Tám giờ tối, một ngày cuối năm…
Đi xe đò từ bến xe miền tây ở Sài Gòn tới thành phố Cà Mau hết khoảng tám tiếng đồng hồ, kể cả dừng xe; khách xuống xe vào quán đêm dọc đường, cà-phê hoặc ăn uống gì đấy. Dừng xe ở quán đêm dọc đường, nơi nào đấy thuộc một tỉnh giữa lòng miền tây kinh rạch sông nước, với tôi thật động lòng cảm xúc. Tức thì mấy lời thơ Tô Thùy Yên theo trí nhớ hiện trong đầu: Nửa đêm bến bắc, mắt dõi nhìn ánh đèn tỉnh lỵ quê em… Rồi vào quán chỉ để đi thẳng tuốt phía trong, rửa mặt mũi ở đó, xong ra ngồi trên một chiếc ghế trong quán, kêu hay không kêu thức ăn thức uống, hoàn toàn tùy ý; không người chạy bàn nào tới giục hỏi ăn uống gì, thật thoải mái.
Những người văn nghệ miền tây, tất nhiên gồm Cà Mau trong đó, vốn nổi tiếng hào sảng, hiếu khách, chịu chơi hết mình. Nên cái vụ ngủ nghỉ ở đâu tôi không lo. Chả lẽ, dù chỉ biết có mỗi địa chỉ Lê Đình Trường, người cháu ruột của cô bạn văn Trần Thị NgH, tôi không có một chỗ ngủ vài ba tối? Mà dẫu Lê Đình Trường không tiện cho tôi một chỗ ngủ ở nhà anh hoặc nhà bạn, thì cái cơ quan của tờ báo hội văn học nghệ thuật Cà Mau lại không có mấy cái bàn trống vào buổi tối? Tôi có thể ngủ trên bàn, không cần mùng mền gì hết. Tôi đã dự phòng cả chuyện đó, cả chuyện muỗi Cà Mau mà tôi từng nghe nhiều người nói, đọc trong truyện ngắn truyện dài Sơn Nam, đất Cà Mau Muỗi kêu như sáo sậu, đỉa lềnh tựa bánh canh… Nên tôi mang theo cái mùng trùm đầu cá nhân, được cấp phát từ thuở học lính ở quân trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, tôi còn giữ… làm kỷ niệm, đã gần nửa thế kỷ.
Từ hình ảnh miền tây Nam bộ, ca dao tục ngữ văn học dân gian miệt Cà Mau, tôi nhớ tới Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn nữ mà rất nhiều người đọc sách đọc truyện, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, nói tới như một “đặc sản Cà Mau;” Nguyễn Ngọc Tư hiện đang làm việc ở thành phố Cà Mau, cùng trong tờ báo với Lê Đình Trường. Cuộc liều đi chơi, nghĩa là số tiền trong túi tôi khá khiêm nhượng, một chuyến cuối năm ở đất mũi Cà Mau này hứa hẹn nhiều thú vị. Thế nào tôi cũng sẽ gặp Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn “đặc sản Cà Mau” bằng xương bằng thịt.
Liên lạc qua điện thoại xong, tôi tới địa chỉ nhà Lê Đình Trường, thật dễ tìm. Vừa thấy tôi đến, Trường kéo tôi sang quán cà-phê ngay cạnh bên, khi những đống báo còn nằm ngổn ngang phân chia đầy dưới hiên nhà. Nhà anh là địa điểm phát hành báo Tuổi Trẻ ở thành phố Cà Mau. Ngồi xuống ghế trong quán cà-phê, anh nói ngay, có đọc thơ tôi từ hồi báo Khởi Hành, Thời Tập của Viên Linh xuất bản ở Sài Gòn. Anh hỏi tôi ăn gì, có bánh tằm thịt nướng, có…, nhưng tôi nói đã ăn sáng khi xuống bến xe. Tôi nói anh cứ dùng điểm tâm tự nhiên, và tôi kêu ly cà-phê đá thứ tư! Bởi vì xuống bến xe Cà Mau ở đầu thành phố thì mới 4 giờ sáng, tôi bước sang bên đường, ăn tô hủ tiếu, và uống ở đó ly cà- phê đá thứ nhất tại đó. Ở những quán tôi chưa biết rõ chất lượng cà-phê, luôn luôn tôi kêu cà-phê đá. Vì tôi quen uống cà-phê không đường, nên gặp thứ cà-phê gọi-là-cà-phê uống nóng và không đường thì như uống một thứ thuốc bắc; có đá sẽ loãng phần nào cái vị thuốc bắc đó. Ăn uống xong xuôi ở đấy, hút hết năm, sáu điếu thuốc lá ở đấy, đồng hồ mới chỉ 5 giờ. Không thể ngồi mãi một chỗ chờ sáng, lại thêm đám “xe ôm” hết người này tới người khác hỏi chú về đâu, tôi rời quán.
Chưa biết chỗ nào là trung tâm thành phố, trụ sở hội văn học nghệ thuật chắc phải ở khu vực đó, tôi lững thững đi bộ, hướng thẳng tới quốc lộ. Hẳn đây cũng là một đường phố lớn của Cà Mau, như bất cứ thành phố, thị xã, thị trấn nào ở Miền Nam. Nhiều quán cà-phê đã có khách. Tôi ngó vào một quán thấy hay hay, lại vào ngồi. Chiếc kim phút của đồng hồ mới nhích lên hai nấc số. Cứ ngồi quán, rồi tà tà đi bộ, tới trung tâm thành phố chắc chắn vẫn còn sớm. Ly cà-phê đá không đường thứ hai. Ly thứ ba, ở một quán cách quán vừa rời chỉ chừng mươi căn nhà.
Đấy là một ngôi nhà cũ xưa, mái ngói âm dương, nằm lọt thỏm giữa hai bên dãy nhà hộp cao tầng. Bàn ghế gỗ cũ xưa, một bà cụ đứng sau bệ gạch men, trên có hỏa lò đun nước pha chế cà-phê, ngay sát cánh cửa gỗ kéo dạt sang một bên hông nhà. Tôi có thể uống hàng chục ly cà-phê đá, nghĩa là uống thứ cà-phê có khả năng là cà-phê dỏm trong ngày. Bà cụ chưa già lắm, lưng còn thẳng thớm, đi lại đưa cà-phê, lau những chỗ bàn ướt, rồi ngồi cũng thẳng thớm, im lặng ngó ra lộ. Tôi trả tiền, ly cà-phê đá có 7 ngàn đồng, đưa tờ giấy bạc 20 ngàn đồng, không thấy bà cụ thối lại 13 ngàn đồng. Bà cụ nhận tiền xong, đi vào sau bệ gạch men cất tiền, lại ngồi thẳng thớm trên ghế, im lặng ngó ra lộ. Tôi nhắc, bà cụ giật mình, nói í quên. Bà thối lại tôi tờ giấy bạc 10 ngàn đồng, thêm một tờ giấy bạc 5 ngàn đồng nữa. Tôi trả lại bà 2 ngàn đồng, bà cụ lại nói í quên, lại cất tiền, lại ngồi thẳng thớm trên ghế, lại im lặng ngó ra lộ. Ngôi nhà cũ xưa, bàn ghế cũ xưa, bà cụ Cà Mau lặng lẽ này, quả đã ghi đậm hình ảnh mà tôi không thể quên, như rất nhiều thứ phải quên trong đời.
Lê Đình Trường ăn bánh tằm thịt nướng, ngưng ngang nhiều lần, chạy sang bên nhà tiếp tục với công việc phân chia báo. Anh uống khá nhanh ly cà-phê đá, lại chạy sang bên nhà. Tôi hỏi anh chưa phân chia báo xong hả, anh nói rồi, “Tui dìa kêu điện thoại cho thằng bạn thân coi nó có nhà không, chở anh sang chơi. Nó là thằng bạn thân nhứt của tui từ thời đi học, trước cũng sanh hoạt trong hội, làm thơ nhiều lắm, bi giờ tập trung làm ruộng, trồng cây, nuôi cá. Nhà ở cách thành phố năm, sáu cây số. Xã Tân Thành.”
Nhà người bạn của anh Trường “rất Cà Mau,” ở chỗ rất thoải mái. Lối đến, từ thành phố Cà Mau tới xã Tân Thành, đường tráng từng ô xi măng liền lạc ngay ngắn, chạy thông suốt, song song một nhánh sông Phụng Hiệp. Nhà xây lớn rộng, lại có hàng ba ở một bên hông nhà thoáng mát, kế con kênh nhỏ, ranh giới của nhà, một chiếc xuồng nhỏ nằm im lơi dưới mấy cành lá trên bờ đất thõng xuống. Ở chiếc bàn tròn, quá rộng với ba người ngồi uống trà, 9 giờ sáng, tôi nghe tín hiệu nhắn tin ở điện thoại di động. Nguyễn Ngọc Tư: Bạn nào mà gọi tôi quyết liệt vậy?
Từ lúc ngồi ở băng ghế đá, chỗ có trụ sở hội văn học nghệ thuật Cà Mau, tôi gọi điện thoại tới Nguyễn Ngọc Tư. Lúc ấy, 7 giờ sáng thứ bảy, cơ quan đóng cửa, tôi chờ người để hỏi đường đến địa chỉ nhà anh Trường. Tôi có ghi số điện thoại di động của Nguyễn Ngọc Tư, một người bạn trẻ làm thơ viết báo tại Sài Gòn cho biết. 7 giờ sáng ngày nghỉ, có thể ngủ muộn, thức dậy còn vệ sinh các thứ, nên Nguyễn Ngọc Tư không bắt máy. Nửa tiếng sau, tôi gọi tiếp, và gọi tiếp nữa, mươi, mười lăm phút sau đó. Chuông vẫn reng, và cô Tư vẫn không bắt máy.
Tôi đọc cái tin nhắn ở nhà bạn anh Trường, gọi lại, nói cho nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư biết ai là thủ phạm của sự quyết liệt. Có thể vì nghe tôi nói tên người bạn trẻ đã cho tôi số điện thoại của nhà văn nữ, nên Nguyễn Ngọc Tư nghĩ tôi cũng trẻ, xưng em, chiều mai em mới có mặt ở thành phố Cà Mau để anh gặp được, hiện nay em đang ở Hòn Đất - Kiên Giang, dự buổi lễ tổng kết cuối năm…
Tất nhiên ngày mai tôi sẽ gặp cô Tư, còn cả ngày hôm nay, tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi nào ở Cà Mau với anh Trường, có thể “uống tới bến” tại nhà người bạn anh Trường. Nhưng tới bốn, năm giờ chiều, sau vài chai rượu ngâm chuối hột uống rất ngon, ăn rất nhiều cá ba sa nấu canh chua, cá tra kho, tôm thẻ xào đọt bí rợ, chúng tôi phải đổi thực đơn từ rượu sang cà-phê, đổi địa điểm từ hiên nhà sang hiên vườn, ở phía tay phải ngôi nhà xây rộng lớn của gia đình bạn anh Trường. Vừa uống cà-phê, bạn anh Trường vừa nhắc đi nhắc lại với anh Trường, rằng phải kiếm cho ông anh một chỗ ngủ ngon lành nha. Anh Trường gật gù nói, rồi, dĩ nhiên là như dzậy!
Lê Đình Trường chở tôi về lại thành phố Cà Mau, “Tui chở anh tới khách sạn này, đàng hoàng lắm, để anh nghỉ.” Một nỗi ngao ngán, giống như nỗi ngao ngán để nói theo kiểu thời “a còng” là bó-tay-chấm-com, ào tới tôi như đợt sóng đột ngột dạt vào bờ, khi con tàu lướt qua khúc sông. Bởi vì trong cuộc liều đi chơi này, tôi không dành ngân khoản cho một chỗ nằm ở nhà nghỉ, nhà trọ loàng xoàng, nói chi một phòng ở một khách sạn đàng hoàng lắm, anh Trường đang tính chở tôi tới. Tôi nói, đi uống cà-phê với tôi ở cái quán này hay lắm, cái quán của bà cụ lặng lẽ, chỗ ngủ tính sau, bây giờ còn sớm mà. Nhưng khi đi ngang một cái quán khác, tôi nói anh Trường vào đó uống cà-phê, bởi cái quán của bà cụ lặng lẽ ở hơi gần bến xe, tôi ngại anh biết tôi sẽ về Sài Gòn ngay buổi tối này. Ngồi trong quán hơi lâu, tôi nói anh Trường cứ về nhà kẻo trễ giờ cơm chiều với gia đình, tôi sẽ nghỉ ở một nhà nghỉ coi hay hay, tôi đã thấy từ hồi sáng, “Sáng mai tôi sẽ gặp lại anh, rồi cùng đi gặp Nguyễn Ngọc Tư.”
Tôi rời Cà Mau lúc 8 giờ tối, cùng giờ tôi rời bến xe miền tây ở Sài Gòn, tối hôm trước. Nghĩa là, từ chiều tối ngày hôm trước, tới chiều tối ngày hôm sau, và tiếp theo, suốt chuyến xe đêm chạy từ Cà Mau về Sài Gòn, đường dài trên dưới bốn trăm cây số, tôi chưa hề ngả lưng nằm nghỉ một phút. Ngồi trên xe, tôi không thể ngồi ngả xoãi thân thể, cái thế nửa ngồi nửa nằm. Ngồi trên xe, tôi ngồi gần giống bà cụ Cà Mau, ngồi thẳng thớm, im lặng ngó ra lộ, con đường chạy giữa lòng thành phố. Tôi ngó ra quốc lộ, ánh đèn cây cầu thị trấn thị xã trong bóng đêm mênh mông.
Giá có một chỗ ngủ, giá tôi có nhiều hơn số tiền trong túi để có một chỗ ngủ ở nhà nghỉ, hẳn tôi sẽ gặp Nguyễn Ngọc Tư, cùng Lê Đình Trường và bạn anhs, đàn đúm cà-phê, bia rượu, ở ngôi nhà “rất Cà Mau,” và ở bất cứ chỗ nào, nơi thành phố tôi mới tới lần đầu, chưa đủ thì giờ biết một chỗ nào khác.
Chuyến đi xa rất ngắn này, tôi tiếc không gặp Nguyễn Ngọc Tư, một cô gái quê ở tận Đầm Dơi, nghe địa danh mà thấy xa mù tít tắp, mà hình dung vùng đất cuối cùng của đất nước còn như mãi mãi hoang sơ. Cô gái ấy viết văn, đã viết để tôi thấy đó là một nhà văn đích thực. Tôi cảm nhận Nguyễn Ngọc Tư không viết vì gì khác ngoài viết vì phải viết để thở, để tìm một ý nghĩa cho cuộc đời mình. Nhiều người nói Nguyễn Ngọc Tư là “đặc sản Cà Mau” hẳn vì ngôn ngữ văn phong trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư rất dân giã Cà Mau, nói chung miền tây Nam bộ; hiển nhiên như vậy, vì truyện viết về những nơi chốn ấy những nhân vật ấy. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không có dấu vết của một cô gái trẻ hiền lành chốn quê. Một người viết trẻ tuổi nhưng già dặn trong nhận thức, trong nhân sinh quan, thế giới quan…
Có thể lúc gặp Nguyễn Ngọc Tư, tôi sẽ chân thành để nói rằng, ở một vài truyện ngắn, một vài bài ký, tản văn, Nguyễn Ngọc Tư nên tự kiềm chế, đừng để cảm tính tràn lan. Chẳng hạn, viết về cuộc chiến ở Việt Nam, viết bất cứ những gì ở thời kỳ đó, nên rất thận trọng. Bởi cuộc chiến đã chấm dứt từ khi Nguyễn Ngọc Tư chưa ra đời; và bây giờ, người viết không thể viết vì nghe nói rằng, đoán hiểu thế này thế nọ, những gì được biết một cách lệch lạc, gián tiếp. Tôi biết Nguyễn Ngọc Tư ưa lời Phật, theo nhà Phật, bậc siêu trí của nhân loại. Phật từng dạy: không nên nghe nói mà đinh ninh đóng cột điều gì, dù người nói là bậc đáng tôn quý. Huống hồ những gì Nguyễn Ngọc Tư đã viết có liên quan tới cuộc chiến Việt Nam, lại nghe từ những người nói ở một phía. Đã đành Nguyễn Ngọc Tư sống ở thời hôm nay, bên những người hôm nay, có những thế lực hậu thuẫn hôm nay. Dù sao với tư cách một nhà văn, Nguyễn Ngọc Tư nên thận trọng. Có lẽ tôi sẽ nói như vậy, nếu gặp Nguyễn Ngọc Tư ở thành phố Cà Mau. Nhưng tôi đã rời thành phố, nơi Nguyễn Ngọc Tư đang sống và làm công việc báo chí trong một hội văn học nghệ thuật của nhà nước cộng sản.
./.