Tôi biết tiếng hát Quỳnh Giao từ khi tôi vào trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vinh-Long) vào năm 1950. Lúc đó cô chỉ là một cô ngọc nữ xinh tươi với cái tên là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, lấy cái tên Đoan Trang của mình làm nghệ danh. Cô hát chung với ông anh Bửu Minh của mình (lấy nghệ danh là Anh Minh). Cả hai là con chung của nữ danh ca Minh Trang và hoàng thân Nguyễn Phước Ưng Quả. Ông Ưng Quả là thầy dạy của Thái tử Bảo Long, một bậc trí thức nổi bật trong hoàng tộc thuở đó, đã từng viết nhiều tờ báo tiếng Pháp do người Pháp chủ trương.
Quỳnh Giao là hậu duệ của ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vương cùng ông anh khác mẹ là ngài Tùng Thiện Vương nổi tiếng về thi ca. Dòng dõi của vương, về bên nữ có vài bà tôn nữ giỏi thơ văn như Công Tằng Tôn Nữ Tri Túc (bút hiệu là Cỏ May, Cỏ Tháng Giêng), Công Tằng Tôn Nữ Tri Thức (bút hiệu là Hoàng Du Thụy), Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang (bút hiệu là Thanh Nhung). Riêng Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang khi đến tuổi cài trâm lại lấy nghệ danh là Quỳnh Giao. Và khi ra hải ngoại, cô bắt đầu cầm bút viết phê bình văn chương, viết những bài tưởng niệm các nhạc sĩ vừa qua đời hay vinh danh các nhạc sĩ còn tại thế.
Tôi đã say mê cô ngọc nữ Đoan Trang cùng cậu kim đồng Anh Minh song ca bài “Dưới Nắng Hồng” của Dương Thiệu Tước. Eo ơi, cả hai mới sáu bảy tuổi chứ mấy, khi hát mà còn ngân nga rựa ràng nào khác cặp song ca Bích Chiêu & Tuấn Ngọc vốn là hai chị em ruột (chị gái và em trai). Và khi Đoan Trang lớn lên để trở thành cô xuân kiều xinh tươi thì tôi quên hẳn cô vì lúc đó cô theo đuổi việc sách đèn và học môn dương cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Đến khi cô trở thành thiếu nữ đoan trang thùy mị với nghệ danh Quỳnh Giao thì tôi được nghe cô hát trên đài Sài Gòn và đài Quân Đội, khi thì song ca với Mai Hương, khi thì tam ca với Mai Hương và Như Thủy (em gái Nhật Trường), và sau hết tam ca với Mai Hương và Phương Nga. Làm sao tôi quên được Mai Hương, Quỳnh Giao và Như Thủy tam ca bản “Hồ Lãng Bạc” của Xuân Tùng; ở điệp khúc cả ba ca thật xôn xao như sóng lớp lớp bủa vào mạn thuyền, nghe đã hết sức!
Vào năm 1971, tôi mới được diện kiến Quỳnh Giao tại đài Sài Gòn. Cô có dắt cháu Dương Ngọc Bảo Cơ (con gái duy nhất của cô) theo. Cô bé bước đi lẫm chẫm xinh xắn như một quả tim. Còn Quỳnh Giao thì giữ dáng dấp một cô thiếu nữ 16. Chiếc áo dài của cô bằng lụa tằm hơi dầy nhưng mềm mại ửng màu nguyệt bạch, cách tô chuốc son phấn quá phơn phớt, quá gượng nhẹ của cô làm tôi tưởng chừng đó là một nữ sinh viên hơn là một ca sĩ. Tuy nhiên ở chỗ giáp nhau ở cổ áo, cô có cài chiếc trâm nhỏ hình tròn cỡ cúc áo có nạm chuỗi hột lấp lánh. Trong cuộc phỏng vấn cô, tôi tán gẫu với cô nhiều hơn là đặt câu hỏi. Tuy nhiên khi bài phỏng vấn đăng trên tuần san Minh Tinh, cô rất hài lòng. Và cô mời tôi đến tư thất cô cho biết. Thuở đó cặp uyên ương DNH & Quỳnh Giao ở chung với dì cô là bà quả phụ Đỗ Thế Phiệt (giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc). Tuy là sống dưới mái nhà với bà Đỗ, nhưng cả hai có giang sơn biệt lập với chỗ ở của bà. Cho nên những khi tôi đến viếng cô thì không bao giờ tôi gặp bà.
Miền Nam thất thủ; trước ngày 30/4/75 vài hôm, gia đình Quỳnh Giao di tản qua đảo Guam rồi định cư trên tiểu bang Virginia. Còn tôi, phải đợi đến hai năm sau mới định cư trên đất Pháp. Bên kia Đại Tây Dương, Quỳnh Giao dạy tư gia môn dương cầm. Trên đất Pháp, tôi làm báo, viết báo. Và mãi tới năm 1983, tôi bắt đầu viết văn trở lại. Tới năm 1986, nhờ nhà thơ nữ Vi Khuê cũng ở Virginia mà Quỳnh Giao và tôi nối lại giao du. Vào năm 1989, tôi qua bên Washington D.C. ra mắt quyển “Giai Thoại Hồng”, có ở chơi nhà vợ chồng cô một ngày một đêm. Thuở đó cô còn chung sống với anh DNH ở thành phố Annandale. Rồi sau đó, chín năm sau, tức là vào năm 1999, tôi trở qua Washington D.C. ra mắt quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” thì cô không còn ở Annandale nữa; cô đã ly dị anh H. từ lâu, hình như vào năm 1990 thì phải và đã thiên cư qua bên California.
Vào một sáng giữa thu lành lạnh, nhưng nắng đẹp tuyệt vời như bạc lỏng, Quỳnh Giao lái xe đến nhà bạn của tôi tức là Tiến sĩ Phạm Văn Hải (khi viết văn ký bút hiệu Hải Vân Phạm Văn Hải) ở trong vùng thơ mộng nhất của thành phố Falls Church để đưa tôi đi ăn trưa tại tiệm mì Kim Sơn. Chúng tôi có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, chuyện ca giới lẫn chuyện văn giới, chuyện những văn nghệ sĩ còn kẹt ở quê nhà cho nên chẳng ai ăn hết tô mì. Sau đó, cô đưa tôi về tư thất cô nằm trong khu tráng lệ của thành phố Fairfax. Nhà cô sạch bóng, cách chưng dọn thật trang nhã. Tại phòng khách có treo tấm ảnh phóng đại của cô chụp chung với người bạn lòng của cô. Đó là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, một chính khách và cũng là một học giả.
Cách xa nhau 9 năm, trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi thư từ qua lại chỉ có vài lần. Nhưng khi thực hiện được dĩa nhạc nào, Quỳnh Giao cũng nhớ gửi tặng tôi. Gặp lại cô ở Virginia, tôi thấy cô đẹp dễ sợ. Trước đó, nhan sắc cô chỉ dễ coi mà thôi. Cô trội hơn các ca sĩ khác ở vẻ cao sang thanh thoát của một tôn nữ, ở kiến thức văn chương nghệ thuật theo truyền thống “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nhưng bước vào tuổi ngũ tuần, cô hiện thân là một trung niên mỹ phụ. Thần thái cô sáng rực lên. Gương mặt với cặp má hơi thỏn của cô thuở nào thì giờ đây lại đầy đặn thêm ra. Cặp lưỡng quyền tuy thế vẫn không mất, vẫn còn rõ nét để tạo cho cô một vẻ duyên dáng nồng mặn. Bởi vì không có lưỡng quyền rõ nét, khuôn mặt người đàn bà sẽ trơ trẻn và phèn phẹt như tảng bánh đúc thế nào ấy! Cặp mắt cô được tô viền đen, sáng rờn rợn, sáng uy nghiêm...
Trong lúc chuyện vãn về ca nhạc, Quỳnh Giao không dùng những danh từ chuyên biệt dành cho âm nhạc, mà dùng những ngôn từ rất là “bà già trầu” đã được tôi nạm lác đác trong quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” của tôi. Không hiểu có phải cô muốn làm đẹp lòng tôi mà nói những tiếng quê mùa? Hoặc là cô thấy ngôn ngữ chuyên biệt dành cho âm nhạc trở thành những pho cẩm thạch vô hồn khi bàn chuyện với một tác giả ưa viết truyện miệt vườn như tôi? Hay là trong lúc nói chuyện với người bạn cố tri, cô thấy ngôn ngữ “bà già trầu miền Nam” lại gợi cảm hơn?
Hồi còn ở quê nhà, trên Tivi tôi chưa thấy ai hát bản “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối (do Thế Lữ phổ lời) tươi vui rạng rỡ như Quỳnh Giao, dù khi diễn tả bài này cô không nhún nhẩy, không phô trương mắt liếc miệng cười. Hát mà lẳng nhức lẳng nhối, điệu đà, ỏn ẻn như mấy cô vợ bé nũng nịu với chồng là không có cô. Ở ngay tiếng hát cô, khán thính giả đã thấy mùa xuân tươi sáng và tuổi trẻ hạnh phúc ở trong đó rồi. Còn bản “Giòng Sông Xanh” của Johann Strauss (do Phạm Duy phổ lời Việt) nữa chi. Cô hát sao mà nhẹ nhàng, thênh thang, trơn ngọt, ngân bằng nguyên âm (vocaliser) thật sướng tai! Từng chuỗi ngân dài như dải lụa rập rờn trong gió tuôn ra không chút nắn nót.
Thuở đó, Quỳnh Giao hơi gầy, hơi kiều nhược, nhưng giọng cô lại khá mạnh. Mỗi sáng cô uống một cốc nước cam vắt pha mật ong để cho trơn cổ mát họng trước khi tự luyện giọng bằng cách vocaliser từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp những vần a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư… Đó là lối luyện chân truyền của các ca sĩ Tây Phương.
Quỳnh Giao hát cực kỳ điêu luyện, ai cũng biết. Quỳnh Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi và sành điệu, chắc chẳng ai quên. Nhưng mấy ai biết được sự thủy chung và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô, là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng được bao người đi nữa.
Ở ngoài đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát cô quý phái theo. Cô không bao giờ vừa hát vừa nhỏng nhẻo với khán giả, hoặc làm như hổn hển say nhừ lạc thú ái ân như mấy bà sủng phi ỏn ẻn mê hoặc đức vua hiếu sắc hiếu dâm, như mấy cô kỹ nữ nịch ái các khách làng chơi khờ khạo. Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực. Người chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà cũng không đắng đậm như mật gấu. Tuy nhiên cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ. Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào. Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng lóa như pha lê. Từ khi ra hải ngoại, khi hát ở những chỗ hơi trầm, tiếng cô hơi khào khào một chút, thật gợi cảm như giọng thiếu phụ. Tuy nhiên, rồi đâu cũng vào đó, tiếng hát cô cũng trở về cái giọng thánh thiện và trinh khiết gợi nên hình ảnh thiên thần cánh trắng.
Giọng Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chỗ ngang ngang thì nó quá dịu mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ kiều nhược. Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa như giọng Ánh Tuyết, tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn chắc, vẫn dẻo, vẫn thoải mái và thống khoái. Cô lại còn ưa chuyền hơi, từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ, nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào!
Từ năm 1986 cho tới bây giờ, ngoài hai băng nhạc “Hát Cho Kỷ Niệm 1” và “Hát Cho Kỷ Niệm 2”, Quỳnh Giao thực hiện cho riêng mình những dĩa nhạc “Khúc Nguyệt Quỳnh”, “Tiếng Chuông Chiều Thu”, “Chiều Về Trên Sông”, “Ngàn Thu Áo Tím”, “Hành Trình Phạm Duy”. Lại còn dĩa nhạc “Tìm Nhau Bốn Mùa” mà cô hát chung với Kim Tước và Mai Hương nữa chi!
Quỳnh Giao thường hát những bài chọn lọc, có phẩm chất cao. Cô không chiều theo thị hiếu của khán thính giả tạp nhạp. Cô nhắm vào khách sành điệu ít oi, dù nghìn người chỉ có một người đi nữa. Cô hát những bản có nhiều chỗ lên cao để cô có thể biểu diễn giọng kim cao vút và sáng nguy nga, sáng lồng lộng của mình như “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy, “Tiếng Dương Cầm” và “Mưa Trên Phím Ngà” của Văn Phụng, “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Hữu Mục, “Tiếng Thời Gian” của Lâm Tuyền, “Hoài Cảm” và “Thu Vàng” của Cung Tiến. Bản “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn và bản “Đường Chiều Lá Rụng” của Phạm Duy tuy không có chỗ lên quá cao nhưng vẫn là hai bản khó hát, các ca sĩ có kỹ thuật non kém sẽ hát tuột giọng, đâm hơi, lạc giọng… Nhưng vốn có kỹ thuật thâm hậu, Quỳnh Giao hát rất đúng giọng, không sai một bán cung, rất điệu nghệ, càng nghe càng khoái.
Càng lớn tuổi, cô càng luyện giọng siêng chăm hơn nên làn hơi cô thêm mạnh, chuỗi ngân càng đẹp tuyệt vời. Rõ ràng là đây là rượu bồ đào càng để lâu càng nồng ngát say sưa.
Từ căn bản, giọng hát của Quỳnh Giao trong như nước ngọt mát rỉ rả trong lòng giếng trên chùa đồi Mai mà nhà văn Nguyễn Tuân đã nói tới trong truyện ngắn "Những Cái Ấm Đất" (trong tập truyện "Vang Bóng Một Thời"). Nước ấy ngon khác nào nước mưa sa giữa trời được hứng bằng chiếc bồn Xích Bích tráng men mà nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội đã tả trong quyển tiểu thuyết dã sử "Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp". Hai thứ nước ấy dùng pha trà, chưng yến, chưng sâm rất ngon; nhưng khi múc từ giếng từ bồn ra uống liền thì nước trôi tới đâu mát mẻ khỏe khoắn tới đó, làm ẩm khách liên tưởng tới cam lộ trong tịnh bình của Quan Thê Âm Bồ Tát.
Ngoài âm sắc trong veo như vừa kể, tiếng hát đó tràn tới ta như nắng mai thật sáng đẹp, thật tươi vàng như hổ phách vào ngày Nguyên Đán hay những ngày cận Tết. Nắng đó như giát thủy tinh lên lá cây bóng mượt, như rắc pha lê lên mặt ao đầm gợn sóng lăn tăn ... Những tấm lụa đào phơi trong nắng sẽ hắt ánh hồng rực rỡ lên đôi má trắng mịn của cô gái đến gần lụa làm người ngắm tưởng chừng như cô đang say rượu hợp cẩn. Những bông hoa hải đường, hồng nhung, thiên lý, hoa ti-gôn, hoa đậu ván, hoa mướp, hoa cải sẽ thắm sắc và xôn xao màu hơn.
Tiếng hát cao vút không gợn đục bởi tình cảm sướt mướt của Quỳnh Giao một khi cất lên như đưa tâm hồn khán thính giả đến tận nẻo Lam Kiều in trên mây xanh nổi chập chùng mây trắng để họ bước vào cõi tiên. Ở đó, sẽ có những nàng tiên như trong cổ tích Việt Nam như Giáng Hương, Giáng Kiều, Liễu Hạnh hay những nàng tiên như trong thần thoại của Trung Hoa như Hằng Nga, Vân Anh, Thái Loan, Lộng Ngọc đón đợi chúng ta bằng những tiếng hát lót nền cho tiếng hát của Quỳnh Giao.
Hồ Trường An
(Bài viết trích trong sách"Chân Dung Những Tiếng Hát - Quyển 1", Nhà xuất bản Tân Văn Tokyo, năm 2000)