Khi nói về những nhà thơ hiện đại ở Bình Thuận, một trong những người được nhắc đến đầu tiên là Nguyễn Bắc Sơn. Thơ và tên tuổi của Nguyễn Bắc Sơn đã vượt khỏi ranh giới và vươn xa, được nhiều người yêu mến. Anh tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Từ năm 1972, khi thi phẩm "Chiến tranh Việt Nam" ra đời, Nguyễn Bắc Sơn đã trở thành hiện tượng thi ca của miền Nam. Nhiều người yêu thơ đã say mê những câu thơ hào sảng, thấm đẫm tình cảm, nhưng cũng đầy khinh bạc của Nguyễn Bắc Sơn. Qua thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhiều người đã bắt gặp tâm trạng của mình - một thế hệ tuổi trẻ bị cuốn vào cuộc chiến đau thương, phi lý và không có lối thoát...
Năm 1980, khi công tác tại Phan Thiết, tôi được quen biết và gần gũi Nguyễn Bắc Sơn. Ngày ấy, mỗi buổi sáng chúng tôi gồm: Mai Sơn, Mai Phong, Đỗ Quang Vinh... được gặp anh thường xuyên khi uống cà phê tại Du Lịch Thuận Hải trên đường Trần Hưng Đạo. Chúng tôi được ngồi nghe Nguyễn Bắc Sơn nói chuyện. Với vầng trán rộng thông minh, đôi mắt tinh anh và cặp tai to, vểnh, Nguyễn Bắc Sơn với kiến thức uyên thâm, anh có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hiện tại, thi ca. Chúng tôi ngồi yên, say mê nghe người anh lớn nói chuyện về "Ba ngàn thế giới"... Sau đó, nhiều năm, chúng tôi không còn gặp được và ngồi uống cà phê cùng anh. Mãi đến năm 1985, bất chợt tôi gặp lại anh tại La Gi. Lúc này, trông anh có vẻ ngoài lôi thôi và "bụi" hơn xưa. Gặp lại anh, chúng tôi mới biết: Suốt trong nhiều năm qua, anh thường đi lang thang. Có khi từ Phan Thiết anh đi cả tháng trời, lúc thì ở Tà Cú, lúc Tà Mon, lúc Suối Đó... không về nhà, làm cho gia đình anh rất lo lắng. Nhiều khi, bạn bè tìm được gặp anh, đưa anh về Phan Thiết, nhưng nửa chừng anh lại không theo xe đò về, tiếp tục lang thang. Dạo này anh thường nói nhiều, cũng có lúc ngồi im, râu tóc bơ phờ, điểm bạc, trông dáng vẻ khác người. Nhiều người vẫn yêu mến anh, nhưng cũng có người thầm nghĩ anh không bình thường, Nguyễn Bắc Sơn “ chập”!. Chúng tôi biết từ sau năm 1975 anh không còn làm thơ như trước và thường trốn gia đình đi lang thang không định hướng.Bạn bè thương anh,có người tặng anh một ít tiền ,để anh cà phê, đi xe …Nhưng khi, gặp người nghèo khó, anh liền móc túi, tặng lại cả, thế là anh rổng túi. Nguyễn bắc Sơn không bao giờ quan tâm đến chuyện tiền bạc!
Đến năm 1995, nhà văn Đoàn Thạch Biền và bạn bè yêu mến anh đã tập hợp thơ của anh in và phát hành tập: "Ở đời như một nhà thơ Đông phương". Điều này làm anh và những người yêu thơ thấy đời ấm lòng. Tôi còn nhớ lần gặp anh trong quán cà phê, nghe anh nói nhiều chuyện mà thực sự không ai hiểu anh đang nói gì, có người lo lắng cho thần kinh của anh, nhưng chính lúc ấy có một ông đưa anh tập bản thảo thơ nhờ anh viết nhận định. Nguyễn Bắc Sơn đọc nhanh qua, chớp mắt anh lục trong túi áo lấy ra tờ giấy lộn và viết nhanh một bài thơ đưa cho người bạn:
"... Rừng sơ nguyên, mộng nguyên sơ
Đại Bi sư tử mần thơ động tình
Vốn xưa trái đất đồng trinh
Bây giờ quẫy cựa một mình đồng hoang
Thơ mi tiếng vọng rú ngàn
Như con nai tía như chàng du côn
Đọc xong tưởng "Lá hoa cồn"
Trôi ngoài Nam Hải, gác cồn Biển Đông..."
(Trích tựa tập thơ: "Rừng sơ nguyên"
của Trần Yên Thảo)
Nhiều người trợn tròn con mắt cảm phục anh, riêng ông bạn già thì mừng như bắt được của quý khi nhận bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn. Ai dám bảo Nguyễn Bắc Sơn không bình thường?... Và chúng tôi nhớ mãi hình ảnh lang thang lếch thếch của Nguyễn Bắc Sơn với nhiều u uẩn trong những chiều anh ngồi một mình bên Suối Đó. Mãi đến khi chúng tôi được đọc bài thơ "Cha và con" của anh, lòng bất chợt chùng xuống và yêu anh vô cùng. Nhiều thế hệ đã đồng cảm và thấy mình trong thơ Nguyễn Bắc Sơn…:
"... Cái ngu đần của kẻ thông minh
Là Cái đó chính là Cái đó
Bố qua đời đúng năm năm
Tôi viết bài thơ này
Để tâm sự cùng một người khuất núi
Thuở sinh tiền
Ông rất thương tôi
Và tôi rất thương ông
Nhưng hai chúng tôi
Đúng là hai người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm
Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy
Bi kịch của bố con tôi
Là bi kịch của hai thằng tây đen
Cùng đi kiếm con mèo đen
Trong đêm đen mù mịt
Các vị thánh hiền thời xưa
Bảo thế giới loài người
Giống như chiếc đuôi cong
Của loài chó
Chúng ta là những đứa trẻ con
Chổng khu vuốt chiếc đuôi này cho thẳng
Vuốt cho thẳng rồi
Thả tay ra là nó cong trở lại
Nếu mỗi chúng ta có làm điều gì tốt đẹp
Chẳng qua là để phát huy một tấm lòng son
Còn trái đất cứ ngày đêm sáng tối
Thịnh đã rồi suy
Suy rồi lại thịnh
Bố ơi bố đã ra về
Con ở lại làm thơ và chữa bệnh
Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
Thành hay bại chỉ là chuyện vặt.
..."
Nguyễn Bắc Sơn không ngừng trăn trở về cuộc sống, nhiều người trong chúng ta ray rức và thương anh nhiều khi đọc những dòng thơ anh viết cho con anh:
"Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
Con đường ba đi đã chọn từ lâu
Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau
Rồi mai mốt khi các con đã lớn
Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
Để thấu hiểu vì sao ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than."
Chúng tôi vỡ vạc ra nhiều điều. Bài thơ như là một lời tâm sự và là thực trạng hoàn cảnh , nỗi lòng của Nguyễn Bắc Sơn. Chúng tôi hiểu vì sao suốt những năm dài anh đi lang thang và có những chiều buồn u uẩn. Phải chăng anh bị chấn động tâm lý? Chúng tôi lại liên tưởng đến Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Tất Nhiên, Hemingway... Khi những thiên tài, những nghệ sĩ gặp những chấn động tâm lý trong cuộc sống thường đi lang thang, hay đi tu, thậm chí có người tự tử!... Và, chúng tôi hiểu vì sao Nguyễn Bắc Sơn - anh có những chiều u uẩn và những tháng ngày lang thang vô định. Mãi đến những năm sau này anh mới trở về sống bên mái ấm gia đình trong tình yêu thương.
Nguyễn Bắc Sơn từ trần vào ngày 4 tháng 8 năm 2015 tại Phan Thiết trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và những người yêu thơ anh.
Năm 2014, nhà văn Nguyên Minh đã thực hiện tạp chí Quán văn với chuyên đề chân dung thơ Nguyễn Bắc Sơn. Lúc này, sức khỏe anh đã yếu hơn trước nhưng anh rất vui và ấm lòng trước tình nghĩa của bạn bè và những người làm văn chương dành cho anh. Điều này chứng tỏ thơ hay sẽ sống mãi với đời.
Chúng tôi còn nhớ vào năm 2013, Nguyễn Bắc Sơn đã viết tặng Hoàng Minh Tuấn - người bạn nhỏ của mình một bài thơ:
"Con chim ăn trái Bồ đề
Còn anh rụng xuống cõi mê cuối đời
Mây bay đùa giỡn trắng trời
Một chàng thy sỹ ráng ngồi ngắm mây
Bệnh già chào đón vẫy tay
Linh hồn cũng sắp thành mây về trời
Ngồi nghe biển sóng xa rời
Anh em ở lại cõi đời cho vui."
Đi qua những thác ghềnh, trải qua những vui buồn, mật đắng của cuộc sống, Nguyễn Bắc Sơn đã an nhiên với cuộc đời. Bài thơ như một lời chia tay cuộc đời với một tâm thế thanh thản, đạt đạo của một thi sĩ đích thực.
… Đến bây giờ, Nguyễn Bắc Sơn đã đi vào cõi an nhiên được 3 năm. Mỗi lần , lên đỉnh gió Tân An – nơi anh đã từng đến trong những ngày đi lang thang, nhìn "mây bay đùa giỡn trắng trời", chúng tôi lại nhớ về hình ảnh u uẩn của Nguyễn Bắc Sơn ngày xưa ngồi trên đồi sim tím chiều hoang biền biệt !...
Lê Ngọc Trác
La Gi, 11/10/2017