Nguyên Đán 1975,

24 Tháng Giêng 20206:55 SA(Xem: 8119)
Nguyên Đán 1975,

Tôi vẫn nghĩ, nếu có những sự kiện đáng ghi nhớ, bị thời gian xóa nhòa hay đánh cắp một cách thô bạo, khi người ta bước vào tuổi già thì, cũng có những sự kiện, thời gian đã cho thấy sự bất lực của nó. Với tôi, đó là những vết chém đã lành, vết sẹo có thể cũng đã nhạt, nhưng không vì vậy mà, con lươn nổi cộm trên da thâm, sẽ teo tóp. Nó vẫn còn đó. Nguyên trạng. Mỗi khi ta vô tình trông thấy, chạm phải hoặc, gặp một mùi hương vô tình dẫn lộ…

Tới giờ, tôi vẫn không quên (dù không muốn nhớ) một ngày trước Giáng Sinh tháng 12- 1975, buổi chiều, đi làm về, bỏ hộp đựng thức ăn trưa lên quầy bếp, tôi  thấy lá thư mang dấu bưu điện, một thành phố ở ngoại ô Paris. Mở ra, bên trong là lá thư tôi chờ đợi mỏi mòn, tuyệt vọng từ hơn nửa năm trước!  Ngồi xuống sofa, những dòng quen thuộc, nhưng xiêu vẹo của chị T. tôi, khiến tôi không nén được xúc động.'

hinh_gia_dinh_DTL_nam_1964-content

Mở đầu, chị tôi cho biết, đã nhận được tin tức của tôi, qua một lá thư tôi gửi cho chị N., ở Pháp, nhờ chuyển về Saigon cho mẹ tôi. Đó là lá thư đầu tiên của tôi, tới tay mẹ tôi, ở Saigon, sau hàng chục lá thư do Hội Hồng Thập Tự cung cấp miễn phí cho người tỵ nạn ở Camp Pendleton. Không hồi âm!!!

Chị tôi nói, lá thư ấy, như một thứ thuốc hồi sinh cực mạnh, giúp mẹ tôi tiếp tục sống được, sau một loạt tin đồn, cho rằng, tôi đã bị bắn chết ở chân cầu xa lộ Đại Hàn. Có  người cúi xuống, lấy chiếc ví đựng giấy tờ tùy thân của tôi. Nhưng người đó không biết ai là thân nhân, để trao lại!

Những dòng chữ nhỏ li ti, xiêu vẹo của chị T., như những con sóng dữ nhận chìm tôi cánh bèo tội nghiệp. Biết mình chẳng thể cản ngăn, tôi để mặc xúc động tìm lối đi của nó...

Cũng vậy, Tết Nguyên Đán Bính Thìn, ngày 11 tháng 2 năm 1976, là cái Tết đầu tiên của tôi, ở xứ người. Nó không mang lại cho tôi những giây phút nghẹn ngào như đứa trẻ con bị hắt hủi. Nhưng nó vẫn là vết chém để lại trong tôi, vết sẹo con lươn nổi cộm trên da, sau bốn mươi năm, lưu lạc.

Thời gian đó, gia đình anh Q. tôi được bảo trợ về thành phố Pomona, sau khi tôi được gia đình sponsor, đón về Costa Mesa. Ngôi nhà gần trường OCC.

Khoảng cách giữa Costa Mesa và Pomona không xa lắm. Hiềm nỗi, khi ấy, với tôi, đó là cả một đoạn đường đầy rẫy bất trắc...

Nhớ lại, sau khi ra trại được hơn hai tháng, tôi xin ông bà bảo trợ cho tôi “ra riêng”. Công việc thứ hai của tôi là công nhân dây chuyền trong phòng Lab của hãng Rockwell International, ở Newport Beach. Trước đấy, tôi nhận việc  ở một xưởng mộc, Santa Ana, với lương căn bản 2 đồng 10 xu / một giờ. Đứng đủ 8 tiếng mỗi ngày, qua tới tuần thứ hai, tôi xỉu tại chỗ…  Có được công việc thứ hai, lương gấp đôi, tôi thuê một căn apartment loại duplex, trên đường Harbor, cũng gần trường OCC. Để giữ việc và, giảm bớt những ngày mùa thu lạnh lẽo, co ro nơi mấy trạm xe buýt, tôi mua trả góp một chiếc Volkswagen số tay, cũ. Rẻ. Giống như chiếc Volkswagen tôi có, ở Saigon.

Từ ngày có xe, tôi nhớ chỉ đi thăm gia đình anh chị Q. tôi ở Pomona, đâu dăm ba lần. Đoạn đường tuy không dài lắm, nhưng mỗi lần chạy xe trên xa lộ 57, với tôi là cả một quãng dài căng thẳng, hồi hộp.

HuanLuanChuLe
Từ trái: Huân, Luân, Chú Lê, bố Quỳnh



Có dễ vì thế mà buổi chiều Mồng Một Tết, rơi vào ngày Thứ Ba, khi thấy tôi xuất hiện, anh chị và các cháu tôi, không khỏi bất ngờ.

Leo tới gần đầu cầu thang của căn apartment hai phòng ngủ, tầng thứ hai, chỗ ở của 6 người gồm cả lớn bé, tôi đã ngửi thấy mùi nhang quen thuộc. Một thứ mùi gợi lên sự  ấm áp của gia đình VN, những ngày giỗ chạp hoặc Tết nhất. Tôi tự hỏi, ở đâu ra mà chị tôi có thể có những thẻ nhang đó? Mùi thơm làm tôi khựng lại. Tôi hít đầy lồng ngực mùi hương, những tưởng sẽ chẳng bao giờ còn có thể được thở!.!

Bước vào, hình ảnh đầu tiên nhói mắt tôi, là chiếc bàn ăn cũ, phủ khăn trắng. Trên bày một bát ăn cơm, đổ đầy gạo làm bình nhang. Mấy cây nhang cháy dở. Tàn tro rớt trên ba tách trà. Vài chén chè. Con gà luộc ốm nhom, chúi đầu trên chiếc đĩa bày một tệp giấy bản màu vàng sốt rét; in chữ Tàu đỏ. Chúng đợi tiễn chân ông bà theo tục lệ gọi là hóa vàng, sau mấy ngày Tết? Gần đấy, hai cây nến đỏ, cắm tạm trong hai chiếc đĩa nhựa mà, những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến. Như những giọt lệ chờ góp nốt phần da, thịt cuối cùng của nó, cho ngọn lửa.    

Tôi thấy đủ các cháu tôi. (Trừ Trâm đã được bà bảo trợ cha mẹ nuôi lo cho nhập trường Berkeley. Ánh được gửi đi trước 30 tháng 4, trôi dạt đâu đó ở Canada).

LeDinhKimAnh_600-content
Ánh và chú Lê



Ở một góc phòng, Huân, Hoàng Anh, đang mở cuốn tự điển Anh-Việt bỏ túi, làm bài. Góc đối diện là Yến, Trinh chăm chú theo dõi một chương trình gì đó nơi chiếc TV to đùng, đặt trên một chiếc bàn gỗ nhỏ. Anh Q. tôi cũng đang theo dõi TV, từ một chiếc ghế sắt có tựa, kê gần bàn… thờ. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy Luân, được ông bà bảo trợ giầu có ở Hollywood chở Luân về thăm gia đình.

LuanHuan
Huân và Luân (con anh Quỳnh)



Không biết vì đâu, mùi nhang thoảng, không tan, tuồng bị cột, níu bởi một quá khứ mơ hồ nào đấy, làm tôi nao lòng. Tôi bất ngờ gặp lại tôi đâu đó, giữa quê nhà (?) Qua tấm kính lớn cửa sổ, tôi thấy những ngọn núi lầm lì vây quanh. Những ngọn núi xa, cao hơn, được tuyết rải lớp muối trắng, xốp. Dưới thấp, dăm cây sồi còn giữ lại được vài chiếc lá, héo. Khi gió thổi tới, những chiếc lá lạc loài, lung linh tiếng thở dài, tựa bài hát không lời, nhấn nhá nỗi buồn, chỉ nó biết!!!

Tôi chào anh Q.  Anh tôi vui hẳn; chỉ chiếc ghế con gần đó, bảo ngồi xuống. Tôi “Dạ. Vâng” rồi đi thẳng vào bếp, ôm vai chị Q. Chị đang nấu một nồi canh (?) Nhiều bóng? Su hào? Tôm khô? Cà rốt sắt nhỏ?

AnhQuynh_01-content-content
Nhà thơ Lê Vương Ngọc (Anh Quỳnh) anh cả của Du Tử Lê
 



Vẫn nụ cười buồn nhiều hơn vui, từ mấy chục năm trước, chị nói, chị không nghĩ tôi về được ngày Mồng Một Tết. Tôi nói, tôi xin nghỉ nửa ngày vì thế mà về trễ. Tôi hỏi chị kiếm đâu ra mấy thứ “xa xỉ” bày trên bàn… thờ? Chị bảo, cả tháng trước, chị đã phải nhờ người kiếm ở chợ Tàu. “Nếu không thì cũng chịu chết thôi!” Và chị nhắc nhở:

“Em xem có việc gì ở vùng em ở, xin cho chị làm. Bất cứ việc gì. Chị sẽ về Costa Mesa ở với em.”

Chị coi như tôi có khả năng giúp chị thực hiện cái mơ ước đau đáu ấy!?! Tuy nhiên, tôi vẫn “Dạ. Vâng” dù không có một ý niệm gì, trong đầu.

Trở ra, tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh anh tôi. Huân ra khỏi bài tập của mình, kể tôi nghe chuyện bán kem cuối tuần cho một tiệm kem ở downtown Pomona và, những đồng tiền típ… Luân hồn nhiên hơn, liến thoắng kể những mẩu chuyện liên quan tới ông bà bảo trợ. Cu cậu có vẻ hãnh diện khi biết người bảo trợ của mình là một tài tử từng đóng nhiều vai phụ, cho một số phim ở Hollywood. Tôi hỏi thăm anh tôi về việc làm ở một chi nhánh Bank of America, Los Angeles…

Không ai nói hoặc nhắc lại những cái Tết ở Saigon, trước tháng 4-1975. Cũng không ai nhắc tới mẹ tôi, chị T., và anh Dư tôi (đã đi tù cải tạo).

Anh_LeDinhDu-DTL-3_2011-content

Tôi không biết có phải vì bản năng sinh tồn, buộc mọi người phải quên đi? Hay đời sống mới đã lạnh lùng chặt đứt mọi rễ cây quá khứ? Như thể đó là những thứ gì từng được coi là tốt, đẹp, nay, bỗng trở thành hầm mộ tối tăm, phải lấp, bỏ? (Dù giữa phòng vẫn là… bát ăn cơm, đổ đầy gạo làm bình nhang. Mấy cây nhang đang cháy dở. Con gà luộc ốm nhom, chúi đầu trên chiếc đĩa sành. Tệp giấy bản màu vàng sốt rét, in chữ Tàu, đợi tiễn chân ông bà… Và, hai cây nến đỏ, với những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến. Như những giọt lệ chờ góp nốt phần thịt, da cuối cùng cho ngọn lửa…)

.

Khi dãy đèn thưa thớt chỉ đủ sức hắt những bóng cây Cypress tù mù, xuống mấy con đường Pomona rộng thênh, tôi mới bắt đầu lái xe về lại Costa Mesa. Huân, Yến, Hoàng Anh muốn tôi ở lại, sáng mai về. Chị Q. nói chiều Mồng Ba Tết, cố về. Đó là ngày giỗ anh Uyển tôi - - Người bị máy bay Pháp bắn chết ở Nho Quan năm 1951. Và cũng là ngày “hóa vàng”, đưa ông bà về trời.

AnhUyen-W-content
Anh Uyển và Du Tử Lê



 Tôi lại “Dạ. Vâng”; dù không nghĩ có thể trở lại.

.

Dò dẫm trên đường về, chiếc xe cũ của tôi lẻ loi bám sát vách đá, dưới chân những ngọn núi được tuyết rải một lớp muối trắng, xốp. Khi gió lay động rừng sồi dưới thấp, sót lại vài chiếc lá héo, nắn ná chưa rụng; lung linh tiếng thở dài, như bài hát không lời, chia buồn năm mới của tôi (?) Lẫn trong tiếng thở dài, tôi nghe được mùi nhang không tan, đâu đó. Tựa chúng bị cột, níu bởi một quá khứ hào hển mơ hồ nào đấy! Hình ảnh mẹ tôi, chị T. và, anh Dư tôi, cũng như vài chiếc lá héo, nấn ná chưa rụng. Âm bản câm. Lặng lẽ hiện rõ trong tôi.

Trong một giây, vô thức, tôi buột miệng: “Con đây! Me ơi!”

Me-DTL_1985-content

Gió buốt thổi vào lòng xe, qua những khe hở, cùng tiếng sóng xa lộ rì rầm, thay Mẹ tôi, dội lại.


Gần khuya, về tới nhà, tôi còn tự hỏi, liệu đời sống tôi có giống “… những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến, như những giọt lệ chờ góp nốt phần thịt, da cuối cùng của mình cho ngọn lửa?” Khi ngày Tết sẽ rất sớm, qua đi. Và, những chiếc lá héo, sót lại trong rừng xồi, dù nấn ná cách mấy, rồi cũng phải rụng! Nhưng, ai sẽ rụng trước?

Tôi cầu xin hãy là tôi. Trước nhất.

Du Tử Lê
      

       

Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Tám 20178:49 SA
Khách
Hồi ức vẫn nằm đâu đó..
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Một 202412:00 SA(Xem: 9238)
Vấn đề là khi sống, chúng ta có dám tách khỏi nguồn, thoát khỏi dòng, chọn lấy cho mình, đường bay độc lập?
30 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 21479)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
24 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 8935)
Hôm nay, cách nửa vòng trái đất, dù không hứa với ai, nhưng tôi biết, tôi sẽ nhớ (mãi nhớ) một phần đời chúng tôi, đã tháp nơi cây xà cừ “trấn môn” ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư.
19 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 5551)
Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010,
18 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 17462)
Nhưng điều gì đã xẩy ra giữa Nguyên Sa và Sáng Tạo, khiến nhà văn Mai Thảo không che dấu bùi ngùi trước sự kiện tác giả “Thơ Nguyên Sa” chấm dứt cộng tác với Sáng Tạo.
07 Tháng Mười Hai 202212:00 SA(Xem: 6668)
Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn
07 Tháng Chín 20229:13 SA(Xem: 3327)
Hôm mới về đây, tôi thù ghét Túy vô cùng. Tôi nhớ mãi ánh mắt ra điều kẻ cả, đàn anh của hắn, nhất là giọng nói kênh kiệu.
20 Tháng Bảy 202212:00 SA(Xem: 6279)
Thưa chị Kim Huệ, chị hãy hãnh diện, có một người chồng, như Nguyễn Hữu Khang.
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 8294)
Bạn tôi nói, bạn tôi muốn thay hai chữ “đời sau” bằng “làm thơ”. Bạn tôi giải thích với hai chữ này, bạn tôi tự nhủ, bạn tôi cũng đã vừa…“làm thơ” trong hoàn cảnh đang mê mê với công việc của mình!!!
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 8718)
Pleiku, với tôi, chính là thành phố tự thân, có được cho riêng nó, cái nhan sắc đằm thắm. Kín đáo ấy. Mặc dù dư luận hay thành kiến, từng ghi nhận đó là nơi lưu đầy của những người kém may mắn.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21479)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16145)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17808)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10504)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19037)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5313)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2005)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2614)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2383)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23713)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20159)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8997)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10097)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9363)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12560)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32005)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21642)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26814)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24209)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23019)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21155)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20296)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17803)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16859)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26130)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33408)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35683)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,