NGUYỄN NHÃ TIÊN
Gió hồi âm
Vẫn là gió của thu xưa
thổi se sắt nỗi buồn thưa thớt buồn
bến hoang vu
những linh hồn
từ thanh vắng bỗng dập dồn áo bay
Vỡ từng âm sắc vàng phai
sông trôi như nỉ non hoài điệu quê
người đi
thây kệ người đi
hồi âm tôi tiếng mùa về xa xăm
Lở bồi một cuộc trăm năm
quán không lót chỗ tôi nằm nhé thu!
Mộ khói
Có ai buồn với tôi không
hoàng hôn sao lại hoàng hôn một mình
tay vàng khói thuốc vây quanh
tôi đắp mộ khói xây thành hư vô.
Bài thơ vô ngôn
Đã mây trắng đường xưa ký gởi (*)
Đã nẻo về của ý thong dong (**)
Đã lấp lánh sông Hằng suối chữ
Đã...
Cõi trời phương ngoại một vầng trăng
Đã, đã đi và rồi sẽ tới
Bờ bên kia ánh sáng thượng hằng
***
Mặt đất guộc gầy dấu chân quá vãng
Con chạy về nơi mây trắng vừa bay
Có một vầng trăng yên bình tịch tĩnh
Quang chiếu hồn con nhịp thở ngày ngày.
________
(*), (**) Những tác phẩm " Đường xưa mây trắng, Nẻo về của ý" của Nhà văn - Thiền sư Nhất Hạnh đã xuất bản.
Con quạ trên mồ thi sĩ Bích Khê
Bích Khê là nhà thơ thuộc trường-phái Tượng Trưng. Theo Thạch Trung Giả: Tượng Trưng Chủ Nghĩa là dấu hiệu báo trước sự ra đời của Thần Bí Chủ Nghĩa (Trong sách “Văn Học Phân Tích Toàn Thư” trang 645)
Cây tùng trên lũng mây trôi
Bỗng thấy bóng quạ im hơi trên cành
Giữa vùng núi biếc vây quanh
Có mồ thi sĩ tuổi xanh chưa tròn
Muôn năm tạo vật hao mòn
Người nằm một chỗ, quạ còn xa bay
Tiền-thân có phải là đây?
Quạ về đứng đó quên ngày sang đêm.
(Sáng-tác:7/2008. Bổ-túc: 3/2017)
Chuyến bay cuối cùng của Saint-Exupéry
Hình ảnh một Tinh Cầu Giá Lạnh Trơ Trọi cứ thấy lai-vãng trong những tác phẩm của Saint Exupéry (Theo nhà phê-bình Albérès trong sách “Bilan littéraire du 20è Siècle” )
Chuyển-thư, phi vụ miệt mài
Đêm đêm từng chuyến đến vài thành đô
Phố chân trời, đèn nhấp nhô
Dưới kia ngàn dặm biển hồ rất xanh
Tầng cao, một chớp lao nhanh
Mất vào biển rộng, mong manh kiếp người
Lần trang Di Cảo lưu đời
Tinh Cầu nào bạn vẫn ngoài trời đêm?
(Sáng tác: 7/2008. Bổ túc: 3/2017)
City of Walnut, California