thấy người nhẹ nhõm sau một ngày dài.

Ra phòng khách, bật tivi cho có tiếng nói trong nhà, rồi chàng nằm dài trên sofa cũ, màu vải bọc đã đổi màu. Dù nhà có phòng ngủ và giường, chàng vẫn thích nằm ngủ trên sofa và điều này đã trở thành thói quen. Chàng rất ít khi ngủ trong phòng ngủ, trừ khi có khách đến thăm ở lại. Hôm nay sau một ngày dài đi chơi và đón giao thừa ở nhà Sương, chàng bỗng thấy lòng mình trống trải và căn phòng hình như cô quạnh như chưa từng thấy. Chương trình tivi về sáng không có gì đặc biệt nên chàng coi lại mớ thư từ mới lấy vào để dỗ giấc ngủ.

Thường thì chàng không đọc các thư quảng cáo, nhưng trong lúc tâm hồn đang hoang mang vì những cảm giác lộn xộn trong lòng, chàng mở hết các bao thư và đọc từng tờ như người đang chăm chú học bài. Lúc cầm cái bao thư cuối cùng, chàng hơi xúc động. Người gửi thư cho chàng là cô Hiên. Hai cô cháu không thường liên lạc nhau vì ai cũng trải qua những thay đổi xáo trộn trong đời sống. Vả lại dù cô đã cố gắng liên lạc với chàng nhiều lần, chàng đã tỏ ra rất ơ hờ, làm cô tự ái. Ngay chính gia đình mình bên Việt Nam, chàng cũng đã không còn giữ liên hệ thư từ hay gửi quà về như nhiều người Việt Nam khác.

Những năm sống với gia đình cha mẹ nuôi người Mỹ đã phá hủy hầu hết tình cảm của chàng với gia đình ruột thịt mình. Sự thoát xác vội vã của chàng cũng đã xóa mờ ý thức về nguồn gốc mình. Từ ngày quen Sương và tham gia vào những sinh hoạt của Sinh Viên Việt Nam, chàng như người đã kiệt sức nhưng đang được hồi sinh. Ý thức về cội nguồn, nòi giống, màu da, tiếng nói Việt Nam như đang được phục sinh trong chàng. Gần đây chàng bắt đầu suy nghĩ miên man về gia đình, về những người thân thương, về những kỷ niệm thời thơ ấu.

Không khí bữa ăn giao thừa ở nhà Sương giúp chàng thấm thía được sự ấm áp của tình thương yêu gia đình. Cầm lá thư cô Hiên trong căn phòng cô quạnh, tự nhiên chàng cảm thấy bồi hồi. Dinh ngồi dậy, từ từ mở bao thư bên trong có lá thư cô viết và kèm thêm một phong thư đã cũ được dán kỹ. Tự nhiên nước mắt chàng tuôn trào ra. Tay run run chàng đọc rất chậm từng chữ.

Cháu Dinh yêu quý....Sắp Tết nữa rồi, cháu có nhớ nhà không? Cô dạo này mỗi lần nghĩ đến gia đình bên Việt Nam là mỗi lần cô khóc. Thỉnh thoảng nhớ cháu cô cũng khóc. Chuyện gì liên quan đến gia đình cũng làm cô khóc. Khóc riết rồi có ngày mù mắt...Nếu cháu không qua thăm cô được thì mùa xuân này nhất định là cô phải qua thăm cháu. Bố mẹ cháu viết thư cho cô hỏi cháu bây giờ ra sao. Cô chẳng biết trả lời gì. Lâu quá rồi cô cháu mình không gặp nhau...”

Chàng đọc thư cô và cứ tưởng như cô đang nói nhỏ bên tai mình. Cuối thư, cô viết, “ Gần đây dọn nhà vô tình cô tìm trong đống giấy tờ cũ món quà cô đã định gửi cho cháu từ lâu rồi, nhưng không hiểu vì sao vẫn còn nằm nguyên trong bao thư đã vàng ố. Có lẽ lúc ấy cô chưa có địa chỉ chỗ ở riêng của cháu. Năm nay cô phải gửi món quà này làm quà Tết cho cháu.” Không ngờ chàng đang đọc thư cô gửi đúng vào sáng mồng một Tết. Nhìn cái bao thư vàng ố được cô kẹp vào giữa trang thư, chàng lấy tay sờ nhẹ để đoán xem quà Tết cô cho là gì. Dưới ánh đèn điện, chàng có thể nhận ra đó là một tấm hình. Dinh nghĩ bụng chắc cô sợ mình quên cô nên gửi hình cô cho chàng. Vừa mỉm cười vừa cẩn thận mở quà cô gửi, bỗng dưng Dinh ngả lưng vào thành ghế sofa rồi bật khóc thành tiếng. Cầm tấm hình lại gần mắt để nhìn cho kỹ. Tấm hình trắng đen đã ngả màu, có chỗ hoen ố vì hơi nước. Chàng khóc ngất một lúc rồi gạt nước mắt nhìn lại để thấy rõ nét mặt bố mẹ và hai em trong hình. Tấm hình gia đình có cả hình chàng được chụp mấy năm trước khi chàng vượt biên.

Trời gần sáng, tuyết lại rơi. Chàng ngồi bên cửa sổ uống cà phê nhìn ra khung trời mờ mịt tuyết trắng và biết là mình đang nhớ nhà da diết. Có giọt nước mắt nóng hổi vừa rơi vào ly cà phê đen đang bốc khói. Rồi chàng đột nhiên đứng dậy như vừa bị lò so đẩy tung lên. Trong tích tắc, Dinh quyết định nghỉ học nghỉ làm vài ngày để sang Santa Ana, California tìm thăm cô Hiên, tìm lại bóng dáng gia đình mình nơi xứ lạ. Chuyến xe bus của hãng Greyhouse rời trạm South Station, Boston, đưa người thanh niên gốc Việt đã chôn vùi dĩ vãng và gia đình trong ký ức, lao đầu về phía trước như mũi tên bắn vào trái tim đang thoi thấp đập những nhịp đập bất thường.

(Truyện này được tác giả sửa lại, tháng 12, 2016). 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười Một 202410:41 SA(Xem: 13)
Từ lúc trung học đệ nhị cấp, tôi đã là người cọp sách chuyên nghiệp.
31 Tháng Mười 20245:51 CH(Xem: 144)
Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu.
31 Tháng Mười 20248:41 SA(Xem: 47)
Chỉ định ghé vào tiệm sách mua mấy chiếc bao thư và một lọ hồ dán mà ông lại lang thang giữa các quầy sách gần hai giờ đồng hồ
21 Tháng Mười 20248:22 SA(Xem: 97)
Thời đó, lũ con trai chúng tôi khoái chơi với ve sầu, dế hơn là bươm bướm.
13 Tháng Mười 20242:31 CH(Xem: 348)
Mãi mãi tôi chờ quỳnh dưới đáy hồ nước xanh trong và thơm như môi nàng.
25 Tháng Chín 20247:47 SA(Xem: 565)
Bên bờ Đông Hồng Hải, trong buổi chiều đang chìm dần theo một Mặt Trời rất đỏ, có người trai Lebanon lặng lẽ giữa những nỗi-niềm-chung-riêng-quá-đỗi
15 Tháng Chín 20249:22 SA(Xem: 650)
Ngược dòng. Tôi ngược dòng trận đại hồng thủy và loạt vỡ núi kinh dị trong lịch sử khí hậu Việt Nam...
07 Tháng Chín 20249:21 SA(Xem: 681)
hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa
31 Tháng Tám 20248:20 SA(Xem: 788)
Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!
21 Tháng Tám 20245:08 CH(Xem: 723)
Phán quan để tập giấy trắng xuống trước mặt tôi.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21060)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15944)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17589)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10305)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18770)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5127)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1865)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2415)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2252)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23567)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20052)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8861)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9898)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9274)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12330)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31818)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21554)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26602)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24040)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22833)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20947)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18980)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20157)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17720)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16807)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25881)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33201)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35609)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,